Phạm Tín An Ninh
(Viết tặng những giai nhân trường Nữ, và để tưởng nhớ một người…)
“O sinh ra tận mô ngoài Huế
Hà cớ gì trôi dạt tới Nha Trang
Để một “thằng Võ Tánh”phải lang thang
Đem cây si trồng trước sân trường Nữ”
Nhờ bài thơ với bốn câu mở đầu không đâu vào đâu này, tôi bất ngờ nhận được điện thư của một người có tên Van Loubet từ một nơi nào đó gởi ngợi khen và hỏi tôi có phải là cậu bé nhà quê ngày xưa vào Nha Trang, có thời trọ học ở một con hẻm lớn trên đường Phương Sài. Tôi khá ngạc nhiên, vì bài thơ tôi viết vội chỉ để gởi đăng trên Đặc San Võ Tánh&Nữ Trung Học Nha Trang(*), nhân dịp đại hội cựu học sinh hai ngôi trường này tổ chức tại Houston hơn hai năm trước đó, mùa hè năm 2005; và cái tên người gởi, Van Loubet rất xa lạ, có thể chỉ là một nick- name, không phải tên thật. Thấy một số chi tiết trên mẫu điện thư ghi bằng tiếng Pháp, tôi tò mò, tìm hiểu cái họ Loubet, được biết đó là họ của ông Émile Loubet, thủ tướng thứ 45 của nước Pháp và sau đó trở thành tổng thống (năm 1906)! Tôi giật mình, làm sao tôi có thể quen biết với một người thuộc “danh gia vọng tộc” tận bên trời Tây?
Hồi âm và hồi họp đợi chờ. Mãi đến hai hôm sau, nhận được thư trả lời, tôi mới vỡ lẽ, nhưng rồi lại có thêm nhiều điều ngạc nhiên khác. Người viết thư cho tôi là chị Bích Vân, bà chị cả của “O Huế” trong bài thơ tôi viết. Chị sang Pháp vào những ngày Sài Gòn trong cơn hấp hối, và bảy năm sau, lập gia đình với một người Pháp có dòng họ với ông tổng thống từ năm 1906 này. Chị cho tôi biết đã vô tình đọc được bài thơ “O Huế Ngày Xưa” của tôi trên diễn đàn của trường Đồng Khánh, mà chị là một thành viên. Trước khi chuyển vào trường Võ Tánh-Nha Trang, chị vốn là một nữ sinh Đồng Khánh. Sau đó chị thử vào Google gõ tên tôi thì tìm ra cả trang Web, có cả địa chỉ email của tôi trong đó. Chị còn bảo, sở dĩ chị đoán ra tôi một phần là do nội dung bài thơ, phần khác chính là nhờ cái tên của tôi đã làm chị dễ nhớ. Điện thư chị viết khá dài, lại không có dấu nên khó đọc, nhiều chữ phải đoán mò. Tôi cố đọc đi đọc lại vài lần mong tìm xem có tín hiệu nào về “O Huế” của tôi, nhưng hoàn toàn không thấy. Phía dưới email, chị cho số điện thoại và dặn tôi gọi cho chị vào cuối tuần, khoảng sau bốn giờ chiều thứ bảy, để chị em tâm sự nhiều hơn.
Còn ba ngày nữa mới đến thứ bảy, nhưng ba ngày với tôi bây giờ có cảm giác còn dài hơn ba tháng!
Ký ức đưa tôi quay trở về một thời xa lắm, khi thành phố Nha Trang đang mở ra cho tôi cả một bầu trời xanh bao la trước mặt. Năm lớp đệ tứ, tôi đang trọ học ở nhà ông chú, nằm góc đường Lê Lợi – Hoàng Tử Cảnh. Ngôi nhà nằm ở một vị trí không thích hợp và cũng không đủ rộng cho việc kinh doanh, nên phải bán đi để xây một ngôi nhà lớn hơn tại khu đất mới. Chú tôi phải thuê tạm một căn phố gần rạp ciné Moderne của ông Bác Ái ở đầu đường Độc Lập để làm văn phòng, rất bất tiện cho tôi trong việc ăn ở học hành. Tôi phải dọn lên ở tạm nhà một người bạn thân của ba tôi, chú Thân Trọng Lý, trên một con hẻm lớn ở đường Phương Sài, Phường Củi. Hẻm khá rộng, hầu hết nhà cửa đều rất khang trang, yên tĩnh.
