Tin thế giới chiều Chủ Nhật

Hội đồng Imam Toàn cầu cấm người Hồi giáo tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh

Cao Dương

Tổ chức Ký giả không biên giới (RSF) giăng biểu ngữ với 5 vòng tròn Olympic biến thành còng tay, trên đại lộ Champs-Élysées, khi ngọn đuốc cho Olympic Bắc Kinh được rước qua Paris. (Prakhar Amba / Wikimedia Commons)

Hội đồng các nhà lãnh đạo trong Hồi giáo này tuyên bố ủng hộ việc tẩy chay Thế vận hội Mùa đông tại Bắc Kinh, vì chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền cơ bản của người Duy Ngô Nhĩ — đa số là người Hồi giáo dòng Sunni.

Hội đồng Imam Toàn cầu (GIC) gồm các nhà lãnh đạo trong Hồi giáo, vào 30/12 đã cấm những người Hồi giáo tham gia và tham dự Thế vận hội mùa đông 2022 ở Bắc Kinh, với lý do chính quyền Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương, tây bắc Trung Quốc.

GIC là tổ chức phi chính phủ xuyên quốc gia đầu tiên và lớn nhất trên thế giới của các nhà lãnh đạo tôn giáo trong Hồi giáo, từ tất cả các giáo phái và trường phái tư tưởng Hồi giáo, với hơn 1.300 thành viên trên toàn thế giới, trang web của tổ chức này cho hay.

Trong một tuyên bố hôm 06/01 có tiêu đề “Tuyên bố của GIC về Thế vận hội Mùa đông 2022”, Chủ tịch GIC là Imam Mohammad Baqir al-Budairi nói rằng, Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh “trực tiếp phục vụ cho lợi ích của một chế độ chuyên chế và áp bức. Chế độ này chịu trách nhiệm trong nạn diệt chủng và thanh lọc sắc tộc người Duy Ngô Nhĩ”. 

“Hội đồng Imam Toàn cầu quy định rằng việc tham gia và tham dự Bắc Kinh 2022 bị cấm”, ông viết.

“Chúng tôi ủng hộ và đoàn kết với những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp. Chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục vi phạm các quyền con người cơ bản của người Hồi giáo Trung Quốc, thông qua áp bức, tra tấn và thông qua chế độ độc tài”, chủ tịch GIC nói thêm trong lá thư của mình.

Động thái này diễn ra sau khi chính quyền Biden tháng trước tuyên bố tẩy chay ngoại giao Mỹ đối với Thế vận hội Olympic mùa đông 2022 ở Bắc Kinh, với lý do cuộc khủng hoảng nhân quyền ở Tân Cương đang xảy ra do chính quyền Trung Quốc. Mỹ sẽ không cử một phái đoàn chính thức đến sự kiện này, mặc dù các vận động viên Mỹ vẫn sẽ được phép thi đấu.

Chính quyền Trung Quốc đã bị cáo buộc phạm tội diệt chủng và vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở vùng Tân Cương. Chính quyền này đã bác bỏ những cáo buộc trên, bao gồm cả cáo buộc lao động cưỡng bức tại khu vực đó.

Những người Duy Ngô Nhĩ từng bị giam giữ trước đây đã chia sẻ với tờ Epoch Times rằng, họ đã chịu tra tấn, bị buộc phải từ bỏ đức tin của mình, và buộc phải trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong khi bị giam giữ không rõ lý do trong những nơi thường đông nghịt người. 

Người Duy Ngô Nhĩ — đa số là người Hồi giáo dòng Sunni — cùng với các dân tộc thiểu số khác như người Tây Tạng — phần lớn theo đạo Phật — cũng như các tín đồ của các tín ngưỡng khác, chẳng hạn như các tín đồ Thiên chúa giáo và các học viên Pháp Luân Công, đã bị ĐCSTQ và các chính sách xã hội vô thần của nó nhằm vào từ lâu, mục đích là để tẩy não họ thông qua việc “giáo dục lại tư tưởng”.

“Chúng tôi hoan nghênh việc ngày càng có nhiều tổ chức tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh 2022, và tái khẳng định tình đoàn kết của chúng tôi với Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới. Ngoài ra, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn tới nhiều nhà lãnh đạo tín ngưỡng và các tổ chức tôn giáo, những người đã bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với người Hồi giáo đang hứng chịu thảm họa”, tuyên bố của GIC kết luận.

