Khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc đòi hỏi phải thực thi các quy tắc của WTO cùng các biện pháp lâu dài hơn

Michael Washburn

Ảnh chụp từ trên không của nhà máy nhiệt điện than hôm 11/11/2021 ở Hán Xuyên, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images) Tài Chính – Kinh Tế

Các nhà quan sát cho biết tuần này, chính phủ của ông Tập Cận Bình đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng sâu sắc của Trung Quốc thông qua việc bỏ qua các điều khoản về thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) một cách bất hợp pháp, kinh niên, và phổ biến.

Theo các nhà phân tích, trong khi tình trạng thiếu hụt năng lượng hiện tại mà Trung Quốc phải đối mặt một phần là do lũ lụt lớn đã cản trở hoạt động ở các khu vực sản xuất than của nước này, thì Bắc Kinh đã không thực hiện các bước hợp lý để mở cửa thị trường nội địa cho nhập cảng từ các quốc gia có vị thế tốt nhất để cung cấp than vốn rất cần khi mùa đông đến. Ngược lại, chính phủ Trung Quốc đã thực thi lệnh cấm nhập cảng than không chính thức từ Úc, mà nhiều người coi là phản ứng trước việc Úc kêu gọi điều tra việc Bắc Kinh xử lý vụ bùng phát COVID-19.

Một phần [khác] là kết quả của việc cạn kiệt than của Úc, hàng triệu người ở Trung Quốc đang phải gánh chịu chi phí năng lượng ngày càng tăng và phân phối năng lượng nghiêm ngặt. Các nhà phân tích cho biết, Bắc Kinh có thể cải thiện tình hình bằng cách tuân thủ các nghĩa vụ của mình, hoặc một bên khác có thể phản bác những vi phạm của họ và cố gắng khiến Bắc Kinh tuân thủ. Nhưng phương pháp thứ hai có thể khó khăn do chiến thuật của Trung Cộng là áp dụng lệnh cấm thông qua các phương tiện không chính thức và không có biện pháp chính thức.

Một hành động bất hợp pháp

Các nhà quan sát nhận định, ngay cả khi có một số miễn trừ nhất định có thể áp dụng trong các quy định của WTO, không thể nghi ngờ rằng hành động mạnh tay của Bắc Kinh chống lại Úc vi phạm các điều khoản về tư cách thành viên WTO.

Theo ông Weihuan Zhou, một phó giáo sư luật tại Đại học New South Wales ở Sydney: “Các quy định của WTO cấm bất kỳ thành viên nào áp đặt các hạn chế định lượng đối với nhập cảng (và xuất cảng), với một số ngoại lệ nhất định. Do đó, lệnh cấm nhập cảng than của Úc của Trung Quốc có khả năng là bất hợp pháp theo [qui định] của WTO, trừ khi lệnh cấm này có thể được biện minh dựa trên các ngoại lệ của WTO như bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.”

Ông Zhou nói rằng, theo những lý do đó, lệnh cấm này là không thể biện minh được. Ông Zhou lưu ý rằng, Trung Quốc tiếp tục nhập cảng than từ các quốc gia khác và duy trì thỏa thuận với Indonesia về việc nhập cảng than nhiệt. Vì vậy, mối quan tâm của Bắc Kinh rõ ràng không phải là việc nhập cảng than như thế, cũng không phải tác động của nguồn năng lượng này đối với môi trường. Ông Zhou chỉ ra rằng không có bằng chứng về bất kỳ rủi ro môi trường nào đặc biệt liên quan đến than của Úc, so với than từ Indonesia hoặc các quốc gia khác.

Ông nói, do đó, lệnh cấm mà Bắc Kinh thực hiện dường như có động cơ chính trị— đó là một phản ứng trừng phạt đối với các mối quan tâm về nhân quyền và quản trị do Úc nêu ra—thay vì xuất phát từ những lo ngại hợp lệ về môi trường theo quy định của WTO.

