Trung Quốc cẩn trọng đặt bẫy nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Đức Duy

Nhân viên y tế đang phun thuốc khử trùng bên ngoài cổng chính của Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải vào ngày 3/2/2020. (Ảnh: Yifan Ding/Getty Images)

Hủy niêm yết tại Mỹ và trở về niêm yết tại quê nhà, doanh nghiệp Trung Quốc mang theo số tiền khổng lồ. Nhiều công ty có tiềm năng sẽ thu hút một lượng lớn đầu tư nước ngoài đổ vào Trung Quốc. Cùng lúc đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang nỗ lực thể hiện một hình ảnh kinh tế thịnh vượng để thu hút đầu tư ngoại quốc. Các chuyên gia cho rằng những động thái này là một cái bẫy do ĐCSTQ giăng ra để đánh lừa các nhà đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp Trung Quốc hủy niêm yết tại Mỹ

Khi cổ phiếu khái niệm (concept stock) của Trung Quốc – loại cổ phiếu niêm yết ở nước ngoài của các công ty hoạt động chủ yếu tại Trung Quốc – hủy niêm yết tại Mỹ, cổ phiếu này sẽ được niêm yết ở Hong Kong hoặc Trung Quốc.

Hôm 22/12, Tập đoàn China Mobile đã khởi động quy trình đăng ký IPO, dự kiến ​​sẽ niêm yết tại Trung Quốc vào tháng 01/2022. China Mobile cùng với China Unicom, China Telecom là 3 nhà khai thác viễn thông lớn của Trung Quốc đã bị hủy niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. 3 doanh nghiệp này đều hồi hương để niêm yết cổ phiếu loại A – cổ phiếu chứng khoán của các công ty có trụ sở tại Trung Quốc đại lục, giao dịch trên Sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến. Cổ phiếu loại A còn được gọi là cổ phiếu trong nước vì sử dụng đồng nhân dân tệ để định giá.

Didi, phiên bản Trung Quốc của Uber, đã hủy niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York dưới áp lực từ các nhà chức trách Trung Quốc. Didi cho biết, thay vào đó, họ sẽ niêm yết cổ phiếu tại Hong Kong.

Có thể thấy, ĐCSTQ đã nghĩ ra một chiến lược mới: Các công ty nhà nước từ phố Wall quay về Trung Quốc đại lục, còn các công ty tư nhân quay về Hong Kong để niêm yết.

Hôm 22/12, Tập đoàn China Mobile khởi động quy trình đăng ký IPO, dự kiến ​​sẽ niêm yết tại TQ vào tháng 01/2022. (Ảnh: DANIEL SORABJI/AFP qua Getty Images)

Xu hướng doanh nghiệp Trung Quốc bị hủy niêm yết tại Mỹ có phải đang bị Bắc Kinh lợi dụng?

Ông Mike Sun, một chuyên gia về chiến lược đầu tư của Trung Quốc sống ở Mỹ, nói với The Epoch Times rằng ĐCSTQ có lẽ thực sự muốn thấy doanh nghiệp Trung Quốc bị hủy niêm yết tại Mỹ. Giới chức trách Trung Quốc vẫn đang đàm phán với chính phủ Mỹ để các cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc tiếp tục được niêm yết. Nếu thất bại, việc đưa các công ty này hồi hương và niêm yết ở Trung Quốc cũng không phải là một điều tồi tệ cho ĐCSTQ.

Khi Mỹ ngày càng giám sát nghiêm ngặt hơn các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, rất có thể sẽ có nhiều cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc rút khỏi thị trường chứng khoán Mỹ. Hôm 20/12, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã yêu cầu các công ty niêm yết của Trung Quốc công bố thêm rủi ro mà họ có thể tạo ra cho các nhà đầu tư.

Trước đó, Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty ngoại quốc được sửa đổi đã yêu cầu các công ty nước ngoài hoạt động tại Mỹ công bố thêm thông tin về mối quan hệ giữa họ với chính quyền Bắc Kinh; đồng thời công bố chi tiết các báo cáo tài chính. Tuy nhiên, những quy định này đã bị ĐCSTQ bác bỏ với lý do “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.

Tính đến cuối năm 2020, hơn 600 công ty Trung Quốc đã niêm yết tại Mỹ. Tổng giá trị thị trường của các công ty này vào khoảng 6 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 9% tổng giá trị thị trường chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, việc cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc rút khỏi Mỹ đã trở thành một xu hướng không thể đảo ngược trong 3 năm qua.

Nhà phân tích tài chính người Hong Kong, bà Katherine Jiang, nói với The Epoch Times rằng nếu quay trở lại Trung Quốc để niêm yết, các công ty này vẫn có thể mang theo số vốn khổng lồ từ phố Wall.

Nới lỏng chính sách tiền tệ, Trung Quốc tìm cách thu hút vốn nước ngoài

Giờ đây, trong lúc thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed sẽ tăng lãi suất trước thời hạn và theo cách quyết liệt hơn, ĐCSTQ cũng đang sửa đổi các chính sách tài khóa và tiền tệ của mình.

Trái ngược với việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed, ĐCSTQ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng có tên là “kiểm soát vĩ mô xuyên chu kỳ và ngược chu kỳ”.

