Thế giới đón năm mới 2022 với hy vọng khắc phục được đại dịch Covid-19
Trọng Nghĩa
Hôm 01/01, thế giới đã bước vào năm mới 2022, dưới sự đe dọa của dịch bệnh Covid-19. Lễ đón năm mới dù vẫn được cử hành, nhưng đều diễn ra với một quy mô hạn chế. Trong các thông điệp đầu năm của các lãnh đạo khắp nơi, “hy vọng” có lẽ là từ ngữ được sử dụng nhiều nhất, phản ánh mong muốn đánh bại được đại dịch Covid-19 trong năm mới.
Theo múi giờ, như thông lệ, quần đảo Kiribati ở vùng Thái Bình Dương là nơi đầu tiên đón năm mới – tính theo giờ Paris là 11 giờ sáng ngày hôm qua, 31/12/2021. Sau đó đến lượt các nước châu Đại Dương như Úc, New Zealand, rồi đến châu Á, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ. Từ Seoul (Hàn Quốc), Paris (Pháp) cho đến Mexico City (Mêhicô) hay San Francisco (Hoa Kỳ), nhiều lễ hội giao thừa đã bị hủy bỏ hay giới hạn quy mô.
Tại Pháp, thủ đô Paris đã quyết định hủy bỏ lễ bắn pháo hoa truyền thống đêm giao thừa, nhưng hàng nghìn du khách – một số lượng ít hơn nhiều so với bình thường – cũng đã đổ ra đi dạo đại lộ Champs-Élysées được chăng đèn lấp lánh, nhưng với một lực lượng cảnh sát đông đảo kiểm soát chặt chẽ việc đeo khẩu trang, đã trở thành bắt buộc.
Trước Paris, thành phố Sydney tại Úc, nơi tự hào là “Thủ đô năm mới của thế giới”, pháo hoa đã được bắn lên nhưng trước một đám đông thưa thớt lạ thường so với mọi khi.
Vào lúc thế giới chuẩn bị đón năm mới, đại dịch Covid-19 đã tăng sức hoành hành, với mốc biểu tượng của một triệu trường hợp nhiễm coronavirus trong một ngày trên toàn thế giới bị vượt qua vào những giờ cuối cùng của năm 2021, sau sự xuất hiện của biến thể Omicron đặc biệt dễ lây lan. Tại các nước như Anh, Pháp, Mỹ, thậm chí là Úc, các kỷ lục lây nhiễm liên tục bị phá vỡ.
Trong bối cảnh đó, thông điệp đầu năm của các lãnh đạo thế giới đều bày tỏ hy vọng là 2022 sẽ là năm đánh bại đại dịch. Trong lúc tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói đến khả năng 2022 là “năm thoát khỏi đại dịch”, thì tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định thái độ lạc quan cho nước Mỹ trong năm mới vì theo ông, Hoa Kỳ luôn luôn biết biến những khủng hoảng “thành cơ hội để trở thành một quốc gia mạnh mẽ hơn và tốt đẹp hơn”.
Theo hãng tin Pháp AFP, các chuyên gia hy vọng rằng năm 2022 sẽ đánh dấu một giai đoạn mới ít chết chóc hơn do đại dịch. Việc phân phối vac-xin cho khoảng 60% dân số thế giới mang lại một tia hy vọng, mặc dù một số quốc gia nghèo vẫn gặp khó khăn trong vấn đề tiêm chủng và một bộ phận người dân tại nhiều nước vẫn chống vac-xin.
Mọi người đeo khẩu trang bảo vệ khi đi ngang qua một biển quảng cáo cho thương hiệu thời trang cao cấp DIOR của Pháp bên ngoài một địa điểm mới sắp khai trương tại một khu mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 24/11/2021. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)Trung Quốc
Nghệ sĩ, diễn viên Hồng Kông và Đài Loan được yêu cầu phải trung thành với hiến pháp Trung Quốc
Alex Wu
Chính quyền cộng sản Trung Quốc gần đây đã đưa ra các quy định yêu cầu các công ty quản lý biểu diễn — bao gồm cả những cá nhân, tổ chức đến từ Đài Loan, Ma Cao và Hồng Kông đang làm việc tại Trung Quốc — phải được chứng nhận ở Trung Quốc đại lục. Những công ty quản lý này, cũng như các diễn viên mà họ đại diện, phải thề trung thành với hiến pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Các nhà lập pháp Đài Loan cảnh báo rằng các nghệ sĩ này có thể bị trừng phạt ở đại lục vì những phát ngôn của mình.
