G7 phải cứng rắn hơn trước sự phối hợp xâm lược của Trung Quốc và Nga

Anders Corr

Các Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển của nhóm G7 chụp chung một bức ảnh tại Liverpool, Anh Quốc, hôm 12/12/2021. Ngoại trưởng Liz Truss đang chào đón Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Nhóm 7 người đồng cấp khác trong cuộc hội đàm diễn ra vào cuối tuần tại thành phố cảng Liverpool phía tây bắc nước Anh khi nhóm các quốc gia giàu có này đang phải đối mặt với căng thẳng ngày càng tăng với Nga, Trung Quốc, và Iran. (Ảnh: Olivier Douliery/Pool/AP)

Bắc Kinh và Moscow là đồng minh thân thiết và ngày càng manh động hơn ở Đông Âu và Á Châu.

Gần đây, nhóm G7 của các nền dân chủ giàu có nhất trên thế giới đã tham gia một cuộc họp và tố cáo rằng sự điều động của quân đội Nga dường như là để chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xâm lược Ukraine.

Nhóm các quốc gia dân chủ này đã cảnh báo Moscow về những hậu quả kinh tế “tàn khốc” nếu quân đội Nga xâm lược quốc gia dân chủ Đông Âu này một cách sâu rộng hơn so với những gì họ đã từng làm.

Điều mà G7 không đề cập hôm 12/12/2021 đó là, có khả năng sẽ xảy ra sự thông đồng giữa Moscow và Bắc Kinh, cả hai quốc gia này ngày một tăng cường các cuộc huấn luyện quân sự cùng nhau. Bắc Kinh có ảnh hưởng đáng kể đối với Moscow do thị trường xuất cảng dầu và khí đốt của Nga phụ thuộc vào Trung Quốc.

Các hoạt động điều quân của Nga đang thu hút sự chú ý của công chúng khi mà mối đe dọa chiến lược lớn hơn là Trung Cộng và quyền kiểm soát của họ đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là một trong những quân đội hùng mạnh nhất thế giới.

Có thể Bắc Kinh đang khuyến khích Moscow xâm lược các vùng lãnh thổ nhằm đánh lạc hướng phương Tây khỏi mối đe dọa lớn hơn từ sức mạnh [quân sự] ngày một lớn mạnh của Trung Cộng. Ai biết được. Một điều chắc chắn là Bắc Kinh hầu như không làm gì để ngăn cản những hành động hiếu chiến thái quá của các đồng minh, kể cả Iran và Bắc Hàn.

Chẳng hạn, sự lãnh đạo của Trung Cộng đối với các nhà độc tài dối trá trên thế giới, chưa kể đến việc lạm dụng nhân quyền và xâm lược lãnh thổ, đã chia rẽ nhóm G7 — với việc Nhật Bản, Đức, và Ý không tham gia ủng hộ đề xướng của Liên minh Ngũ Nhãn (Five Eyes) về một cuộc tẩy chay ngoại giao đồng lòng của nhóm G7 đối với Thế vận hội. Bắc Kinh được trao quyền [đăng cai] Thế vận hội mùa đông 2022, và một cuộc tẩy chay ngoại giao là việc tối thiểu mà nhóm G7 có thể làm.

Thậm chí Hoa Thịnh Đốn tiếp tục cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết mà không yêu cầu báo cáo như các doanh nghiệp đến từ các quốc gia khác, kể cả Hoa Kỳ. Điều này giúp các doanh nghiệp Trung Quốc có lợi thế hơn các doanh nghiệp của Hoa Kỳ. Chỉ đến hôm 02/12/2021, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) mới yêu cầu các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ phải tiết lộ quyền sở hữu nhà nước. Cần phải có nhiều hành động hơn nữa.

Bên cạnh các hành động dễ dàng đạt được hiệu quả này, thì các hình thái hậu quả kinh tế được áp đặt lên Nga nếu nước này xâm lược Ukraine, cũng nên được thực thi đối với Trung Quốc vì họ vẫn tiếp tục tuyên bố và chiếm đóng trái phép toàn bộ khu vực Biển Đông. Vùng biển đó có diện tích gần bằng lãnh thổ của Ấn Độ.

Rốt cuộc, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với những hậu quả kinh tế nghiêm trọng cho ba cuộc diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, và các học viên Pháp Luân Công. Nhưng thay vào đó, các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ lần lượt nhắm đến các quan chức và các doanh nghiệp.

Do nền kinh tế Trung Quốc ngày càng lớn mạnh hơn, nên các quốc gia G7 có lẽ đang lo ngại về tác động kinh tế của các lệnh trừng phạt đối với chính mình, và do đó họ đang đưa ra lựa chọn không thể bào chữa được về mặt đạo đức và chiến lược, để tiếp tục trao quyền cho Bắc Kinh thông qua tự do thương mại tương đối dễ chịu với chế độ độc tài hùng mạnh nhất thế giới này.