Khoảng hai tuần sau, một gia đình dọn đến thuê ngôi nhà lớn nhất ở cuối con hẻm. Nhà có bảy người, ông bà chủ, bốn người con và một chị giúp việc. Bà chị đầu, hai cậu con trai trạc tuổi tôi rồi đến cô gái út. Ông bố là trung úy ngành Quân Cụ, từ xa thuyên chuyển đến làm Chỉ huy phó trại Quân Cụ, nằm góc đường Phương Sài – Trần Quý Cáp. Trông tướng mạo oai phong nhưng ông rất hiền từ. Cả hai ông bà rất mộ đạo Phật, ngày rằm nào cũng đi lễ chùa. Gia đình gốc Huế, nhờ vậy, chỉ sau một thời gian, ông bố trở thành bạn đồng hương, đồng đạo với chú Thân Trọng Lý, chủ nhà của tôi, một sĩ quan cơ khí Không quân, và cũng là một Phật tử thuần thành. Vợ chú đã qua đời từ mấy năm trước, để lại cho chú một đứa con trai khoảng 6, 7 tuổi. Chú Lý có họ Thân Trọng, một tộc họ nổi tiếng ở Huế, nhưng lại được chôn nhau cắt rốn tại Vạn Giã, quê tôi. Bởi thân phụ của chú từ Huế đến Vạn Giã làm ngành Hỏa Xa cho Pháp khi còn trai trẻ, lấy vợ rồi lập nghiệp ở đây luôn. Gia đình này nổi tiếng giàu có nhất ở quê tôi lúc ấy. Cùng ở quê vào trọ học với tôi có hai chị em, chị Thân Thị Hảo và anh Thân Trọng Sỹ, cháu ruột, con ông anh cả của chú Lý, học ở Võ Tánh, trước tôi mấy lớp.
Tình bạn gốc Huế của hai ông chủ nhà đã bắc một nhịp cầu khá thênh thang cho anh Thân Trọng Sỹ và tôi dễ dàng làm thân với bốn đứa con của ông trung úy. Hai cậu con trai khá hiền lành và hai cô con gái cô nào cũng thùy mị, xinh đẹp. Sau đó chị cả Bích Vân vào học đệ nhị trường Võ Tánh, cùng lớp với anh Sỹ, còn cô út Bích Hà học lớp đệ lục trường Nữ Trung Học vừa mới mở. Hải và Sơn, hai anh con trai lại học bên trường bán công Lê Quí Đôn. Anh Sỹ may mắn được học cùng lớp, nên ngày càng thân thiết với cô chị, còn tôi thì “phải lòng” cô em, bởi giọng nói “rất Huế” nhỏ nhẹ dễ thương, đôi mắt nai tơ hiền lành và nhất là mái tóc thề bay bay trong gió mỗi lần chúng tôi đạp xe song song trên một đoạn đường dài trước khi rẽ về hai hướng để đến trường mỗi đứa.
“Tôi phải lòng O, khi O còn đệ lục
Nón trắng, áo dài – trắng cả mùa thu
O đạp xe đi hồn nhiên quá đỗi
Cuốn hồn tôi theo vào cõi sa mù”
Đều là Phật tử, nhưng anh Sỹ và tôi hiếm khi đi chùa. Vậy mà từ ngày có gia đình Bích Hà, bọn tôi không bỏ sót ngày rằm nào. Ông bố thường chở chú Lý cùng vợ và hai cô gái đến chùa bằng xe Jeep, còn anh Sỹ, tôi và hai anh con trai thì đèo nhau trên hai chiếc xe đạp, chạy theo con đường tắt qua hướng Mả Vòng. Chú Lý quen biết từ lâu với Thầy Trụ trì Chùa Hải Đức, nên tất cả chúng tôi thường đi lễ ở chùa này, hơn nữa ở đây không đông đảo như bên chùa Tỉnh Hội, chỉ cách đó vài trăm thước. Khi lạy Phật, bọn nhỏ thường quỳ sau mấy người lớn. Tôi thường quỳ bên cạnh Bích Hà. Không biết nàng lâm râm khấn nguyện điều gì, còn tôi thì chỉ xin đức Phật cho hai đứa được gần mãi bên nhau. Và dường như từ nhỏ đến giờ, tôi chưa từng cầu xin đấng linh thiêng nào một cách thành tâm như thế.
