Đài phát thanh tại Hoa Thịnh Đốn đã nhận hàng triệu dollar từ Bắc Kinh

Eva Fu

Trụ sở của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc, CCTV, tại Bắc Kinh vào ngày 26/02/2011. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Chính quyền Trung Quốc đã trả gần 4.4 triệu USD cho một đài phát thanh có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn để phát sóng tuyên truyền tới các gia đình ở Hoa Kỳ, tiết lộ mới của liên bang cho thấy.

CGTN, chi nhánh toàn cầu của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, đã trả 4.35 triệu USD kể từ tháng 07/2019 cho WCRW, một đài phát thanh ban ngày phủ sóng tại Hoa Thịnh Đốn, Virginia, và Maryland, để phát nội dung của họ trong 12 giờ mỗi ngày.

Thính giả ít biết được rằng Bắc Kinh đang thao túng phần lớn nội dung phát sóng. Một bản thỏa thuận đã được ký vào tháng Bảy vừa qua — và được tiết lộ trong một bộ hồ sơ đệ trình Bộ Tư pháp vào tuần trước — cấm đài phát thanh này thay đổi hoặc rút ngắn nội dung chương trình của CGTN hoặc chèn quảng cáo mà không có sự cho phép rõ ràng của phía đài truyền hình Trung Quốc. Hợp đồng này là giữa WCRW và Cục Kế hoạch Truyền thông Quốc tế, một cơ quan do Ban Tuyên giáo Trung ương của chính quyền Trung Quốc giám sát.

Được Washington Free Beacon đưa tin đầu tiên, hồ sơ nói trên cho biết, theo thỏa thuận, cục này nhận dữ liệu hiệu suất hàng quý từ chủ sở hữu sóng radio Potomac Radio Group có trụ sở tại Virginia. Các báo cáo này bao gồm phản hồi của khán giả và “đánh giá từ các tổ chức quốc tế ” mà bản hợp đồng này đã không nêu chi tiết. Cục này cũng có thể chỉ định một bên thứ ba để giám sát các hiệu ứng phát sóng và tiến hành các đánh giá đều đặn định kỳ.

WCRW không hồi đáp các nghi vấn báo chí từ The Epoch Times vào thời điểm phát hành bài báo này. 

Trang web của WCRW tuyên bố rằng họ đã phát sóng Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, một đài truyền thanh quốc tế lớn khác của nhà nước Trung Quốc, từ Hoa Thịnh Đốn kể từ năm 1992.

Một hộp báo China Daily đặt cùng các tờ báo hàng ngày miễn phí khác ở New York hôm 20/01/2021. (Ảnh: Chung I Ho/The Epoch Times)

Việc đăng ký của Potomac Media như một đại diện ngoại quốc diễn ra khi Hoa Thịnh Đốn ngày càng cảnh giác với các hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc tại Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

China Daily, một tờ báo quốc doanh của Trung Quốc phiên bản Anh ngữ, đã trả hàng triệu dollar vào năm 2021 cho các hãng thông tấn lớn của phương Tây, chẳng hạn như Foreign Policy và Financial Times, để lan truyền nội dung của tờ báo này. Lãnh sự quán Trung Quốc gần đây cũng đã ký hợp đồng thuê hàng chục người có ảnh hưởng trên mạng xã hội thông qua một công ty trung gian ở New Jersey, như một phần của chiến dịch tiếp thị đến hết tháng Ba để quảng bá Thế vận hội Olympic Mùa Đông sắp tới của Bắc Kinh.

CGTN đã gặp phải một chuỗi những chướng ngại ở nhiều quốc gia trong những năm gần đây.

Hồi tháng Hai, các quan chức Anh Quốc đã thu hồi giấy phép phát sóng của hãng truyền hình này tại Anh, nói rằng giấy phép trên được nắm giữ bởi một tổ chức không có quyền biên tập đối với các chương trình mà họ trình chiếu. Cơ quan quản lý phát sóng của Anh Quốc sau đó đã phạt CGTN hai khoản tiền với tổng trị giá khoảng 273,000 USD cho hai chương trình có chứa lời thú tội bị cưỡng ép.

Đài truyền hình Trung Quốc này mới đây đã khuấy động một cuộc tranh luận khi phát hành một email được cho là của cô Bành Soái (Peng Shuai), tay vợt Trung Quốc mà sự an toàn của cô bị đặt nghi vấn kể từ khi cô đưa ra cáo buộc rằng một cựu quan chức cao cấp của Trung Quốc đã tấn công tình dục mình.

Email được công bố trên Twitter này cho thấy cô Bành công khai rút lại các cáo buộc trên, tuyên bố: “Tôi vừa nghỉ ngơi ở nhà và mọi chuyện đều ổn”, mặc dù nhiều nhà quan sát đã đặt câu hỏi về tính xác thực của bức thư, cho thấy một con trỏ đang gõ trong ảnh chụp màn hình email này.

Vào thời điểm đó, cô Bành đã biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng sau những cáo buộc trên, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại cho sự an toàn của cô. Đáp lại, CGTN và các phương tiện truyền thông nhà nước khác của Trung Quốc đã phát hành các video và tuyên bố dường như có ý rằng ngôi sao quần vợt này vẫn bình thường, vốn chỉ làm cho nỗi lo lắng tăng thêm.

Cô Bành kể từ đó đã xuất hiện trước công chúng. Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 19/12 với một hãng thông tấn thân Bắc Kinh của Singapore, cô đã bác bỏ những tuyên bố của mình, nhưng những lo lắng về sự an toàn của cô vẫn chưa hề nguôi ngoai.

Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.

Hồng Ân biên dịch

Related posts