Công nhân phân loại than gần một mỏ than ở Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây phía bắc Trung Quốc hôm 03/11/2021. (Ảnh: Noel Celis/AFP qua Getty Images)

Nhưng hành động bất hợp pháp trắng trợn của Trung Cộng không có nghĩa là việc thách thức và lật ngược lại những hành động này  sẽ là một vấn đề đơn giản.

Ông Zhou bình luận, “như đã báo cáo, khó khăn khi thách thức lệnh cấm theo WTO nằm ở việc xác định một biện pháp cụ thể của Trung Cộng, nếu hạn chế này được thực hiện thông qua các hướng dẫn không chính thức của chính phủ Trung Quốc đối với các nhà nhập cảng quốc doanh mà không có biện pháp hoặc quyết định chính thức của hải quan hoặc các cơ quan chức năng khác.”

Một câu hỏi đặt ra là ai có thể đưa ra thách thức chống lại lệnh cấm. Một câu trả lời rõ ràng có thể là Úc, nhưng nguyên đơn sẽ cần phải đáp ứng một yêu cầu chứng minh cao, đưa ra bằng chứng để xác minh rằng các tổ chức nhà nước và các nhà nhập cảng ở Trung Quốc đang tuân theo các lệnh cụ thể của Trung Cộng khi họ từ chối nhập cảng than từ Úc và không tự nguyện làm như vậy. Theo quan điểm của ông Zhou, việc chứng minh điều này có thể khó, nhưng không phải là không thể.

Ông Stephen Ezell, phó chủ tịch phụ trách chính sách đổi mới toàn cầu của Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, đồng tình với họ: “Bắc Kinh nhận thức được rằng các nghị định rõ ràng được đưa ra trên giấy sẽ dẫn đến việc vi phạm các quy định của WTO. Do đó Bắc Kinh đang che dấu về điều đó, thực hiện thông qua chỉ dẫn” đối với các nhà nhập cảng than tại Trung Quốc.

Ông Ezell nói, “Có thể làm gì về điều đó? Chắc chắn nếu có bất kỳ tuyên bố xác định nào có thể được tìm thấy, chúng có thể tạo cơ sở cho một vụ kiện có thể được đưa ra trước WTO.”

Tự do hóa kinh tế

Một số chuyên gia tin rằng, bất kể số phận của bất kỳ nỗ lực nào nhằm lật ngược lệnh cấm bất hợp pháp và có động cơ chính trị của Trung Quốc đối với than Úc, việc cải thiện cuộc khủng hoảng hiện tại và ngăn chặn những thảm họa như vậy trong tương lai sẽ đòi hỏi nhiều hơn là một hành động pháp lý có mục đích tốt. Các chuyên gia nói rằng, những cải cách kinh tế sâu rộng ở Trung Quốc là cần thiết, nhằm mục đích làm cho thị trường phản ứng nhanh hơn với cung và cầu hơn là những mệnh lệnh ý thức hệ.

Ông Zhou nói, “Cải cách trong lĩnh vực năng lượng sẽ cần ít sự can thiệp của nhà nước hơn và việc định giá dựa trên các lực lượng thị trường nhiều hơn. Vì đây là một khu vực công quan trọng, một số can thiệp và quy định của nhà nước là cần thiết, nhưng sự can thiệp/quy định quá mức sẽ làm mất tác dụng của sản xuất và những người công ty mới tham gia [thị trường].”

“Trung Quốc cần thúc đẩy tăng trưởng bền vững của năng lượng mới và sự phát triển của các công nghệ liên quan, không chỉ cần thiết cho việc cung cấp năng lượng mà còn cho các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của Trung Quốc.”

Ông nói thêm, một chiến dịch thực tế cho năng lượng xanh sẽ giúp đáp ứng nhu cầu ở những vùng khó khăn của đất nước mà không vi phạm các điều khoản của tư cách thành viên WTO.

