Tin thế giới sáng thứ bảy

Máy bay quân sự Mỹ và Pháp bị chiến đấu cơ Nga chặn ở Biển Đen

(Ảnh minh họa) – Máy bay chiến đấu Su-27 của Nga, ngày 06/12/2018. AP – Mikhail Palinchak

Phan Minh
Nga hôm qua 09/12/2021 thông báo đã điều máy bay chiến đấu ngăn chặn các máy bay quân sự của Mỹ và Pháp đang tiến gần đến vùng Biển Đen, khu vực sát biên giới Nga. Sự kiện xẩy ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Matxcơva và phương Tây.

Bộ Quốc Phòng Nga cho biết đã sử dụng 3 chiến đấu cơ Su-27 để ngăn chặn 3 máy bay quân sự Mirage 2000, Rafale và KC-135 của Pháp, cùng với 2 máy bay trinh sát CL-600 “Artemis” và RC-135 của Mỹ, sau khi xác định 5 chiếc phi cơ này bay trên khu vực Biển Đen và đang tiến vào không phận Nga.

Matxcơva cũng thông báo họ đã ngăn chặn và hộ tống 3 máy bay khác của Pháp sau khi 3 máy bay này bị phát hiện bay trên khu vực Biển Đen vào ngày hôm trước.

Quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây đang rất căng thẳng trong những tuần gần đây khi châu Âu cáo buộc Matxcơva điều quân ồ ạt đến vùng sát biên giới Ukraina cho một chiến dịch quân sự.

Trong cuộc họp trực tuyến hôm 07/12/2021 với lãnh đạo Nga Vladimir Putin, tổng thống Mỹ Joe Biden đe dọa áp dụng “các biện pháp trừng phạt mạnh chưa từng thấy” trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công từ Matxcơva nhằm vào Kiev. Ngày hôm sau Pháp cũng cảnh báo Matxcơva về “những hậu quả lớn” trong trường hợp Nga tấn công Ukraina.

Matxcơva phủ nhận mọi ý đồ gây chiến và cáo buộc các nước NATO đang gia tăng “các hành động khiêu khích” bằng cách thực hiện các cuộc diễn tập quân sự gần biên giới của mình ở Biển Đen.
TT Pháp tỏ ý dè dặt trước việc tẩy chay ngoại giao Thế Vận Hội Bắc Kinh

(Ảnh minh họa) – Nguyên thủ Pháp Macron trong một buổi họp báo ở phủ tổng thống, Paris, ngày 09/12/2021. AP – Ludovic Marin

Minh Anh
Ngày 09/12/2021, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng một cuộc tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh đơn thuần về mặt ngoại giao có lẽ chỉ là một biện pháp « quá nhỏ và chỉ mang tính tượng trưng ».

Nguyên thủ Pháp cho rằng « hoặc người ta tẩy chay toàn diện, không gởi vận động viên, hoặc người ta cố gắng làm lại mọi việc và có được một chương trình, một hành động hữu ích như mọi khi ở cấp độ quốc tế ». Do vậy, theo ông Macron, trong vấn đề này, Pháp sẽ phối hợp cùng với các đối tác châu Âu và Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế CIO để đưa ra « quyết định trong những tuần sắp tới ».

Theo AFP, dường như tổng thống Pháp muốn đặt khả năng tẩy chay trong bối cảnh vụ tai tiếng Bành Súy, tay vợt nữ Trung Quốc, người đã tố cáo một cựu lãnh đạo cao cấp của Bắc Kinh cưỡng ép cô quan hệ tình dục và đã mất tích trong nhiều tuần liền.  

Ông Emmanuel Macron cho rằng Pháp và Liên Hiệp Châu Âu nên làm việc với Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế, sao cho tinh thần của « hiến chương về việc bảo vệ các vận động viên » được duy trì, cũng như là « hỗ trợ CIO làm công việc này với Trung Quốc nhằm bảo vệ tốt hơn các vận động viên » sau những gì đã diễn ra trong những tuần qua.

Hãng tin Pháp nhắc lại, hôm thứ Ba, 07/12/2021, sau khi Mỹ và một số nước đồng minh thông báo tẩy chay ngoại giao Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh năm 2022, Paris cho biết là quyết định này sẽ phải được đưa ra ở cấp độ Liên Hiệp Châu Âu.  
Mỹ kêu gọi các quốc gia “dân chủ” tăng cường quan hệ với Đài Loan

Ảnh do Văn phòng tổng thống Đài Loan công bố : Tổng thống Palau Surangel Whipps nâng ly với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trong bữa tiệc tại Đài Bắc, ngày 30/03/2021. AP

Chi Phương
Ngay sau khi Nicaragua tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để thiết lập bang giao với Bắc Kinh, Washington ngày hôm qua 09/12/2021, kêu gọi các quốc gia dân chủ tăng cường quan hệ với Đài Bắc.

