Tin thế giới sáng thứ ba

Liên Hiệp Châu Âu chi kỉ lục cho quốc phòng nhưng thiếu hợp tác trong khối

(Ảnh minh họa) – Chiến đấu cơ Rafale do Pháp sản xuất, ảnh chụp ngày 11/09/2021. Christophe SIMON AFP/Archivos

Thu Hằng
Các nước Liên Âu chi 198 tỉ euro cho quốc phòng trong năm 2020. Đây là mức chi cao nhất kể từ năm 2006. Tuy nhiên, theo báo cáo được Cơ Quan Quốc Phòng Châu Âu (AED) công bố ngày 06/12/2021, đầu tư cho các dự án chung của các nước châu Âu lại sụt giảm.

Theo Reuters, chi phí cho quốc phòng năm 2020 của các nước Liên Hiệp Châu Âu đã tăng 5% so với năm 2019 và tương đương với 1,5% GDP của các nước thành viên, trừ Đan Mạch đã rút khỏi dự án phòng thủ chung châu Âu. Mức chi này gần đạt chỉ tiêu được Hoa Kỳ kêu gọi là chiếm 2% GDP mỗi nước thành viên NATO.

Tuy nhiên, báo cáo của Cơ Quan Quốc Phòng Châu Âu (AED) ghi nhận ngân sách cho các dự án chung bị giảm, ví dụ chi phí cho mua chung trang thiết bị quốc phòng là 4,1 tỉ euro, giảm 13% so với năm 2019. Ông Jiri Sedivy, giám đốc AED, cho rằng « xu hướng giảm chi phí cho các dự án chung châu Âu là điều quan ngại đặc biệt » vì từ cuối năm 2017, Liên Hiệp Châu Âu có Hiệp ước phòng thủ chung nhằm huy động chung ngân sách và chấm dứt tình trạng cạnh tranh trong ngành công nghiệp quốc phòng mỗi nước.

Cơ quan AED cũng ghi nhận các khoản đầu tư cho nghiên cứu và công nghệ quốc phòng cũng rời rạc và thiếu hợp tác, trong khi Liên Hiệp Châu Âu có 60 dự án quân sự chung và hướng đến việc thành lập một lực lượng phản ứng nhanh.

Chi phí quân sự năm 2020 lại lập kỷ lục bất chấp Covid-19

Việc tăng chi phí cho quân sự của Liên Hiệp Châu Âu cũng nằm trong xu hướng chung của thế giới. Ngành công nghiệp quốc phòng là một trong những lĩnh vực hiếm hoi không bị đại dịch Covid-19 tác động

Theo báo cáo ngày 06/12 của Viện Nghiên cứu quốc tế về Hòa bình (SIPRI), trụ sở tại Stockholm, năm 2020 là năm thứ 6 liên tiếp mà 100 đại tập đoàn sản xuất vũ khí ghi nhận doanh thu kỉ lục, lên đến 531 tỉ đô la, tăng 1,3% so với năm 2019, trong khi tăng trưởng kinh tế thế giới giảm 3%.

Hoa Kỳ có 41 công ty nằm trong danh sách 100 công ty hàng đầu, có tổng doanh thu là 285 tỉ đô la, chiếm hơn một nửa số hợp đồng vũ khí của top 100. Trung Quốc đứng thứ hai về số doanh nghiệp bán nhiều vũ khí nhất, với tổng doanh thu tăng 1,5% so với năm 2019, bỏ xa các nước Anh, Nga và Pháp. Theo SIPRI, sự phát triển ấn tượng của Trung Quốc là do nước này muốn « tự chủ trong sản xuất và nhờ vào các chương trình đầy tham vọng về hiện đại hóa » quân đội.

