Úc, Nhật chuẩn bị ký hiệp ước an ninh trước mối đe dọa từ Trung Quốc trong khu vực

Aldgra Fredly

Thủ tướng Úc Scott Morrison trình bày trong một cuộc họp với giới truyền thông ở Sydney, Úc, hôm 15/10/2021. (Ảnh: Brendon Thorne/Getty Images)

Úc và Nhật Bản chuẩn bị ký một “hiệp ước lịch sử” tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo vào ngày 06/01 để tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh. Hành động này được coi như một phản ứng trước sự khuếch trương ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết trong một tuyên bố rằng việc ký kết thỏa thuận đôi bên cùng có lợi với người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida sẽ “củng cố quan hệ hợp tác thực chất trên quy mô lớn hơn và phức tạp hơn” giữa lực lượng quốc phòng hai nước.

Ông Morrison cho biết: “Hiệp ước này sẽ là một tuyên bố về cam kết của hai quốc gia chúng ta nhằm cùng nhau hợp tác trong việc đáp ứng những thách thức an ninh chiến lược chung mà chúng ta phải đối mặt và đóng góp cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương an toàn và ổn định.”

“Lần đầu tiên, hiệp ước này sẽ cung cấp một khuôn khổ rõ ràng để nâng cao khả năng tương tác và hợp tác giữa hai lực lượng của chúng ta.”

Thông báo trên được đưa ra sau khi ông Kishida hủy chuyến công du đến Hoa Kỳ và Úc vì sự gia tăng các ca nhiễm virus Trung Cộng, thường được gọi là virus corona chủng mới, ở trong nước và ngoại quốc.

Trung Quốc không được đề cập đến trong tuyên bố của ông Morrison, nhưng ông lưu ý rằng hiệp ước này sẽ đóng góp cho một “nghị trình mở rộng” dành cho Bộ Tứ – đối thoại an ninh chiến lược không chính thức giữa Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ, và Nhật Bản nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do.

Thỏa thuận cũng sẽ cho phép Úc và Nhật Bản chia sẻ cách tiếp cận dựa trên công nghệ của họ để giảm lượng khí thải carbon, ông nói thêm.

Hiệp ước của Úc với Nhật Bản diễn ra sau sự thành lập của AUKUS hồi tháng Chín, một thỏa thuận quốc phòng mới liên kết Hoa Kỳ, Anh Quốc, và Úc, theo đó lần đầu tiên Úc sẽ có được một hạm đội chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Trung Quốc đã lên án hiệp ước AUKUS, nói rằng quan hệ hợp tác tàu ngầm hạt nhân giữa ba nước đã “phá hoại nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực, tăng cường cuộc chạy đua vũ trang, và phá hoại các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân của cộng đồng quốc tế.”

Tháng trước (12/2021), Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và người đồng cấp Úc Marise Payne đã đồng ý thúc đẩy “quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt” của các quốc gia lên “một cấp độ cao hơn” để đạt được mục tiêu “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở”, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Các bộ trưởng đã gặp nhau bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển G-7, nhấn mạnh rằng Nhật Bản và Úc sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả bằng cách vận dụng khuôn khổ Nhật Bản, Úc, và Hoa Kỳ.

Úc và Hoa Kỳ cũng đã tái khẳng định nỗ lực thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hướng tới mục tiêu làm sâu sắc hơn quan hệ đồng minh của họ trong bối cảnh lo ngại về tham vọng kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.

Minh Ngọc biên dịch

Related posts