Tin thế giới sáng thứ Năm

Covid-19: Số ca nhiễm tại Pháp gần gấp đôi mức “kỷ lục” ngày Noel

Trọng Thành

Amélie Khayat thăm chồng Ludo, 41 tuổi, đang hồi phục sau khi trải qua 24 ngày hôn mê và đang thở máy trong phòng chăm sóc đặc biệt COVID-19, bệnh viện Timone ở Marseille, miền nam Pháp, ngày 23/12/2021. AP – Daniel Cole

Tiếp theo mốc kỷ lục số ca nhiễm trong ngày Noel, nước Pháp lại có thêm một mức kỷ lục đáng sợ khác. Ngày 28/12/2021, hơn 179 nghìn ca nhiễm mới được ghi nhận trong vòng 24 tiếng đồng hồ, gần gấp đôi « kỷ lục » trước đó. Chính phủ Pháp hiện đang tăng tốc đối phó với nguy cơ dịch bệnh bùng phát ngày càng mạnh. Hôm nay, 29/12, dự luật liên quan đến chứng nhận tiêm chủng đã được chuyển qua Quốc Hội.

Theo thông tin của bộ Y Tế, trong vòng một tuần qua, nước Pháp ghi nhận mỗi ngày trung bình hơn 87.000 ca nhiễm mới. Sau mốc 100.000 ca vào ngày Noel, đã có hai lần số ca nhiễm vượt 90.000. Số lượng ca nhiễm mới vọt lên gần 180.000 ca vào ngày hôm qua gây lo ngại là đà lây nhiễm sẽ còn tăng mạnh trong những ngày tới. Số người qua đời vì Covid hôm qua là 242.

Tuy nhiên, theo AFP, bất chấp sự tăng vọt của số ca nhiễm, số bệnh nhân nhập viện vẫn còn xa mới đạt mức đỉnh dịch hồi đầu năm 2020. Theo số liệu chính thức, 3.416 bệnh nhân hiện được điều trị trong các khoa hồi sức, so với mức hơn 7.000 bệnh nhân vào tháng 4/2020. Số người qua đời trung bình trong một ngày trong tuần qua là 170, trong lúc số người chết vì Covid-19 vào đỉnh dịch tháng 4 năm ngoái là gần 1.000 người/ngày.

Một trong các lý do chính khiến số ca nhiễm tuy rất cao, nhưng dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát, đó là nhờ vac-xin, với hơn 76% dân Pháp đã được tiêm đủ liều. Đẩy mạnh chích ngừa cho bộ phận người chưa tiêm và liều nhắc lại là biện pháp chủ yếu của chính phủ Pháp nhằm hạn chế đáng kể số ca Covid-19 nặng. Dự luật liên quan đến chứng nhận tiêm chủng, vốn dự kiến sẽ được Quốc Hội thông qua vào cuối tháng Giêng, đã được chuyển sang ủy ban Tư Pháp ngay từ chiều hôm nay. Dự thảo luật sẽ được thảo luận ở Hạ Viện từ thứ Hai tuần tới (03/01), và thảo luận tại Thượng Viện từ ngày 05/01, để có hiệu lực kể từ ngày 15/01.

WHO : Đe dọa của biến thể Omicron ở mức « rất cao »
Trường hợp ca nhiễm ở Pháp tăng vọt không phải là ngoại lệ. Theo số liệu tổng hợp của AFP, trên toàn thế giới, số ca nhiễm trong tuần qua tăng 37% so với tuần trước đó. Nước Anh, một trong những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, cũng ghi nhận mức kỷ lục gần 130.000 ca nhiễm/ngày, chỉ tính riêng Anh và xứ Wales. Tại Hy Lạp, số ca nhiễm hôm qua tăng gấp đôi so với thứ Hai 27/12.

Nguy cơ liên quan đến biến thể Omicron trên thế giới « vẫn còn rất cao »,  đó là cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới hôm nay 29/12. Bà Catherine Smallwood, một trong các quan chức hàng đầu của WHO phụ trách châu Âu, nhận định : « Sự lây lan nhanh chóng của Omicron, giống như tình hình được quan sát thấy tại một số quốc gia, ngay cả kết hợp với tình trạng bệnh nhẹ hơn một chút vẫn sẽ dẫn đến một số lượng lớn các trường hợp nhập viện, đặc biệt là ở những người chưa được chích ngừa ».