Covid-19 : Pháp không phong tỏa nhưng tăng cường biện pháp chống dịch

Một điểm tiêm ngừa Covid-19 ở thành phố Saint Jean de Luz, phía tây nam Pháp, ngày 29/11/2021. © AP Photo/Bob Edme

Thu Hằng
Hội đồng Quốc phòng Dịch tễ Pháp họp sáng 06/12/2021 để thông qua các biện pháp « thực dụng, tương xứng và hợp lý », theo mong muốn của tổng thống Macron, nhằm đối phó với đợt dịch Covid-19 thứ 5.

Biện pháp đầu tiên được hướng đến là tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi, kể từ ngày 01/01/2022 và dựa trên cơ sở tự nguyện, do tỉ lệ lây nhiễm ở độ tuổi này hiện rất cao, chỉ sau độ tuổi 30-39. Để ngăn đà lây nhiễm trong trường học, chính phủ dự tính cho họ sinh nghỉ lễ cuối năm sớm hơn, từ ngày 15/12. Biện pháp này cũng đã được Bỉ áp dụng.

Đối với người lao động, « chủ lao động và nhân viên thương lượng để ấn định số ngày làm việc từ xa » vì điều này không còn trong quy định từ tháng 09. Việc đeo khẩu trang cũng sẽ bị bắt buộc trở lại trong các nhà hát, sân khấu, một số nơi đông người qua lại, thậm chí là ở một số thành phố và cũng không loại trừ khả năng bắt buộc đeo khẩu trang ngoài phố.

Chính phủ không chủ trương phong tỏa hay áp dụng giới nghiêm mà kỳ vọng vào chiến dịch tiêm chủng, dù không tính đến khả năng bắt buộc như ba nước châu Âu, là Áo, Đức và Hà Lan.

Áo là nước đầu tiên dự định thông qua dự luật bắt buộc tiêm chủng kể từ ngày 01/02/2022 và sẽ phạt 7.200 euro bất kỳ ai từ chối. Tuy nhiên, quyết định của chính phủ Áo khiến người dân liên tục xuống đường biểu tình vào cuối tuần trong thời gian gần đây, đặc biệt là có đến 40.000 người tuần hành hôm 04/12.

Đức, nơi có 10 triệu người chưa tiêm chủng, cũng đi theo hướng này. Một dự thảo luật sẽ được trình lên Hạ Viện từ giờ đến cuối năm về việc bắt buộc tiêm chủng vào khoảng tháng 02-03/2022. Ông Olaf Scholz, thủ tướng sắp tới của Đức, cho biết ủng hộ biện pháp này với tư cách cá nhân. Người không tiêm chủng sẽ bị phạt theo biểu giá tăng dần, từ một centime euro trong ngày đầu tiên đến 1,17 euro cho một tuần và có thể lên đến 10.000 euro sau ba tuần.

Kể từ ngày 16/01/2022, những người trên 60 tuổi ở Hy Lạp cũng sẽ bị bắt buộc tiêm chủng. Người vi phạm sẽ bị phạt 100 euro/tháng, theo thông báo ngày 30/11 của thủ tướng Kyriakos Mitsotakis.

Tại châu Á, Đài Loan dự tính bắt buộc tiêm chủng đối với nhân viên làm việc trong 24 lĩnh vực kể từ ngày 01/01/2022, trong đó có nhân viên trong các trung tâm chăm sóc y tế và người cao tuổi, trong ngành giáo dục, thậm chí là nhân viên các quán karaoke.

Covid-19 : WHO kêu gọi châu Á-Thái Bình Dương đối phó với số ca nhiễm Omicron gia tăng

Ngay khi Omicron mới xuất hiện vào cuối tháng 11/2021, Tổ chức Y Tế Thế Giới đã cảnh báo đây là biến thể « đáng lo ngại ». Ed JONES AFP/Archivos

Trọng Nghĩa
Biến thể Omicron của SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở hơn 40 nước trên thế giới. Ngày 03/12/2021, Tổ Chức Y Tế Thế Giới cảnh báo các nước châu Á-Thái Bình Dương, nơi áp dụng các biện pháp chống dịch khắt khe hơn phương Tây, cần chuẩn bị đối phó với sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 do biến thể Omicron gây ra.

