Nước Úc đang bước vào giai đoạn “Tiêu Thổ Kháng Chiến” với Covid-19

Phùng Nhân

Vào cuối tháng 6, người Úc đang phấn khởi, vì đã đánh đuổi đuổi được kẻ thù xâm lược là giặc Covid – 19 giạt lần ra khỏi bờ cõi Úc Châu, nên ông Thủ tướng nước Úc Scott Morision đã vội vã ăn mừng, cho phép người dân bắt đầu tự do đi lại, trong quán rượu, nhà hàng, tiệm cà phê đều được ngồi hội họp với nhau. Từ 5 người cho tới 10 người, nhưng phải tuân theo lệnh giản cách xã hội là 1.5m. Không gian đúng theo quy định là 4 mét vuông, như vậy là một bàn dân chơi, có thể ngồi chung với nhau là 4 mạng, với điều kiện là cái lưng phải ngả về đằng sau hết cỡ…

Nhưng số trời đã định, là nước Úc còn mắc phải thiên tai, cho nên ở dưới tiểu bang Victoria ông thủ hiến đã cho máy bay đi rước những người Úc đi làm mướn khắp nơi trên thế giới, hoặc đi du lịch trở về. Nhưng phải chịu cảnh cách ly 14 ngày (quarantine) trong khách sạn, số tiền chi phí nầy được ông nhà nước bao luôn, nên quá khỏe. Vì thế bà con ta mới còn dư tiền rũng rĩnh, muốn đi Shop sắm đồ diện chơi, mà đi bằng cách nào mới ra khỏi cửa khách sạn đó là một vấn đề khó. Vì trước cửa khách sạn lúc nào cũng có mấy ông thần “hộ pháp” mang dùi cui ngồi gác cửa tối ngày. Ông thần nào mặt mày coi cũng quá ngầu, ngoài nước da rám nắng đen ra, trên gương mặt của mấy ông hộ pháp nầy hoàn toàn không có dấu hiệu gì ăn hối lộ …

Trong hoàn cảnh như vậy, phái chị em phụ nữ hiện nay mới bèn nghĩ ra một kế. Đó là đem “tình vài giờ” đổi lấy một bước đi ra khỏi cửa khách sạn chớ có khó gì. Nghĩ tới là làm, đó là người phụ nữ thời đại hiện nay, nên chị em ta mới chọn ông thần hộ pháp gác cửa với mặt mày còn non nớt. Có thể biểu sao nghe vậy, biểu làm cách nào thì phải làm theo, rồi chị em ta bèn bước ra thương lượng …

Chú thần hộ pháp nầy còn trẻ người non dạ, sau khi nhìn người phụ nữ nầy thì hồn phách lên tận mây xanh, nói cái gì ông ta cũng gật đầu, nên cu cậu nầy bèn hẹn hết giờ trực sẽ lên phòng “em” tỉ tê tâm sự. Việc đời mà, mấy bà nầy kinh nghiệm quá sức trong việc gối chăn, vành trong bảy chữ, vành ngoài đủ món ăn chơi, nên sau khi tàn cuộc thì em nầy nói cái gì, thì anh chàng hộ pháp cũng phải tuân theo răm rắp …

Police officers and healthcare workers are stationed outside a public housing tower that is locked down as a Coronavirus hotspot in Melbourne, Australia, Wednesday, July 8, 2020. Australian Prime Minister Scott Morrison says a shutdown of the nation’s second-largest city is necessary and promised continuing financial support for businesses that fear they won’t survive a second lockdown. (James Ross/AAP Image via AP)

