Bắc Kinh đang kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu, Mỹ và đồng minh đã làm gì để đối phó?

Lục Du

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: Từ video của Arirang News)

Vào đầu tháng 11, Epoch Times cho đăng bài viết của Tiến sĩ Antonio Graceffo nếu ra những dữ kiện cho thấy sự nguy hiểm của chính quyền Trung Quốc, khi thế lực này đang giành ưu thế lớn trong việc kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, Mỹ và đồng minh đã nhìn ra vấn đề và khai triển đối sách để đối phó với sự lấn lướt của Bắc Kinh.

Bài viết của Tiến sĩ Graceffo có tiêu đề “Sự kiểm soát của Trung Quốc đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ mở rộng trên biển và lên mặt trăng”. Ông cho biết, Khi nói đến chuỗi cung ứng, mọi con đường đều dẫn đến Trung Quốc, ngay cả khi các sản phẩm được “sản xuất” ở nơi khác.

Tại sao Trung Quốc có thể thông trị chuỗi cung ứng toàn cầu?

Theo Graceffo, nhiều người không biết, và hiểu được lý do tại sao Trung Quốc có thể thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu một cách triệt để đến vậy. Từ những thứ nhỏ bé như kim loại và nguyên tố quan trọng để sản xuất thiết bị điện tử phần còn lại của thế giới cũng phụ thuộc vào nguồn cung Trung Quốc.

Vị tiến sĩ có hơn 20 năm làm việc tại châu Á lý giải rằng Trung Quốc có được điều này là vì CCP trong kế hoạch 5 năm lần thứ 11 (2006-2010) và 12 (2011-2015) khuyến khích các công ty Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài. Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 CCP đặt ra mục tiêu tăng cường vị thế của Trung Quốc đối với các kim loại.

Để thúc thúc đẩy việc này, CCP cam kết hỗ trợ tài chính cho các công ty Trung Quốc đầu tư ở nước ngoài thông qua hệ thống ngân hàng nhà nước mà CCP nắm giữ.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), được CCP gọi là “giai đoạn chiến đấu quyết định”, với mục tiêu kiểm soát ngành công nghiệp kim loại màu toàn cầu. Chiến lược này, cùng với kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”, còn nhắm tới việc mở rộng đáng kể các ngành công nghiệp chiến lược và quốc phòng, cũng như khoa học và công nghệ của Trung Quốc.

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, vào tháng 10/2016, đã công bố một kế hoạch chi tiết bao gồm các chỉ thị cho các doanh nghiệp nhà nước mua và kiểm soát các mỏ kim loại ở các nước giàu tài nguyên trên toàn thế giới.

Graceffo cho hay, để đảm bảo hơn nữa việc thống trị thị trường khoáng sản trong nước, Bắc Kinh đã áp đặt các hạn chế xuất cảng đối với những nguyên tố được sản xuất tại Trung Quốc. Những hạn chế này là chủ đề của các khiếu nại của Tổ chức Thương mại Thế giới do Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, cũng như Nhật Bản và Mexico, với lý do Trung Quốc cạnh tranh không lành mạnh.

Trung Quốc đang kiểm soát những gì?

Graceffo cho biết thêm thông tin rằng, một số thương hiệu máy tính xách tay tự quảng cáo là “không sản xuất tại Trung Quốc”, nhưng thực chất những sản phẩm này phụ thuộc vào đầu vào từ Trung Quốc, vì chúng được cấu tạo từ các nguyên tố như than chì, coban, liti, crom, vanadi, magie, antimon, và đồng. Những nguyên tố này hầu hết đều nhập từ các công ty được kiểm soát bởi Trung Quốc.

Trung Quốc hiện cung cấp hoặc kiểm soát một nửa số nguyên liệu thô được sử dụng trên toàn thế giới. Trung Quốc cũng đang cung cấp 69% Graphite được sử dụng trong pin sạc. CCP thông qua các công ty Trung Quốc đang kiểm soát 35 công ty khai thác Cobalt của Cộng hòa Dân chủ Congo. Bắc Kinh kiểm soát 86% nguồn cung magie toàn cầu, mặc dù nguyên tố này có thể được tìm thấy ở Hoa Kỳ, Israel, Brazil, Nga, Kazakhstan, và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại Úc, Trung Quốc kiểm soát 91% tổng lượng khai thác lithium, cũng như 75% trữ lượng của loại vật liệu này. 90% lithium trên thế giới có nguồn gốc từ Chile, Argentina, và Úc, nhưng thông qua đầu tư vào các công ty tại các địa phương, Trung Quốc hiện kiểm soát 59% nguồn cung lithium trên toàn cầu.

Thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, CCP đang kiểm soát lĩnh vực khai thác mỏ ở nhiều nước giàu tài nguyên thiên nhiên trên thế giới như Kazakhstan, Nam Phi, Zimbabwe, … thông qua đó CCP đang thống trị nguồn cung đồng và crom.

Trung Quốc đang kiểm soát 90% nguồn cung cấp antimon của thế giới và cho đến năm ngoái, họ sở hữu 100% các nhà máy chế biến antimon trên trên toàn cầu, mặc dù antimon có nhiều ở Nga, Úc và Tajikistan.

Antimon được dùng trong công nghiệp điện tử. Loại nguyên nguyên tố này cũng được dùng để sản sản xuất mái lợp chống cháy, sơn, gốm, men, một loạt các hợp kim, và cao su.

Theo SCMP, Trung Quốc hiện là nhà sản xuất đất hiếm số một thế giới với sản lượng lên tới 132.000 tấn/năm, trong khi trữ lượng đất hiếm của nước này vào khoảng 44 triệu tấn, chiếm hơn 1/3 trữ lượng đất hiếm toàn cầu.

Đất hiếm là một hợp kim gôm 17 nguyên tố, và gần như không thể thiếu trong các sản phẩm điện và điện tử.

Vào năm 2010, khi Trung-Nhật xảy ra căng thẳng ngoại giao liên quan tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Senkaku, Bắc Kinh đã gây khó khăn cho Tokyo khi ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật.

Mỹ cũng bị phụ thuộc lớn vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc. Sự phụ thuộc này được thể hiện rõ qua việc, vào năm 2019, khi cuộc thương chiến Mỹ-Trung đang diễn ra kịch liệt, chính quyền Trump lúc đó sau khi đã áp hàng loạt thuế cao lên các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng vẫn không tăng thuế đối với đất hiếm từ nước này.

Martijn Rasser, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (Center for a New American Security) từng đưa ra cảnh báo: Nếu Trung Quốc thực sự muốn giảm xuất khẩu đất hiếm, thì Hoa Kỳ sẽ gặp khó trong những năm tới.

Điều ông Rasser lo lắng là có cơ sở. Reuters dẫn số liệu thống kê cho biết 80% lượng đất hiếm Mỹ nhập khẩu trong giai đoạn 2014 – 2017 là từ Trung Quốc, trong khi 20% còn lại cũng được xử lý ban đầu tại Trung Quốc.

Ở cuối bài viết của mình, Tiến sĩ Graceffo cho biết, ngoài việc đầu tư vào các quốc gia khác để thống trị nguồn cung trong chuỗi cung ứng toàn cầu, CCP đang muốn mở rộng việc khai thác các loại tài nguyên khác nhau dưới đáy biển để tiếp tục giữ vững vị thế của mình. Các công ty Trung Quốc đã đệ trình 30 yêu cầu lên Cơ quan Đáy biển Quốc tế (ISA) để hiện thực hóa mục tiêu này.

Chưa dừng lại, Trung Quốc còn có tham vọng khai thác tài nguyên trên mặt trăng. Năm ngoái, tàu thăm dò của Trung Quốc đã đáp xuống mặt trăng và mang về 2 kg mẫu vật. Giám đốc Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, ông Bao Weimin, đã đề xuất thành lập một “Đặc khu kinh tế Trái đất-Mặt trăng” vào năm 2050.

Mỹ và đồng minh hành động

Không chấp nhận ở thế bị động trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Mỹ và đồng minh đã xây dựng các kế hoạch để ít nhất không phụ thuộc Trung Quốc, và xa hơn là đẩy lùi ảnh hưởng của Bắc Kinh trong lĩnh vực này.

SCMP cho hay, vào năm 2019, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz đã giới thiệu dự luật với nội dung thúc đẩy khả năng sản xuất tại Mỹ để tránh bị Bắc Kinh sử dụng lợi thế sở hữu nguyên liệu thô làm vũ khí trong các cuộc đàm phán kinh tế và chính trị với Washington.

