Tin thế giới sáng thứ Năm

Nhóm luật sư Thổ Nhĩ Kỳ kiện 112 quan chức Trung Quốc, bao gồm ông Tập

Tất Thăng

Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình (ảnh: Youtube/CCTV).

Ngày 4/12, một nhóm luật sư Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng lên bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ sống ở Trung Quốc và nói với Văn phòng Tổng chưởng lý Istanbul rằng họ đã chính thức nộp đơn kiện 112 quan chức ĐCSTQ, bao gồm cả tổng bí thư Tập Cận Bình.

Theo Reuters, “Nhóm luật sư Đông Turkestan” của Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa 19 người Duy Ngô Nhĩ đến và tổ chức một cuộc họp báo tại quảng trường phía trước Cung điện Công lý Istanbul vào ngày 4/1, tuyên bố rằng họ sẽ thay mặt cho 19 người, trong đó có 9 công dân Thổ Nhĩ Kỳ, kiện chính phủ Trung Quốc.

Nhóm luật sư đã trình bày chi tiết các tội danh khác nhau của chính quyền Trung Quốc tại Tân Cương. Theo thông tin từ Liên hợp quốc và các tổ chức liên quan, hơn 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi đã bị giam giữ trong các trại tập trung Tân Cương, dù họ không vi phạm pháp luật.

Nhóm luật sư cũng cho biết rằng vì có công dân Thổ Nhĩ Kỳ trong số các khách hàng, nên các điều khoản liên quan về “quyền tài phán chung” trong “Bộ luật Hình sự Thổ Nhĩ Kỳ” được áp dụng cho trường hợp này.

Bẫy nợ từ ‘Vành đai, Con đường’ và đại dịch có thể khiến Sri Lanka vỡ nợ trong năm nay

Phụng Minh

“Dính bẫy nợ” của Vanh đai và Con đường, Sri Lanka đành phải giao lại cảng Hambantota có tầm quan trọng chiến lược cho Trung Quốc sử dụng trong 99 năm. (ảnh: Twitter)

Sri Lanka đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid. Đảo quốc Nam Á này cũng đang phải gánh khoản nợ khổng lồ do tham gia sáng kiến“ Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Lạm phát lên mức kỷ lục, giá lương thực tăng vọt và kho bạc cạn kiệt có thể khiến Sri Lanka vỡ nợ trong năm nay.

Nghị sĩ đối lập và nhà kinh tế Sri Lanka Harsha de Silva gần đây đã nói với quốc hội rằng, dự trữ ngoại tệ sẽ âm 437 triệu USD vào tháng 1 năm sau, trong khi tổng mức chi trả nợ nước ngoài lên tới 4,8 tỷ USD từ tháng 2 đến tháng 10/2022. “Quốc gia này sẽ hoàn toàn phá sản”, ông cảnh báo.

Bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid, ngành du lịch Sri Lanka đã phải gánh chịu một đòn giáng nặng nề. Việc chính phủ Sri Lanka chi tiêu cao và cắt giảm thuế đã khiến vấn đề thất thu ngân khố và nợ khổng lồ ngày càng trầm trọng.

Thời gian qua, lạm phát đã lên mức đỉnh điểm khi chính phủ in tiền để trả các khoản vay trong nước và trái phiếu nước ngoài. Lạm phát đạt mức cao kỷ lục 11,1% vào tháng 11/2021 và giá cả leo thang đã khiến những người trước đây vốn khá giả, giờ phải vật lộn để nuôi sống gia đình. Nhiều loại hàng hóa cơ bản giờ trở thành xa xỉ phẩm đối với nhiều người. Mặc dù Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã ban bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế, nhưng các biện pháp vẫn chưa thể giảm bớt khó khăn cho người dân

Ngoài ra, Sri Lanka cũng đã rơi vào bẫy nợ từ sáng kiến “ Vành đai và Con đường ” của TQ .Quốc gia Nam Á này nợ Trung Quốc hơn 5 tỷ USD và năm ngoái đã vay thêm một tỷ USD từ Bắc Kinh để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính cấp bách.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương, Ajith Nivard Cabraal đã công khai cam kết rằng Sri Lanka sẽ có thể trả các khoản nợ của mình một cách “liền mạch”. Tuy nhiên, cựu Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương, WA Wijewardena lại bác bỏ điều này, cho rằng Sri Lanka phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ rất lớn, sẽ phải đối mặt hậu quả kinh tế thảm khốc.

