Theo thông tin do Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản công bố, ngày 16 tháng 12, tàu sân bay Liêu Ninh của ĐCSTQ đã vượt qua eo biển Miyako và tiến vào Thái Bình Dương.
Thời tiết mùa đông trên biển không phù hợp để tiến hành các hoạt động đổ bộ ở eo biển Đài Loan. Cuộc tập trận của tàu sân bay Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì thế mà thiếu ý nghĩa thực tế, nên chỉ có thể dùng để “dương oai” với Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Liêu Ninh có gì?
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã chụp được một bức ảnh rõ nét về tàu sân bay Liêu Ninh. Trên boong có thể nhìn thấy 7 máy bay, trong đó có 6 máy bay chiến đấu J-15 phía sau boong, chiếc trực thăng còn lại đang đậu ở giữa đường băng trên boong phía trước.
Theo dữ liệu được công bố bởi Sách trắng quốc phòng năm 2021 của Nhật Bản, số lượng máy bay chiến đấu J-15 của ĐCSTQ đã tăng từ 20 chiếc vào năm 2020 lên 34 chiếc vào năm 2021. Tàu sân bay Liêu Ninh của ĐCSTQ tuyên bố có thể chở 24 máy bay, trong khi tàu sân bay Sơn Đông được cho là có khả năng chở 36 máy bay, J-15. Tuy nhiên số J-15 trên tàu Liêu Ninh không đủ 24 chiếc. Như vậy có thể còn một số J-15 ở căn cứ trên đất liền để phục vụ việc đào tạo phi công.
Ngày 16/12, Twitter của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ đã công bố hình ảnh tàu sân bay Carl Vinson (CVN70) đi vào Biển Đông, trên boong dày đặc các máy bay chiến đấu.
Ngược lại, mặc dù ĐCSTQ đã có hai tàu sân bay, nhưng rất khó để phát triển khả năng chiến đấu do thiếu các máy bay trên boong tàu. Hải quân Trung Quốc còn thiếu cả máy bay cảnh báo sớm, máy bay trực thăng và máy bay vận tải.
Liêu Ninh đã đi được tới đâu?
Vào tháng 4 năm nay, tàu Liêu Ninh từng xuất phát từ Thanh Đảo, đi qua phía đông Đài Loan, tiến vào Biển Đông, nhưng lại quay trở lại Hồng Kông trong vòng một tháng, trong thời gian đó, nó được theo sau bởi các tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ và được giám sát liên tục. Vào ngày 29 tháng 4, Ngô Khiêm, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng ĐCSTQ, đã trả lời rằng tàu sân bay không phải là “trạch nam” (chỉ những chàng trai chỉ luôn thích ở trong nhà, lẩn trốn mọi hoạt động bên ngoài).
Vào tháng 4 năm 2020, tàu sân bay Liêu Ninh cũng đã xuất kích một lần, đến tận Biển Philippines rồi quay trở lại, chuyến đi khứ hồi mất khoảng 20 ngày. Vào năm 2021, ĐCSTQ có lẽ muốn chứng minh rằng Liêu Ninh không phải là “trạch nam”, và cuối cùng đã khai triển trở lại vào tháng 12. Mặc dù vậy, tàu sân bay của ĐCSTQ chỉ có thể được điều động hai tháng trong một năm, và rất khó để chứng minh rằng nó không phải là “trạch nam”.
Sơn Đông, một tàu sân bay khác của ĐCSTQ, còn giống “trạch nam” hơn. Vào tháng 12 năm 2019, tàu Sơn Đông được chuyển giao trên đảo Hải Nam. Ông Tập Cận Bình đã đích thân tham gia, nhưng tàu Sơn Đông nhanh chóng quay trở lại Nhà máy đóng tàu Đại Liên trong một năm; vào tháng 12 năm 2020, tàu Sơn Đông cuối cùng đã đến căn cứ đảo Hải Nam, nhưng cho đến nay không có ghi chép nào về việc tàu ra khơi.
Sau khi tàu sân bay Carl Vinson của quân đội Mỹ lần đầu tiên chở máy bay chiến đấu F-35, nó đã lên đường đến Hawaii để tập trận vào tháng 7 và chính thức được khai triển đến Tây Thái Bình Dương vào tháng 8, tuần tra qua lại giữa Biển Philippines, Biển Đông và Ấn Độ Dương, và liên tục tập trận với hải quân các nước.
Vào ngày 6 tháng 4 năm nay, Tân Hoa Xã của ĐCSTQ đã đăng một bài viết nói rằng “tàu sân bay là một tàu nổi lớn với các máy bay trên boong bay là vũ khí chiến đấu chính, một quốc gia có thể chiến đấu ở những nơi xa lãnh thổ của mình, và tàu sân bay cũng là biểu tượng cho sức mạnh dân tộc toàn diện của một quốc gia”.