Cũng trong năm 2019, theo Industry Week, tại một diễn đàn về khoáng sản ở Washington D.C, các quan chức và giới chuyên gia Mỹ bày tỏ lo ngại sâu sắc về sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn khoáng sản quan trọng từ nước ngoài và đã thảo luận các giải pháp để khắc phục.

Tại sự kiện này, thượng nghị sĩ Lisa Murkowski (đảng Cộng hòa, bang Alaska) nêu ý kiến rằng Mỹ còn nhiều mỏ khoáng sản có trữ lượng lớn tại các bang Nevada hay Alaska và nên cho phép khai thác để đáp ứng nhu cầu.

Lầu Năm Góc cũng không đứng ngoài cuộc khi đề ra kế hoạch 4 giai đoạn nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng khoáng sản. Giới phân tích tin rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2019 đề nghị mua Greenland có liên quan đến trữ lượng đất hiếm lớn của hòn đảo thuộc Ðan Mạch này.

Reuters từng đưa tin, lục quân Mỹ có kế hoạch đầu tư tài chính cho hoạt động sản xuất đất hiếm quy mô thương mại để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất vũ khí.

AFP cho biết, vào tháng 6/2019, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kế hoạch tăng cường hợp tác với đồng minh về việc khai thác đất hiếm; cung cấp các khoản vay lãi suất thấp, đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án khai khoáng trong nước; dự trữ nguyên liệu và buộc những công ty quốc phòng mua nguyên liệu Mỹ.

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông báo kế hoạch chia sẻ kỹ thuật khai thác nhằm hỗ trợ các nước phát triển nguồn khoáng sản để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc

Theo AFT, vào cuối năm 2019, Mỹ và Úc đã tăng cường hợp tác trong việc khai thác và xử lý đất hiếm nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Bộ trưởng Tài nguyên Úc Matt Cavanan và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross vào thời điểm đó đã đồng ý hợp tác cùng nhau trong các dự án tài trợ liên quan đến khoáng sản quan trọng, bao gồm đất hiếm và các vật liệu khác như lithium.

Ngay sau khi đắc cử, Tổng thống Joe Biden vào hôm 24/2 đã ký sắc lệnh hành pháp về việc xem xét lại chuỗi cung ứng của Mỹ cho chip máy tính, ô tô điện, dược phẩm và thiết bị quân sự để không phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tờ Nikkei vào thời điểm đó đưa tin, Tổng thống Joe Biden mong muốn cùng với các đồng minh và đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc thúc đẩy nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng cho các sản phẩm có tầm quan trọng chiến lược.

AP dẫn lời ôn Biden nói: “Chúng ta không nên dựa vào một quốc gia nước ngoài, đặc biệt là một quốc gia không chia sẻ lợi ích hoặc giá trị của chúng ta, để bảo vệ và cung cấp cho người dân của chúng ta trong trường hợp khẩn cấp quốc gia”.

Theo AP, sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Biden không phải là giải pháp ngắn hạn mà là nỗ lực đưa ra kế hoạch dài hạn để giải quyết nhu cầu của Mỹ về chất bán dẫn, dược phẩm, nguyên tố đất hiếm và pin dung lượng lớn.

Ông Biden nói sau khi ký sắc lệnh: “Và điểm mấu chốt rất đơn giản: Người dân Mỹ không bao giờ phải đối mặt với tình trạng thiếu hàng hóa và dịch vụ, cho dù đó là ô tô, thuốc kê đơn hay thực phẩm tại cửa hàng tạp hóa địa phương”.

Theo Nikkei Asia, Mỹ muốn hợp tác với các đồng minh trong việc trao đổi thông tin nhanh chóng về hoạt động của chuỗi cung ứng, và thiết lập cơ chế hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp thị trường thiếu hụt bất kỳ thành phần quan trọng nào.

Wall Street Journal đưa tin, trong chuyến thăm châu Âu vào trung tuần tháng 6/2021, Tổng thống Biden và lãnh đạo EU đã đi đến thống nhất trong việc thúc đẩy đổi mới và đầu tư giữa hai khu vực kinh tế, tăng cường chuỗi cung ứng và ngăn chặn những trở ngại không cần thiết đối với thương mại.

Related posts