Theo Sound of Hope

Ít nhất 14 người thiệt mạng trong vụ lở đất tại công trường xây dựng ở Trung Quốc

Kha Đạt

Nhân viên cứu hộ đang tìm người mất tích sau vụ tai nạn tại hiện trường vụ sụt đất. (ảnh: Chụp màn hình trang Aljazeera)

Epoch Times tiếng Trung đưa tin, vào khoảng 19 giờ ngày 3 tháng 1, một vụ lở đất đã xảy ra tại một công trường xây dựng ở thành phố Bijie, tỉnh Quý Châu. Vụ tai nạn khiến ít nhất 14 người chết và 3 người bị thương.

Vào ngày 4 tháng 1, Văn phòng báo chí của chính quyền thành phố Bijie của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa tin rằng vào lúc 19 giờ ngày 3/1, một vụ lở đất đã xảy ra tại khu vực xây dựng cơ sở đào tạo của Chi nhánh Bệnh viện Nhân dân rộng 35.000m2 tại số 1 Bijie, thuộc phố Guihua, Quận Jinhai Lake, thành phố Bijie. Có tổng cộng 17 người bị mắc kẹt sau vụ tai nạn.

Tính đến 12h ngày 4/1, 13 người mắc kẹt được tìm thấy, trong đó 10 người đã chết, 3 người bị thương và 4 người vẫn mất tích.

Tờ The Paper đưa tin, đến khoảng 14 giờ ngày 4/1, những người tham gia cứu hộ cho biết, 4 người mắc kẹt còn lại đã được tìm thấy và tất cả đều đã thiệt mạng.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, hơn 1.000 người đã tham gia nỗ lực giải cứu trong đêm. Các bức ảnh do truyền thông nhà nước công bố cho thấy các đội cứu hộ làm việc trong đêm dưới ánh đèn pha, với hàng loạt mảnh vỡ và máy móc bị nghiền nát.

Theo Aljazeera, tai nạn trong lĩnh vực xây dựng và công nghiệp không phải là hiếm ở Trung Quốc. Nguyên nhân thường là do các nhà quản lý không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn lao động và cơ sở hạ tầng xuống cấp.

Vào tháng 12/2021, hai công nhân đã thiệt mạng và 20 người khác được cứu thoát khỏi một mỏ than bị ngập lụt ở tỉnh Sơn Tây.

Vào tháng 7/2021, 14 công nhân đã chết ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc sau khi một đường hầm mà họ đang xây dựng bị ngập lụt.

Trong số những vụ tai nạn tồi tệ nhất của Trung Quốc là một vụ nổ lớn năm 2015 tại một kho hóa chất ở thành phố cảng Thiên Tân khiến 173 người thiệt mạng, hầu hết là lính cứu hỏa và cảnh sát.

Covid-19: Sóng thần Omicron đánh vào châu Âu và Mỹ, với cả triệu ca nhiễm mỗi ngày

Trọng Nghĩa

Ảnh minh họa : Ống nghiệm dán nhãn “Xét nghiệm dương tính với Covid-19″ trên nền dòng chữ virus OMICRON SARS-COV-2”. REUTERS – DADO RUVIC

Dịch Covid-19 dưới tác động của biến thể Omicron tiếp tục lan mạnh trên thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ và châu Âu với số ca nhiễm mới hàng ngày được ghi nhận có lúc vượt ngưỡng biểu tượng một triệu ca. Dù đà tăng các ca nhiễm không kéo theo đà tăng các ca tử vong, nhưng Tổ Chức Y Tế Thế Giới ngày 04/01/2022 đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm hơn.