Khoảng sáu tháng sau, chú tôi đã xây xong ngôi nhà mới ở đầu đường QL.1, nằm bên ngã tư Trần Quý Cáp, cạnh Ty Thông Tin. Ông đến nói chuyện với chú Lý để đón tôi về, nhưng tôi năn nỉ quá nên được cho ở lại đến cuối niên học. Sau này, mặc dù về ở nhà chú, nhưng sáng nào, tôi cũng đạp xe theo đường Trần Quý Cáp và đợi ở góc đường Phương Sài, trước sân phòng mạch của Bác sĩ Nguyễn Văn Tý để chờ Bích Hà, rồi chúng tôi cùng đạp xe song song trên những con đường Gia Long, qua Ngã Sáu Nhà Thờ, đến Lê Thánh Tôn. “Hộ tống” nàng đến trường Nữ, tôi mới rẽ sang đường khác để đến trường tôi. Đặc biệt, những ngày trời mưa lớn, Bích Hà không đạp xe mà nhờ anh Hải chở đi. Lúc ấy tôi phải năn nỉ “lấy lòng” thằng bạn, ông anh rất hiền lành của Bích Hà, cho tôi thay nó chở nàng ở phía sau. Đạp xe dưới trời mưa gió lạnh mà tôi thấy cả người ấm lên và mong sao con đường cứ dài thêm ra mãi.
“Cũng tại vì O mà tôi biết yêu
Tập viết thư tình từ năm đệ tứ
Đọc thư tôi làm sao O hiểu
Cái nghĩa yêu đương mù mịt quá chừng”
Anh Sỹ và chị Bích Vân sau khi đậu Tú Tài 2, đều chuyển vào Sài Gòn học tiếp. Và cuộc tình của hai người cũng kết thúc sớm, sau khi chị Bích Vân được sang Pháp du học.Tôi có cảm giác họ chỉ là hai người bạn thân chứ không hẳn là đôi tình nhân. Mặc dù tôi biết anh Sỹ rất mê chị Bích Vân, nhưng tính tình hoàn toàn khác nhau. Anh Sỹ lúc nào cũng đùa cợt, vui vẻ hồn nhiên, còn chị Bích Vân thì trầm lặng và sâu sắc.
Khi tôi vừa thi đỗ Tú Tài 1, Ba tôi từ quê nhân có việc gia tộc, cần gặp chú tôi bàn bạc, nên đã vào Nha Trang khao mừng và đón tôi về quê nghỉ hè với ông luôn. Khi ấy Bích Hà cũng vừa thi đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp. Có thể lúc này cả hai đứa tự xem mình đã là người lớn… hơn một chút. Trước khi về quê nghỉ hè, tôi rủ Bích Hà đi ăn kem ở một tiệm bên cạnh rạp ciné Tân Tiến. Tôi tặng một cây bút màu xanh khá đẹp, có khắc đậm bốn chữ “Hoàng Thị Bích Hà”. Lần đầu tiên trong đời nắm tay một người con gái mà lòng thấy lâng lâng, man mác buồn. Bởi “chỉ mới nắm tay em hôm nay mà đã nghĩ đến chia xa ngày mai.” Lúc nói lời chia tay, cô bé không nhìn tôi, cúi xuống, giọt nước mắt tình yêu đầu đời của tôi rơi xuống hai bàn tay nàng. Đọc trong sách, thấy người ta thường nói đến giọt nước mắt hạnh phúc, nhưng với tôi thì dường như đó lại là dấu hiệu của chia ly. Về quê chưa được hai tuần, tôi nhận thư của Bích Hà, bảo gia đình sẽ phải chuyển vào Cần Thơ, vì ông bố được thăng cấp lên đại úy và không hợp cung cách làm việc của vị chỉ huy trưởng, vả lại ông rất thích miền Tây sông nước, nên xin thuyên chuyển về đây, giữ một chức vụ cao hơn. Cả nhà sẽ di chuyển trong mùa hè này, bằng phi cơ quân sự, nhưng chưa biết ngày nào, có thể còn khá lâu vì ba cô phải chờ người đến thay thế. Tôi viết thư, hứa nhất định sẽ trở lại Nha Trang để tiễn Hà và gia