Trung-Nga đang phối hợp để phân tán sức mạnh của Mỹ?

An Liên

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc gặp năm 2018 (ảnh: Từ video của CGTN)

Thời gian gần đây, tình hình Ukraine – Nga đặc biệt căng thẳng. Trong khi đó Trung Quốc liên tục cho máy bay quấy rối Đài Loan. Một câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh và Moscow có phối hợp với nhau tại hai điểm nóng này để khiến Mỹ phải phân tán sức mạnh? Nikkei đã đưa ra đánh giá về vấn đề này.

Quân đội Nga được cho là đã khai triển 100.000 binh sĩ gần biên giới với Ukraine, và có nhiều đồn đoán rằng Nga có thể xâm lược Ukraine vào đầu năm tới.

Ngoài ra, vào giữa tháng 12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút toàn bộ quân khỏi các nước thành viên Đông Âu, và kiềm chế mọi hoạt động quân sự trên các vùng lãnh thổ của Liên Xô cũ ở Đông Âu, Trung Á và Caucasus.

Tờ Nikkei đưa tin, phương Tây có thể không đồng ý với yêu cầu này của Nga, nhưng ông Putin sẽ không dễ dàng từ bỏ. Ông Putin hy vọng sẽ đưa các nước thuộc Liên Xô cũ vào lãnh thổ Nga như ‘sân sau’ của mình. Vấn đề là điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của châu Âu và phần còn lại của thế giới.

Nếu cuộc khủng hoảng Ukraine ngày càng sâu sắc, nhiều khả năng Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc di chuyển nhiều lực lượng của mình từ châu Âu sang khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tiếp đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thậm chí sẽ gây rối Đài Loan một cách trắng trợn hơn và tham gia vào việc mở rộng quân sự ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Vào ngày 29 tháng 11, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo Đánh giá hoạt động bố trí quân của nước này trên toàn cầu (GPR), trong đó cho thấy Hoa Kỳ dường như không chuyển lực lượng quân sự chính của mình đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để đối đầu với ĐCSTQ, như nhiều người mong đợi.

Những người trong cuộc ở Washington cho rằng một phần nguyên nhân là do Mỹ và Nhật Bản vẫn chưa kết thúc đàm phán về lực lượng quân đội Mỹ tại Nhật Bản, và căng thẳng leo thang ở Ukraine và Iran cũng khiến Mỹ không thể thực hiện các điều chỉnh khai triển quân sự lớn.

Các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 đã được nối lại trong tuần này. Mục tiêu chung của Hoa Kỳ, Châu Âu, Israel và các nước vùng Vịnh là hạn chế sự phát triển của công nghệ tên lửa đạn đạo của Iran. Kể từ khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018, các vi phạm của Iran ngày càng leo thang.

Nikkei nhận định rằng, giả thuyết Trung Quốc và Nga đang thông đồng trong các hành động khiêu khích Ukraine và Đài Loan là không chắc chắn, bởi vì sự tin tưởng của họ dành cho nhau chưa đạt đến mức này.

Chuyên gia: Trung – Nga sẽ không tranh giành nhau

Các phương tiện truyền thông cho rằng các nước phương Tây cần lưu ý mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga không bền chặt như tưởng tượng. Hai nước láng giềng có đường biên giới dài và từng xung đột vào năm 1969. Quan hệ đối tác của họ không dựa trên tình bạn hay sự tin cậy, mà dựa trên sự đối đầu với Hoa Kỳ.

Nga hẳn cảm thấy không thoải mái khi ĐCSTQ đang là thực thể cầm quyền ở nước láng giềng. Một chuyên gia cho biết, quân đội Nga chưa bao giờ ngừng tiến hành các cuộc tập trận và mô phỏng chiến đấu để chuẩn bị cho xung đột với ĐCSTQ.

Mặc dù Trung-Nga lợi dụng nhau để chống lại Hoa Kỳ, nhưng Nga không muốn can dự vào cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan, và ĐCSTQ cũng không muốn dính líu đến vấn đề Ukraine.

Nikkei tiếp tục nói rằng một khi xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan leo thang thành một cuộc chiến toàn diện, thì bằng cách nào đó, nó có thể lôi kéo Nga vào cuộc. Và đây là điều khiến ông Putin thầm lo lắng.

Shinji Hyodo, Giám đốc Phòng Nghiên cứu Chính sách của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia cho biết: “Ông Putin chú ý đếnTrung Quốc (ĐCSTQ) và bày tỏ sự phản đối với nền độc lập của Đài Loan, nhưng ông chưa bao giờ nói rằng ông sẽ chấp nhận thống nhất bằng vũ lực”.

“Nga không có ý định gây chiến với Hoa Kỳ ở eo biển Đài Loan vì Trung Quốc. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Nga sẽ tránh xa cuộc xung đột”.

Đối thoại và trừng phạt là giải pháp

Vào cuối tháng Mười, 10 tàu hải quân của Trung Quốc và Nga một lần nữa đi vòng quanh quần đảo Nhật Bản qua eo biển Tsugaru và Osumi. Các chuyên gia quân sự cho rằng Nga đã được Trung Quốc mời tham gia chiến dịch này.

Ngay từ tháng 7/2017, tàu hải quân Trung Quốc đã chạy tới biển Baltic để tham gia cuộc tập trận chung do Nga khởi xướng. Khi mâu thuẫn giữa Trung Quốc với Nga và Mỹ ngày càng sâu sắc, người ta dự kiến ​​sẽ có thêm nhiều điều như vậy xảy ra.

Đứng trước tình hình này, thế giới nên ứng phó như thế nào? Nikkei chỉ ra rằng phương Tây nên thúc đẩy sự hiểu biết về mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và Nga, đồng thời tìm ra những điểm yếu trong quan hệ đối tác này và đưa ra những phương án phù hợp.

Điểm mấu chốt là Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản phải cho thấy rằng họ sẽ không bao giờ khuất phục trước sức ép từ Bắc Kinh và Moscow. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cần tiếp tục thể hiện lập trường của mình, sẵn sàng hỗ trợ quân sự cho Ukraine để chống lại sự đe doạ của Nga.

Ông Biden và ông Putin đã có cuộc hội đàm trực tuyến dài hai giờ vào ngày 7/12. Toà Bạch Ốc sau đó đã đưa ra một tuyên bố đáp lại cuộc họp, nói rằng Tổng thống Biden bày tỏ mối quan tâm sâu sắc của Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu về hành động leo thang quân sự của Nga chống lại Ukraine, và nói rõ rằng “nếu có leo thang quân sự, và các đồng minh của chúng tôi sẽ đáp trả bằng các biện pháp kinh tế và các biện pháp mạnh mẽ khác”.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba nói với Reuters ngày 8/12 rằng các cuộc hội đàm giữa hai tổng thống Mỹ và Nga khả năng trở thành “uy hiếp và hoà hoãn”.

Ông Kuleba nói trong một bình luận bằng văn bản: “Bản thân cuộc tiếp xúc có tác dụng răn đe và điều tiết”. “Chúng tôi đánh giá cao sự can thiệp ngoại giao quan trọng mà Hoa Kỳ đã thực hiện trong nỗ lực đưa Nga trở lại bàn đàm phán”.

Nikkei cuối cùng cho rằng cách tốt nhất để xử lý quan hệ Trung-Nga là thực hiện đối thoại và khi cần thì trừng phạt Nga, đồng thời tập trung vào việc chống lại các hành động bá quyền của ĐCSTQ.

Theo Epoch Times

Related posts