Cao Dương

Theo The Epoch Times

Tokyo ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới tăng gấp 15 lần chỉ trong 1 tuần

Chính quyền thủ đô Tokyo (Nhật Bản) cho biết số ca mắc COVID-19 mới tại thành phố này trong ngày 8/1 lên mức 1.224 ca, qua đó tăng gấp 15 lần trong 1 tuần và là mức cao nhất kể từ ngày tháng 9/2021, trong khi nhiều khu vực khác cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục. Đây có thể được xem là dấu hiệu cho thấy quốc gia này đang bước vào làn sóng dịch bệnh thứ 6 trong bối cảnh biến thể Omicron vẫn đang tiếp tục lây lan.
số ca mắc COVID-19

Không chỉ Tokyo, một số khu vực khác của Nhật Bản, trong đó có tỉnh Okinawa và Hiroshima cũng ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới trong 1 ngày ở mức cao kỷ lục. Cụ thể, chính quyền Okinawa thông báo số ca mắc mới tại địa phương này ở mức cao nhất ngày thứ 3 liên tiếp, với 1.759 ca, trong khi tỉnh Hiroshima dự kiến số ca mắc mới tiếp tục ghi nhận mốc “kỷ lục buồn” trong ngày 8/1, với số ca mắc mới có thể vượt 500 ca.

Theo kế hoạch, từ ngày 9/1, Okinawa, Hiroshima và tỉnh Yamaguchi sẽ áp đặt tình trạng khẩn cấp và biện pháp phòng dịch trọng điểm, theo đó, các quán bar, nhà hàng sẽ rút ngắn thời gian hoạt động và ngừng phục vụ đồ uống có cồn.

Giới chức 3 tỉnh này nghi ngờ rằng sự lây lan dịch bệnh trong các căn cứ của Mỹ góp phần khiến số ca nhiễm tại địa phương tăng mạnh.

Theo hãng tin Kyodo News, lực lượng Mỹ tại Okinawa ghi nhận thêm 302 trường hợp nhiễm COVID-19 trong ngày 8/1, qua đó nâng tổng số lên 4.583 ca.

Các nhân viên của quân đội Mỹ tại Nhật Bản trước đây được miễn xét nghiệm COVID-19. Tuy nhiên, một loạt vụ lây nhiễm tại một trong những căn cứ ở Okinawa vào tháng 12/2021 buộc Chính phủ Nhật Bản yêu cầu quân đội Mỹ áp dụng các biện pháp hạn chế mạnh tay hơn, đồng thời ban lệnh giới nghiêm.

Theo Kyodo News,

Phan Anh

Lời ông Tập gửi Tổng thống Kazakhstan cho thấy một nỗi sợ hãi

Ban Mai

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: Từ video của Youtube/Guardian News).

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã gửi “thông điệp” tới Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, nói rằng cuộc đàn áp người biểu tình của Tokayev là “có trách nhiệm” và những người chống chính phủ Kazakhstan đang muốn thực hiện “cách mạng màu”.

Cách mạng màu là cụm từ để chỉ những phong trào chính trị nổi lên tại một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ hay xuất hiện trong những năm đầu thập niên 2000. Những phong trào chính trị này thường lấy tên một màu sắc hay một loại cây, hoặc bông hoa tiêu biểu.

Trong những cuộc cách mạng màu, những người tham gia đấu tranh bất bạo động để đối phó với chính quyền mà họ xem là tham ô hay độc tài.

Reuters đưa tin, trong thông điệp gửi tới Tổng thống Tokayev, ông Tập Cận Bình nói rằng, ĐCSTQ sẵn sàng làm hết sức mình để cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho phía Kazakhstan, để giúp chính phủ Kazakhstan vượt qua những khó khăn.

Ông Tập cũng nói rằng những gì đã xảy ra ở Kazakhstan là “công việc nội bộ” của nước này, và lãnh đạo ĐCSTQ bày tỏ niềm tin rằng các nhà chức trách Kazakhstan “có thể giải quyết vấn đề một cách hợp lý”.

Hiện chưa rõ có mối liên hệ nào giữa thông điệp của ông Tập với lời đe dọa “bắn mà không cần báo trước” của Tổng thống Kazakhstan hay không.