Căng thẳng với Nga: Mỹ duy trì tàu sân bay tại Địa Trung Hải

Trọng Thành

Ảnh chụp từ chiến đấu cơ F/A 18 hạ cánh xuống hàng không mẫu hạm USS Harry S. Truman của Mỹ ngày 01/02/2020. AP – Lolita Baldor

Hôm 28/12/2021, bộ Quốc Phòng Mỹ thông báo sẽ không điều động một hàng không mẫu hạm tại Địa Trung Hải sang vùng Vịnh như dự kiến. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh các nước châu Âu lo ngại trước nguy cơ Nga can thiệp quân sự vào Ukraina.

Hãng tin Pháp AFP dẫn lời một quan chức cao cấp xin ẩn danh của bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết bộ trưởng Lloyd Austin « đã ra lệnh cho nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman ở lại trong vùng hoạt động của bộ Tư Lệnh Châu Âu (Eucom), thay vì di chuyển sang khu vực hoạt động thuộc quyền của bộ Tư Lệnh Trung Tâm (Centcom – phụ trách Trung Đông, Trung Á và Nam Á), theo kế hoạch ». Theo giới chức bộ Quốc Phòng nói trên, nhóm tác chiến tàu sân bay cần tiếp tục có mặt tại Địa Trung Hải, để « tái khẳng định với các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ cam kết của nước Mỹ về hệ thống phòng thủ tập thể ».

Tàu sân bay USS Harry S. Truman đến Địa Trung Hải ngày 14/12, và có kế hoạch di chuyển qua vùng Vịnh, qua ngả kênh đào Suez.

Căng thẳng tại khu vực biên giới Ukraina – Nga tiếp diễn, cho dù Mỹ và Nga sẽ họp về Ukraina và an ninh tại châu Âu ngày 10/01/2022, và ngày 12/01, NATO và Nga có thể sẽ có một cuộc thảo luận về an ninh với sự chủ trì của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, một cơ chế được lập ra trong thời Chiến tranh lạnh để tạo điều kiện cho các đối thoại Đông – Tây.

Hôm qua 28/12, lực lượng cảnh sát biên phòng Ukraina cho biết Hoa Kỳ sẽ tài trợ cho các dự án về trang thiết bị giúp tăng cường kiểm soát biên giới giữa Ukraina với Nga và với Belarus. Tổng chi phí là 20 triệu đô la, bao gồm việc mua các hệ thống camera và máy bay không người lái, cũng như các phương tiện bảo vệ cho lính biên phòng.

Chính quyền Kiev cáo buộc Matxcơva tập trung hàng chục nghìn binh sĩ sát biên giới nhằm chuẩn bị cho một chiến dịch tấn công. Chính quyền Nga phủ nhận cáo buộc này, tố cáo Ukraina và Hoa Kỳ có các hành động « gây bất ổn », đồng thời kêu gọi NATO cam kết không mở rộng khối này sang phía đông.

Báo Nhật: Trung Quốc gia tăng áp lực lên Indonesia tại nam Biển Đông

RFI

Ảnh tư liệu chụp tháng 7/2020: Hải quân Indonesia tập trận ngoài khơi đảo Natuna. © Nguồn : CNA Indonesia Navy

Báo Nhật Nikkei Asia ngày 28/12/2021 có bài “Bắc Kinh yêu cầu Indonesia ngừng các hoạt động thăm dò tại Biển Đông”, tổng kết việc chính quyền Trung Quốc trong thời gian gần đây liên tục gia tăng áp lực lên Jakarta tại vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Áp lực từ Trung Quốc buộc Indonesia tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ để tự vệ, trong lúc vẫn tìm cách duy trì quan hệ hữu nghị với đối tác thương mại hàng đầu.

Nikkei Asia cho biết, việc Indonesia tiến hành các hoạt động thăm dò vào tháng 7 tại quần đảo Natuna bị Trung Quốc phản đối. Bắc Kinh xem vùng lãnh thổ nằm cách đảo Hải Nam của Trung Quốc (lãnh thổ cực nam của Trung Quốc) tới 1.800 km là nằm trong yêu sách lãnh thổ “đường chín đoạn” của Trung Quốc, bao gồm phần lớn Biển Đông. Chính quyền Trung Quốc đã cử nhiều tàu tuần duyên đến khu vực này để gia tăng sức ép lên Jakarta.

Chính quyền Indonesia không đưa ra các phản ứng chính thức về tuyên bố của Trung Quốc, bởi vì họ không thừa nhận có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Phó đô đốc Aan Kurnia, người đứng đầu cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (Bakamla), mới đây thông báo đợt khoan thăm dò đã hoàn tất vào cuối tháng 11.

