Liệu Trung Quốc có đủ sức chạy đua vũ trang?

Antonio Graceffo

Xe quân sự chở hỏa tiễn DF-17 siêu thanh (hypersonic) di chuyển qua Quảng trường Thiên An Môn trong một cuộc diễn hành quân sự ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 01/10/2019. (Ảnh: Jason Lee/Reuters) Trung Quốc

Công nghệ cao và vũ khí không gian: Cuộc chạy đua vũ trang hiện đại tốn kém.

Trung Quốc và Hoa Kỳ đang trong một cuộc chạy đua vũ trang công nghệ vô cùng đắt đỏ và vượt xa chi phí dành cho các loại tàu thuyền, phi cơ, và hoả tiễn.

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, ước tính rằng với tốc độ xây dựng quân sự hiện tại, khả năng hỏa lực của Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ và Nga chỉ trong vài năm. So với Nga, ông lo ngại Trung Quốc đặt ra mối đe dọa lớn hơn trong dài hạn vì nền kinh tế của nước này mạnh hơn nền kinh tế Nga, và Bắc Kinh đã đổ rất nhiều tiền vào việc hiện đại hóa quân đội của họ.

Tại Đại hội Đảng lần thứ 19 năm 2017, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố kế hoạch của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) để hiện đại hóa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vào năm 2035, nhằm trở thành quân đội đẳng cấp thế giới vào năm 2049. Trung Quốc đang tập trung xây dựng ba năng lực cho phép họ trở thành cường quốc thế giới ưu việt – vũ khí hạt nhân, chiến tranh không gian, và các công nghệ mạng và hỏa tiễn — tất cả những điều này đều vô cùng tốn kém.

Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAN) hiện sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, với 355 tàu. Mặc dù các tàu này khác nhau đáng kể về chi phí, nhưng Hải quân Hoa Kỳ ước tính rằng trung bình mỗi tàu có giá 870 triệu USD. Theo một báo cáo của Ngũ Giác Đài, Trung Cộng đang phát triển các khả năng tác chiến chống tàu ngầm, các khả năng tấn công tầm xa, và hỏa tiễn hành trình tấn công đất liền có thể phóng từ các tàu và thuyền của hải quân. Một radar phòng thủ hỏa tiễn hành trình tích hợp trên không hoặc trong không gian, mà cũng có thể được sử dụng để chống lại các hỏa tiễn đất đối không và chiến đấu cơ, sẽ có giá khoảng 75 tỷ USD đến 180 tỷ USD.

Trong số các vũ khí mới của Trung Quốc có một oanh tạc cơ có ​​thể tiếp nhiên liệu trên không. Các oanh tạc cơ tiên tiến trị giá khoảng 2 tỷ USD. PLA cũng chế tạo một khu trục hạm hỏa tiễn dẫn đường, có giá khoảng 12.7 tỷ USD mỗi chiếc. Ngoài những cải tiến đối với các loại vũ khí thông thường, PLA đang tiến vào thế giới vị lai gần giống khoa học viễn tưởng với các khẩu súng điện từ (500 triệu USD/khẩu), các phương tiện lướt siêu thanh (hypersonic), và hỏa tiễn hành trình siêu thanh (supersonic) tấn công đất liền và chống hạm. Chương trình hỏa tiễn hành trình của Hoa Kỳ trị giá từ 14 đến 16 tỷ USD.

Gần đây, PLA đã tiến hành các cuộc thử nghiệm hỏa tiễn siêu thanh (hypersonic), mỗi hỏa tiễn trị giá 106 triệu USD. Riêng Hải quân Hoa Kỳ có kế hoạch chi 7 tỷ USD cho những vũ khí này.

Chính quyền Trung Quốc đã đang nghiên cứu các vệ tinh sát thủ và vũ khí laser không gian. Một vũ khí laser trong không gian dùng để tấn công các mục tiêu trên mặt đất sẽ có giá từ 128 tỷ USD đến 196 tỷ USD. Một vũ khí laser trong không gian dùng để bảo vệ các mục tiêu ở mặt đất khỏi hỏa tiễn đạn đạo có thể có giá tương đương. Và một hệ thống đánh chặn phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo động năng trong không gian, dùng để làm nổ tung hỏa tiễn của đối phương, có thể có giá từ 29 tỷ USD đến 290 tỷ USD.

Một hỏa tiễn chuyên chở Khoái Châu-1A mang theo hai vệ tinh cất cánh từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Tửu Tuyền ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, vào ngày 12/05/2020. (Ảnh: China Daily qua Reuters)

Về ngân sách quốc phòng, thì Hoa Kỳ chi tiêu vượt Trung Quốc với tỷ lệ khoảng năm so với một. Và chi tiêu có thể là yếu tố quan trọng nhất quyết định ai là người chiến thắng trong cuộc chiến tiếp theo. Chiến tranh mạng, chiến tranh không gian, và các khía cạnh công nghệ cao khác của chiến tranh hiện đại sẽ có tầm quan trọng tối cao.