Theo South China Morning Post, với chính sách ngược chu kỳ, chính quyền Trung Quốc đưa ra các biện pháp kích thích khi kinh tế đình trệ, và các biện pháp thắt chặt khi kinh tế phát triển. Trong chính sách xuyên chu kỳ, chính quyền Trung Quốc đưa ra các chính sách mang tính phòng ngừa nhằm điều chỉnh biến động của nền kinh tế.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hôm 20/12 đã quyết định giảm chuẩn lãi suất cho vay cơ bản (LPR) từ 3,85% xuống 3,8%. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng đã được hạ xuống vào đầu tháng 12, qua đó giải phóng gần 190 tỷ USD vào thị trường.

Theo ông Sun, ĐCSTQ đang phải đối mặt với áp lực to lớn trong nội bộ nhằm ổn định nền kinh tế. Trong khi đó, ở bên ngoài, ĐCSTQ cũng phải theo dõi động thái của Fed tác động qua lại như thế nào với chính sách tiền tệ của chính mình. Mục đích là để ngăn chặn dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc theo quy mô lớn.

Do vậy có thể thấy, chính sách mới của ĐCSTQ là để phục vụ 2 mục đích: Đảm bảo nguồn vốn nước ngoài dồi dào và ngăn chặn dòng vốn chảy ra. Ông Sun cho rằng, để đạt được những mục tiêu này, ĐCSTQ đã tạo ra cho mình một hình ảnh về sự thịnh vượng kinh tế.

“Trong quá khứ, phố Wall đã ‘vỗ béo’ các công ty Trung Quốc. Ngay cả khi những công ty này buộc phải quay trở lại Trung Quốc để niêm yết trên các sàn chứng khoán trong nước, thì họ cũng đã thu về rất nhiều tiền từ phố Wall”.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. ĐCSTQ muốn có được nguồn vốn đầu tư nước ngoài dồi dào trong khi muốn chặn dòng vốn chảy ra khỏi TQ. (Ảnh: Flickr)

Ngụy trang thành công ty tư nhân, doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc lách luật Mỹ

Trong số các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, có nhiều công ty quốc doanh hoặc bán quốc doanh được ngụy trang thành công ty tư nhân. Hồ sơ của các công ty này đã tương đối hoàn thiện, khiến SEC khó có thể xác minh lai lịch.

Lấy Fangda Group làm ví dụ. Có trụ sở tại tỉnh Liêu Ninh, Fangda là một doanh nghiệp được coi là tư nhân, chuyên sản xuất các sản phẩm carbon, hóa chất, y tế và thép.

Ông Fang Wei, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Fangda, cho biết vào hôm 08/12/21: “Chúng tôi luôn kiên định nghe theo Đảng và đi theo Đảng. Hiện chúng tôi có hơn 300 pháp nhân. Như tôi thường nói, Fangda Group thuộc về ĐCSTQ, đất nước và xã hội Trung Quốc”.

Fangda Group là nhà đầu tư chiến lược duy nhất trong việc tái cấu trúc HNA Group Co. Ltd., sau khi công ty này nộp đơn phá sản.

Dưới chiêu bài “doanh nghiệp tư nhân”, nhiều công ty Trung Quốc đã lách qua được hệ thống luật pháp Mỹ. Rất khó để lần ra những mối liên hệ sâu kín và bị che giấu của các công ty này với chính quyền Bắc Kinh.

Doanh nghiệp Trung Quốc hồi hương mang theo rất nhiều tiền Mỹ

Đạo luật về trách nhiệm giải trình của công ty nước ngoài hiện đang buộc doanh nghiệp Trung Quốc rời khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, vào thời điểm này, ĐCSTQ có vẻ như đang sẵn sàng chào đón các công ty Trung Quốc có cổ phiếu khái niệm trở lại niêm yết trong nước.

Bà Jiang nói rằng ĐCSTQ đang mở rộng thị trường vốn và cần các tài sản phù hợp để thu hút các quỹ nước ngoài ở lại thị trường Trung Quốc lâu dài. Ngay cả khi quay trở lại Hong Kong hoặc Trung Quốc vào thời điểm này, các công ty không chỉ đã thu về rất nhiều tiền từ Mỹ, mà những doanh nghiệp có tiềm lực tốt vẫn có thể tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài.

Kết nối thị trường tài chính của Trung Quốc đại lục và Hong Kong là một phần quan trọng trong kế hoạch mở rộng vốn của ĐCSTQ. ĐCSTQ hy vọng sẽ sử dụng thị trường Hong Kong để thu hút vốn bên ngoài nằm lại thị trường vốn Trung Quốc trong một thời gian dài, ông Sun đánh giá.

Ông Sun tin rằng ĐCSTQ đang cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài thông qua “sự thịnh vượng kinh tế” được tạo ra từ việc đưa một lượng lớn tiền vào hệ thống tài chính. Điều này tương đương với việc giăng ra một cái bẫy để thu hút các khoản đầu tư nước ngoài.

Quan điểm trong bài viết là của tác giả Justin Zhang và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Đức Duy

Theo The Epoch Times

Related posts