Nghi ngờ Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội để nắm quyền kiểm soát hiệu quả quần đảo này, chính quyền Indonesia chủ trương tăng cường phòng thủ trên và xung quanh quần đảo Natuna. Quân đội Indonesia đang kéo dài một đường băng ở căn cứ không quân Natuna, để có thể triển khai thêm chiến đấu cơ. Việc xây dựng một căn cứ tàu ngầm cũng đã bắt đầu. Các tàu cá địa phương được yêu cầu tham gia vào hệ thống cảnh báo sớm đề phòng tàu Trung Quốc tiếp cận.

Indonesia tăng cường hợp tác hải quân với Mỹ
Indonesia và Mỹ đang xây dựng một cơ sở đào tạo chung cho các nhân viên tuần duyên gần Natuna. Hai quốc gia đã tổ chức cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay vào tháng 8/2021, tại ba địa điểm ở Indonesia. Cuộc tập trận này mô phỏng hoạt động phòng thủ đảo.

Xung đột về Natunas đã làm xấu đi hình ảnh Trung Quốc tại Indonesia. Ngày 08/12/2021, 25 người dân đã biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc ở Jakarta, phản đối các phương tiện của Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Indonesia.

Báo Nhật cũng ghi nhận việc chính quyền Jakarta kiên quyết bảo vệ chủ quyền. Tháng 5/2020, Indonesia đã gửi cho Liên Hiệp Quốc một công hàm bác bỏ yêu sách lịch sử của Bắc Kinh tại Biển Đông, với bản đồ “đường chín đoạn” của Bắc Kinh. Về phần mình, Trung Quốc đã gửi một công hàm tới Liên Hợp Quốc, tái khẳng định chủ quyền ở Biển Đông trong khi tìm kiếm một giải pháp thông qua đàm phán. Nhưng Indonesia từ chối thương thuyết với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Jakarta muốn tránh một bùng nổ quân sự với đối tác thương mại hàng đầu của mình. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã hội đàm trực tuyến với người đồng cấp Trung Quốc vào ngày 30/11, để tìm cách tái lập lòng tin.

Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông từ lâu với tất cả các quốc gia láng giềng, gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei, và với đảo Đài Loan. Căng thẳng tại vùng phía nam Biển Đông là diễn biến tương đối mới. Việc Bắc Kinh tăng cường hoạt động gần quần đảo Natuna kể từ năm 2019 khiến căng thẳng với Jakarta gia tăng.

Biển Đông: Indonesia mời Việt Nam và 4 nước ASEAN khác họp

Trọng Thành

Ảnh tư liệu do Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (BAKAMLA) chụp ngày 15/09/2020 cho thấy tầu Hải cảnh Trung Quốc hoạt động ở biển Bắc Natuna của Indonesia. © AP – Indonesian Maritime Security Agency

Lãnh đạo Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia mời 5 đồng nhiệm ASEAN tham gia một cuộc họp vào tháng 2/2022, để thảo luận về những thách thức về an ninh tại Biển Đông. Theo giới quan sát, các yêu sách chủ quyền gia tăng của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia buộc quốc gia Đông Nam Á này tìm kiếm các hợp tác từ phía các láng giềng ven Biển Đông, cũng đang gặp các thách thức tương tự từ Trung Quốc.

Trang mạng Ấn Độ Bharat Express News hôm nay, 29/12/2021, dẫn thông tin từ báo Jakarta Post, theo đó phó đô đốc Aan Kurnia, đứng đầu Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (gọi tắt là Bakamla), cho biết đã gửi lời mời đến các đồng nhiệm Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam tham dự một cuộc họp với mục tiêu chính là « đưa ra một cách tiếp cận phối hợp » về các vấn đề ở Biển Đông và « cách ứng phó trên thực địa khi chúng ta phải đối mặt với cùng ‘‘xáo trộn’’ ».

Đề xuất của lãnh đạo Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia được nhiều chuyên gia và quan chức cấp cao của các quốc gia ven Biển Đông hưởng ứng. Theo ông Thomas Daniel, nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế Malaysia (ISIS), đề nghị nói trên của Jakarta là « táo bạo và rất đáng quan tâm ». Ông Satya Pramata, một quan chức cao cấp trong chính phủ Indonesia, một cựu thuyền trưởng trong lực lượng tuần duyên, cho biết một cuộc họp như vậy sẽ là « cơ hội tuyệt vời để Cảnh sát biển ASEAN và lực lượng thực thi pháp luật hàng hải trao đổi và hợp tác ».

