Bạo lực phát sinh trong xã hội là do luật pháp lỏng lẻo, hay là do văn hóa truyền thống?

Trương Nhân Tuấn

19-11-2021

Hầu hết các chuyện cổ tích Việt Nam lưu truyền trong dân gian, kể cả chuyện Tấm Cám, điểm chính vẫn là kẻ ác bị trừng phạt và kẻ hiền gặp lành. Không có văn hóa nào chủ trương bạo lực mà chỉ có những kẻ lợi dụng những điểm đặc thù của văn hóa để mưu đồ chính trị.

Điều gây sốc (trong chuyện Tấm Cám) là cảnh cô Tấm (mặc dầu đã lấy được vua) vẫn trả thù mẹ con cô Cám bằng cách chặt xác cô Cám thành nhiều khúc rồi đem làm mắm. Hũ mắm được gởi về cho mẹ cô Cám ăn. Đây là một “kịch bản” cực kỳ tàn nhẫn và vô luân. Điều may mắn là chuyện trong cổ tích này chưa hề thấy được ngoài đời, trong suốt lịch sử của VN.

Trong thời kỳ đất nước phân chia, một bên sống dưới chế độ cộng sản khắc nghiệt, một bên dưới chế độ dân chủ tự do. Ta chưa bao giờ nghe một câu chuyện tương tự về sự ác độc đã xảy ra trong xã hội. Bởi vì, dầu buông lỏng đến mức nào, hay dầu khe khắc đến mức nào, hai miền Bắc Nam vẫn có (mỗi bên) một hệ thống luật lệ chặt chẽ để bảo vệ mối giềng luân lý và trật tự xã hội.

Đảng cộng sản nào cũng vô luân. Đảng CSVN không ngoại lệ. Họ chủ trương những gì “có lợi cho cách mạng” là “đạo đức”. Kỷ cương đạo đức, luân lý của giống nòi bị chà đạp, khinh miệt. Đời sống đảo lộn. Con tố cha, vợ tố chồng, anh em tố cáo lẫn nhau. Hàng xóm, bạn bè đối xử với nhau không thật lòng, nếu không nói là việc đối xử với nhau được đặt trên nền tảng ngờ vực và dối trá. Các thảm cảnh từ cuộc cải cách ruộng đất thập niên 50 của thế kỷ trước ở miền Bắc nói lên một phần của sự vô luân này. Dầu vậy, trong xã hội, luật lệ vẫn duy trì (một cách nghiêm ngặt) để giải quyết những tranh chấp giữa những thành tố trong xã hội. Ta thấy chuyện cô Cám bị “đem làm mắm” là không hề xảy ra. Những chuyện ác độc tương tự cũng không hề có.

Sau năm 1975, trên bình diện cả nước, cũng vậy. Xã hội được (hay bị) đặt dưới một hệ thống luật lệ vô cùng nghiêm khắc. Những gì được cho là “bình thường” ngày trước (ở miền Nam) đều có thể bị ghép thành tội. Kho tàng “văn hóa” miền Nam bị đốt bỏ. Trí thức miền Nam bị truy diệt. Nhưng trong xã hội vẫn không thấy cách đối xử đã xảy ra trong chuyện Tấm Cám.

Nếu xem đó (cô Cám bị đem làm mắm) là “văn hóa” của VN tại sao nó lại chưa bao giờ xảy ra trong xã hội VN?

Chỉ đến khi chủ trương “kinh tế thị trường định hướng XHCN” thành hình thì xã hội mới bắt đầu có những xáo trộn lớn lao.

Tội ác, bạo lực bây giờ hiển hiện ở mọi nơi, mọi lúc ở VN. Nguyên nhân không hề do suy đồi “đạo đức” hay do “văn hóa bạo lực” theo lối chuyện Tấm Cám. Nguyên nhân là do hệ thống luật pháp không hoàn chỉnh.

Người ta không thể áp dụng các điều luật ở thời “chuyên chính vô sản” cho xã hội “kinh tế thị trường”. Thị trường bây giờ là “toàn cầu hóa”. Thị trường có luật lệ riêng của nó, áp dụng cho mọi quốc gia, mọi nền kinh tế. Trong khi các giá trị xã hội của cộng sản chủ nghĩa thì đã lỗi thời.