Tuy nhiên, ít ra là ngày càng có nhiều người thừa nhận về mối đe dọa của Trung Cộng. Theo bài báo của Reuters hôm 12/12/2021, ”Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn để Tây phương phỏng đoán về Ukraine, thì sức mạnh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thu hút trọng tâm chiến lược dài hạn” trong cuộc họp của nhóm G7.

Ngoại trưởng Liz Truss của Anh Quốc nói với các phóng viên rằng, “Tại cuộc họp cuối tuần qua (12/12/2021), chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi rất lo ngại trước các chính sách kinh tế mang tính cưỡng ép của Trung Quốc.”

Nhiều người tập trung tại Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco cùng với các biểu ngữ lên án Trung Cộng nhân Ngày Quốc khánh Trung Quốc hôm 01/10/2020. (Ảnh: Ilene Eng/The Epoch Times)

Một quan chức đã tham dự các cuộc hội đàm trên nói với Reuters rằng, đã có “các cuộc thảo luận rất, rất căng thẳng, đặc biệt là về Trung Quốc.”

Reuters mô tả Nga là trọng tâm “chiến thuật” về các cuộc đàm phán, trong khi Trung Quốc được coi là mối đe dọa “chiến lược” lâu dài hơn.

Một quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bày tỏ với Reuters rằng, “Thật tuyệt vời khi có sự tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Cụ thể hơn, các ngoại trưởng tham gia cuộc họp đã thảo luận về tình hình ở Hồng Kông, Tân Cương, Đài Loan, và Lithuania.

Reuters cho biết các quan chức nói rằng,“Đã diễn ra một cuộc thảo luận nghiêm túc về việc phối hợp hành động của nhóm G7 nhằm đối phó với Trung Quốc về việc tung thông tin sai lệch và hỗ trợ các quốc gia đang mắc kẹt trong cái mà các nhà phê bình coi là lưới bẫy nợ toàn cầu của Trung Quốc.”

Tháng 06/2021, nhóm G7 đã chỉ trích gay gắt cả Trung Quốc và Nga về việc họ ngày càng gia tăng các loại hình gây hấn phối hợp, hiện được cho là gồm các kế hoạch của Iran về Iraq và Syria, và sự phát triển nhanh chóng vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.

Nhưng chỉ nói suông thì không có ý nghĩa gì.

Tháng 06/202, Trung Quốc đã đáp trả rằng các nhóm “nhỏ” như G7 không còn thống trị thế giới.

Tất nhiên, G7 không bao giờ tìm cách “thống trị thế giới,” thay vào đó họ tìm cách thực hiện các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc năm 1945 và 1948, theo đó các chế độ chuyên quyền sẽ dần phát triển thành các nền dân chủ có chủ quyền, tôn trọng biên giới của nhau và tự do thương mại.

Cáo buộc của Trung Cộng cho rằng G7 đang tìm cách thống trị thế giới là một câu nói hớ, qua đó tiết lộ nhiều hơn về các tham vọng bá quyền của chính họ, đã được tác giả Rush Doshi chứng minh trong cuốn sách của ông được xuất bản trong năm 2021, “The Long Game: China’s Grand Strategy to Displace American Order” (“Trò Chơi Dài Hơi: Chiến Lược Vĩ Đại Của Trung Quốc Để Lật Đổ Trật Tự Của Hoa Kỳ”).

Để ngăn chặn kết cục phi tự do này, G7 nên ngừng đấu khẩu và bắt đầu hành động, bằng cách trở thành một đối trọng hùng mạnh và dân chủ trước sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga. Muốn vậy, họ phải hành động một cách nhanh chóng và dứt khoát hơn.

Nga đã bị loại khỏi nhóm này, lúc đó là G8, sau cuộc xâm lược Crimea ở Ukraine năm 2014. Trung Quốc cũng nên bị loại khỏi các tổ chức quốc tế vì nỗ lực của họ trong việc kiểm soát Biển Đông và lạm dụng nhân quyền.

Hoa Kỳ được cho là đang dẫn đầu trong vấn đề Trung Quốc, cùng với các nền kinh tế lớn nhất Âu Châu và Nhật Bản là đồng minh của họ. Theo Reuters, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đang ở Đông Nam Á trong tuần này, với nỗ lực “lập nên một liên minh đồng lòng chống lại Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Nhưng ông Blinken và ông chủ của mình là Tổng thống Joe Biden, đang quá chậm chạp trong việc kiềm chế Bắc Kinh một cách hiệu quả. Nếu Hoa Kỳ và nhóm G7 không hành động một cách nhanh chóng hơn, thì dự đoán rằng ngôi bá quyền của Trung Cộng trên phạm vi toàn cầu xem như đã được định đoạt.

Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu, và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách sắp ra mắt vào năm 2021 có nhan đề “The Concentration of Power” (Tập Trung Quyền Lực) và “No Trespassing” (Không Xâm Phạm), đồng thời đã biên tập cuốn sách “Great Powers, Grand Strategies” (Những Quyền Lực Lớn, Những Chiến Lược Lớn).

Doanh Doanh biên dịch

Related posts