đình. Nhưng rồi tôi đã không có cơ hội để thực hiện được lời hứa này. Một hôm nhận được lá thư khác của Bích Hà, bảo là gia đình đã đi Cần Thơ, vì bất ngờ, nên cô bé không hề biết trước. Khi tôi đọc được những dòng chữ xinh xắn quen thuộc này, thì Bích Hà đã rời khỏi Nha Trang hơn một tuần rồi! Bỗng dưng tôi thấy cả đất trời và mọi thứ chung quanh mình trở nên trống rỗng. Chỉ còn có nỗi buồn đầy ắp trong lòng. Không ngờ chuyện tập tễnh yêu đương cứ tưởng chỉ là ngây ngô vụng dại, vậy mà đã làm trái tim tôi nhói đau như thế. Mất mẹ từ nhỏ, nên tôi rất gần gũi thân thiết với Ba tôi. Bất cứ điều gì tôi cũng tâm sự, kể lể với ông, có khó khăn gì tôi đều tìm đến ông để được nghe ông giải thích, chỉ dạy tận tình, nhưng lần này khi thấy tôi buồn, không còn đàn địch ca hát líu lo như mọi ngày, ông dò hỏi, tôi chỉ vờ nhoẻn miệng cười, lảng sang chuyện khác. Chẳng lẽ tôi lại ngu ngơ khai với ông rằng, thằng con yêu quí của ông còn đang học hành, chưa kịp lớn mà đã biết si tình? Vả lại, chính cả tôi cũng đang bâng khuâng không biết đó có phải thực sự là tình yêu hay không nữa!
Sau mùa hè, khi niên khóa mới sắp khai giảng, tôi khăn gói trở lại Nha Trang, nhưng không còn cái háo hức của những năm tựu trường trước đó. Thành phố biển xinh đẹp này với tôi bỗng dưng chẳng còn chút thơ mộng nào nữa. Tôi đạp xe lên nhà chú Thân Trọng Lý và vội vã chạy sang nhìn ngôi nhà của Bích Hà. Bây giờ đã có chủ mới, nhưng tôi vẫn cố ý kiếm tìm bởi cảm giác bóng dáng Bích Hà vẫn còn thấp thoáng quanh đây, và tai tôi phảng phất dư âm giọng nói rất Huế của nàng.
Tôi bắt đầu năm học mới với tâm trạng buồn và đầu óc mang mang như thế!
Lớp Đệ Nhất C của tôi khai giảng đúng vào những ngày biến động của chính trường miền Nam với liên tiếp những cuộc bãi khóa, biểu tình chống chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nhưng bù lại có thêm nhiều khuôn mặt mới, đa số là những giai nhân đến từ các trường Pháp và một số trường tư thục sau khi đã đậu Bac 1 hay Tú Tài 1. Lúc ấy Trường Nữ Trung Học Nha Trang vừa mới thành lập, chưa có các lớp đệ nhất, nên các nữ sinh “được” tiếp tục ở lại học chung với đám “ma quỷ” bọn tôi.
Thời ấy, nếu bên các lớp Đệ Nhất A, Nhất B có những tên tuổi đình đám, nổi bật như Trần Xuân Hoa, Nguyễn Thị Danh, Tôn Nữ Ngọc Hà, Thu “Mỹ Kim”, Phạm Phong Nhã…, thì bên Nhất C của bọn tôi vang lừng với nhiều cái tên khác: Thúy Liệu, Minh Châu, Kim Anh, Kim Thoa, Túy Ngọc, Tỷ Muội, Bạch Lan, Như Bá…Bọn tôi cũng hãnh diện khi cùng lớp với mình có quá nhiều người đẹp, nhưng như ông bà ta thường nói “ Bụt nhà không thiêng”, hơn nữa khi bằng tuổi nhau, đám con gái có khuynh hướng nhìn lên, chứ chẳng mấy cô chịu nhìn ngang, nhìn dọc, nên đa phần là hoa đã có chủ, vì vậy hầu hết đám con trai bọn tôi đều đem cây si trồng bên trường Nữ, tìm đối tượng ở một vài lớp nhỏ hơn mình.
