Các sự kiện nổi bật ở Trung Quốc năm 2022

Christopher Balding

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) cùng với Thủ tướng Lý Khắc Cường và các thành viên Thường vụ Bộ Chính trị dự tiệc chiêu đãi tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 30/09/2021. (Ảnh: Greg Baker/AFP)

Dường như năm 2021 là một năm của hàng loạt các sự kiện đáng lo ngại tưởng chừng không bao giờ kết thúc ở Trung Quốc, từ sự cố hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán cho đến lũ lụt và cả COVID-19.

Tuy nhiên, tin tốt là năm 2022 hứa hẹn sẽ tốt đẹp hơn. Vậy những sự kiện và tin tức quan trọng mà chúng ta nên theo dõi trong năm 2022 là gì?

Tin tức trọng đại ở Trung Quốc vào năm 2022 là cuộc “bầu cử” được mong đợi của Chủ tịch Tập Cận Bình cho nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ, chính thức phá vỡ truyền thống của Đảng Cộng Sản sau Lãnh tụ Tối cao Mao Trạch Đông. Mặc dù hiến pháp Trung Quốc đã được thay đổi, cho phép ông Tập tái tranh cử, nhưng vẫn chưa có thông tin chính thức nào về việc liệu ông ta có tham gia tái tranh cử hay không. Đã có sự bất bình âm ỉ kín đáo về hành động phá vỡ truyền thống của Đảng này và sự cai trị bằng chủ nghĩa chuyên chế hà khắc của ông Tập. Nhiệm kỳ thứ ba sẽ củng cố sự kìm kẹp của ông ta đối với Trung Quốc và Đảng, báo hiệu hướng đi của Trung Quốc.

Nợ luôn là chủ đề gần như không đổi ở Trung Quốc, nhưng năm 2022 mang đến một vài bước ngoặt độc đáo cho câu chuyện cũ kỹ này. Đây sẽ là một năm “bầu cử” ở Trung Quốc, giai đoạn mà Bắc Kinh tăng đáng kể các khoản vay và gói [kinh tế] từ chính phủ, nhằm bảo đảm sự ủng hộ của người dân. Đi đôi với vấn đề này là lĩnh vực bất động sản đang trên bờ vực sụp đổ và chính quyền địa phương nợ nần chồng chất, một nền kinh tế trì trệ mà các quan chức đã hứa hẹn sẽ hỗ trợ, và cách mà các quan chức đưa ra quyết định để quản lý sự cân bằng đó sẽ là sự kiện chính của năm 2022.

Kỳ vọng rằng Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh sẽ là một thời khắc quan trọng đối với chính trị. Do vấp phải các cuộc tẩy chay ngoại giao từ nhiều quốc gia đối với Thế vận hội vào tháng Hai này, Trung Quốc đang tìm cách tổ chức thành công một sự kiện hoàn hảo và êm đẹp. Với việc các nhà ngoại giao Hoa Kỳ tháp tùng các vận động viên tới Bắc Kinh để bảo đảm an toàn cho họ và đài NBC – đài truyền hình [phụ trách đưa tin về] Thế vận hội của Hoa Kỳ, nghe có vẻ giống với CCTV hơn là một kênh truyền thông Tây phương – các quan chức hy vọng sẽ không có trở ngại lớn nào. Tuy nhiên, các cuộc tẩy chay do Hoa Kỳ dẫn đầu và dự luật lao động cưỡng bức được thông qua gần đây đang làm lu mờ một chiến dịch quan hệ công chúng toàn cầu như vậy, bất kỳ sự kiện nhỏ nào cũng có thể trở thành một vấn đề lớn đối với Bắc Kinh.

Người biểu tình giương cao biểu ngữ và bích chương trong một cuộc biểu tình ở Sydney nhằm kêu gọi chính phủ Úc tẩy chay Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 vì hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, hôm 23/06/2021. (Ảnh: Saeed Khan/AFP/Getty Images)

Mùa xuân và mùa hè sẽ là những mùa thích hợp cho công việc xây dựng, là thời điểm quan trọng để theo dõi vì 30% [thu nhập của] nền kinh tế Trung Quốc gắn liền với bất động sản và cơ sở hạ tầng. Việc tích trữ quặng sắt và những lời tuyên bố của cơ quan quản lý ngân hàng cho thấy họ kỳ vọng rằng ngành xây dựng sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giúp Trung Quốc ổn định, nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào quý IV. Đặc biệt là khi nguồn thu của chính quyền địa phương phụ thuộc nhiều vào việc bán đất đai đã thấp hơn nhiều so với dự kiến vào nửa cuối năm 2021, việc ngành bất động sản phát triển ra sao trong năm 2022 sau một năm 2021 tồi tệ, sẽ tác động đến việc người tiêu dùng và ĐCSTQ (Trung Cộng) nhìn nhận như thế nào về thành quả của họ.