Thế là mấy em bèn rủ nhau đi shop sắm đồ. Còn ông thần hộ pháp nầy thì vài ngày sau lại lây lan cho 4 ông đồng nghiệp ở đây. Sau đó họ cứ thản nhiên đi về nhà sinh hoạt với vợ con, rồi đi tự do trong khắp cả hang cùn ngỏ hẻm, mà mấy ông nầy đâu có hay biết rằng mình đã mang trong người kẻ thù là con Covid – 19 dã man. Để rồi từ đó mấy người nầy đi truyền bịnh tùm lum trong thiên hạ, về phần mấy em kia thì cũng đâu có kém gì, bởi họ đi tới đâu, thì gieo rắc con Covid – 19 tới đó…

Lịnh phong tỏa cứng (hard lock) được ngài thủ hiến Daniel Andrews ban ra, trong đó có 10 Suburbs phải bị khóa chặc. Trong lúc lịnh cấm nội bất xuất, ngoại bất nhập nhưng có một người thanh niên đi tới tiệm KFC Order mua tới 20 phần ăn, đây là một điều rất lạ. Trong số thực khách ngồi ăn trong buổi tối hôm đó, có người đã tự mình đặt ra câu hỏi. Lịnh tiêu thổ kháng chiến được ban bố mấy bữa rày, là cấm không cho tụ tập quá 10 người, như vậy thì người nầy mua với số lượng nhiều như vậy để làm gì, ngoài kẻ thù hiện nay là “thằng” Covid – 19 ra thì còn thằng nào nữa không? Cũng dám lắm à, trong lúc dầu sôi lửa bỏng nầy, mấy thằng gian tà chuyện gì mà nó không dám làm …

Thế là ông ta bèn theo dõi, lén đi ra chụp hình số xe, sau đó gởi tin nhắn về cho trạm cảnh sát Dandenong báo cho họ biết sự tình. Ông thần nước mặn nầy ung dung ngồi đợi, sau đó nhận hai bịt giấy dầu có đóng dấu KFC đàng hoàng, mỗi bịt đựng tới 10 phần ăn. Phải nói đây là một hiện tượng rất là kỳ lạ, trong lúc nhà nước đang mở chiến dịch tiêu thổ kháng chiến, nhà trống đồng hoang càng tốt, để đánh du kích chống lại kẻ thù, hễ nó tiến tới đâu, thì ta lùi tới đó.

Nhưng trong bóng đêm dưới ngọn đèn đường, sau chiếc xe của ông nầy có 2 chiếc xe của cảnh sát bám theo. Thế mới biết mắt “nhân dân” là mắt khóm không chê vào đâu cho được. Nếu không có mắt “nhân dân”, thì làm gì cảnh sát họ hốt được vố nầy.

Về tới nhà ông ta mở cửa bước vào, thì ở trong đó đang có tới 16 người khách viếng thăm đang đợi. Công an, du kích, tổ trưởng dân phố, dân phòng, chữa lửa ập vào thế là hết phương đào tẩu. Sau một hồi giải thích lòng vòng, nại cớ là sinh nhựt vợ em, xin ông Cò Dandenong bỏ qua cho một chuyến.

Nhưng đâu có được như vậy nà: “Tôi mà bỏ qua cái vụ nầy, thì mai mốt tôi còn làm việc với ai bởi quân pháp bất vị thân”. Nói ba điều bốn chuyện một hồi, thì ông Cò xé giấy phạt đưa ra, phạt 18,000 đô la để răn đe trong dân chúng. Nếu lần sau còn tái phạm, thì sẽ phạt tù. Chớ tiền bạc thì có thấm vào đâu, bởi mấy ông thần nầy thuộc loại dân chơi, nên họ xem thường mấy ông tổ trưởng, cũng như câu “mắt nhân dân là mắt khóm” ở trong thiên hạ …

Âu đây cũng là một bài học ở đời cho chúng ta nhìn vào mà suy gẩm – đừng nên làm điều gì gian dối.