Thời ấy, nữ sinh bên Trường Nữ Trung Học, có lẽ nhờ qui tụ từ khắp bốn phương nên hầu hết đều là những đóa hoa ngát hương, muôn màu muôn vẻ, làm khốn khổ trái tim của biết bao anh hùng hào kiệt, đặc biệt những chàng Sinh viên sĩ quan Hải Quân, Không Quân hào hoa từ khắp nơi tập họp về đây để sẵn sàng quỳ gối trước một giai nhân trường Nữ, xin rước những “cánh hoa biển” hay “cánh sao trời” về dinh để tự giam hãm cuộc đời mình.
Có rất nhiều cái tên vẫn luôn đi mãi cùng năm tháng. Riêng tôi chỉ biết (trong hạn hẹp) một vài người: Mỵ Cơ, Hồng Nữ, Xuân Thùy, Quỳnh Như Ý, Trung Thu, Bích Khuê, Như Ý (Thanh Cần), Lệ Son, Mỵ Hảo…Trong số những giai nhân này có mấy nàng từng làm cho vài thằng bạn của tôi đã phải điêu đứng, khốn khổ đến tự hủy hoại cả một đời. Riêng tôi, chỉ có duy nhất mỗi hình bóng cô nữ sinh gốc Huế vừa mới giã biệt ngôi trường Nữ này, dù rất kín đáo, thầm lặng, không có tên trong số những giai nhân ấy, nhưng đã đủ choáng ngợp tâm hồn tôi, đã cho tôi cái cảm giác thế nào là “chết ở trong lòng một ít” của ông nhà thơ Xuân Diệu, mà khi ấy tôi rất mê thơ của ông..
Bây giờ Sài Gòn – Cần Thơ trở nên xa cách muôn trùng, Bích Hà và tôi chỉ liên lạc nhau qua thư từ, và cũng chỉ dám nói đôi điều đùa cợt vu vơ, vì sợ ba, măng (mẹ) nàng kiểm soát. Ông bà không phải là người quá nghiêm khắc, nhưng tất nhiên lúc nào cũng mong cô con gái út chăm chỉ học hành theo chân bà chị cả Bích Vân.
Khi vào Sài gòn học thêm, tôi có rủ anh Sỹ đi Cần Thơ một chuyến nhân dịp Tết Nguyên Đán. Ông bà cụ và cả nhà Bích Hà vui mừng đón tiếp chúng tôi. Khi ấy chị Bích Vân còn ở bên Pháp. Ở đây chỉ có hai hôm, nên bọn tôi không có nhiều thì giờ riêng tư. Buổi tối cuối cùng, ông bà cụ bảo các con đưa bọn tôi đi bộ ra bến Ninh Kiều hóng gió và nhìn dòng sông Cần Thơ buổi tối lung linh dưới ánh đèn. Trên đường về, tôi kéo tay Bích Hà đi lùi lại phía sau, và bất ngờ hôn nhẹ lên má nàng. Đó cũng là nụ hôn đầu đời của tôi.
Tôi nhập ngũ khi Bích Hà vừa vào Đại Học Văn Khoa. Ra trường, tôi được chuyển ra một đơn vị tác chiến lưu động, hành quân liên tục khắp Vùng 2 Chiến Thuật. Có khi buổi sáng còn ở Quảng Đức, Lâm Đồng, buổi chiều đã có mặt ở Tuy Hòa, Phan Thiết. Có điều, đi đâu và lúc nào tôi cũng luôn mang theo bóng dáng của Bích Hà. Sau mỗi cuộc hành quân tôi đều viết thư, nhưng hộp thư KBC lại nằm ở hậu cứ tận Ban Mê Thuột, nên ba, bốn tháng ông thượng sĩ già bưu tín viên mới có phương tiện mang thư ra đơn vị một lần. Sự liên lạc ngày một nhạt dần. Sau đó không còn nhận được lá thư nào nữa của Bích Hà. Tôi hình dung Bích Hà bây giờ không còn là cô học trò bé bỏng của trường Nữ ngày xưa nữa, đã qua rồi cái thời mộng mơ, yêu đương khờ khạo. Một năm sau, tôi bị trọng thương ở chân trái, trong một trận đánh phản phục kích ở ngã ba Dak-Song, Quảng Đức, phải nằm nhà thương gần ba tháng. Rất may là không bị cưa chân. Những ngày nằm treo cái chân băng bột cứng đơ lên thành giường, nghe những đồng đội thương binh bên cạnh rên xiết, tôi càng nhận ra mình chỉ là một thằng lính mạt hạng, năm tháng chỉ còn biết có đồng đội, súng đạn, chiến trường và ranh giới giữa sống-chết còn mong manh hơn sợi tóc, thì đâu có dám mơ gì đến chuyện tương lai hay công hầu khanh tướng.Tôi cố quên dần rồi mất hẳn liên lạc với Bích Hà.
