Tin thế giới sáng thứ hai

Dự án “Tù nhân Olympic” được khởi động

Ngày 2/12, Ủy ban Điều hành của Quốc hội Mỹ về Trung Quốc (CECC) tuyên bố khởi động một dự án mạng truyền thông xã hội có tên “Tù nhân Olympic” (#OlympicPrisoner) – trước Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh, mỗi ngày Ủy ban này sẽ giới thiệu tới công chúng một tù nhân chính trị bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm tù.

CECC cho biết, nhóm người đầu tiên bị giam giữ được công bố là nhà báo và nhà báo công dân. Tiếp sau đó vài tuần, CECC sẽ lần lượt giới thiệu các trường hợp người Duy Ngô Nhĩ, luật sư nhân quyền, người Tây Tạng, nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động, tín đồ Cơ Đốc, người tập Pháp Luân Công, người Hồng Kông, quyền phụ nữ và các nhà hoạt động dân chủ.
Trong cùng ngày, chủ tịch và đồng chủ tịch của CECC đã cùng công bố một video.

Chủ tịch CECC kiêm Thượng nghị sĩ Jeff Merkley cho biết trong video rằng trong 60 ngày tới, mỗi ngày sẽ có một tù nhân chính trị của ĐCSTQ được giới thiệu. Ông cho biết, “Hôm nay, chúng tôi công bố kế hoạch này để tập trung sự chú ý của chúng tôi vào những người thực sự không thể chúc mừng tinh thần Olympic. Bởi vì họ đã bị bỏ tù một cách bất công bởi chính phủ đăng cai Thế vận hội …”

“Trong 60 ngày tới, cho đến khai mạc Thế vận hội, mỗi ngày, chúng tôi sẽ giới thiệu trọng điểm một tù nhân chính trị.”

Ngày 2/12, CECC đã giới thiệu tù nhân chính trị trong ngày đầu tiên của dự án này, đó là người sáng lập trang 64tianwang Hoàng Kỳ (Huang Qi). Hoàng Kỳ bị chính quyền Tứ Xuyên kết án 12 năm tù. Hiện ông đang bị giam giữ ở Nhà giam Ba Trung, tỉnh Tứ Xuyên.

Thượng nghị sĩ Jeff Merkley nói, “Chúng tôi khuyến khích các bạn tham gia cùng chúng tôi, kêu gọi Ủy ban Olympic Quốc tế và các đối tác của họ sử dụng ảnh hưởng của họ để gây áp lực buộc chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) trả tự do cho các tù nhân lương tâm, giảm bớt vết nhơ của họ đối với tinh thần Olympic.”
Đồng Chủ tịch CECC kiêm Hạ nghị sĩ James McGovern cho biết trong video: “Chúng tôi tin rằng, trong khi ĐCSTQ tiếp tục thực hiện hành vi diệt chủng, tước quyền tự trị của Hồng Kông và đàn áp các nhà báo, nhà tư tưởng tự do và xã hội dân sự trên khắp Trung Quốc, thì việc Ủy ban Thế vận hội Quốc tế tổ chức các các cuộc thi đấu ở Trung Quốc là sai lầm.”

Dữ liệu về tù nhân chính trị của CECC bao gồm hơn 1.500 trường hợp tù nhân chính trị nổi tiếng. Vào tháng 1/2021, 16 người đã được đưa vào cơ sở dữ liệu tù nhân chính trị của CECC, bao gồm Thôi Phượng Lan (Cui Fenglan), một người Pháp Luân Công bị kết án 15 năm tù bất hợp pháp và Dư Văn Sinh (Yu Wensheng), một luật sư nhân quyền Trung Quốc bị kết án bất hợp pháp 4 năm,

Tướng Mỹ cảnh báo ‘rất lo ngại’ về động thái quân sự của Nga gần Ukraine

Mỹ đang theo dõi đủ các chỉ số và cảnh báo xung quanh hoạt động quân sự của Nga gần Ukaine, những chỉ số và cảnh báo kích hoạt “rất nhiều lo ngại” và lời hùng biện của Nga ngày càng tỏ ra cứng rắn, tướng lĩnh hàng đầu của quân đội Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Năm, theo Reuters.

Tướng quân đội Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, từ chối suy đoán về các loại lựa chọn mà Hoa Kỳ có thể xem xét trong trường hợp Nga xâm lược. Nhưng ông Milley nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ quyền Ukraine đối với Washington và liên minh NATO.

“Có những lợi ích an ninh quốc gia quan trọng của Hoa Kỳ và của các nước thành viên NATO đang bị đe dọa ở đây nếu có một hành động công khai gây hấn quân sự của người Nga đối với một quốc gia độc lập kể từ năm 1991”, ông Milley nói trong chuyến bay từ Seoul trở về Washington.

Ukraine cho biết Nga đã tích lũy hơn 90.000 quân gần biên giới hai nước, trong khi Moscow cáo buộc Kyiv theo đuổi việc xây dựng quân đội của riêng mình.

Trước đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cảnh báo Moscow về “chi phí và hậu quả nghiêm trọng” nếu xâm lược Ukraine và thúc giục Sergey Lavrov, người đồng cấp Nga, tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.

Khủng hoảng kinh tế Afghanistan tiếp tục dưới thời Taliban

Afghanistan đang phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế sau khi Taliban tiếp quản nước này vào tháng 8 năm nay và cuộc khủng hoảng tài chính của nước này ngày càng gia tăng, theo Times of India.