Hôm 24/12, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra “Các Biện pháp Hành chính đối với Người Đại diện Hoạt động Biểu diễn” bản sửa đổi, trong đó quy định rằng người quản lý đại diện phải vượt qua cuộc sát hạch năng lực bắt đầu từ tháng 03/2022. Họ phải ủng hộ hiến pháp của ĐCSTQ và sở hữu cái gọi là “phẩm chất chính trị tốt”.
Nhà lập pháp Đài Loan Ngô Tư Dao (Rosalia Wu) cho rằng quy định mới vô lý này là một hình thức kiểm duyệt khác, qua đó đàn áp quyền tự do tư tưởng và quyền sáng tạo.
Các kiến trúc sư, luật sư, bác sĩ, và những người khác cần phải qua kiểm tra sát hạch để được cấp chứng chỉ, tức là chứng nhận khả năng chuyên môn của họ có đáp ứng tiêu chuẩn hay không. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, các diễn viên cũng cần phải thể hiện sự ủng hộ đối với tư tưởng thống nhất của ĐCSTQ, bà Ngô cho biết.
Bà Ngô nói với The Epoch Times rằng: “Điều này là không thể chấp nhận được trong một xã hội dân chủ, bởi vì hành động đó là vi phạm quyền tự do và quyền của con người, đồng thời đi ngược lại các giá trị phổ quát.”
Bà cũng lo ngại rằng cuộc thanh trừng của ĐCSTQ sẽ được mở rộng sang các ngành công nghiệp khác, và kêu gọi người Đài Loan cân nhắc kỹ lưỡng xem họ có muốn phát triển kinh doanh ở Trung Quốc đại lục hay không.
Ông Lại Trung Cường, Chủ tịch Liên minh Dân chủ Kinh tế, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng cách tiếp cận của ĐCSTQ là “hợp pháp hóa” mặt trận thống nhất nhắm vào các nghệ sĩ Đài Loan. ĐCSTQ yêu cầu các nghệ sĩ Đài Loan làm việc tại Trung Quốc phải ủng hộ cái gọi là “nguyên tắc một Trung Quốc, thống nhất” và “ủng hộ Đảng Cộng Sản”. “Trên thực tế, điều này vẫn luôn như vậy trong quá khứ. Biện pháp quản lý người đại diện được đặt ra lần này là nhằm kiểm soát các nghệ sĩ bằng cách kiểm soát người đại diện của họ,” ông nói.
Nhà lập pháp Đài Loan Sái Thích Ưng (Tsai Shih-ying) cho thấy Đài Loan chưa bao giờ yêu cầu công dân từ Trung Quốc đại lục tham gia sản xuất phim Đài Loan phải tuân theo hiến pháp của Đài Loan.
“Vì chúng tôi cho rằng đây là quyền tự do biểu diễn nghệ thuật và sáng tạo, đồng thời cũng là quyền tự do ngôn luận của mọi người. Đây là sự khác biệt lớn nhất giữa Đài Loan và Trung Cộng,” ông Tsai nói với The Epoch Times.
Ủy viên Hội đồng thành phố Đài Bắc Miêu Bác Nhã (Miao Po-ya) kêu gọi chính phủ trung ương và địa phương của Đài Loan gửi một thông điệp rõ ràng hơn để nhắc nhở các nghệ sĩ điện ảnh, truyền hình, và âm nhạc về những rủi ro chính trị tại thị trường đại lục, và họ nên từng bước hướng dẫn các nghệ sĩ phát triển trên thị trường quốc tế bên ngoài Trung Quốc.
Ông Alex Wu là một tác giả của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền và các mối quan hệ quốc tế.
Nguyệt Minh biên dịch
Pháp đảm trách chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu
Thùy Dương
Hôm 01/01/2022 đánh dấu ngày Pháp bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu. Chấn hưng kinh tế, tăng cường sức mạnh và hội nhập gắn bó là 3 yếu tố chủ chốt mà Pháp muốn ghi dấu ấn trong nhiệm kỳ 6 tháng mà chính quyền Macron đặt cược rất nhiều. Thế nhưng, nước Pháp cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị bầu cử tổng thống vào tháng 04/2022. Điều này có thể hạn chế phần nào tham vọng của Pháp trong nhiệm kỳ này.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Bénazet giải thích:
Về hội nhập gắn bó, việc định ra một mức lương tối thiểu châu Âu đang gặp thuận lợi và dường như thể hiện tiến bộ xã hội đầu tiên mang tính biểu tượng mà chính phủ Pháp chủ trương. Sự gắn kết của 27 nước với những giá trị cơ bản của Nhà nước pháp quyền ở châu Âu có thể sẽ khó đạt được hơn, cho dù mối đe dọa Liên Âu đình chỉ tài trợ kế hoạch chấn hưng cho một số thành viên ngày càng rõ nét.
Về việc chấn hưng, Pháp muốn có một mô hình tăng trưởng và đầu tư mới, chẳng hạn thông qua việc đưa năng lượng nguyên tử vào danh sách các loại năng lượng bền vững, cải cách các tiêu chí Maestricht, đây là hai hồ sơ cần phải có sự thỏa hiệp giữa Pháp và Đức.
Về chủ quyền và an ninh, việc định hướng chiến lược tương lai đã bước vào khâu chuẩn bị và dự án cải tổ khối Schengen dường như đang có thuận lợi.
Nhưng đây là những tham vọng và giai đoạn phải giữ lập trường trung lập trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp có thể khiến một số việc bị chậm lại, theo một số nghị viên châu Âu. Trái lại, có những người tin rằng một nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Liên Âu trước hết là một cuộc tìm kiếm thỏa hiệp mà đặc biệt có thể đề ra các việc cần làm cho những nhiệm kỳ sau đó. Và đối với nhiều người, nhiệm kỳ chủ tịch lần này chủ yếu nhằm thúc đẩy người Pháp quan tâm đến châu Âu.
Nga phóng thử hỏa tiễn siêu thanh Tsirkon mới
Lorenz Duchamps
Theo các báo cáo, trích dẫn từ hạm đội phía bắc, Quân đội Nga đã bắn thử khoảng một chục hỏa tiễn hành trình siêu thanh Tsirkon mới từ chiến hạm vào tuần trước.
Hãng thông tấn Interfax đưa tin hôm thứ Sáu (31/12) cho hay Moscow đã bắn thử khoảng 10 hệ thống vũ khí siêu thanh mới từ một khinh hạm và hai hệ thống khác từ một tàu ngầm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi loại vũ khí này là một phần của hệ thống vũ khí vô song thế hệ mới.
Tuần trước, ông Putin cho biết trong một cuộc họp chung của Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Khoa học và Giáo dục rằng Nga đã bắn thử thành công hỏa tiễn hôm 24/12, nhưng không có thông tin chi tiết ngay lập tức về vụ thử này.
“Hệ thống siêu thanh Tsirkon đã được đưa vào hoạt động,” nhà lãnh đạo Nga cho biết, hãng thông tấn TASS đưa tin. “Đây là hỏa tiễn tân tiến của chúng ta, có thể đánh trúng cả mục tiêu trên biển và trên bộ.”
“Các cuộc thử nghiệm đã thành công và suôn sẻ,” ông nói thêm. “Đây là một sự kiện lớn trong đời sống của đất nước và là một bước tiến đáng kể trong việc tăng cường an ninh và khả năng quốc phòng của Nga.”
Vụ thử hệ thống vũ khí tân tiến mới nhất của Nga diễn ra chỉ vài tháng sau khi nước này tuyên bố lần đầu tiên bắn thử thành công hỏa tiễn hành trình siêu thanh Tsirkon từ một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Đoạn video chất lượng thấp được Bộ Quốc phòng Nga công khai tại thời điểm đó cho thấy một hỏa tiễn được phóng lên từ tàu ngầm vào ban đêm.
Tsirkon có khả năng bay với tốc độ gấp năm lần tốc độ âm thanh và hỏa tiễn này có tầm bắn 620 dặm (1,000 km). Tsirkon bay chậm hơn hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa, nhưng hình dáng của một phương tiện bay siêu thanh (HGV) cho phép hỏa tiễn này di chuyển tới mục tiêu hoặc tránh các hệ thống phòng thủ.
Một số chuyên gia phương Tây đã đặt câu hỏi về mức độ tân tiến của thế hệ vũ khí mới của Nga, trong khi thừa nhận rằng sự kết hợp giữa tốc độ, khả năng cơ động, và độ cao của hỏa tiễn siêu thanh khiến loại vũ khí này khó theo dõi và đánh chặn.