Biển thể Omicron đã xuất hiện ở Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và Ấn Độ khiến nhiều nước quyết định thắt chặt việc đi lại. Tuy nhiên, theo ông Takeshi Kasai, giám đốc WHO phụ trách khu vực Tây Thái Bình Dương, « việc kiểm soát biên giới có thể kéo dài thời gian nhưng mọi quốc gia và mọi cộng đồng phải chuẩn bị cho những đợt bùng phát ca nhiễm mới ». Thực tế ở Úc cho thấy, dù đóng cửa biên giới trong nhiều tháng và còn tiếp tục kéo dài đến ngày 15/12, biến thể Omicron vẫn lây lan trong cộng đồng.

Trong cuộc họp báo trực tuyến, ông Takeshi Kasai nhấn mạnh đến việc rút kinh nghiệm từ việc đối phó với biến thể Delta và kêu gọi các nước tổ chức tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, cũng như thực hiện các biện pháp phòng dịch như quy định đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới xếp Omicron vào « biến thể đáng lo ngại ». Các nhà khoa học vẫn đang thu thập dữ liệu để xác định mức độ lây lan và nguy hiểm của Omicron. Tính đến ngày 05/12, đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 5,2 triệu người chết trên khắp thế giới. Tuy nhiên, WHO thẩm định con số thực tế phải cao hơn gấp 2-3 lần số liệu thống kê.

Nga và Ấn Độ : Đối thoại tập trung vào quốc phòng và năng lượng

Bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu bắt tay đồng nhiệm Ấn Độ Rajnath Singh, tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 06/12/2021. REUTERS – ADNAN ABIDI

Thanh Hà
Một ngày trước cuộc họp với nguyên thủ Mỹ qua cầu truyền hình, hôm nay 06/12/2021 tổng thống Nga Vladimir Putin đến New Delhi họp thượng đỉnh với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Chuyến xuất ngoại thứ nhì của lãnh đạo điện Kremlin từ khi dịch Covid-19 bùng phát là một biểu tượng lớn về tầm mức quan trọng của Ấn Độ đối với Matxcơva.

Cùng lúc thủ tướng Ấn Độ và tổng thống Nga họp thượng đỉnh, New Delhi và Matxcơva mở đối thoại 2+2 giữa các bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao.  

Về năng lượng, Ấn Độ mong muốn mở rộng hợp tác với các đối tác Nga trong lĩnh vực dầu khí nhằm giảm bớt mức độ lệ thuộc vào than đá. Tháp tùng tổng thống Putin đến New Delhi hôm nay có lãnh đạo tập đoàn Rosneft, ông Igor Sechin. Đôi bên đang thương lượng về « nhiều hợp đồng quan trọng ».

Liên quan đến về an ninh, Nga cũng như Trung Quốc lo ngại trước việc Hoa Kỳ nỗ lực lôi kéo Ấn Độ vào liên minh an ninh trong khuôn khổ bộ tứ QUAD cùng với Úc, Nhật Bản để làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh và kể cả Matxcơva. Tuy nhiên, trong quá khứ, New Delhi từng có một mối quan hệ mật thiết với Liên Xô cũ và vẫn duy trì mối « đối tác chiến lược đặc biệt » với Nga và là một trong những khách hàng quan trọng nhất mua vào vũ khí của Nga.

Từ thủ đô New Delhi, thông tín viên Sébastien Farcis cho biết thêm :

« Nga là nhà cung cấp vũ khí số 1 của Ấn Độ. Gần hai phần ba tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ xuất phát từ Nga. Chuyến viếng thăm lần này nhằm thông qua hai hợp đồng mua bán vũ khí mới. Hợp đồng thứ nhất liên quan đến việc khởi động một nhà máy tại Ấn Độ sản xuất 750.000 súng tự động Kalasnikov (AK) nhờ chuyển giao công nghệ. Hồ sơ thứ nhì liên quan đến hợp đồng Nga bán cho Ấn Độ hệ thống phòng không S-400.