Ở các chế độ dân chủ tự do, kinh tế thị trường, mọi thành tố trong xã hội đều phải có trách nhiệm như nhau trước pháp luật.

Về quyền lực, ở các nơi đây nguồn gốc của quyền lực quốc gia là tụ ở dân chúng. Mọi hình thức quyền lực, mọi cách thức sử dụng quyền lực, nếu không đến từ “người dân” thì quyền lực đó không chính đáng. Quyền lực không còn là của riêng của đảng phái hay cá nhân nào.

Trong xã hội cộng sản (hay XHCN), quyền lực tập trung vào đảng CS. Quyền lực này chỉ chính đáng khi đảng này còn phục vụ cho giai cấp mà họ đại diện, tức giai cấp vô sản, công nhân, nông dân… nói chung là tầng lớp lao động nghèo. Khi đảng này phục vụ cho một giai cấp khác, như tầng lớp tư bản nước ngoài, tầng lớp tư bản đỏ… thì nó đã phản bội. Tính chính đáng để lãnh đạo của nó bị mất đi. Đảng CSVN hiện nay đang trong tình trạng như vậy. Tính chính đáng để lãnh đạo của đảng CSVN đã không còn.

Mặt khác, về pháp luật, đảng CSVN lại không chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi chính trị của nó.

Tức là cái gọi là “nhà nước pháp quyền” của VN hiện nay không phải là một nhà nước hiểu theo kiểu Anh, Mỹ “Rule of law” hay kiểu Pháp “Etat de droit”. Trong một nhà nước theo kiểu “Rule of Law” của Mỹ hay “Etat de Droit” của Pháp, trước 1975 ta gọi là “nhà nước Pháp trị” (từ ngữ này cũng được các nước TQ, Đài Loan, Nhật, Đại Hàn… sử dụng). Thì mọi người, mọi tổ chức (có tư cách pháp nhân) đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Anh ngồi xổm trên luật thì làm sao anh có thể “hòa nhập” vào kinh tế thị trường toàn cầu? Bao nhiêu kinh nghiệm thất bại, bị trừng phạt… do kinh tế thị trường, do các định chế quốc tế… đã làm cho gánh nợ của người dân ngày càng nặng. Anh đâu có quịt được?

Và khi quyền lực anh nắm đã không còn chính đáng thì không ai sợ anh nữa. Những người sợ anh là người được anh ban phát quyền lợi (và quyền lực). Người khác thì khinh bỉ và thù ghét anh.

Khi anh (cả đảng phạm tội), không bị luật pháp phân xử. Khi cả hệ thống quyền lực của anh đều tham nhũng, hối lộ… thì không ai coi trọng anh nữa.

Đồng bạc xé toạc tờ giấy thì luật lệ không còn ai tôn trọng. Người ta giải quyết các tranh chấp bằng bạo lực, bằng thế lực, bằng tiền bạc.

Nhà nước như vậy đã từ nhiệm, nếu không nói là đang trên đường phân rã.

Nguyên nhân bạo lực ở xã hội hiện nay là như thế. Là do pháp luật, là do mâu thuẫn về ý thức hệ, là do việc mất tính chính đáng của đảng lãnh đạo.

Đào sâu vào văn hóa để sửa chữa là sai đường. Hãy xem cái gương nước Nhật. Trước Thế chiến II, dân tộc này “khát máu”, hung bạo biết bao nhiêu? Trước đó đất nước này phân chia làm năm, làm bảy do các sứ quân lãnh đạo. Họ xâu xé, chém giết với nhau hàng ngày. Họ có truyền thống hung bạo đó chớ?

Nhưng từ khi có bản “Hiến pháp hòa bình” (do Mỹ áp đặt) vào thập niên 50 (thì phải) thì dân tộc này là một dân tộc hiếu hòa nhất trên thế giới.

Bạo lực hay không là do luật pháp chớ đâu phải do văn hóa?

Related posts