Một bài phân tích của “Đài phát thanh Pháp” chỉ ra rằng từ bài phát biểu trên truyền hình của Tổng thống Kazakhstan ngày 7/1, có thể thấy rằng “chống khủng bố” là lý do để tổng thống Tokayev leo thang đàn áp và bắn không báo trước, nhưng đối với Tập Cận Bình, “cách mạng màu” mới là lý do để đàn áp, nêu bật “cách mạng màu” là điều cấm kỵ đối với giới cầm quyền Trung Quốc.

Tờ “Le Figaro” của Pháp bình luận hôm thứ 8/1 rằng: Sau Belarus, những người Kazakhstan xuống đường phản đối giá xăng tăng cũng đang chuẩn bị phá bỏ bức tượng của nhà độc tài mà trước đây được họ coi là việc không thể thực hiện. Trên thực tế, dù ở Georgia, Armenia, Belarus, Ukraine hay Kazakhstan, những người nổi dậy dân sự đều thể hiện mong muốn có thêm tự do cho người dân và quyết tâm đoạn tuyệt với các nhà lãnh đạo tham nhũng.

Trần Quang Thành, một luật sư nhân quyền nổi tiếng của Trung Quốc, nói rằng Kazakhstan và ĐCSTQ có cùng một thói quen trong việc giải quyết những cuộc biểu tình. Có thể thấy rằng người dân Kazakhstan đã chán ghét chính quyền từ lâu, thậm chí tới mức căm thù họ sâu sắc. Rất hiếm người dân muốn dứt khoát đoạn tuyệt với chế độ độc tài và đứng lên tuyên chiến với nó, sự can đảm thường có tính lan truyền mạnh này là điều mà chính quyền Tập Cận Bình sợ hãi nhất. Với sự can thiệp của Nga và các nước, các cuộc biểu tình ở Kazakhstan có thể thất bại, tuy nhiên sự kiện lớn đầu tiên trong năm 2022 là nhằm vào những thế lực độc tài, có tác dụng răn đe rất lớn đối với những thế lực như vậy, trong đó có ĐCSTQ.

Theo Creaders

Trận động đất mạnh làm rung chuyển miền tây Trung Quốc

Eva Fu

Một mái nhà (bên trái) và tường bị hư hại sau trận động đất mạnh 6.9 độ Richter ở huyện Môn Nguyên, thuộc tỉnh Thanh Hải, phía tây bắc của Trung Quốc, hôm 08/01/2022. (Ảnh: Được cung cấp cho The Epoch Times)

Một trận động đất mạnh xảy ra trong đêm đã làm rung chuyển hai tỉnh ở miền tây Trung Quốc, gây hư hỏng đường hầm, buộc tuyến đường sắt cao tốc phải tạm ngừng hoạt động.

Có bốn người bị thương nhẹ ở huyện Môn Nguyên của tỉnh Thanh Hải, các quan chức cho biết trong một cuộc họp báo. Bốn người này đã được điều trị và xuất viện.

Trận động đất mạnh 6.9 độ Richter này đã xảy ra lúc 1 giờ 45 phút sáng tại một vùng núi phía tây bắc tỉnh Thanh Hải, cao hơn mực nước biển 12,000 feet (3659m). Cách 85 dặm (140km) về phía đông nam ở Tây Ninh, thủ phủ của tỉnh này, vẫn có thể cảm nhận được trận động đất.

Các video đã được chia sẻ lên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy rất nhiều người bước ra khỏi tòa nhà của họ và trùm lên một tấm chăn. Đàn gia súc giật mình nhảy lên và chạy trong chuồng của chúng; đồ đạc và đèn trần lắc lư dữ dội, và các ngôi nhà bị hư hại bao gồm cửa sổ bị vỡ và phần trần nhà bị đổ sập.

Một video giám sát của một người dân địa phương cho thấy có ánh sáng chói lọi chiếu sáng đường chân trời ngay trước trận động đất này.

Ông Mã Văn Hùng (Ma Wenxiong – bí danh), một cư dân từ thị trấn Thanh Thạch Trớ ở Thanh Hải, nói với The Epoch Times: “Chúng tôi không có thời gian để mặc quần áo và chỉ chạy ra để giữ lấy mạng của mình.” Họ không quay trở lại trong nhà trong vòng nhiều giờ bất chấp nhiệt độ lạnh dưới 14 độ F (-10 độ C).