Cuộc chiến không ngừng nghỉ về việc niêm yết các doanh nghiệp Trung Quốc ở hải ngoại sẽ diễn ra vào năm 2022. Giới lãnh đạo Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp Trung Quốc phải tuân thủ hoặc đối mặt với việc bị hủy niêm yết, trong khi Bắc Kinh buộc các công ty Trung Quốc phải niêm yết nhiều hơn tại các khu vực pháp lý thân thiện như Hồng Kông. Trung Quốc vừa có hai năm thu nhập cao nhờ xuất cảng, rủng rỉnh đồng USD, nhưng các công ty Trung Quốc cần có nguồn ngoại tệ mạnh để mở rộng hơn ở hải ngoại và được tự do hơn lại không mấy quan tâm đến những ràng buộc của việc niêm yết tại Trung Quốc. Cách thức mà Hoa Kỳ và Trung Quốc quản lý hoạt động kinh doanh cũng như chiến lược ngoại giao sẽ là điểm mấu chốt khi đồng hồ điểm đến thời khắc hủy bỏ niêm yết.

Ngoài những sự kiện cụ thể, chúng ta cần theo dõi xu hướng chính ở Trung Quốc — việc tăng cường chủ nghĩa độc tài và hành vi hiếu chiến chống lại những kẻ được coi là chống đối — diễn ra như thế nào vào năm 2022. Một thực tế đơn giản là, dưới ách cai trị của ông Tập, Trung Quốc ngày càng trở nên chuyên chế về công nghệ, cùng với chính sách ngoại giao ngày càng hung hăng và bành trướng hơn ở hải ngoại.

Trong nước, những sự kiện đáng chú ý sẽ là sự gia tăng các cuộc tranh chấp chính trị và bắt giữ những người được coi là phản nghịch, còn những kẻ trung thành được bố trí vào các chức vụ mới. Mặc dù ông Tập có thể thực sự rất được lòng dân chúng vì một số thành tựu, nhưng mối lo ngại sâu sắc về hướng đi của Trung Quốc vẫn tồn tại. Như việc chúng ta đã chứng kiến các cuộc đàn áp đối với các công ty công nghệ và có vẻ như giới lãnh đạo đang đặt họ dưới sự bảo trợ của nhà nước, vậy cuộc đàn áp tiếp theo sẽ là gì để có thể mở rộng sự kiểm soát của nhà nước đối với tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của người dân và sự vận hành của các công ty? Việc nhà cầm quyền này ngày càng mở rộng quyền kiểm soát lên tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của người dân và các sự kiện sắp tới sẽ vẫn là các tin tức nổi bất nhất đang diễn ra ở đại lục.

Trên bình diện quốc tế, những sự kiện nổi bật sẽ tập trung vào mức độ đe dọa của Trung Cộng đối với các nước khác là như thế nào. Từ sự gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc khi [cho chiến đấu cơ] bay vòng quanh Đài Loan, cho đến việc yêu cầu các doanh nghiệp của Đức ngừng hợp tác với các doanh nghiệp của Lithuania, Bắc Kinh đã tuyên bố ý định của mình nhằm yêu cầu các công ty, các cá nhân và ngay cả các quốc gia khác đều phải tuân thủ [theo chỉ lệnh của mình] – dù là ở Trung Quốc hay trên toàn cầu. Trong khi có một vài quốc gia phản đối, thì các cường quốc chủ chốt như Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Châu dường như không có hành động gì đáng kể ngoài việc đưa ra các thông cáo báo chí về mối bận tâm này.

Về căn bản, dù những năm qua đã đánh dấu những sự kiện náo động – từ cựu Tổng thống Donald Trump cho đến Hồng Kông – thì năm 2022 hứa hẹn những chủ đề tương tự cùng với một số thay đổi, cũng như cho thấy có rất ít dấu hiệu để xoa dịu những căng thẳng đã đưa chúng ta đến đây.

Ông Christopher Balding từng là giáo sư tại Đại học Fulbright Việt Nam và Trường Kinh doanh HSBC thuộc Trường Cao học Đại học Bắc Kinh. Ông là chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, thị trường tài chính và công nghệ. Là thành viên cao cấp của Hội Henry Jackson, ông từng sinh sống ở Trung Quốc và Việt Nam trong hơn một thập kỷ trước khi chuyển đến Hoa Kỳ.

Doanh Doanh biên dịch

Related posts