Tin Việt Nam sáng thứ Ba: Đại sứ quán Trung Quốc nói nguyên nhân ùn ứ tại cửa khẩu; WHO không chấp nhận kit test của Việt Á: Bộ Y tế nói gì?

Hiểu Minh

Ảnh tổng hợp.

Đại sứ quán Trung Quốc nói nguyên nhân ùn ứ tại cửa khẩu

Thanh Niên – Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam chưa nhận được thông tin gì về việc Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu nông sản và hàng hóa qua các cảng miền Nam, cũng như dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Đó là chia sẻ chính thức từ ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, tại cuộc gặp gỡ Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu về tình hình nông sản xuất khẩu Trung Quốc dồn ứ tại Lạng Sơn, diễn ra chiều 20/12, tại Hà Nội.

Nói về việc hàng nghìn xe container đang ùn ứ tại các cửa khẩu 2 nước. ông Hồ Tỏa Cẩm nói vấn đề ùn ứ hàng hóa xuất nhập khẩu ở cửa khẩu Việt Nam và Trung Quốc đều được lãnh đạo hai nước đặc biệt quan tâm. Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cũng rất lo lắng và đang tìm cách tháo gỡ.

Nguyên nhân của đợt ùn ứ từ ngày 17/12 là do tài xế Việt Nam có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

WHO không chấp nhận kit test của Công ty Việt Á: Bộ Y tế nói gì?

Thanh Niên – Về việc WHO không chấp nhận kit của VietACorp, thông tin từ Bộ Y tế chiều nay 20.12, cho biết: “WHO đưa ra danh sách EUL về một số sản phẩm để các đơn vị của WHO tham khảo và mua sắm khẩn cấp phục vụ phòng chống dịch, chứ không liên quan đến chất lượng hay tiêu chuẩn cấp phép”.

Theo Bộ Y tế, sản xuất trang thiết bị y tế trong nước, bao gồm kit test chẩn đoán từ ngày 1/1/2020, phải đạt tiêu chuẩn ISO 13485. Theo đó, VietACorp đã đạt tiêu chuẩn này khi sản xuất kit test xét nghiệm Covid-19.

Như vậy, có thể thấy, sản phẩm kit test của Công ty CP công nghệ Việt Á đạt tiêu chuẩn trong nước nhưng không đạt tiêu chuẩn và được WHO chấp nhận. Trong khi đó liên quan đến sản phẩm kit test này, vào thời điểm tháng 4/2020, có rất nhiều thông tin từ các cơ quan chức năng khẳng định WHO chấp thuận được sử dụng rộng rãi. Trong đó trang web của Bộ KH-CN nhiều lần đưa tin WHO đã chấp nhận, tuy nhiên đến nay tất cả đã không còn truy cập được.

Đề nghị các địa phương thanh tra mua kit xét nghiệm

VnExpress – Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành bổ sung kế hoạch thanh tra năm 2022 nội dung về đấu thầu, mua thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long gửi văn bản đề nghị Bí thư và Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện nội dung nêu trên, ngày 17/12.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các Sở Y tế rà soát kế hoạch đấu thầu mua thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, mặt hàng phục vụ chống dịch.

Thời gian vừa qua, cơ quan điều tra đã xử lý một số vụ liên quan mua sắm thiết bị xét nghiệm Covid-19. Hôm qua, 18/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) khởi tố ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương – CDC tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Mạnh Cường (nguyên kế toán trưởng CDC Hải Dương) về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Liên quan vụ án, ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Thiết bị Việt Á, cùng một số thuộc cấp gồm: Hồ Thị Thanh Thảo (thủ quỹ, kiêm cửa hàng trưởng Âu Lạc), Phan Tôn Noel Thảo (trợ lý tài chính), Trần Thị Hồng (nhân viên kinh doanh) cũng bị khởi tố.

5 bé trai bị đất vùi lấp

VnExpress – Trưa 19/12, vách đất cao gần 10 m đổ sập đã vùi lấp 5 bé trai đang chơi dưới chân, một em tử vong.

5 bé trai tuổi từ 8 đến 12, đều trú bản Huồi Cam, xã Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong. Các bé rủ nhau tới chơi tại khu vực gia đình ông Cụt Văn Tý (bản Huồi Cam) vừa múc đất làm móng nhà. Vách đất mới được máy múc bạt núi vài ngày trước, ước tính 5 khối đất.

