Việc giải thể Memorial đánh dấu bước lùi lớn về dân chủ tại Nga thời Putin

Trọng Nghĩa

Người ủng hộ tổ chức nhân quyền Memorial International tập trung trước Tòa án thành phố Matxcơva, Nga, ngày 29/12/2021. AP – Alexander Zemlianichenko

Đúng 30 năm sau ngày Liên Xô biến mất – chính thức là vào ngày 25/12/1991 – hôm 28/12/2021, chính quyền Nga của tổng thống Putin đã xóa bỏ tổ chức nhân quyền Memorial, biểu tượng của một nước Nga thời hậu Xô Viết, quyết tâm đối mặt với quá khứ của mình và tội ác của chế độ Stalin. Quyết định triệt hạ Memorial được cho là dấu hiệu rõ nhất phản ánh bước lùi lớn trên con đường dân chủ tại Nga.

Theo các nhà quan sát, tổ chức mang tên Memorial International là một tổ chức phi chính phủ lâu đời nhất tại Nga, nổi tiếng thế giới nhờ những công trình nghiên cứu về các vụ đàn áp dưới thời Liên Bang Xô Viết, đặc biệt là các tội ác thời Stalin.  

Các công trình này rất quan trọng vì theo như nhận định của nhật báo Pháp Le Monde trong một bài phân tích hôm nay, 29/12, cho đến lúc này, các tội ác thời Xô Viết vẫn bị che giấu hoặc tương đối hóa. Việc chính quyền Putin xóa sổ tổ chức Memorial cho thấy là chế độ hiện tại ở Nga đang cố loại bỏ tổ chức cuối cùng còn công khai chỉ trích di sản thời Liên Xô này và chỉ ra những điểm tương đồng giữa các hành động đàn áp trong quá khứ và hiện tại.  

Theo ghi nhận của Le Monde, số phận của Memorial như đã được an bài từ ngày 09/12 với lời tố cáo công khai của chính tổng thống Nga Vladimir Putin trước Hội Đồng Nhân Quyền Nga mà các thành viên dám phê phán chính quyền đều đã bị bãi nhiệm. Vào lúc đó, tổng thống Nga đã hùng hồn nói đến các báo cáo do các cơ quan của ông gửi đến nhận định rằng Memorial đã “ủng hộ các tổ chức cực đoan và khủng bố”.

Theo thông tín viên RFI Jean-Didier Revoin tại Matxcơva, quyết định giải thể tổ chức Memorial đã nối tiếp theo một loạt những hành vi đàn áp ngày càng dữ dội nhắm vào giới đối lập Nga:

“Tại Nga, việc giải thể tổ chức Memorial kết thúc một năm khó khăn cho quyền tự do ngôn luận. Vào tháng Giêng, nhà đối lập chủ yếu tại Nga, ông Alexey Navalny, đã bị bắt ngay khi vừa bước xuống máy bay từ Đức trở về sau thời gian được điều trị vì bị đầu độc. Chính quyền đã cấm các cuộc biểu tình ủng hộ nhà đối lập, dẫn đến hàng nghìn vụ bắt giữ trên toàn quốc.  

Sau đó, trong nhiều tháng trời trước cuộc bầu cử lập pháp tháng 9, hàng loạt cơ quan truyền thông độc lập, tổ chức phi chính phủ, cũng như các cá nhân đã bị ngành tư pháp Nga liệt vào diện “tác nhân nước ngoài”, một danh xưng mang tính chất miệt thị mà các thực thể bị gán ghép bị buộc phải ghi trên tất cả các ấn phẩm của họ.

Trên các phương tiện truyền thông, danh xưng đó đã khiến các công ty muốn đăng quảng cáo bỏ đi vì sợ mất hợp đồng với các công ty nhà nước.  

Quy chế đó tuy nhiên đã thất bại trong việc làm dịu phong trào phản đối của tất cả các tổ chức do Alexey Navalny thành lập, vốn sau đó cũng bị giải tán và bị chính phủ cáo buộc là các tổ chức cực đoan.  

Việc liệt các tổ chức đó vào diện cực đoan đã thúc đẩy nhiều cộng tác viên thân cận nhất của nhà đối lập phải sống lưu vong, vì các hoạt động trong một tổ chức cực đoan có thể dẫn đến án tù nặng nề.  

Đây là một nguy cơ có thể xảy ra cho hai cựu quan chức chịu trách nhiệm bầu cử ở các thành phố Tomsk và Irkutsk vừa bị bắt hôm qua”.  