Câu chuyện tiêu thổ kháng chiến trong nước Úc chưa có hồi kết thúc, vì kẻ thù Covid-19 tinh vi lắm,  sơ hở một chút thì cả nước phải đành mang họa. Cũng trong khoảng thời gian lịnh cấm được phong tỏa nầy, lại có một cậu thanh niên 20 tuổi, làm nghề vận chuyển đi từ Melbourne lên Sydney để giao hàng. Trong lúc đói bụng cậu ta có tấp vào tham dự một buổi party tại quán rượu của khách sạn Crossroads ở phía Tây Nam vùng Casula, để rồi từ đó, ở nơi đây đã trở thành một ổ dịch rất là dữ dội.

Chỉ có mấy ngày sau thì người ta đã phát hiện có 6 nhân viên khách sạn bị dương tính với Covid – 19. Từ đây thằng giặc sẽ có dịp tràn lan mấy điểm công cộng như: Casino, Hồ Bơi, CLB Bowling và các khu dân cư lân cận. Thế là Bộ Y Tế thuộc tỉnh NSW liền ra lịnh, cho truy tầm khoảng 1,000 người liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến buổi party nầy. Nhưng biết tìm đâu bây giờ, vì như bóng chim tăm cá. Bà Bộ Trưởng Y Tế NSW bèn ra tiếp thêm một cái lịnh gắt eo nữa, đó là kêu gọi đồng bào mình, bất luận là ai, nếu trong ngày 3/7/2020 vừa qua, có đi đâu gần vùng Casula, hay Bosley Park, Witherill Park thì phải tự cách ly tại nhà 14 ngày, với đi tới mấy phòng khám lưu động để cho nhân viên y tế họ xét nghiệm…

Sau vụ RossRoad dự Party, dân chúng Sydney còn đang bàng hoàng ngao ngán, thì bà thủ hiến Queensland Annastacia Palaszezuk lại tuyên bố sắc lạnh một câu “Hiện nay thành phố Sydney là “khu chiến sự” (War Zone)”, nên cư dân của 2 thành phố là Liverpool với Campbeltown tất cả là 77 vùng (suburbs), không được léng phéng đến thành phố Brisbane. Nếu ai bất tuân để cho bà bắt được, thì bà đem vào khách sạn nhốt cách ly 14 ngày theo luật định và phải tự trả tiền.

Sáng hôm nay trên đường đi tập thể dục như mọi bữa, tôi đi mà quên đeo cái khẩu trang, (khớp mỏ) khi ra đến chỗ sau trường tiểu học Harrington Cabramatta West, tôi mới trực nhớ lại thì đã trễ, nên liều mình đi đại nhưng phải tự giản cách với mọi người cho đúng là 3 mét. Con số nầy là do tôi tự ý tăng lên cho chắc ăn.

Tôi đi đâu được chừng vài trăm thước nữa, thì gặp một ông gốc ở miền Trung. Vừa thấy tui, thì ông ta liền bước nhanh xuống cỏ, báo hại đôi giày Nike mới mua láng cóng, phải dính bùn dơ. Thấy vậy tôi bèn nói “ông kỹ cái gì mà dữ vậy ông, cái bờ ấp chiến lược nầy bề ngang bự hơn 3 thước. Tụi mình chỉ cần bước xéo qua một cái thì được chớ gì, một lát nữa về nhà chà rửa đôi giày đừng có lầm bầm tới tui nghe hông, thiệt tình bữa nay tôi xui mới gặp ông đó chớ…”

