Đức Duy
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang đi xuống rõ rệt, nguyên nhân đến từ nhu cầu tiêu dùng thấp, nhập khẩu nguyên liệu thô giảm, sản lượng tại các nhà máy giảm, nhiều vấn đề về nguồn cung, và giá xuất xưởng cao. Không còn được thúc đẩy bởi ngành bất động sản (BĐS) vốn đang nợ nần chồng chất và bên bờ vực khủng hoảng, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã giảm xuống mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
Giống như hầu hết các quốc gia khác, khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020, Trung Quốc đã phong tỏa nhiều khu vực, khiến các hoạt động kinh tế bị đình trệ. Nền kinh tế nước này sau đó đã dần phục hồi, cho đến khi đạt đỉnh vào tháng 03/2021. Kể từ đó, động lực kinh tế Trung Quốc bị suy giảm. Tăng trưởng GDP trong quý III giảm xuống còn 4,9%, là một trong những quý thấp nhất trong 30 năm qua.
Tín dụng có tốc độ tăng chậm nhất kể từ năm 2003 và đầu tư vào BĐS còn rất yếu. Doanh số bán nhà, cũng như các công trình xây dựng mới, đều giảm mạnh. Lạm phát thể hiện ở chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức thấp hơn dự kiến. Hàng hóa nhập khẩu cũng giảm. Một cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra, làm cho nhiều nhà máy ở Trung Quốc phải tạm dừng sản xuất. Các đơn đặt hàng mới của nhà máy có xu hướng giảm trong 3 tháng gần đây.
Một chỉ số tích cực là các nhà máy đã nhận đủ đơn đặt hàng cho quý I/2022. Do đó, xuất khẩu dự kiến sẽ không giảm đáng kể trong vài tháng tới. Tuy nhiên, xuất khẩu đã trở thành một thành phần nhỏ trong nền kinh tế Trung Quốc. Hiện nay, thặng dư thương mại chỉ đóng góp khoảng 17% vào GDP; trong khi 10 năm trước, con số này là hơn 27%. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang yêu cầu nền kinh tế phải ‘hướng nội’ (hướng vào trong) và tập trung phát triển tiêu dùng nội địa. Do đó, ngay cả khi các nhà máy nhận đủ đơn hàng thì cũng không đủ để thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế nước này, theo dự đoán cho quý đầu tiên của năm 2022.
Cả phía cầu và phía cung của nền kinh tế Trung Quốc đều đang có dấu hiệu chậm lại. Các nhà hàng, dịch vụ ăn uống, và bán lẻ tại các cửa hàng có mặt bằng đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nhiều đợt phong tỏa nghiêm ngặt của chính quyền Bắc Kinh vào năm 2020. Năm nay, chính sách ‘không Covid’ tiếp tục được đẩy mạnh, tạo nên các đợt phong tỏa khác. Điều này đang hạn chế đà phục hồi của hoạt động bán lẻ, nhà hàng, dịch vụ ăn uống, phòng tập thể dục, và các dịch vụ khác như cắt tóc. Trong khi đó, niềm tin của người tiêu dùng vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch, và mọi người thà tiết kiệm hơn là chi tiêu. Khách du lịch và người tiêu dùng đi dạo qua cửa hàng Li-Ning, một thương hiệu đồ thể thao của Trung Quốc, tại một khu mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 16/04/2021. (Ảnh: Kevin Frayer / Getty Images)
Khu vực dịch vụ là một trong những ngành sử dụng nhiều lao động nhất, cung cấp việc làm cho 83% nhân viên ở một số thành phố. Với những đợt phong tỏa và hạn chế liên tục, nhiều cá nhân và gia đình vẫn chưa thể phục hồi sau khi đã dùng hết tiền tiết kiệm và tiền lương vào năm 2020. Ngại chi tiêu là một phản ứng hợp lý đối với những người không biết khi nào thì đợt phong tỏa tiếp theo và việc mất thu nhập sẽ xảy ra.
Nguồn cung hàng hóa cũng bị đe dọa bởi các nhà máy không có đủ khả năng sản xuất. Nguyên nhân đến từ việc thiếu nguyên liệu thô, giá nguyên liệu thô tăng cao, thiếu hụt điện, các chính sách không đồng nhất, các quy định về ô nhiễm của chính quyền Bắc Kinh, và thiếu vốn. Do ngân hàng đang hạn chế các khoản vay, đầu tư vào tài sản cố định ở Trung Quốc giảm mạnh. Ngoài ra, nếu không có nguồn tài chính, lĩnh vực BĐS có thể tiếp tục là lực cản lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong tương lai.
