Tin Việt Nam trưa thứ Năm

Năm 2021: Gần 120.000 doanh nghiệp trên cả nước “rút khỏi thị trường”

Quang Minh

Ngày 29/12, Tổng cục Thống kê công bố số liệu cả nước có gần 120.000 doanh nghiệp “rút lui khỏi thị trường” trong năm 2021, đánh dấu sự tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn gần 55.000 doanh nghiệp, tăng 18% so với năm trước; 48.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,8%; 16.700 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,1%.

Tính chung trong năm 2021, cả nước có đến 119.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Như vậy, bình quân một tháng có khoảng 10.000 doanh nghiệp khó khăn phải rút lui khỏi thị trường. Bên cạnh đó, cả nước có 116.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.611,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 854.000 lao động, giảm 13,4% về số doanh nghiệp, giảm 27,9% về vốn đăng ký và giảm 18,1% về số lao động so với năm trước.

Dễ nhận thấy, số doanh nghiệp rời thị trường thậm chí còn cao hơn lượng doanh nghiệp mới thành lập.

Trước đó, báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy tất cả các thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các lệnh phong tỏa kéo dài và sự lây lan của dịch COVID-19.

Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, tại hội nghị giao ban công tác quý 4/2021 được UBND TP Hà Nội tổ chức vào ngày 29/12, cho biết năm 2021 số doanh nghiệp làm thủ tục giải thể của Hà Nội tăng 22%, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 29%, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng 20%.

Năm 2021, Hà Nội ước tính có trên 24.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là trên 345.000 tỉ đồng (giảm 9% về số lượng doanh nghiệp; giảm 16% vốn đăng ký so với năm 2020).

Theo thống kê, Hà Nội thực hiện thủ tục giải thể cho 3.075 doanh nghiệp (tăng 22% so với năm 2020), 13.148 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 29%); 3.533 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể (tăng 20%); 10.922 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 80%). Lũy kế trên địa bàn Hà Nội từ trước đến hết năm 2021 có 324.000 doanh nghiệp.

Ông Đỗ Anh Tuấn cho biết GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) quý 4 của Hà Nội ước tăng 6,69%, cả năm 2021 tăng 2,92% – thấp hơn kế hoạch là 7,5%.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp tại TP.HCM rời thị trường trong 10 tháng đầu năm 2021 là khoảng 26.000 doanh nghiệp, chiếm 27% cả nước.

Dữ liệu của Cục Thống kê TP.HCM công bố tại buổi họp báo công bố tình hình kinh tế – xã hội TP.HCM tổ chức ngày 29/12 ghi nhận, tính chung cả năm 2021, GRDP TP.HCM ước tính đạt 1,299 triệu tỷ đồng (theo giá hiện hành), giảm 6,78% so với cùng kỳ năm trước. Đây được xem là mức giảm GRDP sâu nhất trong lịch sử của thành phố đầu tàu kinh tế của Việt Nam.

Quang Minh (t/h)

Nhiều bộ đội, cảnh sát ‘nhận hối lộ’ trong vụ 200 triệu lít xăng giả

VnExpress – Nhà chức trách cáo buộc nhiều cán bộ của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển đã nhận hối lộ, tiếp tay và bảo kê cho đường dây sản xuất hơn 200 triệu lít xăng giả.

Ngày 28/12, đại tá Nguyễn Ngọc Quang (Phó giám đốc Công an Đồng Nai) cho biết thông tin như trên tại cuộc họp báo do Bộ Công an tổ chức. Nhà chức trách đã chuyển hồ sơ những quân nhân này về cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng thụ lý theo thẩm quyền. Cục Điều tra Hình sự (Bộ Quốc phòng) sau đó đã khởi tố 14 người về tội Nhận hối lộ. Trong số này nhiều bị can “giữ vị trí quan trọng của Cảnh sát biển và Bộ đội biên phòng cấp tỉnh”.

Hiện, Công an Đồng Nai đã khởi tố, tạm giam 100 bị can về các tội Buôn lậu; Sản xuất, buôn lậu hàng giả; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ.

Riêng bị can Ngô Văn Thụy (cựu đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam, thuộc Cục điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) bị khởi tố về tội Nhận hối lộ.

Bắt giam cựu Trưởng Công an quận Đồ Sơn – Hải Phòng

Trần Tiến Quang

Dân Trí -Theo thông tin từ Công an TP. Hải Phòng sáng nay (28/12), cơ quan điều tra – Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (KSND) đã tống đạt, thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Tiến Quang – nguyên Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) – Công an quận Đồ Sơn và quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Vũ Hoàng Văn – nguyên cán bộ Công an quận Đồ Sơn, về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc, để điều tra, xử lý theo quy định. 

Cả hai được xác định có liên quan đến vụ án làm sai lệch hồ sơ vụ có dấu hiệu tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy xảy ra ngày 13/11/2020 tại quán Karaoke Hải Sơn 86, địa chỉ phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng.

Trước đó, cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã có kết luận điều tra vụ án khiến nhiều cán bộ công an rơi vào vòng lao lý này.

Trung Quốc ngừng nhập khẩu thanh long Việt Nam

Hải quan cửa khẩu Tân Thanh kiểm tra mặt hàng thanh long xuất khẩu. (Ảnh: baolangson.vn)

Trung Quốc đột ngột thông báo tạm dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam trong vòng một tháng qua các cửa khẩu Lạng Sơn từ ngày 29/12 do lo ngại dịch Covid-19.

Tại cuộc họp giữa tỉnh Lạng Sơn và Bộ Công Thương Việt Nam diễn ra chiều 29/12, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, phía Trung Quốc đã có văn bản chính thức thông báo, từ ngày 20 đến 27/12, sau khi kiểm tra hàng hóa bảo quản lạnh nhập khẩu gồm quả thanh long và bao bì xét nghiệm, kết quả 3 lần dương tính, nên tạm dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam từ 29/12/2021 đến hết ngày 26/1/2021. 

“Nếu tính hết 4 tuần tạm dừng, thì lại trúng vào thời gian đề nghị của bạn là nghỉ 14 ngày đối với hàng xuất khẩu lạnh trước và sau tết Nguyên đán 2022, như vậy thì thanh long buộc phải quay đầu”, ông Thiệu nói.

Trung tâm quản lý cửa khẩu, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cũng đã liên hệ với cơ quan chức năng của Bằng Tường (Trung Quốc) để trao đổi các thông tin liên quan đến việc tạm ngừng thông quan mặt hàng thanh long.

Thời gian qua, hàng loạt mặt hàng nông sản của Việt Nam như thanh long, mít, xoài, chuối… bị ùn ứ tại các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn, chờ làm thủ tục thông quan xuất đi Trung Quốc, trong bối cảnh nước này đang siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Hiện chỉ còn cửa khẩu Hữu Nghị diễn ra hoạt động thông quan hàng hóa, với năng lực rất hạn chế, chỉ khoảng gần 100 xe/ngày.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, tổng lượng xe chở hàng xuất đi Trung Quốc bị ùn ứ tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đến sáng ngày 29/12 là 3.530 xe. 

Để giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho người dân, doanh nghiệp, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ các giải pháp thúc đẩy kết nối tiêu thụ nội địa; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra phương án chế biến, bảo quản đối với mặt hàng này trong những xe đang chờ xuất.

Trước đó, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã giảm hàng loạt chi phí bến bãi cho doanh nghiệp chờ xuất hàng đi Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh.

Related posts