Năm 2018, ông Putin đã công bố một loạt vũ khí siêu thanh mới trong một trong những bài diễn văn sôi nổi nhất của ông trong nhiều năm, nói rằng những vũ khí này có khả năng tấn công hầu hết mọi địa điểm trên thế giới và né tránh một lá chắn hỏa tiễn do Hoa Kỳ chế tạo.
Có khá nhiều quốc gia, bao gồm cả Bắc Hàn và Trung Quốc, được cho là đang nghiên cứu vũ khí siêu thanh. Bắc Hàn đã tuyên bố đạt được thành công với vũ khí siêu thanh. Hỏa tiễn của Bắc Hàn được cho là sở hữu “khả năng cơ động dẫn đường và các đặc tính bay lượn” của một HGV.
Trung Quốc đang chế tạo một phương tiện bay HGV tên là là DF-17 (Đông Phong-17) và đã phóng thử nó nhiều lần với hỏa tiễn đẩy thông thường. DF-17 được cho là có khả năng bay với tốc độ tới Mach 10 (7,400 dặm/giờ), có thể được trang bị vũ khí hạt nhân, và có thể được phóng từ hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), giúp vũ khí này có khả năng tấn công toàn cầu.
Minh Ngọc biên dịch
TT Macron: Nước Pháp đã mạnh mẽ hơn trước đại dịch Covid-19
Thùy DươngVào lúc 20h ngày 31/12/2021, tổng thống Pháp Emmanuel Macron có bài phát biểu trên truyền hình, bày tỏ thái độ lạc quan về năm 2022. Trong bối cảnh số ca nhiễm mới thường nhật tại Pháp trong những ngày cuối năm 2021 không ngừng tăng vọt, lên tới 230.000 ca vào hôm qua, nguyên thủ Pháp hy vọng năm 2022 sẽ là năm thoát Pháp khỏi đại dịch Covid-19.
Vào tháng 04/2022, Pháp tổ chức bầu cử tổng thống, sau đó là bầu cử lập pháp. Chưa tuyên bố có tái tranh cử hay không, nhưng tổng thống Pháp khẳng định 2022 là « năm quyết định » đối với đất nước.
Trong bài diễn văn kéo dài 15 phút chào năm mới 2022, tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh, mặc dù phải đối mặt với nhiều thử thách, nhưng nước Pháp đã lớn mạnh hơn cách nay 2 năm và tỉ lệ thất nghiệp tại Pháp đang ở mức thấp nhất tính từ 15 năm qua. AFP nhận định, tổng thống Pháp đang cố trấn an dân chúng, bởi dân Pháp đặc biệt bi quan : Theo một thăm dò ý kiến Odoxa thực hiện hôm 21-22/12/2021, chỉ có 17% dân Pháp cho rằng năm 2022 sẽ tốt đẹp hơn năm 2021.
Mặc dù thừa nhận dịch bệnh lây lan nhanh, những tuần sắp tới sẽ có nhiều khó khăn, nhưng nguyên thủ Pháp khẳng định « có những lý do thực sự để hy vọng » là sẽ vượt qua đại dịch : vac-xin ngừa Covid-19. Ông Macron động viên 5 triệu người chưa tiêm phòng đi chủng ngừa, kêu gọi dân chúng đoàn kết và hứa hẹn sẽ làm tất cả những điều cần thiết để duy trì hoạt động của nước Pháp, tránh sử dụng các biện pháp ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do của dân Pháp.
Hiệp định tự do mậu dịch lớn nhất thế giới RCEP bắt đầu có hiệu lực
Trọng Nghĩa
Kể từ hôm 01/01/2022, Hiệp Định Đối Tác Kinh tế Toàn Diện Khu vực (RCEP), được đàm phán từ năm 2011, chính thức bắt đầu có hiệu lực, mở ra một vùng tự do mậu dịch lớn nhất thế giới, chiếm một phần ba GDP của hành tinh và một phần ba dân số thế giới.
Sau khi được thông qua và ký kết, Hiệp đinh RCEP bao gồm 10 nước ASEAN bên cạnh các cường quốc kinh tế châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cùng với Úc và New Zealand, trên nguyên tắc phải được các nước thành viên phê chuẩn để có thể đi vào hoạt động.