Liêu Ninh băng qua eo biển Miyako nên được ĐCSTQ coi là biểu tượng của chiến tranh trên biển xa. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã nắm rõ mọi động thái của hạm đội tàu sân bay của ĐCSTQ, đồng thời chụp được hình ảnh rõ ràng, bao gồm tàu khu trục Type 055 đi cùng Nam Xương (101), tàu khu trục Type 054A Nhật Chiếu (598) và tàu tiếp liệu Thanh Hải Hồ (901), cũng như tàu khu trục Type 052D Hạ Môn (154).
Hạm đội Bắc Hải của ĐCSTQ không có nhiều tuyến đường ra vào Thái Bình Dương, nếu không vượt qua eo biển Đài Loan thì sẽ không thể đi qua được các đảo của Nhật Bản. Nếu xảy ra chiến tranh, hạm đội của ĐCSTQ sẽ gặp khó khăn trong việc tự bảo vệ mình trước các tên lửa chống hạm trên bờ, cho dù tên lửa chống hạm Type 12 của Nhật Bản hay tên lửa tấn công hải quân mà Thủy quân lục chiến Mỹ có thể khai triển với khả năng cơ động. Các tàu khu trục 055 và 052D của ĐCSTQ có khả năng đánh chặn tên lửa hạn chế, chúng đã khó tự vệ, bảo vệ tàu sân bay lại càng khó hơn. Một khi tàu tiếp liệu của ĐCSTQ bị phá hủy, đội tàu sân bay chỉ có thể lập tức quay đầu vào bờ.
Ngày 15/12, quân đội Mỹ đã công bố một số thông tin về cuộc tập trận “Chiến dịch dao găm sắt” gần đây. Các máy bay chiến đấu F-35 của quân đội Mỹ đã được khai triển cơ động từ Alaska tới Nhật Bản, và máy bay ném bom B-52 đã được điều động để tiến hành các cuộc tập trận chung với Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản. Mục tiêu của cuộc tập trận trước tiên là hạm đội của ĐCSTQ, sau đó có thể tấn công vào các căn cứ ven biển của ĐCSTQ.
Tàu sân bay Liêu Ninh không chỉ phải đối mặt với tên lửa chống hạm đối bờ mà còn cả tên lửa chống hạm phóng từ trên không và tên lửa chống hạm do tàu sân bay của Mỹ mang theo; tất nhiên, mối đe dọa từ tàu ngầm Mỹ cũng lớn không kém, và nó được trang bị tên lửa chống hạm phóng từ tàu ngầm, cũng như ngư lôi hạng nặng MK48. Không có tàu nào của ĐCSTQ hộ tống tàu sân bay Liêu Ninh ngoài những chiếc trực thăng trên boong tàu, không biết họ sẽ tiến hành các hoạt động chống tàu ngầm như thế nào. Nếu xảy ra một cuộc đối đầu thực sự, hạm đội tàu sân bay của ĐCSTQ thậm chí sẽ không thể ra khỏi chuỗi đảo đầu tiên.
Kết luận
Tháng 10, hạm đội tàu sân bay của ĐCSTQ đi vòng qua đảo chính Nhật Bản, tàu chiến và máy bay quân sự thường xuyên ở vùng biển Miyako, bây giờ tàu Liêu Ninh lại được điều động, không chỉ để khiêu khích Hoa Kỳ, mà còn tiếp tục khiêu khích Nhật Bản. Nếu hải quân của ĐCSTQ thực sự muốn phá vỡ chuỗi đảo đầu tiên, họ sẽ không chỉ chiếm Đài Loan mà còn tấn công Nhật Bản. Nhật Bản thực sự cảm nhận được mối đe dọa của ĐCSTQ.
Tàu Liêu Ninh ra khơi chỉ mang theo vài chiếc J-15, nhằm cố tình thể hiện sự đối đầu với Hoa Kỳ và Nhật Bản, đã để lộ những khuyết điểm của chính mình, điều này cho thấy ĐCSTQ đang ngày càng cạn kiệt quân bài để chơi. Có lẽ ĐCSTQ sẽ một lần nữa điều máy bay quân sự quy mô lớn đến quấy rối eo biển Đài Loan, hình thành một cuộc tấn công đông tây với tàu sân bay Liêu Ninh, điều này chắc chắn sẽ kích hoạt thêm phản ứng từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và liên quân các nước.
Vào thời điểm mà ĐCSTQ đang gặp khó khăn cả về đối nội và đối ngoại, họ tiếp tục gây thù chuốc oán và leo thang đối đầu quân sự. Các nước láng giềng sẽ nghiêng về phía Hoa Kỳ nhiều hơn, và ĐCSTQ sẽ phải đối mặt với sự bao vây chặt chẽ hơn.
Theo Epoch Times, An Liên lược dịch.