New Delhi, một đồng minh chiến lược của Washington, trên nguyên tắc sẽ tránh được các biện pháp trừng phạt của Mỹ bởi từ trước tới nay, Hoa Kỳ từng dọa ban hành cách biện phạt Ấn Độ trong trường hợp chính quyền Modi vẫn duy trì hợp đồng mua bán vũ khí tối tân của Nga.

Dù vậy, áp lực của Mỹ đối với Ấn Độ vẫn tồn tại và đấy chính là một vấn đề nghiêm trọng trong quan hệ lâu đời giữa Matxcơva và New Delhi. Một mặt, Ấn Độ nhanh chóng thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ để đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Mặt khác, Nga lại là một đối thủ của Mỹ và thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. Do vậy, Narendra Modi và Vladimir Putin, vốn có quan hệ tốt về mặt cá nhân, cùng mong muốn trực tiếp đối thoại tránh để những bất đồng về địa chính trị làm xấu đi thêm bang giao giữa hai nước ».

Trung Quốc kêu gọi ASEAN tham gia “mặt trận thống nhất” chống lại chiến tranh lạnh

image.png

(Ảnh minh họa) – Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại một cuộc hợp báo sau cuộc gặp với ngoại trưởng Malaysia Dato’ Saifuddin Abdullah hôm 12/09/2019, tại Bắc Kinh. AP – Andrea Verdelli
Chi Phương
Trong cuộc hội đàm trực tuyến với đồng nhiệm Malaysia hôm thứ Bẩy , 4/12/2021, ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị đã kêu gọi các nước trong khu vực tăng cường hợp tác, phản đối các hành vi phá hoại hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Theo ông Vương Nghị, được báo mạng The South China Morning Post ngày 05/12, trích dẫn, quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á (ASEAN) là « mặt phải của lịch sử ». Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh rằng điều này « đi ngược lại với những nỗ lực chia rẽ hoặc kích động một cuộc chiến tranh lạnh mới », nhằm ám chỉ đến các can thiệp của Hoa Kỳ trong khu vực trong thời gian gần đây và nhắc lại là các nước nên tôn trọng chủ quyền của nhau và không nên can thiệp vào việc nội bộ của nước khác.

Theo nhật báo Hồng Kông, Trung Quốc đang cố gắng tăng cường quan hệ với ASEAN trong bối cảnh các cường quốc đang tranh giành ảnh hưởng trong khu vực. Cụ thể là việc Mỹ cử các nhà ngoại giao đến 4 nước Đông Nam Á (Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia) vào tuần trước, sau khi tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự cuộc họp thưởng đỉnh trực tuyến của ASEAN vào tháng 11.

Cũng trong ngày 4/12, văn phòng thông tin của chính phủ Trung Quốc đã công bố « sách trắng », với tiêu đề « Trung Quốc : nền dân chủ hoạt động ».  Báo NKK World Japan cho biết, một trong những nội dung của « sách trắng » giải thích việc Trung Quốc không sao chép các mô hình dân chủ của phương Tây, mà tạo ra mô hình của riêng Trung Quốc. « Dân chủ là giá trị chung của nhân loại và là lý tưởng luôn được đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và nhân dân Trung Quốc tôn trọng ».

Động thái này diễn ra vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ do Hoa Kỳ tổ chức, dự kiến diễn ra vào ngày 9/12-10/12/2021. Khoảng hơn 100 quốc gia được mời tham gia hội nghị, trong đó có Đài Loan. Các đối thủ chính của Mỹ, dẫn đầu là Trung Quốc và Nga, không có tên trong danh sách này.

Related posts