Theo thống kê của Đại Học Mỹ Johns Hopkins, vào tối hôm qua, 04/01, Hoa Kỳ đã ghi nhận gần 890.000 ca nhiễm Covid-19 trong 24 giờ, giảm nhẹ so với kỷ lục hơn một triệu trường hợp được ghi nhận hôm thứ Hai 03/01, cao hơn gấp đôi so với số 489.000 ca nhiễm mới được ghi nhận vào đầu tuần trước sau ba ngày cuối tuần Giáng Sinh.

Nhìn chung, trong giai đoạn một tuần lễ, từ thứ Tư, 29/12/2021 cho đến thứ Ba 04/01/2022, mỗi ngày tại Mỹ, bình quân có hơn 480 ngàn ca nhiễm mới và trên 1.200 trường hợp tử vong.

Tình trạng lây nhiễm vẫn rất nghiêm trọng ở châu Âu, được cho là tâm chấn hiện tại của đại dịch, với hơn 5 triệu ca nhiễm mới trong tuần cuối cùng của năm 2021, và những con số kỷ lục chóng mặt tại các quốc gia như Pháp với hơn 270.000 trường hợp trong 24 giờ vào hôm qua, Anh Quốc hơn 218.000 ca, Ý gần 171.000, Tây Ban Nha, gần 118.000…

Omicron có thể tạo ra các biến thể Covid-19 nguy hiểm hơn
Biến thể Omicron, xuất xứ từ Nam Phi vào cuối tháng 11 năm ngoái được ghi nhận là động lực đằng sau đợt sóng thần Covid đang tràn qua thế giới, đã được phát hiện tại khoảng 128 quốc gia, theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Hôm qua, 04/01/2022, Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã cảnh báo nguy cơ phát triển một biến thể mới nguy hiểm hơn với đà lây nhiễm hiện nay.

Theo bà Catherine Smallwood, quan chức cấp cao của Tổ Chức Y Tế Thế Giới phụ trách khu vực châu Âu: “Khi Omicron càng lan rộng, biến thể này càng lây truyền nhiều hơn, được nhân bản nhiều hơn,  qua đó gia tăng khả năng tạo ra một biến thể mới nguy hiểm hơn”.

Quan chức này nhấn mạnh: “Omicron hiện cũng đã gây nên các ca tử vong. Dù nó có nguy cơ gây tử vong ít hơn so với biến thể Delta, thế nhưng không ai dám chắc là biến thể tiếp theo sẽ như thế nào”.

Đối với bà Smallwood, “ở cấp độ cá nhân, nguy cơ nhập viện có lẽ ít hơn” với biến thể Omicron so với Delta, nhưng nhìn ở cấp tổng thể, Omicron có thể là một mối đe dọa lớn hơn do số lượng ca nhiễm nhiều hơn, làm tăng số ca nguy kịch, thậm chí tử vong.

Gần 300,000 ca nhiễm mới mỗi ngày ở Pháp: TT Macron lên án người không tiêm chủng

Thùy Dương

Xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 ở Paris trong bối cảnh đại dịch virus coronavirus (COVID-19) đang lan rộng ở Pháp, ngày 04/01/2022. REUTERS – SARAH MEYSSONNIER

Số ca nhiễm mới thường nhật ở Pháp vẫn đang trên đà tăng nhanh sau dịp lễ tết cuối năm. Tối hôm qua 04/01/2022, Cơ quan Y tế Công của Pháp ghi nhận hơn 271.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ. Áp lực đối với các bệnh viện ngày càng lớn khi số bệnh nhân Covid-19 nhập viện tăng và hiện có tới hơn 3.600 bệnh nhân nặng tại các khoa điều trị tích cực.

Trước tình hình dịch bệnh lây lan đáng lo ngại, Hội đồng quốc phòng dịch tễ và Hội đồng bộ trưởng Pháp lại được triệu tập vào chiều nay, 05/01/2022, để bàn về biện pháp chống dịch.    