Trong một thông cáo báo chí, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhấn mạnh trên việc « ủng hộ các quốc gia coi trọng thể chế dân chủ, minh bạch, nhà nước pháp quyền, và thúc đẩy thịnh vượng kinh tế cho công dân họ » và kêu gọi « tăng cường quan hệ với Đài Loan. »

Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết thêm, việc chính phủ của tổng thống Nicaragua Daniel Ortega tuyên bố chấm dứt quan hệ với Đài Bắc « đã tước đi một đối tác trung thành » về sự phát triển dân chủ và kinh tế của người dân Nicaragua.

Thông báo trên được đưa ra ngay sau khi Nicaragua tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và công nhận « một Trung Hoa duy nhất ». Cho đến nay, Đài Loan và Nicaragua hợp tác chủ yếu trong các lĩnh vực như y tế, nông nghiệp và nhà ở xã hội. Từ những năm 1990, một số công ty Đài Loan đã được thành lập tại quốc gia Trung Mỹ này.

Trả lời AFP, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Thực tế Quốc gia ở Managua, ông Oscar René Vargas, cho rằng tuyên bố của Nicaragua có thể xuất phát từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trước đó, vào tháng 11/2021, Hoa Kỳ đã cấm tổng thống Nicaragua, các bộ trưởng và người thân của ông nhập cảnh vào Hoa Kỳ, do việc ông Ortega tái đắc cử qua cuộc bầu cử bị rút ngắn và việc các đối thủ chính trị của ông bị bỏ tù. Lo sợ bị cô lập, ông Ortega tìm sự ủng hộ từ phía Trung Quốc.

Ngay từ khi lên nắm quyền vào năm 2007, tổng thống Nicaragua Daniel Ortega, một cựu du kích theo chủ nghĩa Marx thuộc Mặt trân Giải phóng Quốc gia Sandinista ( FSLN) đã bày tỏ hy vọng thiết lập mối quan hệ với cả Trung Quốc và Đài Loan. Theo AFP, đây là một khái niệm mà Bắc Kinh bác bỏ.

Sau tuyên bố cắt đứt quan hệ với Đài Loan của Nicaragua, hiện chỉ còn 14 quốc gia công nhận chủ quyền của hòn đảo dân chủ. Bắc Kinh coi hòn đảo này là « một tỉnh nổi loạn » và phải được thống nhất với Hoa Lục, bằng vũ lực nếu cần thiết.
Thượng đỉnh vì dân chủ: Phó TT Mỹ Harris thúc giục Quốc Hội hành động

Ảnh minh họa: Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, ngày 07/12/2021. AP – Manuel Balce Ceneta

Phan Minh
Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ, do Nhà Trắng tổ chức theo hình thức trực tuyến, sẽ tiếp tục vào hôm nay 10/12/2021. Hôm qua, phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã có bài phát biểu kết thúc ngày thảo luận đầu tiên và bà nhấn mạnh còn rất nhiều gian nan ở phía trước.

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :

Nền dân chủ không hoàn hảo và có thể được cải thiện. Hoa Kỳ cũng không phải là ngoại lệ. Ngày nào chúng ta cũng nghe nói về cuộc tấn công vào điện Capitol ngày 6 tháng 1. Các luật hạn chế quyền bỏ phiếu, đặc biệt là đối với các nhóm thiểu số, đang gia tăng ở các tiểu bang theo đường lối bảo thủ. Hành Pháp tố cáo các luật địa phương này và đã khiếu nại trước tòa. Nhưng đối với bà Kamala Harris, cần phải đi xa hơn :

Bà Harris cho biết : “Quốc Hội Mỹ phải hành động. Hiện đang có 2 dự luật được trình ra Quốc Hội. Với 2 dự luật này, chúng ta có thể đảm bảo rằng mọi công dân Mỹ có quyền bầu cử đều có thể bỏ phiếu và lá phiếu của họ sẽ được tính trong một cuộc bầu cử tự do, công bằng và minh bạch. Hôm nay, khi thế giới đang nhìn chúng ta, tổng thống và tôi nhắc lại lời kêu gọi để những dự luật này nhanh chóng được thông qua. Chúng tôi biết là những gì chúng tôi đang làm sẽ giúp chúng tôi mạnh mẽ hơn khi đối mặt với thế giới bên ngoài”.

Vấn đề là với thủ tục tại Quốc Hội Mỹ, đặc biệt là tại Thượng Viện, đảng Dân Chủ sẽ cần nhiều phiếu hơn so với số ghế của họ. Những kế hoạch đó vẫn đang bị đình trệ và chính quyền Biden khó có thể trưng ra những tiến bộ tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Dân Chủ lần tới dự kiến vào năm 2022, năm diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ.

Mỹ cấm vận vũ khí Cam Bốt

(Ảnh minh họa) – Thủy thủ đứng gác gần các tàu chở xăng dầu tại căn cứ hải quân Ream của Cam Bốt, gần Sihanoukville, ngày 26/07/2019. REUTERS / Samrang Pring

Thu Hằng
Cam Bốt bị Washington chính thức cấm vận vũ khí kể từ ngày 09/12/2021 do có « những hoạt động đi ngược lại với lợi ích quốc phòng và chính sách ngoại giao của Mỹ ». Trong một thông báo được ghi trong sổ đăng ký liên bang Federal Register, Hoa Kỳ còn nhắc đến sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, cũng như tình trạng tham nhũng và vi phạm nhân quyền của chính phủ của thủ tướng Hun Sen và quân đội Cam Bốt.

Cụ thể, theo hãng tin Mỹ AP, khí tài và dịch vụ liên quan đến quốc phòng phải được chính phủ Mỹ thông qua mới được cung cấp cho Phnom Penh. Đây là bước tiếp theo trong loạt trừng phạt của Mỹ đối với quân đội Cam Bốt, sau việc Trung Quốc xây dựng nhiều cơ sở tại căn cứ hải quân Ream ở Sihanoukville, được Mỹ tài trợ một phần, và có vị trí chiến lược nhìn ra vịnh Thái Lan dẫn đến Biển Đông.

Trước khi loạt biện pháp mới này được loan báo, hai quan chức quân đội Cam Bốt đã bị Mỹ trừng phạt vào ngày 10/11 vì tham nhũng. Ông Chau Phirun, tổng cục trưởng Tổng cục Dịch vụ Kỹ thuật và Vật liệu thuộc bộ Quốc Phòng và ông Tea Vinh, tư lệnh Hải Quân Cam Bốt, bị bộ Tài Chính Mỹ cáo buộc âm mưu với nhiều quan chức Cam Bốt khác thổi phòng chi phí của một dự án xây dựng tại căn cứ hải quân Ream và thu lợi bất chính.

Nhân quyền là lý do thứ hai được bộ Tài Chính Mỹ nêu trong loạt trừng phạt có hiệu lực từ ngày 09/12. Chính phủ của thủ tướng Hun Sen bị lên án trấn áp đối lập chính trị, đóng cửa nhiều cơ quan truyền thông và buộc vài trăm chính trị gia, nhà đấu tranh vì nhân quyền và nhà báo Cam Bốt phải lưu vong.

Mỹ muốn nâng quan hệ với ASEAN « lên mức chưa từng có »
Mỹ thông báo cấm vận vũ khí đối với Cam Bốt vào lúc nước này chuẩn bị đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2022, trong khi các nước ASEAN đang bàn về cuộc họp thượng đỉnh trực diện, theo đề xuất của tổng thống Joe Biden.

Ngày 09/11, ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, giải thích « tổng thống Biden cam kết nâng mối quan hệ Hoa Kỳ – ASEAN lên mức chưa từng có ». Và để cân bằng với sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực, hai quan chức ngành ngoại giao Mỹ lần lượt công du nhiều nước Đông Nam Á. Ngoại trưởng Antony Blinken đến Malaysia, Indonesia, Thái Lan, từ ngày 9-17/12, ngay sau chuyến công du Cam Bốt và Indonesia của cố vấn bộ Ngoại Giao Derek Chollet, từ ngày 08/12.
Irak xác nhận Quân Đội Mỹ đã chấm dứt “sứ mệnh chiến đấu”

Trung tướng Abdul Amir al-Shammari phát biểu trong cuộc họp với các chỉ huy liên quân và Hoa Kỳ tại Bagdad, Irak, ngày 09/12/2021. via REUTERS – JOINT OPERATIONS COMMAND MEDIA O

Chi Phương
Trong cuộc họp ngày 9/12/2021 giữa các chỉ huy liên quân chống thánh chiến quốc tế – do Hoa Kỳ đứng đầu – và lực lượng an ninh Irak, đại diện Irak cho biết quân đội Hoa Kỳ đã kết thúc nhiệm vụ chiến đấu tại Irak. Từ nay, quân đội Mỹ chỉ có nhiệm vụ huấn luyện và cố vấn cho lực lượng Irak. Thông báo này mang tính chính trị hơn là quân sự.

Từ Bagdad, thông tín viên RFI, Lucile Wassermann giải thích thêm :

« Tại căn cứ quân sự ở trung tâm Bagdad, các tướng lĩnh của lực lượng Hoa Kỳ và Irak họp lại quanh một chiếc bàn lớn, mặt đối mặt, trong vòng đàm phán thứ ba và cũng là lần đám phán cuối cùng. Mục đích là để chính thức hóa việc chấm dứt nhiệm vụ chiến đấu của Hoa Kỳ tại IraK.

Một giờ sau đó, đại diện bộ Nội Vụ Irak, ông Saad Maad đưa ra tuyên bố như sau : « Như đã thỏa thuận, liên minh sẽ sớm hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu tại Iraq vào cuối năm nay. Thiếu tướng Mỹ John Brennan đã cho chúng tôi biết là những đơn vị và thiết bị nào đã được rút khỏi lãnh thổ Irak.

Tuy nhiên, sự chuyển quân này sẽ không tạo ra nhiều thay đổi trên hiện trường. Đã có 2500 binh lính Hoa Kỳ được điều đến Iraq và lực lượng này sẽ không suy suyển vào ngày 1/1/2022. Ông Saad Maan cho biết thêm : « Theo lời mời của chính phủ, lực lượng liên minh sẽ vẫn tiếp tục hiện diện tại Irak. Từ nay họ giữ nhiệm vụ hỗ trợ, cố vấn và viện trợ cho lực lượng Irak. »

Thông báo trên mang tính chính trị nhiều hơn là quân sự, bởi vì điều này phục vụ lợi ích của chính phủ Irak hiện tại, vào lúc mà các phe thân Iran tại nước này đang gia tăng các mối đe dọa, yêu cầu Hoa Kỳ rút quân hoàn toàn khỏi Irak. »

Theo hãng tin Anh Reuters, Hoa Kỳ và đồng minh đã thành lập liên minh chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo vào năm 2014, sau khi nhóm này giành được quyền kiểm soát một vùng rộng lớn tại Irak và Syria. Kể từ thất bại năm 2017, quân thánh chiến đã không còn đủ năng lực kiểm soát lãnh thổ trong khu vực, nhưng vẫn tiếp tục lãnh đạo các cuộc nổi dậy ở vùng sa mạc và miền núi, thường xuyên gây nhiều thương vong cho quân đội và người dân Irak.Vào tháng 7/2020, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và thủ tướng Irak đã thông qua thỏa thuận về việc kết thúc nhiệm vụ chiến đấu của Hoa Kỳ tại nước này vào cuối năm 2021.
Việt Nam nằm trong số ba nước ASEAN bị tin tặc Trung Quốc tấn công nhiều nhất

Insikt Group 08/12/2021 cho biết tại ASEAN trong 9 tháng vừa qua, ba nước bị tin tặc Trung Quốc tấn công nhiều nhất là Malaysia, Indonesia và Việt Nam. AP – Michel Spingler

Thu Hằng
Tin tặc Trung Quốc, có nhiều khả năng được Nhà Nước tài trợ, đã tấn công nhiều tổ chức chính phủ và tư nhân khắp Đông Nam Á. Trong báo cáo công bố hôm 08/12/2021, Insikt, một công ty tư nhân Mỹ về an ninh mạng cho biết trong số nạn nhân có cả những chính quyền có quan hệ thân thiết với Bắc Kinh trong các dự án phát triển cơ sở hạ tầng

Insikt Group cho biết đã xác định được các tổ chức quân sự và chính phủ ở Đông Nam Á bị tấn công trong 9 tháng vừa qua, trong đó ba nước bị tin tặc tấn công nhiều nhất là Malaysia, Indonesia và Việt Nam.

Cụ thể, theo Insikt Group khi trả lời AP, « các vụ tấn công nhắm vào các văn phòng thủ tướng, các thực thể quân sự và các bộ ngành của những nước cũng đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông là Việt nam, Malaysia và Philippines ». Các nước còn lại (Miến Điện, Phillipines, Lào, Thái Lan, Singapore và Cam Bốt) cũng bị nhắm đến, trong đó nhiều tổ chức ở Indonesia và Thái Lan là nạn nhân của tin tặc Trung Quốc.

Các nhóm gián điệp mạng sử dụng những phần mềm độc hại FunnyDream và Chinoxy, nhắm chủ yếu đến các mục tiêu chính trị và kinh tế của Bắc Kinh. Phần lớn các vụ tin tặc được cho là do hacker của nhóm TAG-16 tiến hành. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy « TAG-16 chia sẻ dữ liệu khách hàng với nhóm RedFoxtrot có quan hệ với Quân Đội Trung Quốc ».

Trong quá trình theo dõi suốt năm 2021, Công ty Insikt cho biết có khoảng 400 máy chủ ở Đông Nam Á kết nối với các phần mềm độc hại. « Rất nhiều sự cố kéo dài nhiều tháng », như vậy, « rất có thể tin tặc nằm lại trong các mạng lưới của nạn nhân trong thời gian dài để thu thập dữ liệu ».

Hiện tại, Trung Quốc không đưa ra bình luận về báo cáo của Insikt Group. Các nước Indonesia, Cam Bốt, Thái Lan cho biết không phát hiện bất kỳ hành vi tin tặc nào.

Related posts