Ông Lữ Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Nậm Nhoóng, cho biết ngay khi tai nạn xảy ra, một số trẻ em ở gần đó đã hô hoán. Nhiều người dân dùng cuốc xẻng đào bới, đưa các nạn nhân ra ngoài.

Do bị đất đè nhiều, em Cụt Trọng Tuyến (11 tuổi) tử vong tại chỗ. 4 em khác bị thương, đã qua cơn nguy kịch.

Vụ Việt Á nâng giá kit xét nghiệm COVID-19: Nhiều địa phương thông đồng thổi giá?

Hiểu Minh

Phan Quốc Việt tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp/Tuổi trẻ.

Theo Bộ Công an, tổng giám đốc Công ty CP công nghệ Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí đầu vào để ‘thổi giá’ kit xét nghiệm COVID-19 và cung cấp cho các địa phương. Ông chủ của Việt Á đã chi tiền phần trăm “khủng” cho lãnh đạo bệnh viện và CDC nhiều tỉnh thành, theo Tuổi Trẻ.

Ngày 19/12, theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, sau khi tống đạt quyết định khởi tố bị can, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã bắt tạm giam Phan Quốc Việt – người sáng lập, đồng thời là tổng giám đốc

Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á). Công ty này được coi là “ông lớn” trong ngành thiết bị y tế tại Việt Nam, sở hữu hệ thống phòng khám tại TP.HCM và Quảng Nam.

Cơ quan điều tra cũng bắt tạm giam Phạm Duy Tuyến, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương, và các bị can là lãnh đạo, nhân viên của Công ty Việt Á. Những người này bị điều tra về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Lãnh đạo C03 đánh giá hành vi sai phạm của các bị can không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền lớn, mà còn “móc túi” hàng triệu người dân khi phải sử dụng dịch vụ xét nghiệm với giá cao hơn giá trị thực.

Ảnh chụp màn hình Dân Trí.

C03 cũng làm rõ: để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các thuộc cấp ở Công ty Việt Á nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá, xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho nhiều lãnh đạo bệnh viện, CDC ở các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm. Trong đó Tuyến được chi gần 30 tỷ đồng.

Nhiều nơi mua kit từ Việt Á cao hơn Hải Dương

Sau khi những sai phạm tại CDC Hải Dương được công bố, câu hỏi mà dư luận đặt ra là tại các địa phương khác có xảy ra tình trạng móc ngoặc để “thổi giá” kit xét nghiệm hay không?

Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, còn nhiều tỉnh thành mua kit xét nghiệm của Việt Á với mức giá từ 470.000 đồng/bộ test PCR như ở Hải Dương, thậm chí mua ở mức giá cao hơn.

Cụ thể, tại quyết định ngày 23/6/2021 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp vật tư chống dịch, Bắc Ninh phê duyệt mua 10.000 bộ test PCR LightPower của Việt Á cho CDC tỉnh Bắc Ninh với giá 470.000 đồng/bộ.

Cùng thời điểm này, tỉnh Nam Định cũng mua 13.536 bộ test tương tự của Việt Á, giá 509.250 đồng/bộ.

Tháng 5/2021, một địa phương ở miền Trung cũng có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ chống dịch COVID-19. Trong 11 loại vật tư mua dịp này (tổng trị giá trên 53 tỷ đồng), có 70.000 bộ LightPower, giá mua là 509.250 đồng/bộ, trị giá trên 35,6 tỷ đồng.

Tuy nguồn tin trên chưa tiết lộ danh tính đại phương nào của miền Trung đã mua bộ test tương tự của Việt Á, nhưng trưa 20/12, trao đổi với PV Dân trí, TS Nguyễn Văn Định – Giám Đốc CDC Nghệ An cho biết, đến thời điểm này Nghệ An mua sinh phẩm của Công ty Việt Á với số tiền hơn 28 tỷ đồng gồm kit xét nghiệm Covid với giá 470 nghìn đồng và các sinh phẩm, tách chiết… 

Theo cơ quan điều tra, tại Hải Dương mỗi hợp đồng cung ứng kit xét nghiệm, giám đốc CDC đã được “lại quả” 20 – 25% giá trị hợp đồng. Việc bắt tạm giam các bị can trên chỉ là giai đoạn đầu của chuyên án.

Theo các tài liệu công bố công khai của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bộ kit xét nghiệm LightPower iVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit do Công ty cổ phần công nghệ Việt Á sản xuất không được tổ chức này phê duyệt.

Related posts