Nghị quyết mới của ĐCSTQ bỏ quy định ‘cấm tôn thờ cá nhân’, dọn đường cho độc tài?

Lục Du

Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình (ảnh: Youtube/CCTV).

Theo Joongang, vào ngày 17/11, tờ Nhân dân Nhật báo đã đăng toàn văn ‘nghị quyết lịch sử’ được thông qua tại cuộc họp thường niên vào ngày 11/11của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nghị quyết này được Nhân dân Nhật báo đăng trên 5 trang, bao gồm cả trang nhất. Nội dung nghị quyết đã bỏ đi những quy định cấm tôn sùng cá nhân.

Nghị quyết mới nhất của ĐCSTQ được xem là “nghị quyết lịch sử” thứ ba sau các nghị quyết lịch sử thời Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Trong nghị quyết này, những cụm từ có thể kìm hãm chế độ độc tài, chẳng hạn như cấm tôn sùng cá nhân, hay cấm lãnh đạo trọn đời đã biến mất. Thay vào đó là các nội dung có khả năng thay đổi hệ thống lãnh đạo tập thể của ĐCSTQ và củng cố quyền lực cho Tổng Bí thư Tập Cận.

Joongang nhận định, chắc chắn ông Tập sẽ tiếp tục tại vị nhiệm kỳ thứ ba sau Đại hội Đảng lần thứ 20 được tổ chức vào nửa cuối năm sau. Tờ Nihon Keizai Shimbun dự đoán “lãnh đạo trọn đời đã xuất hiện” một lần nữa tại Trung Quốc.

Các “nghị quyết lịch sử” càng về sau này, ĐCSTQ càng hạn chế thừa nhận những sai lầm của mình. Thuật ngữ ‘sai lầm’ xuất hiện 125 lần trong nghị quyết đầu tiên của ĐCSTQ vào năm 1945, giảm xuống 96 lần trong nghị quyết thứ hai vào năm 1981, và chỉ còn xuất hiện 14 lần trong nghị quyết lịch sử lần này. Ngược lại, cụm từ “thành tích” xuất hiện tới 16 lần trong nghị quyết mới nhất của ĐCSTQ.

Một giáo sư khoa học chính trị và ngoại giao tại Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, chỉ ra rằng “Khi một quốc gia mạnh mất khả năng nhìn nhận nội tâm, họ thường rơi vào tình trạng kiêu ngạo và không quản lý được khủng hoảng”.

Nghị quyết “lịch sử” lần thứ ba dùng cách diễn đạt nhẹ nhàng khi nói về sự kiện đàn áp Thiên An Môn, nói rằng đó là một ‘biến động chính trị’ và ‘bất ổn’. Việc đàn áp các cuộc biểu tình ở Hồng Kông hai năm trước được liệt vào danh sách 13 thành tựu thời Tập.

Toàn văn nghị quyết lịch sử lần thứ 3 của ĐCSTQ thời Tập lên tới 36.000 chữ. Nó đã vượt qua 28.000 chữ trong “nghị quyết lịch sử đầu tiên” vào năm 1945 và 34.000 chữ trong “nghị quyết lịch sử thứ hai” vào năm 1981.

Về phần nội dung ca ngợi thành tựu trong các nghị quyết của từng thời kỳ, thời Mao chiếm khoảng 5.600 chữ, thời Đặng chiếm khoảng 4.100 chữ. Nghị quyết lịch sử lần thứ ba đã dành ra khoảng 19.000 từ để ca ngợi thành tựu lãnh đạo của ông Tập trong 9 năm cầm quyền.

Related posts