Theo quy định, hiệp định có hiệu lực 60 ngày sau khi có ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước ngoài khối Đông Nam Á phê chuẩn.
Ngày 28/10/2021, Thái Lan là nước ASEAN thứ 6 phê chuẩn, và đến ngày 03/11 vừa qua đến lượt Úc và New Zealand hoàn tất thủ tục, sau Trung Quốc và Nhật Bản trước đó.
Hiệp định RCEP quy định việc cắt giảm thuế quan giữa các thành viên, chủ yếu liên quan sản xuất công nghiệp, động lực tăng trưởng của khu vực, hơn là dịch vụ hoặc nông nghiệp, một lĩnh vực vẫn còn rất nhạy cảm.
Theo một phân tích được thực hiện vào năm 2020 của Viện Kinh Tế Quốc Tế Peterson, một trung tâm nghiên cứu của Hoa Kỳ, RCEP sẽ giúp GDP của các nước ký kết tăng thêm 0,2%, đặc biệt là đối với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Ba quốc gia này đại diện cho 80% GDP của khối thương mại mới. Đây là lần đầu tiên một hiệp ước thương mại đầy tham vọng liên kết được ba nền kinh tế nặng ký nói trên.
Hội Nghị Liên Hiệp Quốc về Thương Mại và Phát Triển (Unctad), coi RCEP là “trọng tâm mới” của thương mại thế giới và ước tính rằng hiệp định sẽ tăng thương mại trong khối này thêm 2%, tương đương khoảng 42 tỷ đô la.
Nga: TT Putin hài lòng với một năm 2021 bất chấp số tử vong kỷ lục vì Covid-19
Trọng Nghĩa
Ở Nga, chính tổng thống Vladimir Putin là người phát đi tín hiệu đón mừng năm mới, trong một thông điệp truyền hình được gởi đi ngay trước nửa đêm và được cả nước theo dõi.
Điểm đáng chú ý là lời chúc năm nay của chủ nhân điện Kremlin không có thông điệp chính trị hoặc lời đe dọa ngầm nào nhắm vào phương Tây, mà chỉ là một nghi thức truyền thống trong đó ông Putin không ngần ngại tuyên bố hài lòng về thành quả gặt hái được, mà không nói gì về con số cả trăm ngàn người chết vì Covid-19.
Từ Matxcơva, thông tín viên Jean Cassey tường thuật:
Đây quả là lợi thế, hay nói đúng hơn là một trong những lợi thế của một quốc gia khổng lồ như Nga: Vào lúc ở Kaliningrad ở cực tây đất nước chỉ mới 3 giờ chiều, thì tại Kamchatka, miền Viễn Đông đã là nửa đêm. Và nhờ sự kỳ diệu của internet, phần còn lại của đất nước đang khám phá nội dung lời chúc của tổng thống Vladimir Putin 8 giờ trước.
Theo truyền thống, đây là một trong những điểm nổi bật của lễ mừng năm mới tại Nga, và cũng có thể là dịp duy nhất mà người nghe không cần tìm hiểu ý nghĩa chính trị trong thông điệp của ông Putin.
Lời chúc đầu năm chỉ là một nghi thức, được phát sóng ngay trước nửa đêm, mà người ta thường nghe một cách lơ đãng trong khi chuẩn bị bật nút chai “champanskoye”.
Trong thời gian vài phút, tổng thống Nga điểm lại tình hình một năm qua, khen ngợi nước Nga và bản thân ông về một năm được “trải qua trong phẩm giá”. Ông tự khen là đã “bảo vệ an ninh đất nước” và khôi phục lại nền kinh tế”, đặc biệt gửi lời cảm ơn đến các quân nhân, bác sĩ, cảnh sát và các công chức, gửi lời chúc yêu thương, sức khỏe và thành công đến tất cả mọi người, trước khi nhường chỗ cho tiếng chuông điện Kremlin.
Sau đó, quốc thiều Nga vang lên và năm mới bắt đầu ở Nga.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, trong thông điệp năm mới, tổng thống Nga dĩ nhiên cũng gợi lên dịch Covid tại Nga, nhưng không nói gì về con số tổng cộng hơn 600.000 người chết vì dịch bệnh do chính cơ quan thống kê Nga công bố một hôm trước, trong đó có kỷ lục 87.000 ca tử vong riêng trong tháng 11.