Chỉ quên có chuyện nhỏ mọn đó, mà khi về nhà tôi cũng cảm thấy bất an. Vì khi tôi mở đài VFTV Australia (Chương Trình Điểm Báo Úc Châu) do cô Kim Hoàng và Lily Nguyễn phụ trách. Phải nói 2 cô nầy là hai nhà báo có tài, từ ngày tôi mò ra đài VietfaceTV tới nay, thì tôi không còn nhớ tới mấy cái đài bên nước Mỹ nữa. Nhưng tôi lại hơi buồn, vì là chương trình điểm báo Úc Châu, tại sao chỉ có mấy tờ báo chánh mạch của nước Úc, còn mấy tờ báo cộng đồng của người Việt sao không thấy. Tôi chỉ cần thấy trang bìa của tờ Việt Luận, Chiêu Dương, Dân Việt, Nhân Quyền, Việt News thì cũng đủ. Bởi tôi cũng biết, VFTV Australia không thể nào có đủ thời gian trong chương trình để lượt thuật hết bản tin, mà chúng tôi chỉ cần hình ảnh báo chí cộng đồng người Việt Úc Châu của mình có mặt trong chương trình là được. Thôi đó là chuyện nhỏ, còn chuyện lớn hiện giờ là đài phát thanh VFTV đã làm tròn trách nhiệm trong giới truyền thanh. Tôi hy vọng rồi đây, đài nầy sẽ còn tiến xa hơn nữa.

Cơn đại dịch đã tới hồi 2, vậy mà ngày hôm 20/7/2020, tôi đi ra chợ Cabramatta mới thấy những điều thật là khủng khiếp – bà con mình chỉ đeo khẩu trang độ khoảng chỉ có 10% mà thôi, còn lại bao nhiêu thì tự nhiên như người từ trên cung trăng đi xuống. Trong lúc đó thì nhà nước đã khuyến cáo người dân, nếu có đi ra ngoài đường thì nên đeo cái khẩu trang vào cái đã, hay đi xe lửa, xe bus gì cũng vậy, phải ngồi xuống ngay chỗ có dán nhản (Seat Here), nhưng phần đông khách đi loại xe công cộng nầy, thấy ghế nào trống thì liền ngồi xuống. Trong mấy shop cá, shop thịt, shop Lotto họ lại còn chen vai thít cánh với nhau, dường như họ sợ để trễ nữa thì mấy món nầy chắc hết. Có lẽ họ quan niệm trong cuộc sống của con người, phải lanh tay lẹ mắt để được sống còn. Vì chúng ta đã sống trong một nước lạc hậu quá lâu, ngày hôm nay không phải trong một sớm một chiều mà thay đổi được cái thói quen nầy cho được.

Nhưng rồi ông thủ hiến ở dưới tiểu bang Victoria vừa mới ra lịnh cấm, bắt đầu từ 0 giờ tối thứ Tư, tức là ngày 23/07/2020: “Nếu người dân nào mà đi ra đường không có đeo khẩu trang thì sẽ bị phạt $200 đô”. Lịnh đã ban ra rồi thì tất cả người dân phải thi hành, nhưng ngài thủ hiến hy vọng từ đây cho tới hết mùa dịch ông không nhận được một tấm giấy phạt nào cả. Còn ở tiểu bang NSW thì sao? Một câu hỏi không dễ trả lời. Vì hiện nay toàn nước Úc số người mắc bịnh đã vượt ngưỡng 11 ngàn rồi, số người tử vong đã bò lên tới 122 người. Như vậy cũng có thể là nguy rồi, chớ chúng ta không thể ngồi điềm nhiên tọa thị, mà chúng ta phải cùng đứng lên với ông chánh phủ “phòng chống dịch”…

Trong lúc ngồi viết bài nầy tôi thường hay lo gần lo xa, lo gần là lo cho gia đình mình, lo xa là lo cho thiên hạ. Bởi tôi đã nhìn thấy dường như bà con mình không ai để ý đến giặc Covid – 19 đã tràn đến nhà rồi, hoặc không chịu bỏ một chút thời giờ ra ngồi nghe đài phát thanh SBS vào lúc 7 giờ tối hằng đêm, hay bấm vào điện thoại mở lên coi tin tức, cho nên không nhìn thấy được tình hình khẩn cấp đang báo động hiện giờ. Âu đó cũng là một chuyện xã hội đáng lo, mong sao mấy người chức sắc trong cộng đồng người Việt của mình, hãy tìm cách nào đó để thông báo khẩn với bần dân thiên hạ./-

                                                                                    Phùng Nhân

Related posts