Khả năng hạ gục một vệ tinh có thể là lợi thế giành chiến thắng trong một thế giới hoàn toàn phụ thuộc vào GPS, viễn thông, và truyền thông tin kỹ thuật số. Việc mất đi một vệ tinh có thể khiến cho một đạo quân hiện đại không thể khai hỏa chính xác các hỏa tiễn hạt nhân, điều hướng các tàu thuyền, vận hành các hệ thống phòng thủ của mình, hoặc liên lạc và điều phối các cuộc tấn công.

Tổng chi tiêu quốc phòng trị giá 178.2 tỷ USD của Trung Quốc là bé nhỏ so với ngân sách 740.5 tỷ USD của Hoa Kỳ. Năm 1989, vào đỉnh điểm của Chiến Tranh Lạnh Hoa Kỳ-Liên Xô, Điện Kremlin đã chi 119 tỷ USD cho quốc phòng và Hoa Kỳ chi 321 tỷ USD. Nếu điều chỉnh theo lạm phát, thì số tiền này sẽ trị giá 265.44 tỷ USD đối với Liên Xô và 716 tỷ USD đối với Hoa Kỳ tính theo USD thời nay. Vì vậy, chi tiêu của Hoa Kỳ về cơ bản đã bắt kịp lạm phát, có tăng một chút, trong khi chi tiêu của Trung Quốc vẫn chưa đạt đến mức phá kỷ lục của Liên Xô. Ngoài ra, Trung Quốc giàu hơn nhiều so với Liên Xô trước đây.

Tuy nhiên, những con số này chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện. Kinh phí cho nhiều loại vũ khí công nghệ cao đến từ các ngân sách khác. Chẳng hạn, ngân sách của Hoa Kỳ cho không gian vào năm 2020 là 48 tỷ USD, trong khi của Trung Quốc chỉ khoảng 8.9 tỷ USD.

Năm 2017, Bắc Kinh đã chi 12 tỷ USD cho trí tuệ nhân tạo (AI), và con số này dự kiến ​​sẽ tăng lên. Tổng chi tiêu cho AI của Trung Quốc nhiều hơn Hoa Kỳ, nhưng con số này không chỉ bao gồm AI quân sự mà còn bao gồm cả AI dân sự được sử dụng trong các ứng dụng mua sắm và truyền thông xã hội. Trên thực tế, Hoa Kỳ chi trội hơn Trung Quốc về AI liên quan đến quốc phòng.

Các năng lực tấn công mạng sẽ vô cùng quan trọng trong cuộc chiến tiếp theo, bởi vì việc xâm nhập có chủ đích có thể vô hiệu hóa các hệ thống tấn công và phòng thủ của quân địch. Ngân sách an ninh mạng cho năm 2019 của Hoa Kỳ là 15 tỷ USD, trong khi Trung Quốc chi khoảng 2.19 tỷ USD.

Chất bán dẫn là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng nhất của các cuộc chiến tranh không gian và công nghệ quân sự tiên tiến khác. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Trung Cộng đã tuyên bố sẽ “chi vượt Hoa Kỳ với tỷ lệ gần 50 so với 1” để phát triển chất bán dẫn. Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi Hoa Kỳ chi 50 tỷ USD cho công nghệ vi mạch, và Intel đã công bố kế hoạch chi thêm 20 tỷ USD. Ngược lại, các công ty chất bán dẫn Trung Quốc đã huy động được khoảng 21 tỷ USD vào năm 2020.

Năm 2020, GDP của Trung Quốc là 14.7 ngàn tỷ USD, trong khi với khoảng một phần tư dân số [so với Trung Quốc] thì GDP của Hoa Kỳ là 20.7 ngàn tỷ USD. Điều này có nghĩa là Hoa Kỳ có thể đủ sức chi nhiều hơn Trung Quốc trong một cuộc chạy đua vũ trang. Mặt khác, nếu Trung Quốc cố gắng chi vượt Hoa Kỳ, thì họ sẽ phải dành một tỷ lệ phần trăm lớn hơn nhiều trong GDP của mình cho quốc phòng.

Nợ công của Trung Quốc đã hơn 300% GDP. Nền kinh tế của nước này bị suy thoái do hậu quả của các biện pháp trong đại dịch, và đang trì trệ hơn nữa do các hạn chế của ông Tập đối với các lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Ngành bất động sản của Trung Quốc hiện đang chứng kiến ​​những vụ vỡ nợ lớn, chiếm một tỷ lệ đáng kể trong GDP. Các lệnh trừng phạt và thuế quan của Hoa Kỳ, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, tình trạng thiếu lương thực và các cuộc khủng hoảng năng lượng đã gia tăng đáng kể tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế Trung Quốc. Hiện tại không phải là thời điểm tốt nhất cho Trung Cộng để cố gắng chi nhiều hơn Hoa Kỳ nhằm xây dựng cho quân đội của mình.

Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”)

Cẩm An biên dịch

Related posts