Người đứng đầu Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia không chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh chính là thách thức buộc Jakarta tìm kiếm hợp tác chặt chẽ với các láng giềng ven Biển Đông. Trong một bài viết trên trang mạng Nhật Bản The Diplomat hôm nay, 29/12, nhà báo Sebastian Strangio, chuyên theo dõi về các vấn đề Đông Nam Á, nhận định : Lời kêu gọi đoàn kết nói trên của Indonesia có thể là tín hiệu cho thấy Jakarta « công nhận rõ ràng mức độ nghiêm trọng của thách thức mà Trung Quốc đặt ra trong vùng đặc quyền kinh tế của đất nước, mà quốc gia này không có khả năng xử lý một mình. Đây có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy các nhà hoạch định chính sách Indonesia – hoặc ít nhất là những người nắm rõ nhất với tình hình thực tế ở khu vực Natuna – đang thức tỉnh trước thái độ phủ nhận (mối đe dọa Trung Quốc) suốt thập kỷ qua ».

Nhật báo Indonesia Jakarta Post dẫn lời chuyên gia Thomas Daniel, Viện Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế Malaysia (ISIS), nhấn mạnh đến việc toàn bộ 10 thành viên khối ASEAN khó tìm được đồng thuận trong vấn đề Biển Đông, và « Trung Quốc đã khai thác thành công nguyên tắc đồng thuận của ASEAN để gia tăng tác động đến lập trường chung của ASEAN về Biển Đông, cũng như trong việc thương thuyết về Bộ Quy tắc Ứng Xử ở Biển Đông – COC ». Theo chuyên gia Viện Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế Malaysia, « đã đến lúc các nước ASEAN liên quan trực tiếp nhất nên chủ động và không nên để phụ thuộc quá nhiều vào phần còn lại của ASEAN ».

An ninh biển : Việt Nam và Indonesia tăng cường hợp tác

Quan hệ về an ninh biển giữa Indonesia và Việt Nam vừa có bước tiến bộ đáng kể. Hôm qua, 28/12, Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Indonesia đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác an ninh, an toàn hàng hải giữa hai lực lượng. Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Theo Thông tấn xã Việt Nam, văn bản ký kết nói trên « đánh dấu chính thức sự khởi đầu của mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và toàn diện giữa hai cơ quan kể từ Ý định thư về tăng cường hợp tác giữa hai bên ký kết ngày 23/8/2017 ».

Theo Jakarta Post, các tranh chấp trên biển từng là tác nhân cản trở quan hệ song phương giữa Việt Nam và Indonesia trong nhiều thập kỷ, đặc biệt về vấn đề đánh bắt hải sản bất hợp pháp. Trong năm 2019, Indonesia đã bắt giữ và phá hủy 38 tàu của Việt Nam đánh bắt trái phép. Giới quan sát cũng ghi nhận tình trạng tương tự giữa Việt Nam và Philippines, cũng như giữa Indonesia và Malaysia.

Lãnh đạo Palestine gặp bộ trưởng Quốc Phòng Do Thái lần đầu tiên sau 11 năm

Phan Minh

Lãnh đạo chính quyền Palestine Mahmoud Abbas đã đến thăm Do Thái vào tối 28/12/2021. © Alex Brandon POOL/AFP/File

Lần đầu tiên từ 11 năm qua, người đứng đầu chính quyền Palestine Mahmoud Abbas đã đến thăm Israel vào tối 28/12/2021 cùng một số cộng tác viên thân cận của ông để gặp bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz. Phe đối lập cánh hữu ở Israel tỏ ra hết sức bất bình về cuộc gặp này.

Từ Jerusalem, thông tín viên Michel Paul tường trình:

“Cuộc gặp diễn ra tại nhà riêng của bộ trưởng Quốc Phòng Israel ở thành phố Rosh Ha’ayin, phía đông Tel Aviv. Mahmoud Abbas và Benny Gantz đã dành một phần thời gian của cuộc gặp để nói chuyện riêng. Cuộc hội đàm tập trung vào các vấn đề an ninh cũng như các vấn đề dân sự.

Theo một nguồn tin Palestine, tầm quan trọng của việc vạch ra một viễn cảnh chính trị đã được những người thân cận của tổng thống Palestine nêu lên. Về phía Israel, có thông tin cho biết ông Gantz đã yêu cầu ông Abbas chấm dứt các cuộc tấn công chống Israel ở Cisjordanie. Phía Palestine kêu gọi Israel trấn áp hành vi bạo lực từ những người định cư chống lại họ. Bộ trưởng Israel nhấn mạnh lại việc ông sẵn sàng có các hành động thiện chí như ông đã làm vào cuối tháng 8 năm ngoái khi ông đến thăm Ramallah.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Mahmoud Abbas tới Israel sau 11 năm, nếu không tính đến việc ông tham dự tang lễ tổng thống Shimon Peres. Likoud, đảng đối lập chính ở Israel, đã chỉ trích gay gắt cuộc gặp này. Họ cho rằng chính phủ Bennett là một chính phủ nguy hiểm đối với Israel”.

Related posts