Sau tháng 4/75, trong những tháng năm bị tù tội từ Nam ra Bắc, tôi chỉ còn biết chút cảm giác của hạnh phúc khi mơ màng tìm về quá khứ, hình dung lại thành phố Nha Trang xưa, thời tôi mới lớn, những ngày cắp sách đến trường với từng khuôn mặt bạn bè vô tư trong sáng, nhìn đất trời và mọi người ai nấy cũng hiền hậu dễ thương. Và từ trong ký ức ấy, hình ảnh của Bích Hà lúc nào cũng hiện lên đậm nét. Tôi nghĩ Bích Hà đã lấy chồng và thầm cầu mong cho “O Huế” của tôi sẽ luôn có tròn hạnh phúc. Một cô con gái xinh đẹp, hiền lành phúc hậu như Bích Hà phải xứng đáng để được ông Trời dành cho vòng tay nâng niu, che chở, yêu thương
Hết chiến tranh ta lạc mất nhau
O cùng ai đó bước qua cầu?
Tôi bất ngờ thành người bại trận
Bước vô tù theo cuộc biển dâu
***
Từ khi đọc được email của chị Bích Vân, tôi nao nức đợi chờ, mong sớm đến chiều thứ bảy để gọi cho chị. Giọng nói của chị vẫn không hề thay đổi, cho dù đã hơn 45 năm tôi mới có dịp nghe lại giọng nói nầy của chị. Ấm áp, thân tình, làm tôi nhớ tới giọng nói của Bích Hà. Tôi thường trêu “cái giọng Huế của bồ làm khổ tôi rồi, bồ nói mà sao cứ như ru hồn người ta!”
Bỗng tôi bàng hoàng khi chị im lặng một vài giây, rồi xuống giọng như muốn nói nhỏ với riêng tôi“Bích Hà đã không còn trên cõi đời này nữa! Bài thơ em viết chị đã đọc trước bàn thờ cho nó nghe trong ngày giỗ thứ 37 của Bích Hà, đêm Giáng sinh tuần trước”
“O Huế” của tôi đã lẳng lặng bỏ đi, chỉ sau một cơn nhồi máu cơ tim. Bích Hà bất ngờ rời khỏi trần gian nhiều đớn đau phiền muộn này đúng vào đêm Giáng Sinh năm 1970, chỉ sáu tháng sau khi tu nghiệp một năm từ Tân Tây Lan trở về và dạy Anh văn cho một Trung Tâm Việt Mỹ. Hải, anh trai lớn của Bích Hà, người bạn hiền lành tốt bụng của tôi ngày ấy, sau này trở thành sĩ quan Pháo Binh và đã tử trận (mất xác) vào khoảng tháng 4 năm 1972 trong một trận chiến đẫm máu tại khu vực Cần Lê, gần An Lộc. Liên tiếp hai năm phải chịu hai cái tang con, mẹ của Bích Hà gần như kiệt sức, Bà cũng đã ra đi vào đầu năm 1975, sau một thời gian dài nằm trên giường bệnh, đúng vào lúc tình hình chiến sự ở miền Nam trở nên tồi tệ nhất. Điều uớc mong một lần trở về Huế, thăm lại quê hương, mồ mả mẹ cha, gia tộc, cuối cùng ông bà cũng không thực hiện được.