Nền kinh tế Afghanistan tiếp tục lao dốc với sự tiếp quản của Taliban. Kinh tế của Afghanistan phần lớn đến từ lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ, nhưng hai lĩnh vực này hiện này đều đã cho thấy sự suy giảm. Theo Diễn đàn Quốc tế về Quyền và An ninh, nông nghiệp là nguồn việc làm lớn nhất ở Afghanistan. Lĩnh vực này đã bị ảnh hưởng nặng nề do sự gia tăng tình trạng mất an ninh trong nước và hạn hán lan rộng

Diễn đàn này nói thêm rằng:  9 trong số mười gia đình ở Afghanistan đã không thể có đủ lương thực dự trữ và hơn 1 triệu trẻ em có thể phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng và thậm chí tử vong do đói khát. Thêm lên đó là nỗi sợ hãi về sự bùng phát của các bệnh như sởi và bại liệt trên khắp đất nước.

Trước đó, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã cảnh báo về tình trạng mất an ninh lương thực ở Afghanistan sẽ ảnh hưởng đến gần 14 triệu người.

Cũng theo Diễn đàn Quốc tế về Quyền và An ninh: đã có hơn 70 trẻ em đang tiếp nhận điều trị trong khu vực chuyên điều trị suy dinh dưỡng tại bệnh viện khu vực ở phía nam tỉnh Kandahar, bộ phận này được cho là đang hoạt động quá công suất.

Các nguồn tin cho biết, hiện có tới 2000 bệnh viện và phòng khám, bao gồm cả những bệnh viện được chỉ định dành riêng cho bệnh nhân Covid-19 đã bị buộc phải đóng cửa trên khắp Afghanistan do thiếu tiền.

Đức tuyên bố phong tỏa những người chưa tiêm chủng

Ngày 2/12, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố nước này sẽ phong tỏa những người chưa được tiêm chủng. Các quan chức hàng đầu cũng báo hiệu rằng, họ sẽ hỗ trợ thực hiện lệnh tiêm chủng bắt buộc trong những tháng tới.

Bà Merkel cho biết những người không tiêm chủng COVID-19 sẽ không được tới các cửa hàng không cần thiết cũng như các địa điểm văn hóa và giải trí. Hạ viện, Quốc hội Đức, cũng sẽ xem xét lệnh bắt buộc tiêm chủng chung.

Bà Merkel nói với báo giới: “Tình hình đất nước chúng tôi đang nghiêm trọng”, đồng thời tuyên bố rằng các biện pháp mới là một “hành động trong sự đoàn kết dân tộc”.

Thủ tướng nói thêm, các yêu cầu mới khác bao gồm yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang trong trường học. Những người được chủng ngừa sẽ mất tình trạng tiêm chủng sau chín tháng kể từ ngày tiêm mũi cuối cùng.

“Chúng tôi hiểu rằng tình hình là rất nghiêm trọng và chúng tôi muốn thực hiện thêm các biện pháp khác ngoài những biện pháp đã được thực hiện. Làn sóng thứ tư phải bị phá vỡ và điều này chưa đạt được”, bà nói với báo giới.

Trong bài phát biểu của mình, bà Merkel cho biết biện pháp tiêm chủng bắt buộc sẽ có hiệu lực vào tháng 2/2022 và cho biết bà sẽ bỏ phiếu ủng hộ quy định này nếu bà vẫn còn ở Hạ viện.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người được tiêm chủng đầy đủ vẫn có khả năng lây truyền và nhiễm COVID-19, mặc dù một số quan chức y tế đã nói rằng vaccine có thể bảo vệ tốt hơn trước các triệu chứng nghiêm trọng, nhập viện và tử vong. Vào ngày 2/12, Bộ Y tế Minnesota xác nhận rằng trường hợp thứ hai tại Hoa Kỳ của biến thể Omicron COVID-19 là một nam giới đã được tiêm chủng đầy đủ.

Những người chỉ trích hệ thống hộ chiếu vaccine, vốn đã thu hút các cuộc biểu tình hàng tuần trên khắp châu Âu, nói rằng họ đã tạo phân cách xã hội một cách bất công giữa những người đã tiêm chủng và người chưa tiêm chủng. Mối quan tâm đã được đặt ra về việc liệu hộ chiếu vaccine có thể được mở rộng để trở thành một hệ thống “tín nhiệm xã hội” và liệu việc thu thập hàng loạt dữ liệu tiêm chủng có thể vi phạm quyền riêng tư của cá nhân hay không.

Gần đây, Hy Lạp thông báo rằng việc tiêm chủng sẽ là bắt buộc đối với tất cả mọi người từ 60 tuổi trở lên. Chính phủ Hy Lạp tuyên bố vào đầu tuần này, những người từ chối tiêm chủng sẽ bị phạt hàng tháng cho đến khi tiêm chủng.

Các quy tắc như vậy có thể được mở rộng cho các nước EU khác, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết hôm 1/12.

Bà nói: “Hai hoặc ba năm trước, tôi sẽ không bao giờ nghĩ sẽ chứng kiến những gì chúng ta thấy ngay bây giờ, rằng chúng ta có… đại dịch này. Chúng ta có vaccine, vaccine cứu người, nhưng chúng không được sử dụng đầy đủ ở mọi nơi”. Bà cũng tuyên bố rằng, các nhà chức trách EU phải “nghĩ đến việc tiêm chủng bắt buộc”.

Theo cơ quan y tế của Đức, khoảng 68,7% dân số của đất nước đã tiêm chủng đầy đủ.

Tuần trước, Hoa Kỳ đã ban hành một thông báo du lịch cho Đức do số lượng các trường hợp COVID-19 ngày càng tăng ở nước này. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ hiện coi Đức là nước có nguy cơ du lịch “Cấp độ 4: Rất cao” và họ kêu gọi người Mỹ tránh đi du lịch đến đó.

Related posts