Gây áp lực lên Bắc Kinh

Ông Ezell thuộc Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin cho biết: Mặc dù Bắc Kinh rõ ràng không đồng tình với việc Úc kêu gọi sự chú ý đến phản ứng với Covid-19 của họ, nhưng vấn đề thực sự còn rộng hơn rất nhiều.

Ông Ezell nhận xét: “Úc đang vươn mình và hội nhập chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ và Anh, đồng thời cho biết họ sẵn sàng chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Đông Á.”

Ông Ezell nói, “Khi Trung Quốc ban đầu gia nhập WTO, và sau đó, khi họ tham gia vào các cuộc đàm phán và cam kết bên lề với các quốc gia như Hoa Kỳ về việc cho phép các bộ phim ngoại quốc tham gia, hoặc các doanh nghiệp, dịch vụ ngân hàng và tài chính ngoại quốc, có rất nhiều vấn đề mà Trung Quốc đã không tuân thủ theo quy định.”

Theo quan điểm của ông Ezell, xét về cơ bản, lệnh cấm đối với than của Úc và các trường hợp không tuân thủ các quy định của WTO, cuối cùng, là các biện pháp chính trị được thực hiện vì lòng thù hận chung hơn đối với Úc, Hoa Kỳ, và các quốc gia khác.

Do đó, một trong những giải pháp rõ ràng nhất cho cuộc khủng hoảng năng lượng —khiến Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh cấm đối với than của Úc — được coi là một phần của một loạt các mục tiêu, tất cả đều nằm dưới cái mục đích là tác động đến chính phủ của ông Tập Cận Bình để đáp ứng các tiêu chuẩn và kỳ vọng của các tổ chức thương mại quốc tế.

Ông Ezell cho biết ông nhận ra tiềm năng ở đây của một cơ quan dành cho thương mại quốc tế mà NATO dành cho quốc phòng và an ninh quốc gia — một nhóm các quốc gia dân chủ cùng chí hướng với một bộ quy tắc rõ ràng và cơ chế đáng tin cậy để thực thi chúng. Đối mặt với một hành động bất hợp pháp như lệnh cấm của Bắc Kinh đối với than của Úc, tổ chức này có thể đáp trả tương xứng, bằng các biện pháp cấm nhập cảng hàng hóa hoặc sản phẩm từ Trung Quốc, nếu không có giải pháp thay thế.

Theo quan điểm của ông Ezell, các quốc gia dân chủ đã có đòn bẩy đáng kể trong việc đối phó với Bắc Kinh nhờ việc nước này đăng ký tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp ước thương mại khu vực.

Do đó, ông Ezell tin tưởng, Úc, là thành viên của CPTPP, hiện đang ở vị trí để chống lại các động thái bất hợp pháp trắng trợn của Bắc Kinh như một bằng chứng cho thấy Trung Cộng không có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tư cách thành viên trong một hiệp định thương mại với các tiêu chuẩn và kỳ vọng cao của các thành viên. Tuy nhiên, một khả năng khác mà ông Ezell hình dung là sẽ kết nạp Đài Loan vào CPTPP. Hòn đảo dân chủ đã nộp đơn xin gia nhập hiệp ước vào tháng Chín, một tuần sau khi Bắc Kinh đệ đơn xin ra nhập.

Ông Ezell, “Theo quan điểm của tôi, quan điểm rộng hơn, là các quốc gia cần phải cùng nhau tăng giá phải trả cho Bắc Kinh nếu họ tiếp tục theo đuổi những kiểu hành vi này. Vấn đề này phản ánh một thách thức rộng lớn hơn mà Trung Cộng đặt ra cho hệ thống kinh tế toàn cầu.”

Ông Michael Washburn là một phóng viên tự do tại New York chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông có nền tảng về báo chí pháp lý và tài chính, đồng thời cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, ông còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần “Reading the Globe.” Các cuốn sách của ông bao gồm “Nhổ tận gốc và những câu chuyện khác”, “Khi chúng ta trưởng thành” và “Người lạ, người lạ.”

Lưu Đức biên dịch

Related posts