Ông nhớ mình đã nghe thấy những âm thanh ầm ầm từ ngôi nhà khung gỗ đang rung chuyển. Tuy nhiên, may mắn cho ông, là ngôi nhà mới xây dựng này đã trụ vững trong trận động đất này. Nhà hàng xóm của ông đều có những vết nứt trên tường và cửa sổ. Tường của một trong những ngôi nhà hàng xóm của ông đã bị đổ sập.

Ông nói, “Nếu nó diễn ra trong 10 giây nữa, thì tất cả các ngôi nhà đó sẽ sụp đổ hết.”

Tính đến 2 giờ chiều hôm 08/01, ông Mã đã đếm được tổng cộng 8 vụ chấn động sau trận động đất này.

Ông cho biết: “Chúng tôi luôn mở rộng cửa để có thể chạy ra bất cứ lúc nào.”

Trận động đất tương tự cũng làm rung chuyển tỉnh Cam Túc gần đó, dẫn đến việc đóng cửa tạm thời của 16 mỏ than.

Tại thành phố Trương Dịch, nơi xảy ra trận động đất này, ít nhất 4830 ngôi nhà đã bị nứt hoặc tường đổ nát, theo các quan chức địa phương, đã ước tính tổng thiệt hại kinh tế vào khoảng 81.7 triệu nhân dân tệ (12.8 triệu USD).

Tỉnh này cũng đã ghi nhận có 35 con gia súc bị chết, nhưng cho biết không có người nào bị thương hoặc tử vong.

Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại eva.fu@epochtimes.com.

Thanh Tâm biên dịch

Moscow phản ứng giận dữ khi ngoại trưởng Mỹ nói Kazakhstan khó ‘đuổi’ lính Nga

Bạo loạn ở Kazakhstan

Giới chức Nga hôm thứ Bảy (8/1) đã phản ứng cực kỳ tức giận về tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rằng Kazakhstan có thể sẽ gặp khó trong việc loại bỏ lính Nga.

Ngoại trưởng Blinken hôm thứ Sáu (7/1) đã phản bác biện giải của Nga về việc điều quân đội tới Kazakhstan sau khi quốc gia Trung Á từng thuộc Liên Xô bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình quần chúng trên toàn quốc.

“Một bài học lịch sử gần đây là một khi người Nga ở trong nhà của bạn, thì đôi khi rất khó để mời họ rời đi”, ông Blinken nói.

Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Nga đã lên án phát biểu của ông Blinken là “kiểu tấn công điển hình” và cáo buộc nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ đang nói dối về những sự kiện kịch tính tại Kazakhstan. Bộ Ngoại giao Nga nói rằng Washington nên phân tích quá trình chính họ can thiệp vào các nước như Việt Nam và Iraq.

“Nếu Antony Blinken yêu thích các bài học lịch sử nhiều đến vậy, thì ông ta nên xem xét đến điều này: khi người Mỹ ở trong nhà của bạn, thì bạn khó có thể sống yên ổn mà không bị cướp bóc hay hãm hiếp”, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố trên tài khoản Telegram của cơ quan này.

“Chúng ta đã được dạy về điều này không chỉ ở quãng thời gian gần đây mà còn là cả chiều dài 300 năm lịch sử nước Mỹ”, Bộ Ngoại giao Nga nói thêm.

Bộ Ngoại giao Nga khẳng định việc triển khai quân đội vào Kazakhstan là phản ứng hợp pháp theo yêu cầu được trợ giúp từ quốc gia Trung Á, phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).

CSTO là liên minh an ninh do Nga lãnh đạo được thành lập năm 1992 sau khi Liên Xô sụp đổ. 6 thành viên của liên minh này gồm: Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, và Tajikistan.

Theo hãng tin RT (Nga), CSTO đã triển khai gần 3000 quân tới Kazakhstan hôm thứ Năm (6/1) và thứ Sáu (7/1). Mục tiêu chính của lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO là bảo vệ “các cơ quan chính phủ và các cơ sở chiến lược”. Binh lính của CSTO cũng sẽ giúp lực lượng an ninh địa phương “duy trì trật tự” đất nước, theo tuyên bố của Tổng thư ký CSTO Stanislav Zas.

Các quan chức CSTO hứa rằng binh lính của lực lượng này sẽ không tham gia đối đầu trực tiếp với người biểu tình và những kẻ bạo loạn. Nhiệm vụ đó sẽ tiếp tục do lực lượng an ninh Kazakhstan đảm nhiệm.

