Châu Âu có thể hỗ trợ Đài Loan như thế nào nếu quốc đảo bị Trung Quốc xâm lược?

Ivanka Nguyễn

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (ảnh: 總統府/Flickr/flickr.com/photos/presidentialoffice/50323052601/).

Theo Nikkei, với việc Bắc Kinh đang tăng cường đe dọa quân sự Đài Loan, viễn cảnh Trung Quốc xua quân chiếm đóng hòn đảo này đang là mối lo ngại ngày càng tăng đối với châu Âu.

Châu Âu và Đài Loan cũng đang xích lại gần nhau hơn về mặt ngoại giao và chính trị. Tuy nhiên, Nikkei cho hay, hầu hết các chính trị gia và nhà hoạch định châu Âu vẫn cho rằng châu lục này không nên tham gia vào một cuộc xung đột quân sự ở eo biển Đài Loan.

Theo chuyên gia Franz-Stefan Gady tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, quan điểm này là một sai lầm. Châu Âu sẽ không thể đứng bên lề cuộc xung đột khi mà đồng minh quan trọng nhất của khu vực là Hoa Kỳ có thể tham gia. Đây là lý do tại sao các thành viên NATO của châu Âu nên chuẩn bị đóng một vai trò nào đó nếu trong tương lai xảy ra một cuộc đối đầu ở lĩnh vực không gian mạng, không phải để châm ngòi cho xung đột, mà để giúp ngăn chặn nó.

Châu Âu đang dần thức tỉnh trước Trung Quốc trong câu chuyện Đài Loan. Năm ngoái, một nhóm nghị sĩ EU có ảnh hưởng đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng quyền tồn tại của Đài Loan. Tháng trước, một phái đoàn chính thức của Nghị viện Châu u đã có chuyến thăm đến hòn đảo. Litva cũng chấp nhận đề nghị của Đài Loan về việc mở văn phòng ngoại giao mới ở thủ đô Vilnius, khiến chính quyền Trung Quốc tức giận và trả đũa.

Nikkei nhận định, các cuộc tấn công mạng của Quân đội Trung Quốc nhằm vào Đài Loan có thể sẽ xảy ra trước các cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc một cuộc xâm lược thực sự. Trung Quốc đã xây dựng một loạt các biện pháp tấn công mạng để vô hiệu hóa các mạng của Đài Loan, cũng như các cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng về quân sự và dân sự khác của hòn đảo này.

Đồng thời, Trung Quốc có khả năng sử dụng các hoạt động gây ảnh hưởng, ví dụ các chiến dịch thao túng dư luận Đài Loan. Mục đích của Bắc Kinh trong việc này là làm suy yếu sự gắn kết xã hội và ý chí phản kháng của người dân Đài Loan.

Trung Quốc đang thăm dò khả năng phòng thủ mạng của Đài Loan. Truyền thông đang dành sự quan tâm nhiều tới việc Trung Quốc thực hiện lặp đi lặp lại các cuộc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan, trong khi đó các cuộc tấn công mạng có thể gây ra thiệt hại lớn hơn đối với quốc đảo. Thật vậy, người đứng đầu cơ quan an ninh mạng của Đài Loan cho biết đất nước của ông nhận khoảng 30 triệu cuộc tấn công mỗi tháng, một nửa trong số đó bị nghi ngờ xuất phát từ Trung Quốc.

Mặc dù châu Âu không có lực lượng quân sự lớn ở Đông Á, nhưng châu Âu chắc chắn có thể hỗ trợ Đài Loan ngăn chặn các cuộc tấn công mạng. Bằng cách công khai tuyên bố sẵn sàng làm như vậy, các thành viên NATO có thể góp phần ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc và do đó giúp giảm nguy cơ bùng phát các hành động thù địch công khai từ phía Bắc Kinh.

Mặc dù còn thua kém Hoa Kỳ, các thành viên NATO, đáng chú ý nhất là Vương quốc Anh, Pháp, Hà Lan và Estonia, vẫn có năng lực mạnh mẽ trong không gian mạng. Họ cũng có thể cung cấp kinh nghiệm hoạt động trong chiến tranh mạng cho Đài Loan.

Cả Pháp và Anh đều đã tiến hành các chiến dịch chiến tranh mạng thành công chống lại các nhóm khủng bố ở Sahel và Sahara, cũng như chống lại tổ chức khủng bố ISIS ở Iraq và Syria.

Các thành viên EU như Estonia đã tiến hành các chiến dịch phòng thủ lâu năm chống lại các cuộc tấn công mạng của Nga và đã trở thành quốc gia đi đầu trong liên minh NATO về phòng thủ mạng.

Châu Âu không nhất thiết phải tấn công quân đội Trung Quốc. Họ có thể giới hạn vai trò của mình trong việc giúp bảo vệ các mạng cho Đài Loan. Ví dụ, Đức được biết đến là nước vận hành các đội ứng cứu khẩn cấp máy tính hiệu quả, có thể hỗ trợ các hoạt động phòng thủ mạng cho Đài Loan.

Nikkei cho rằng, nếu châu Âu chấp thuận giúp Đài Loan bảo vệ các mạng máy tính thì có khá nhiều việc cần phải làm.

Thứ nhất, việc này đòi hỏi châu Âu sẵn sàng chia sẻ thông tin tình báo quan trọng. Hiện các thành viên NATO được xem là đang thể hiện sự miễn cưỡng trong việc chia sẻ thông tin tình báo mạng. Điều này cho thấy cần phải có một cơ chế mới để chia sẻ dữ liệu tình báo mạng giữa các nước châu u và Đài Loan.

Thứ hai, các thành viên NATO, Anh, hoặc Pháp và các cường quốc về internet hàng đầu châu u khác có thể hợp tác song phương với Đài Loan trong cuộc chiến mạng. Chẳng hạn họ có thể hỗ trợ Đài Loan lập bản đồ các mạng lưới quân sự của quân đội Trung Quốc.

Thứ ba, các nhà khai thác mạng quân sự và tình báo châu u có thể tích cực chia sẻ các lỗ hổng mạng của quân đội Trung Quốc với Đài Loan.

Thứ tư, các hoạt động không gian mạng ở Đài Loan cũng sẽ đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Hoa Kỳ và các thành viên NATO.

Nikkei nhận định, Trung Quốc sẽ coi các động thái của châu Âu là một sự leo thang và cũng có thể phản kháng. Nhưng có rất ít biện pháp mà Trung Quốc có thể thực hiện để trả đũa.

Việc châu Âu cam kết tích cực hỗ trợ bảo vệ các mạng của Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự ở eo biển Đài Loan có thể ảnh hưởng đến việc Bắc Kinh ra quyết định xâm lược Đài Loan.

Điều này cũng sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng cho Trung Quốc rằng châu Âu sẽ không đứng yên khi một nền dân chủ trở thành con mồi của một chế độ độc tài.

Related posts