Hôm rồi, thầy tôi từ Hàn Quốc về và có kể cho nghe một mẩu chuyện ở xứ người: Một vị giáo sư đồng nghiệp của thầy ở xứ ấy hồ hởi khoe rằng cha mẹ của ông đã được công ty vệ sinh nhận vào làm! Ông bà cụ rất vui sướng, như trẻ thơ được nhận quà.
Hai ông bà già ấy vốn là giảng viên âm nhạc danh tiếng ở một trường đại học lớn của Hàn, và vừa nghỉ hưu. Họ tha thiết được đi làm. Nhưng để được nhận thì không phải dễ. Phải qua các vòng, đủ điều kiện về sức khỏe, về đủ thứ, chỉ khi đó mới được chấp thuận. Sau một thời gian loay hoay, thì cuối cùng vỡ òa, công ty vệ sinh đã gật đầu!
Ở những xứ ấy là ĐƯỢC đi học, được đi làm; còn ta thì PHẢI. Ta mong từng ngày để về hưu, lao động chẳng qua là cái sự bất đắc dĩ, lúc nào cũng “toan về già”.
Hai ông bà già người Hàn Quốc kia đi làm không phải để mưu sinh. Họ không có nhu cầu ấy, chỉ là họ yêu lao động, họ muốn thấy mình có ích cho xã hội, cho cuộc đời. Công việc của họ là làm sạch công viên trong thành phố. Chỉ đáng tiếc là ở những xứ ấy không có nghề cao quý như ở ta. Với họ, nghề nào cũng cao quý cả. Thực ra trong óc họ không có cái chữ “cao quý” kia đâu, do tiếng Việt tha hóa rồi nên phải miễn cưỡng mà dùng đấy thôi. Lao động, với họ, chỉ là lao động mà thôi, nó như khí trời, như hơi thở. Làm gì có hơi thở cao quý với hơi thở không cao quý!
***
Lại nhớ đến vụ “mang tiền về cho mẹ” mà mọi người đang xì xào (tôi chưa nghe bài hát ấy, và cũng không có ý định nghe). Cái hiếu của Việt được tiền giả định bằng cái vô dụng của cha mẹ, và đạo của con cái là làm sao cho cha mẹ sung sướng…
Bàn cãi trở nên buồn cười, hệ quy chiếu văn hóa làm cho ta mắc kẹt, đến kẻ “sâu sắc giếng khơi” cũng trở thành hài khi luẩn quẩn trong cái khí quyển văn hóa này. Và, có lẽ nó thật lạ lùng đối với hai ông bà già là giảng viên đại học kia, đến nỗi chắc họ sẽ không thể hiểu cả chuyện rằng nên hay không nên mang tiền về…