RT dẫn lời ông Stanislav Zas cho biết binh lính CSTO sẽ ở lại Kazakhstan đến chừng nào đất nước này vẫn cần trợ giúp. Nhưng vị quan chức này cũng nói lực lượng CSTO triển khai tới Kazakhstan là trong “khoảng thời gian ngắn”.

Việc Nga đổ quân vào Kazakhstan thông qua khối liên minh CSTO trong đúng thời điểm cẳng thẳng giữa Moscow và phương Tây đang leo thang mạnh mẽ liên quan đến vấn đề Ukraine.

Moscow thời gian gần đây đã triển khai hàng chục nghìn quân tới khu vực biên giới giáp Ukraine. Mỹ và phương Tây cáo buộc Nga đang chuẩn bị tấn công xâm lược Ukraine, nhưng Moscow phủ nhận điều này.

Trong tuần tới, sẽ diễn ra liên tiếp các cuộc đàm phán an ninh giữa Nga với Mỹ, NATO và các quốc gia châu Âu khác tại Thụy Sĩ, Bỉ và Áo.

Xuân Thành

Tây An: Chính quyền gây phẫn nộ vì từ chối chăm sóc bệnh nhân nguy kịch giữa phong tỏa

Eva Fu

Nhân viên an ninh đi bộ trong một khu vực bị hạn chế sau đợt bùng phát COVID-19 mới đây ở thành phố Tây An, thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, hôm 22/12/2021. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Vào ngày đầu năm mới ở thành phố bị phong tỏa Tây An, Trung Quốc, một người phụ nữ mang thai tám tháng bị sẩy thai trong khi chờ đợi trong cái lạnh đóng băng bên ngoài bệnh viện. Cô đã bị từ chối nhập viện vì kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính của cô đã không còn hợp lệ từ một vài giờ trước.

Một tay đỡ bụng khi cô dựa vào mép một chiếc ghế đẩu nhỏ màu hồng bên ngoài bệnh viện Cao Tân Tây An. Máu chảy xuống, tạo thành một vũng nhỏ màu đỏ dưới chân cô.

“Chờ đã” — là câu trả lời cộc lốc từ các quan chức bệnh viện khi được một nhân viên hỏi về người phụ nữ, theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc.

Người phụ nữ buộc phải tiếp tục ngồi chờ trong hai giờ đồng hồ, và khi bệnh viện cuối cùng đồng ý và đưa cô vào cấp cứu thì đã quá muộn. Người phụ nữ đã mất đứa con của mình.

Những gì cô ấy trải qua đã được quay lại trong một đoạn video đăng trên Weibo, phiên bản Twitter của Trung Quốc. Đoạn video đã thổi bùng lên cơn tức giận và xót xa từ phía người dân Tây An, thành phố đã cô lập tất cả cư dân ở nhà của họ kể từ ngày 23/12 khi chật vật ứng phó với số ca nhiễm COVID-19 gia tăng.

Trong hai tuần qua, các cư dân phẫn uất đã xuất hiện khắp nơi trên nguồn cấp tin tức của các mạng xã hội Trung Quốc với những lời khẩn cầu thực phẩm và đồ thiết yếu, gây ra sự phẫn nộ trong công chúng và gia tăng nghi ngờ về tính bền vững của sách lược đã kéo dài hai năm của chính quyền Trung Quốc — không dung nạp bất cứ ca nhiễm nào bằng bất kể giá nào — được biết đến với tên gọi “zero COVID”.

“Ở Tây An ngày nay, bạn có thể chết đói hoặc chết bệnh, nhưng bạn không thể chết vì COVID-19,” một nhà bình luận trực tuyến viết.

Hàng chục câu chuyện tương tự như câu chuyện của thai phụ kia cũng đã được chia sẻ trên mạng xã hội. Một trong số đó là [câu chuyện về] một phụ nữ có cha bị đau ngực cấp tính hôm 02/01. Cô đã gọi đến đường dây nóng khẩn cấp nhưng được thông báo rằng họ không chắc khi nào có thể thu xếp xe cấp cứu. Khi người cha 61 tuổi của cô được phép vào viện tám giờ sau đó, tình trạng của ông đã trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Ông bị rách động mạch chủ, một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng; ông đã qua đời ngay sau đó.

“Tôi không thể tưởng tượng được sự tuyệt vọng và đau đớn mà bố tôi đã phải trải qua trong vài giờ cuối cùng của cuộc đời mình,” cô viết.