TT Macron bị phe đối lập chỉ trích gay gắt
Cũng trong ngày hôm qua, trao đổi với độc giả nhật báo Le Parisien (Người Paris), tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã không ngần ngại cho biết sẽ không để yên hàng triệu người cho đến nay vẫn kiên quyết không chịu tiêm ngừa Covid-19, cho dù nước Pháp không thiếu vac-xin. Tổng thống Macron khẳng định sẽ « gây phiền nhiễu » cho những người không tiêm chủng và nhấn mạnh đó là chiến thuật của ông.

Ông Macron gay gắt chỉ trích những người bài vac-xin là « vô trách nhiệm », « thiếu đạo đức » và ngầm phá hoại « tình đoàn kết quốc gia ». Theo Le Parisien, tổng thống Pháp muốn hạn chế ở mức tối đa việc những người không chịu tiêm phòng Covid-19 tham gia vào các hoạt động xã hội. Đối với tổng thống, tỉ lệ 85% số bệnh nhân tại các khoa hồi sức là những người không tiêm ngừa, chính là điều lý giải tốt nhất cho việc là tại sao chính phủ Pháp lại chọn chiến lược đó.

Những phát biểu gay gắt của của tổng thống Macron đã làm rung chuyển cuộc họp của Quốc Hội Pháp đêm hôm qua và bị phe đối lập chỉ trích nặng nề. AFP cho biết chủ tịch phiên họp phải cho tạm ngưng cuộc thảo luận về việc thông qua chứng nhận tiêm chủng thay thế cho chứng nhận y tế, mà Pháp hiện vẫn đang áp dụng. Cuộc thảo luận sau đó đã được nối lại, nhưng chưa có kết quả.

Số trẻ em điều trị tại khoa hồi sức tăng mạnh
Trước đó, các dân biểu đã thông qua việc điều chỉnh áp dụng quy định tiêm chủng bắt buộc cho trẻ vị thành niên từ 16 tuổi để được tham gia các hoạt động ngoại khóa, thay vì từ 12 tuổi như đề xuất ban đầu của chính phủ. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh hôm qua bộ trưởng Tế Pháp Olivier Veran cho biết số trẻ em hiện đang phải điều trị hồi sức do nhiễm Covid-19 nặng đã lên tới 64 ca. Con số này đã tăng gấp đôi so với hồi tháng 11-12/2021, cho dù nguy cơ trẻ em nhiễm Covid-19 thể nặng vốn dĩ rất thấp. 

Nhật Bản chuẩn bị ký thỏa thuận quân sự quan trọng với Úc

Phan Minh

Thủ tướng Úc Scott Morrison (T) và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (P) © Ảnh : AP

Nhật Bản và Úc chuẩn bị ký hiệp ước tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến sẽ diễn ra vào ngày mai 06/01/2022, sau khi thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hủy các chuyến công du tới Úc và Mỹ, do số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến.

Theo nguồn tin của Reuters, thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ ký kết Hiệp Ứớc Tiếp Cận Tương Hỗ (RAA) nhằm củng cố hoạt động hợp tác giữa quân đội Úc và Nhật Bản. Ông cho biết, hiệp ước sẽ cung cấp một khuôn khổ rõ ràng để tăng cường khả năng hợp tác giữa hai bên

Thủ tướng Morrison nhấn mạnh : “Hiệp ước này là một tuyên bố về cam kết của hai quốc gia chúng ta trong việc hợp tác cùng nhau để đối phó với những thách thức về an ninh chiến lược chung mà chúng ta phải đối mặt và đóng góp cho một Ấn Độ – Thái Bình Dương an toàn và ổn định.”

Úc và Nhật Bản cũng có kế hoạch thảo luận về các cơ hội để tăng cường quan hệ đối tác giữa chính phủ và doanh nghiệp về năng lượng sạch, về công nghệ nhằm giảm lượng khí thải carbon, các công nghệ và vật liệu quan trọng.

Theo thủ tướng Morrison, hợp tác Úc – Nhật Bản cũng mở rộng cho nhóm Bộ Tứ, với Ấn Độ và Hoa Kỳ.

Theo giới quan sát, động thái này của Úc và Nhật Bản có thể sẽ khiến Trung Quốc lo ngại. Sau khi được hỏi về hiệp ước này trong buổi họp báo hôm nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã nói: “Hiệp ước này không nên nhắm vào hoặc gây tổn hại đến bất kỳ lợi ích nào của bên thứ ba.”