Doanh số bán ô tô cũng giảm, một phần do phía cầu, người tiêu dùng ngại bỏ tiền ra mua; và một phần do nguồn cung, với việc thiếu chip làm giảm sản lượng sản xuất. Một vấn đề khác của nguồn cung là lạm phát giá sản xuất khi mà giá xuất xưởng tiếp tục tăng. Giá cả hàng hóa thiết yếu cũng đang tăng lên, trong khi các biện pháp ngăn chặn ô nhiễm của chính quyền lại hạn chế sản xuất thép. Và trong nỗ lực giảm khí thải carbon, Bắc Kinh cũng hạn chế nhiên liệu hóa thạch. Việc này vốn đã gây ra tình trạng thiếu hụt năng lượng thì nay lại càng kìm hãm hoạt động của các nhà máy.
Khoảng cách giữa lạm phát giá sản xuất (PPI) và lạm phát giá tiêu dùng (CPI) ngày càng mở rộng khi chi phí sản xuất các sản phẩm trở nên đắt đỏ hơn, nhưng các nhà sản xuất lại do dự trong việc tăng giá bán lẻ vì sợ làm giảm nhu cầu tiêu dùng vốn đã rất yếu ớt.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đề ra nhiều biện pháp cải cách phía cung, bao gồm giảm việc phát triển quá mức, đặc biệt trong lĩnh vực BĐS. Nhiều vụ hợp nhất đã được thực hiện, làm giảm tỷ lệ tài sản trên nợ của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, những biện pháp này không giải quyết được nguyên nhân cơ bản của nợ, và thậm chí còn khuyến khích vay nợ nhiều hơn vì sau khi hợp nhất, uy tín tín dụng của công ty tăng lên.
Nguồn cung than giảm cùng với giá than tăng cao đã khiến sản lượng kinh tế ở một số tỉnh giảm mạnh. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) là cơ quan có thẩm quyền định giá đối với một số hàng hóa quan trọng khi cơ quan này cho rằng giá thị trường đang bị bóp méo. Giá than tăng vọt thời gian gần đây (tăng khoảng 260% so với năm trước) ở Trung Quốc là do nhu cầu tăng cao, thiếu điện, và mùa đông khắc nghiệt đang đến gần. NDRC đã phản ứng bằng cách thiết lập giá trần than.
Nhìn chung, nếu một chính phủ đặt giới hạn giá đối với một hàng hóa, nó sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt, bởi vì người tiêu dùng sẽ muốn mua nhiều hơn và các nhà cung cấp sẽ muốn sản xuất ít hơn. Nhưng trong trường hợp của Trung Quốc, quốc gia này là nước tiêu thụ than lớn đến mức Trung Quốc trở thành bên định giá. Do vậy, giá than trong khu vực đã giảm xuống. Giá than ở Newcastle – giá tiêu chuẩn trong ngành – đã giảm 30% hôm 01/11 do sự kiềm chế giá của Trung Quốc.
Khả năng của ĐCSTQ trong việc tác động đến giá hàng hóa toàn cầu cho thấy một cách thuyết phục về sự phụ thuộc cực độ của một số quốc gia – đặc biệt là các nước đang phát triển giàu tài nguyên – vào Trung Quốc. Tuy nhiên, bất chấp sự can thiệp của ĐCSTQ, giá than vẫn tăng 160% so với năm ngoái, thể hiện mức độ lạm phát ở Trung Quốc và trên toàn thế giới.
Mọi thứ có vẻ tồi tệ đối với Trung Quốc, nhưng sẽ là quá sớm để tin rằng đây là dấu chấm hết cho vị trí nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới của quốc gia này. Tuy nhiên, điều này làm dấy lên nghi ngờ về khả năng thay thế Hoa Kỳ của Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt và thuế quan thương mại của Mỹ vẫn đang được duy trì. Các công ty ngoại quốc đang rời bỏ Trung Quốc vì nhiều lý do, bao gồm cả chính sách không khoan nhượng của Bắc Kinh đối với Covid, khiến việc sản xuất và vận chuyển từ Trung Quốc trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Đối mặt với nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của ngành BĐS và tài chính, dưới gánh nặng 5 ngàn tỷ USD nợ BĐS; 3,97 ngàn tỷ USD nợ thường xuyên của chính quyền địa phương; 7,8 ngàn tỷ USD cho chính quyền địa phương vay ngoại bảng; 540,79 tỷ USD nợ xấu; và 990 tỷ USD “khoản vay đặc biệt”, năm 2022 sắp tới sẽ không đánh dấu sự kết thúc của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng rất có thể sẽ đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên phát triển siêu tốc của quốc gia này. Trong nửa đầu năm tới, đầu tư BĐS dự kiến giảm 10%. Bắc Kinh được cho rằng sẽ chọn mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5%, trong khi nhiều nhà phân tích dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc sẽ dưới 5%.
Tác giả Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải. Ông Antonio hiện đang là Giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc. Ông viết bài cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc) và A Short Course on the Chinese Economy (Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc).
Đức Duy
Theo The Epoch Times