Một cái chết tương tự cũng đã xảy ra khi một người đàn ông 39 tuổi bị nhồi máu cơ tim bị ba bệnh viện từ chối vì không đưa ra được một hồ sơ xét nghiệm virus âm tính. Có lúc, anh bị đau đến mức phải đập đầu vào tường. Bệnh viện thứ tư đã tiếp nhận anh sau khi anh có kết quả xét nghiệm. Một bác sĩ nói với bạn của người đàn ông, người đã ghi lại cuộc trò chuyện này trong một đoạn video, rằng anh đã không còn thở và không còn nhịp tim nữa khi anh được đưa lên giường bệnh.

Trong khi đó, một cụ ông bị huyết áp cao cho biết họ của mình là Lin nói với hãng thông tấn NTD, chi nhánh của The Epoch Times, rằng ông đã bị chặn ở trạm kiểm soát trong khu phố của mình khi cố đến bệnh viện lấy thuốc.

“Họ miễn cưỡng cho tôi ra ngoài sau khi tôi tranh cãi với họ trong 40 phút,” ông nói hôm 06/01. Các phương tiện đi lại đã bị cấm, vì vậy cụ ông gần 80 tuổi này đã phải chiến đấu với cơn chóng mặt để đi bộ trong 40 phút. Ông đến bệnh viện với kết quả đo huyết áp cho thấy ông có nguy cơ đột quỵ cao.

“Đó quả là một sự dày vò,” ông nói.

Áp lực dư luận đã buộc các quan chức phải nới lỏng một số chính sách của họ. Cha mẹ của một cậu bé 7 tuổi mắc bệnh bạch cầu, người có đợt hóa trị giai đoạn 3 bị trì hoãn trong một tuần, đã tìm cách đặt lịch hẹn nhập viện cho cậu bé sau khi lời cầu khẩn công khai của họ thu hút sự chú ý rộng rãi.

Một người dùng Weibo cho biết: “Điều kinh khủng hơn cái chết là đến trước bệnh viện và chờ đợi cái chết.”

Phản ứng của các nhà chức trách Trung Quốc dường như chỉ là việc tạo ấn tượng cho hình ảnh của họ.

Đối với trường hợp của người phụ nữ mang thai, chính quyền ở Tây An đã nhanh chóng hành động sau khi một video về cô thu hút hàng chục triệu lượt xem trên blog nhỏ Weibo của Trung Quốc. Hai trưởng khoa của bệnh viện đã bị sa thải, và một tổng giám đốc bị đình chỉ chức vụ.

Các quan chức thành phố, sau khi kết thúc một cuộc điều tra, đã nói trong một cuộc họp báo rằng vụ việc là “một tai nạn do sơ suất.”

Nhưng những hành động tiếp theo của các nhà kiểm duyệt Trung Quốc đã khiến một số người nhận thấy rằng chính quyền này dường như quan tâm đến việc duy trì hình ảnh của mình hơn là giúp đỡ bất kỳ ai.

Tài khoản Weibo của cháu gái người phụ nữ này, người đăng video trên, đã biến mất trong vòng một ngày.

“Ghê thật,” một người dùng Weibo đã viết sau khi nhận thấy việc xóa [tài khoản]. “Họ có thể giải quyết mọi thứ bằng cách bịt miệng mọi người.”

Con gái của bệnh nhân đau tim qua đời vào ngày 02/01 nói với NTD rằng Bệnh viện Trung tâm Y tế Quốc tế Tây An, nơi điều trị cho cha cô, đã liên lạc với cô và bảo cô “không được tùy tiện đăng các thứ lên mạng.” Bệnh viện vẫn chưa hồi đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times tính đến thời điểm phát hành bản tin này.

Sáng sớm ngày 05/01, một số cư dân địa phương đã nhận được một “thông báo quan trọng” trên WeChat, một nền tảng nhắn tin phổ biến khác của Trung Quốc, cảnh báo rằng các nhóm trò chuyện của họ đang bị tích cực theo dõi, theo ảnh chụp màn hình được chia sẻ với Đài Á Châu Tự do (RFA). Thông báo này nêu rõ, “tin đồn” và các video liên quan đến bùng phát dịch bị cấm tuyệt đối trong các cuộc trò chuyện, đồng thời cho biết thêm rằng bất kỳ sự lan truyền nào của “tin tức tiêu cực” sẽ dẫn đến đình chỉ tài khoản.

Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại eva.fu@epochtimes.com.

Minh Ngọc biên dịch

Related posts