Nhờ giữ một chức vụ khá lớn trong Banque National De Paris (BNP), ngân hàng lớn nhất của Pháp tại Sài Gòn lúc ấy, nên trước ngày 30 tháng 4/75 chị Bích Vân đưa được ông cụ và Sơn, anh trai kế của Bích Hà sang Pháp. Ông cụ đã về hưu từ đầu năm 1970. Cũng kể từ đó ông bà dọn nhà về sống ở Sài Gòn. Khi đến Pháp ông đã khá lớn tuổi, cộng thêm nỗi buồn mất vợ, hai con và mất cả quê hương, ông trở nên trầm cảm, mất dần trí nhớ, rồi qua đời không lâu sau đó. Sơn thì kết hôn với cô bạn cũ, vượt biên cùng gia đình sang Úc, nên chàng ta cũng đã chọn Úc là quê hương cuối của đời mình. Riêng chị Bích Vân, lúc còn ở Sài Gòn, cũng vì hai cái tang em và gánh nặng phải lo toan cho bệnh tình của mẹ, tuổi già của cha, chị đã không lập gia đình. Mãi sau này, khi sang Pháp được bảy năm, chị mới kết hôn với một người Pháp, là bạn cũ của chị khi hai người cùng theo học ở Hautes Etudes Commerciales (HEC) Paris, từ những năm đầu thập niên 1960. Anh ta đã ly dị với người vợ trước và có một cô con gái.
Tối hôm ấy, khi được nói chuyện khá lâu với chị Bích Vân qua điện thoại, nghe tâm tình của chị, tôi có cảm giác những mất mát lớn lao của chị cũng là nỗi mất mát, đau đớn của chính tôi. Tôi trách ông Trời sao nỡ bất công với những con người phúc hậu dễ thương như ông bà cụ, như bạn Hải, và nhất là “O Huế”của tôi xưa.
Tôi đốt ba nén nhang, mở cửa bước ra balcon. NaUy đang mùa đông, tuyết rơi trắng xóa, trời đất và cả trong lòng tôi cũng ngập đầy băng giá. Hướng về phương Đông, tôi cầu nguyện và cám ơn Bích Hà đã để lại trong tôi hình bóng đẹp đẽ cùng giọng Huế dễ thương nhất của nàng.
***
Mùa Hè năm 2009, vợ chồng đứa con trai lớn mua vé rủ chúng tôi cùng đi tour năm ngày sang Nice, một thành phố biển nổi tiếng ở miền Nam nước Pháp. Tôi hăm hở nhận lời, mặc dù tôi đã từng đến đây vài lần rồi, nhưng vì biết chị Bích Vân đang sống ở đây, và tôi mong muốn có cơ hội được gặp lại chị. Chị rất vui mừng khi nghe tôi gọi, báo cho chị biết là chúng tôi đang có mặt tại Nice, và chỉ còn ở đây ba hôm nữa. Chị hỏi tên khách sạn chúng tôi ở và bảo là mười giờ sáng ngày mai anh chị sẽ lái xe đến đón. Nhà chị ở không xa lắm, khoảng một tiếng đồng hồ lái xe. Bà xã và đám con cháu tiếc nếu phải bỏ một tour du thuyền đến Monaco, nên chỉ có mình tôi nhận lời.
Anh chị ở trong ngôi nhà cổ, khá rộng. Đặc biệt anh chồng nói được tiếng Việt, dù không thạo lắm. Tóc của chị đã hoa râm, nhưng vẫn còn nguyên mái tóc thề ngày trước, khuôn mặt vẫn đầy đặn hồng hào và cả dáng dấp của chị vẫn phảng phất nét xinh đẹp, thanh lịch một thời. Sau khi ăn trưa bằng món bún bò Huế do chính chị nấu sẵn, tôi theo chị lên tầng trên. Nguyên một căn phòng lớn dùng để thờ Phật, nơi chị tụng kinh niệm Phật mỗi ngày, và một bàn thờ phía sau dành cho những người thân quá cố. Thoáng nhìn bốn tấm ảnh phóng lớn có cùng một kiểu khung trên bàn thờ, tôi nhận ra Bích Hà. Vẫn khuôn mặt khả ái, đôi mắt hiền từ ngày nào, đặc biệt với cái miệng rất duyên. Tôi xin phép thắp mấy nén hương. Đứng trước bàn thờ, lâm râm vài lời trong niềm xúc động. Nhìn thật lâu vào đôi mắt của Bích Hà, tôi có cảm giác như nàng đang nhìn tôi mỉm cười, tai tôi văng vẳng một giọng Huế rất dễ thương, quen thuộc một thời.
