Du Miên
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un yêu cầu lực lượng quân đội nước này phải “tuyệt đối trung thành và phục tùng”, và phải thề sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước để đối phó với “tình hình bất ổn” trên Bán đảo Triều Tiên.
Ông Kim đã phát biểu tại cuộc họp toàn thể kéo dài 5 ngày của Đảng Công nhân Triều Tiên vào ngày 31/12. Hôm đó cũng trùng với lễ kỷ niệm 10 năm cầm quyền của ông kể từ khi cha ông qua đời vào năm 2011.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên dẫn lời ông Kim cho biết: “Môi trường quân sự ngày càng bất ổn trên Bán đảo Triều Tiên và chính trị quốc tế đã thúc đẩy những lời kêu gọi thúc đẩy mạnh mẽ các kế hoạch xây dựng phòng thủ quốc gia của chúng ta”.
Hàn Quốc đang thúc đẩy tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên 1950–53, vốn kết thúc bằng hiệp định đình chiến, như một cách để xoa dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Triều Tiên khẳng định rằng, bất kỳ hiệp ước chính thức nào nhằm chấm dứt chiến tranh trước hết phải có tiền đề từ việc chấm dứt “các hành động thù địch” của Mỹ đối với Bình Nhưỡng.
Đáp lại, phía Hoa Kỳ nhắc lại rằng, họ “không có ý định thù địch” đối với Bình Nhưỡng và bày tỏ sẵn sàng gặp Triều Tiên để đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết.
Trong khi ông Kim nói về “các vấn đề cơ bản và một số phương hướng chiến thuật cần được duy trì trong quan hệ liên Triều và đối ngoại”, nhà lãnh đạo Triều Tiên không đề cập đến các giao dịch của đất nước ông với Hoa Kỳ và Hàn Quốc trong bài phát biểu của mình. Ông nhấn mạnh rằng, Triều Tiên sẽ tiếp tục tăng cường năng lực quân sự và phát triển “các hệ thống vũ khí công nghệ cao” để đối phó với tình hình bất ổn trên Bán đảo Triều Tiên.
Ông Kim cũng chỉ đạo các quan chức Triều Tiên cần ưu tiên các chiến dịch khẩn cấp để đối phó với đại dịch. Nhà cầm quyền tuyên bố, bất kỳ biểu hiện kém cỏi và sơ suất nào cũng sẽ không được dung thứ.
Đối với sự phát triển kinh tế của Triều Tiên, ông Kim mô tả các mục tiêu phát triển năm nay là “một cuộc đấu tranh sinh tử vĩ đại” cần phải đạt được. Ông đề cập đến những tiến bộ trong các ngành khác nhau như nông nghiệp, xây dựng, điện và các lĩnh vực khác. Nền kinh tế của Triều Tiên đã phải chịu những thất bại lớn trong hai năm qua khi nước này đóng cửa biên giới do đại dịch COVID-19. Đây cũng là hệ quả từ các lệnh trừng phạt dai dẳng của Liên Hợp Quốc và ảnh hưởng của các thảm họa thiên nhiên.
Theo ước tính của Hàn Quốc, thương mại của Triều Tiên với Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất và là một đường ống kinh tế chính của Bắc Triều – đã giảm khoảng 80% vào năm 2020, trước khi lại sụt giảm 2/3 trong 9 tháng đầu năm ngoái.
Năm 2020, nền kinh tế của Triều Tiên bị suy giảm mạnh nhất kể từ năm 1997, trong khi sản lượng ngũ cốc của nước này cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi ông Kim lên nắm quyền vào năm 2011. Các quan chức Seoul cho biết, sản lượng ngũ cốc của Triều Tiên đã cải thiện một chút vào năm ngoái.