Đối với Le Monde, quyết định giải thể tổ chức Memorial có thể dự báo cho một làn sóng đàn áp mới ở một đất nước hầu như do một người duy nhất điều hành trong gần 22 năm, một người như có quyết tâm hơn bao giờ hết trong việc viết lại lịch sử và kiểm soát xã hội dân sự.  

Trả lời phỏng vấn của Le Monde, ông Alexandre Tcherkassov, thành viên hội đồng quản trị của Memorial, không ngần ngại tố cáo: “Chúng tôi đang gìn giữ ký ức của hàng triệu nạn nhân. Putin muốn giữ lại một lịch sử bị ngụy tạo”. 


Nga nhất quyết triệt tiêu tổ chức nhân quyền Memorial bất chấp đả kích từ phương Tây

Trọng Nghĩa

Cảnh sát bảo vệ bên trong Tòa án Thành phố Matxcơva, Nga, nơi tổ chức phiên xử về việc giải thể Trung tâm Bảo vệ Nhân quyền trực thuộc tổ chức Memorial, ngày 29/12/2021. © AFP – ALEXANDER NEMENOV


Một tòa án tại Matxcơva vào hôm 29/12/2021 đã ra lệnh đóng cửa Trung Tâm Bảo Vệ Nhân Quyền Memorial, một chi nhánh độc lập của tổ chức phi chính phủ Nga Memorial International vừa bị Tòa Án Tối Cao Nga giải thể vào hôm qua, 28/12. Phán quyết giải thể tổ chức được coi là trụ cột của xã hội dân sự và giới bảo vệ nhân quyền tại Nga đã làm dấy lên phản ứng phẫn nộ từ phương Tây, đặc biệt là từ Pháp, Đức và Mỹ.

Theo hãng tin Pháp AFP, thẩm phán Mikhail Kazakov đã ra phán quyết giải thể, đúng theo đề nghị của công tố viên đại diện chính quyền đã cáo buộc Trung Tâm Bảo Vệ Nhân Quyền Memorial – một tổ chức có tư cách pháp nhân riêng biệt với tổ chức Memorial vừa bị giải thể vào hôm qua – là đã vi phạm bộ luật gây tranh cãi về “các tác nhân nước ngoài” và ủng hộ “khủng bố” cũng như “chủ nghĩa cực đoan”. Đối với đại diện chính quyền, các vi phạm “liên tiếp và trắng trợn” luật pháp Nga của trung tâm đủ để tuyên bố giải thể tổ chức này.

Ngay tại tòa án, ông Alexander Cherkassov, người đứng đầu Trung Tâm Bảo Vệ Nhân Quyền, không ngần ngại tuyên bố: “Nếu chúng tôi bị giải thể, điều đó sẽ khẳng định là việc truy tố vì mục tiêu chính trị đã trở thành một thực tế có hệ thống trong cuộc sống của chúng tôi”.

Phản ứng phẫn nộ từ phương Tây
Ngay từ hôm qua, phán quyết của Tòa Án Tối Cao Nga ra lệnh giải thể tổ chức Memorial International đã bị công luận phương Tây đả kích dữ dội.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã tố cáo một hành vi “xúc phạm” quyền của con người. Trong một thông cáo báo chí, ông Blinken tuyên bố rằng hành động “truy bức” tổ chức bảo vệ ký ức của các nạn nhân các trại cải tạo Gulag (thời Staline) là “một sự xúc phạm đối với các “sứ mệnh cao cả của tổ chức Memorial và chính nghĩa đấu tranh vì quyền con người trên toàn thế giới”.

Về phần mình, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, bày tỏ thái độ độ “phẫn nộ”“quan ngại” của ông. Trong một thông cáo, người đứng đầu ngành ngoại giao Pháp cho rằng việc giải thể tổ chức Memorial đặc biệt đáng lo ngại cho tương lai của ngành nghiên cứu lịch sử và công cuộc bảo vệ nhân quyền ở Nga, nhất là trong bối cảnh năm nay là “năm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Andrei Sakharov, người sáng lập tổ chức này và là người đoạt giải Nobel Hòa Bình”.

Tương tự như Paris, Berlin cũng cho rằng “không thể hiểu nổi” phán quyết của Tòa Án Tối Cao Nga, một động thái khiến Đức quan ngại vì có tác dụng “bịt miệng nạn nhân các vụ bức hiếp và đàn áp”.  

Related posts