Theo quân đội Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên lại phóng thử tên lửa đạn đạo

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin Bắc Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo ra ngoài khơi bờ biển phía đông, Seoul, ngày 05/01/2022. REUTERS – KIM HONG-JI

Thùy Dương

Trong thời gian qua, Hàn Quốc có nhiều phát biểu tích cực đầy hy vọng về quan hệ Liên Triều cải thiện. Diễn văn mừng Năm Mới 2022 của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tập trung vào việc giải quyết các vấn đề kinh tế, đặc biệt là để bảo đảm lương thực thực phẩm cho người dân.

Thế nhưng, hôm nay, dường như để mở đầu Năm Mới 2022, Bắc Triều Tiên lại tiến hành một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn, hướng ra biển Nhật Bản, theo như thông báo của quân đội Hàn Quốc.

Từ Seoul, thông tín viên Nicolas Rocca cho biết thêm chi tiết:

Kim Jong Un đã tập trung nói về các vấn đề kinh tế và lương thực, thực phẩm của đất nước trong cuộc họp gần đây nhất, hồi cuối tháng 12/2021, của đảng Lao Động nhưng tên lửa đạn đạo đã quay trở lại vào năm 2022.

Bất chấp các trừng phạt quốc tế, Bắc Triều Tiên tiếp tục tăng cường khả năng quân sự, vài tháng sau các hành động phô trương lực lượng hồi mùa thu năm 2021, trình làng tên lửa siêu thanh phóng từ một tàu hỏa và một tên lửa đạn đạo được phóng từ một tàu ngầm.

Cuộc thử nghiệm thứ Tư này của Bắc Triều Tiên bắt đầu lúc 8 giờ 10 phút sáng (theo giờ Seoul), tên lửa dường như đã bay được 500km trước khi rơi xuống vùng biển bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Đó có thể là một tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Cuộc thử nghiệm này có thể là một phần của các đợt huấn luyện mùa đông của quân đội Bắc Triều Tiên vốn dĩ khởi động vào đầu tháng 12. Tin phóng thử tên lửa dường như đã dội một gáo nước lạnh vào các hy vọng của chính quyền Hàn Quốc muốn có được một bước đột phá trong các cuộc đàm phán, trước khi nhiệm kỳ của tổng thống đương nhiệm Moon Jae In kết thúc vào tháng 03/2022.

Hàn Quốc hồi giữa tháng 12/2021 thậm chí đã thông báo về một thỏa thuận trên nguyên tắc với Mỹ, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên liên quan tới một tuyên bố chính thức về việc chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, nhưng thông báo nói trên không dẫn đến các cuộc thảo luận cụ thể”.


Phản ứng của Hàn Quốc, Nhật và Mỹ

AFP trích dẫn thông cáo của tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết các cơ quan tình báo của Hàn Quốc và Mỹ đang phân tích kỹ lưỡng thông tin về vụ thử nghiệm của Bình Nhưỡng. Seoul chuẩn bị tinh thần hợp tác chặt chẽ với Mỹ trước khả năng Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục các vụ thử nghiệm. Hội đồng an ninh quốc gia Hàn Quốc đã họp khẩn và thể hiện lo ngại là vụ phóng thử của Bình Nhưỡng được tiến hành “vào giai đoạn mà sự ổn định trong và ngoài nước là vô cùng quan trọng”

Về phía chính quyền Mỹ, tạm thời cả Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và bộ Ngoại Giao đều chưa đưa ra bình luận. 

Trung Quốc áp dụng “bong bóng y tế” cho Olympic Bắc Kinh 2022

Phan Minh

Toàn cảnh National Speed Skating Oval, nơi sẽ tổ chức các cuộc thi trượt băng tốc độ trong Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 18/12/2021. REUTERS – CARLOS GARCIA RAWLINS

Từ hôm 04/01/2022, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu thiết lập hệ thống cách ly y tế – “bong bóng y tế”, tức là một chuỗi các điểm cách ly khép kín, phục vụ cho Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 khai mạc vào ngày 4 tháng 2 tới.