Trước khi đưa tôi về lại khách sạn, chị Bích Vân nhắc tới anh Thân Trọng Sỹ. Tôi cho biết là sau khi tốt nghiệp ở trường Luật, anh Sỹ được thực tập tại văn phòng một vị luật sư lớn tuổi, cũng là cậu họ của anh, nhưng chỉ một thời gian sau thì anh bị động viên vào Thủ Đức. Anh được chọn về phục vụ trong Ngành Quân Pháp. Lương ba cọc ba đồng và đời sống quân ngũ dường như không thích hợp, nên sau đó anh thi vào Khóa 1 Tham Vụ Ngân Hàng và ra làm Phó Giám Đốc, rồi sau đó là Giám đốc Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp Châu Đốc cho đến ngày mất nước. Anh vượt biển khi tôi còn đang ở trong tù, Được tàu Nhật vớt nên phải sang Nhật định cư một thời gian, rồi chán nản quá nên anh xin sang Mỹ. Trải qua nhiều khó khăn mới được Cơ quan Di Trú Mỹ chấp nhận. Hiện anh sống ở San Jose. Có điều, không biết có phải thất tình ai đó mà anh không chịu lấy vợ. Mãi một lần về Việt nam thăm gia đình, bị bà già la quá, hối phải lập gia đình để bà có cháu nội mà an lòng nhắm mắt. Sau đó, khi xuống Châu Đốc tìm thăm lại những nhân viên ngân hàng cũ của mình, anh làm đám cưới luôn với cô thư ký ngày xưa, vẫn ở vậy chưa chồng. Nghe nói lúc trước dường như hai người từng đã có tình ý với nhau. Lúc đám cưới anh đã gần năm mươi, nhưng may mắn hai vợ chồng có được một cháu trai. Cha già con mọn. Mỗi lần nói chuyện với tôi anh cứ than “lỡ nay mai tao đi sớm thì không biết ai lo cho thằng bé.” Nhưng chị vợ là người hiền hậu đảm đang, và bây giờ cháu cũng vừa lên High School rồi!
Để làm vơi đi không khí buồn bã, tôi trêu chị:
-Ngày xưa chị đẹp quá chừng. Em nghĩ là anh Sỹ si tình, chắc đã hứa cả một đời tôn thờ hình bóng chị. Sau ngày chị đi du học, anh ấy bắt đầu sống bất cần đời. Chị có nghĩ vì vậy mà anh ấy không chịu lấy vợ không?
Chị nở một nụ cười thật tươi. Lắc đầu.
***
Khi tôi ngồi viết lại những dòng này thì chị Bích Vân đã không còn trên cõi đời này nữa. Chị không có con, anh chồng tốt bụng thì cũng đã khá già, nhưng còn có đứa con gái riêng lo lắng cho anh. Tôi hình dung đến cái bàn thờ, có di ảnh Bích Hà trên đó. Không biết bây giờ ra sao, có ai thắp cho nàng một nén hương mỗi ngày và gõ cho nàng một hồi chuông vào tối những ngày rằm. Riêng tôi, nén hương đặc biệt ấy vẫn được đốt cháy mãi trong lòng mình.
Anh Thân Trọng Sỹ thì cũng vừa ra đi năm ngoái, sau một thời gian dài bị tai biến mạch máu não, và sống cả một cuộc đời vô ưu, thanh bạch. Anh mất âm thầm trong mùa dịch Covid-19, nên tang lễ chỉ tổ chức rất hạn hẹp trong gia đình. Tôi lại thêm một lần nữa nợ anh. Không có mặt để xin lỗi anh nhiều điều, và tiễn anh rời xa nhân thế. Anh ra đi bỏ lại người vợ hiền và đứa con mới chập chững vào đời. Anh cũng bỏ lại biết bao kỷ niệm buồn vui của hai anh em tôi, một thời đẹp đẽ nhất của Nha Trang. Cầu nguyện hồn anh được thanh thản, và ở một nơi xa xăm nào đó, nếu có dịp ngó lại trần gian này, xin anh vẫn nở nụ cười bao dung vui vẻ như ngày nào, cho dù thế gian này đã không mấy sòng phẳng với chính anh.
Cuối cùng, cũng sẽ đến lượt tôi. Rồi tất cả sẽ gặp lại nhau ở một thế giới khác, bình yên, không còn chiến tranh,hận thù, khổ đau, chia lìa mà chỉ còn có tình yêu thương miên viễn.
Phạm Tín An Ninh
(nhân ngày giỗ thứ 51 cùa Bích Hà)
(*)Trọn bài thơ “O Huế Ngày Xưa”: