Du Uyên
Trong một show hẹn hò:
“Anh muốn hỏi em rằng em đến đây vì tình yêu hay vì tiền thưởng?”
Sau vài giây ngập ngừng, cô gái nói: “Thật sự mục đích của em đến đây là vì tiền thưởng…”
Lý do để các chương trình hẹn hò sinh sôi như nấm sau mưa không phải bởi tỷ lệ người cần tìm ý trung nhân ở Việt Nam tăng lên. Theo tôi, lý do nằm ở chỗ, ngày càng có nhiều người luôn có nhu cầu tìm ai đó để… chửi. Vì đa số các chương trình giải trí/hẹn hò hiện nay đều dựa trên mục đích tìm những cái “bia bắn… chữ”, thỏa mãn nhu cầu… chửi và nói đạo lý/lời hay ý đẹp của khán giả mà viết kịch bản.
Bởi vậy, lâu lâu lại có những người xa lạ, chẳng liên quan gì tới đời bạn, nhưng bằng cách cả thế giới đăng hình họ và mắng mỏ, bạn dần quen mặt họ. Buồn buồn, cái bạn tìm hiểu xem họ nói gì? Thế là từ xa lạ mà bạn trở thành một trong những người ghét họ. Rảnh rảnh, bạn cũng sẽ mắng họ đôi dòng, hoặc đôi ba bữa/tháng… Sau đó, họ và bạn lại là những người xa lạ, chẳng liên quan gì tới đời nhau. Nhiều khi gặp nhau ở ngoài, còn không nhận ra đó là người mình từng biên 2000 bài viết trên mạng xã hội để phê phán, chỉ trích! Xin lỗi xã hội, tôi từng nhiều lần bị cuốn vào thị phi bằng cách như thế.
Sau tất cả, những người bị chửi đó chẳng biết được chi không, chứ khán giả mất khá nhiều: từ thời gian (quan tâm chuyện không đâu) đến cảm xúc (giận dữ, ghét bỏ…), tư duy (nghĩ ra hàng ngàn câu từ đầy đạo lý để chửi), đôi khi mất bạn bè vì bạn thích người mình không thích… Kẻ được lợi nhiều nhất là những người đã tạo ra các chương trình đó, vừa được tiền, vừa được tiếng, nhưng không hề bị mắng, vì cư dân mạng không có một cái bia chính xác để “bắn”. Một sự thật hiển nhiên, nhưng không phải ai cũng nhận ra, hoặc nhận ra rồi nhưng không thể chối từ vòng xoáy của thị phi. Có lẽ vì chửi/sửa lưng người ta, nói đạo lý không làm bạn sang hơn, nhưng đôi khi làm bạn… sướng (vì tưởng mình sang hơn người ta một chút).
Nội dung chung của một tập của chương trình hẹn hò cũng đơn giản: nam nữ chính gặp nhau, chia sẻ sở thích sở ghét, chia sẻ bối cảnh gia đình, thậm chí là tài sản hiện có. Sau đó đánh giá nhan sắc, thăm dò ý tứ, rồi quyết định dắt nhau về hoặc chia tay nhau. Nhưng sự thật mất… view. Trải dài quá trình đó là những lời nói dối: như anh “đại gia” trong chương trình, sau chương trình thì người ta bóc mẽ anh là con nợ ở ngoài đời. Cô gái xinh đẹp vừa kiếm được người trong mộng lại đã có người yêu. Cha mẹ “cô dâu chú rể” chỉ là diễn viên mà chương trình thuê cho “đôi trẻ” ghi hình… Ngoài ra, còn có những phát ngôn và các hành động khó chấp nhận.
Bạn sẽ làm gì trong ngày đầu hẹn hò nghiêm chỉnh? Có đè nhau ra hôn ngấu nghiến ngay trên truyền hình, sau đó từ chối nhau vì “Anh thật sự không chấp nhận được người phụ nữ quá dễ dãi…” Có nói thẳng mặt nhau, kiểu như:
“Nếu ba mẹ bạn trai ốm hay bệnh tật thì em sẽ kiếm bạn trai khác.”
“Phụ nữ mà xấu quá thì hỏng cả một đời con cháu luôn.”
“Tôi ghi yêu cầu từ đầu là tìm bạn nữ tuyệt đối phải trinh tiết”.
“Em ăn hai bát phở, anh chỉ trả tiền một bát, bát còn lại em phải trả.”
“Chúng ta sẽ ly hôn nếu em không sinh được con trai”
“Con gái chỉ được ngồi mâm dưới thôi. Khi mà cúng xong thì những món ngon vật lạ mình đưa lên mâm trên, mâm dưới gọi là phụ thôi, khi nào mâm trên ăn xong, còn thì đem xuống đưa cho mâm dưới.”…
Dĩ nhiên là không rồi! Người bình thường, không ai điên mà nói những câu trên trong buổi đầu hẹn hò, cho dầu có không thích đối phương tới đâu. Vậy tại sao những người trong các chương trình hẹn hò có thể làm và nói như vậy?
Công Hoàng – nhân vật nói hai câu cuối ở trên – người gần đây đang được cư dân mạng “chăm sóc” nhiệt tình bằng gạch đá/chửi bới/các bài viết dạy đối nhân xử thế/dạy kiếm vợ… Vì dân mạng cho là chàng trai này bôi xấu đất “thần kinh” Huế, khi nói nơi này còn quá nhiều hủ tục với phụ nữ (như trên) – đã lên tiếng bào chữa: “Tôi chỉ làm theo kịch bản.”
Ngoài ra, một người trong nghề, đạo diễn Huỳnh Tấn Phát cũng nói ý kiến tương tự: “Chuyện một diễn viên đóng vai người tham gia các game show xưa nay không hiếm. Nhất là ai đã từng làm hay hiểu biết đôi chút về công nghệ game show đều rất rõ điều này. Nhiều bạn trẻ tham gia liên tục hết game show này tới game show khác. Người thì tham gia để kiếm chút tiền thưởng. Người để thoả mãn nhu cầu lên truyền hình. Thậm chí, có một số bạn diễn viên trẻ muốn tham gia để PR bản thân.
Ngoài lực lượng người chơi ghi danh, mỗi đơn vị truyền thông sản xuất game show hay chương trình đều có hẳn một lực lượng diễn viên sẵn sàng chờ đó để back up cho người chơi vì lý do ABC nào đó mà vắng mặt. Rồi các game hẹn hò có sự xuất hiện của phụ huynh, bạn bè… Trong lực lượng đó, có không ít là diễn viên quần chúng đóng vai…
Tất cả đều phải theo kịch bản. Trong tập này, nói gì, làm gì, thái độ ra sao, kết quả thế nào, ai thắng, ai thua… tất tần tật sẽ được biên tập trao đổi và quy định trước khi bấm máy… Và giữa các tập trông có vẻ bình thường thì tập nào sẽ có drama làm MXH dậy sóng, blah blah… Tất cả đều được hoạch định trước.
Và không chỉ người chơi, trong nhiều chương trình, ngay cả ban giám khảo, ban cố vấn này kia, cũng chỉ là các diễn viên. Họ cũng đang diễn xuất, đang đối thoại theo đúng ý đồ kịch bản của nhà sản xuất. Họ không khác gì vai trò của những người chơi. Chỉ khác là, họ được đặt ở vị trí ghế nóng và (tất nhiên) mức cát sê của họ cao…
Vì vậy, nếu chỉ tập trung chĩa mũi dùi vào anh chàng Công Hoàng, vô tình, chúng ta đang tự nguyện đi đúng lối của Nhà sản xuất game show và cả ê kíp muốn hướng tới…” – Hết trích.
Vậy… Túm lại, những cảm xúc của khán giả trút ra đều đã đặt sai chỗ, vì những người có phát ngôn trái tai gai mắt trên đều là những con rối (được điều khiển bằng tiền). Kẻ điều khiển họ là những người không bao giờ bị gạch quăng trúng. Tuy nhiên, nếu được hỏi, tôi sẽ “ném đá” nhà sản xuất hay những con rối? Tôi cũng sẽ chọn “ném đá” những con rối. Bởi chính họ vì tiền, vì danh… mà đẩy mình vào những chỉ trích, chế nhạo không biên giới như vậy. Họ phải nhận chỉ trích.
Nhưng xã hội Việt Nam hiện nay, thiếu gì chứ đâu có thiếu các con rối? Có những con rối nguy hiểm hơn những người bị chỉ trích mỗi ngày trên mạng vì các phát ngôn trên gameshow rất nhiều. Những con rối này có thể vì lệnh của ai đó mà hà hiếp đồng bào, ở trên kêu phạt ai là họ phạt người đó, kêu đánh ai là họ đánh người ta, kêu đánh đàn bài gì là họ đánh luôn bài đó… không hề biết đúng sai. Không hề cần lương tri. Nhiều khi họ không biết họ sai luôn, vì họ không thấy ai chỉ trích cả. Những kẻ chỉ trích đã bị bắt hết rồi!
Thế giới này, nhờ có hoa thiệt mà người ta hết thích hoa giấy. Bởi vậy, nhờ các con rối ngang ngược đó, tôi bỗng thấy, những người làm con rối trong các chương trình hẹn hò/show truyền hình xem ra vẫn giống… người hơn, đáng yêu hơn. Vì, «làm theo kịch bản» đỡ ảnh hưởng đến nhân loài hơn là «làm đúng… quy trình»!