Bất kỳ ai bước vào “bong bóng” đều phải tiêm đầy đủ vac-xin, nếu không sẽ phải cách ly 21 ngày. Tất cả mọi người đều được xét nghiệm hàng ngày và phải đeo khẩu trang mọi lúc.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình:

Vạn Lý Trường Thành, nhà hát Bắc Kinh, Tử Cấm Thành, tất cả những biểu tượng ở thủ đô của các hoàng đế đều có mặt trong đoạn video mới được đăng 30 ngày trước khi các môn thi đấu bắt đầu. Nhưng trên thực tế, ngoài việc có thể nhìn từ cửa sổ xe buýt, các vận động viên sẽ không có cơ hội ngắm những công trình này. Cũng không có các chương trình đi tham quan, du lịch.

Trong suốt thời gian ở Trung Quốc và trước khi lên máy bay về nước, 3.000 vận động viên và thành viên của các phái đoàn sẽ bị cách ly nghiêm ngặt với bộ phận còn lại của người dân Trung Quốc thông qua “điểm cách ly y tế khép kín – bong bóng y tế”, hay chính xác hơn là các bong bóng y tế được kết nối với nhau : “bong bóng phương tiện giao thông”, “bong bóng khách sạn”, “bong bóng sân băng”, “bong bóng dốc trượt tuyết”, “bong bóng làng Olympic”.

Tất cả những người tham gia đều phải tiêm chủng, nếu không, họ sẽ bị cách ly 21 ngày kể từ ngày bước vào “bong bóng”. Tương tự khi ra khỏi “chuỗi cách ly khép kín” như cách gọi của ban tổ chức, đặc biệt đối với các tình nguyện viên, họ cũng sẽ phải trải qua một thời gian cách ly trong các trung tâm được chỉ định, trước khi trở lại cuộc sống bình thường ở Bắc Kinh. Những người tham gia sẽ phải làm xét nghiệm Covid hàng ngày trong suốt thời gian diễn ra Thế Vận Hội và Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật.

Tuy ban tổ chức cũng trù tính khả năng các ổ dịch xuất hiện trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội, nhưng đồng thời vẫn tin tưởng vào biện pháp cách ly – các “bong bóng y tế” – nhằm ngăn ngừa mọi lây truyền virus ra những thành phố đăng cai.

Cũng tại Trung Quốc, các nhà chức trách thành phố Trịnh Châu (Zhengzhou), tỉnh Hà Nam (Henan) hôm nay đã yêu cầu 12 triệu dân cư thành phố làm xét nghiệm Covid, sau khi phát hiện 11 ca dương tính trong mấy ngày qua.

Ba Lan: Vụ bê bối nghe lén điện thoại làm rúng động giới chính trị gia

Donald Tusk, lãnh đạo đối lập Ba Lan, phát biểu trong một cuộc biểu tình phản đối một đạo luật bóp nghẹt tự do báo chí, Vacxava, Ba Lan, ngày 19/12/2021. AP – Czarek Sokolowski

Tại Ba Lan, ít nhất một thành viên thuộc phe đối lập, một luật sư và một công tố viên đã bị nghe lén bởi phần mềm Pegasus của Israel. Lãnh đạo phe đối lập Donald Tusk hôm qua 04/01/2022 đã cáo buộc chính phủ Bảo Thủ đứng đằng sau vụ việc này.

Từ Vacxava, thông tín viên Damien Simonart cho biết thêm:  

Về vụ nghe lén điện thoại, Donald Tusk nói:

Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất, nặng nề nhất đối với nền dân chủ kể từ năm 1989′

Theo Citizen Lab, tổ chức nghiên cứu về an ninh mạng ở Toronto, điện thoại của giám đốc chiến dịch Liên Minh Công Dân (Civic Coalition), đảng đối lập chính của Ba Lan, đã bị tấn công mạng ít nhất 33 lần bằng phần mềm Pegasus. Vụ nghe trộm điện thoại dường như kéo dài 6 tháng vào năm 2019 vào thời điểm có các cuộc bầu cử Quốc Hội và châu Âu.

Theo hãng tin AP, hai nhân vật khác thuộc phe đối lập với đảng cầm quyền Pháp luật và Công lý (PiS), một luật sư và một công tố viên, cũng bị nghe lén. Người đầu tiên thường xuyên bảo vệ lợi ích của Liên minh Công dân, người thứ hai công khai chỉ trích việc cải cách tư pháp mà PiS đã chủ trương.

Thủ tướng Mateusz Morawiecki bác bỏ cáo buộc nói trên. Tuy nhiên, nhà sản xuất phần mềm Pegasus của Israel cho biết chỉ bán sản phẩm của mình cho các chính phủ và cơ quan tình báo. 

Kazakhstan: Tổng thống giải tán chính phủ để xoa dịu người biểu tình chống tăng giá khí đốt

Thùy Dương

Tổng thống Kazakhstan, ông Kassym-Jomart Tokayev, tham dự cuộc họp giữa lãnh đạo các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, là thành viên của Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), tại Điện Konstantin ở Strelna, ngoại ô thành phố St Petersburg, Nga, ngày 28/12/2021. © AP – Yevgeny Biyatov

Hôm 04/01/2022 là ngày thứ ba liên tiếp phong trào biểu tình chống tăng giá khí nén tự nhiên diễn ra ở nhiều thành phố tại Kazakhstan, quốc gia Trung Á giàu khí đốt. Căng thẳng nghiêm trọng tới mức tổng thống Kassym-Jomart Tokayev trong đêm qua đã phải xoa dịu dân chúng bằng cách ra lệnh giải tán chính phủ và ban bố tình trạng khẩn cấp ở một số nơi.

Từ Tbilissi, thông tín viên khu vực Trung Á, Régis Genté, gửi về bài tường trình:  

Bất chấp sự nhượng bộ của chính phủ, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn hôm thứ Ba và thậm chí đã lan rộng ra khắp cả nước. Quy mô các cuộc biểu tình đã khiến tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đêm qua phải giải tán chính phủ và ban bố tình trạng khẩn cấp ở các vùng Almaty và Mangysthau. Hầu hết các thành phố lớn trong cả nước hôm qua (thứ Ba) đã chứng kiến các cuộc biểu tình của nhiều ngàn người.

Cảm thấy tình hình căng thẳng có thể bùng nổ, nhà chức trách đã áp dụng trở lại ở các vùng miền tây đất nước mức giá 50 tenge (tương đương 10 centime euro)/1 lít khí đốt tự nhiên dưới dạng nén, sau khi giá tăng vọt lên tới 120 tenge/lít, do chính quyền đưa vào sử dụng một hệ thống điện tử định giá đối với loại nhiên liệu mà có tới 80% xe cơ giới ở miền tây Kazakhstan sử dụng. Đó là nơi phong trào biểu tình khởi phát hôm Chủ Nhật.

Nhưng sự nhượng bộ của chính phủ có thể là chưa đủ để làm dịu thái độ phản kháng trong nước, cho dù tình trạng khẩn cấp được ban hành có hiệu lực đến tận ngày 19/01/2022.  

Những đòi hỏi của người biểu tình còn thể hiện sự chỉ trích sâu sắc nhắm vào việc quản lý lãnh đạo đất nước như nạn tham nhũng, phân chia bất bình đẳng nguồn lợi từ dầu lửa, sự thiếu trách nhiệm của các nhà lãnh đạo đối với 18 triệu dân Kazakhstan”.

Hôm nay, cảnh sát ở vùng Almaty cho biết trong đêm hôm qua rạng sáng hôm nay đã dùng lựu đạn gây choáng và hơi cay để giải tán đám đông, tiến hành hơn 200 vụ bắt giữ. Gần 100 cảnh sát bị thương trong các vụ bạo động : theo AFP, đây là chuyện hiếm xảy ra tại Kazakhstan, quốc gia giàu khí đốt và được đặt dưới sự lãnh đạo của một chế độ chuyên quyền. 

Related posts