Công ty dạy thêm lớn nhất Trung Quốc sa thải 60.000 nhân viên, bồi hoàn 20 tỷ NDT

Minh Anh

Công ty dạy thêm lớn nhất Trung Quốc sa thải 60.000 nhân viên, bồi hoàn 20 tỷ NDT
Ông Du Mẫn Hồng, người sáng lập công ty dạy thêm lớn nhất Trung Quốc Tân Phương Đông. (Ảnh VCG / VCG qua Getty)

Chính sách “cắt giảm kép” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành giáo dục Đại lục. Mới đây, ông Du Mẫn Hồng (Yu Minhong), người sáng lập công ty dạy thêm quy mô lớn nhất Trung Quốc Tân Đông Phương tiết lộ rằng, công ty này đã chi 20 tỷ nhân dân tệ cho các việc như hoàn tiền học phí, bồi thường chi phí sa thải nhân viên, v.v.

Hôm 8/1, ông Du Mẫn Hồng cho biết trên tài khoản WeChat công chúng “Laoyuxianhua” rằng, sau khi chính quyền đưa ra chính sách cắt giảm kép, giá trị thị trường của Tân Đông Phương giảm 90%, doanh thu giảm 80% và buộc phải cho nghỉ việc 60.000 nhân viên. Khoản chi cho việc hoàn học phí, tiền thuê địa điểm dạy học, v.v. lên đến 20 tỷ nhân dân tệ.

Tân Đông Phương được thành lập tại thôn Trung Quan, Bắc Kinh vào ngày 16/11/1993. Khi đó sinh viên Trung Quốc đang rộ lên làn sóng ra nước ngoài, Tân Đông Phương nhanh chóng trở thành cơ sở đào tạo TOEFL và IELTS lớn nhất Trung Quốc. Sau đó công ty này không ngừng mở rộng phạm vi kinh doanh, bao gồm đào tạo tiếng Anh và dạy thêm ngoài giờ cho mọi lứa tuổi, các khóa luyện thi, đào tạo ngôn ngữ, v.v. và trở thành cơ sở đào tạo giáo dục lớn nhất ở Trung Quốc. Đây cũng là công ty giáo dục đầu tiên của Trung Quốc được niêm yết cổ phiếu tại Hoa Kỳ.

Vào tháng 7 năm ngoái, ĐCSTQ đã ban hành chính sách “cắt giảm kép” với lý do “giảm nhẹ gánh nặng bài tập về nhà cho học sinh và đào tạo ngoài trường”, đồng thời yêu cầu ngành dạy thêm cần đăng ký như một tổ chức phi lợi nhuận. Chính sách này đã khiến các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài trường ở Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề. Sau đó, Tân Đông Phương buộc phải ngừng dạy các môn bổ túc ở giai đoạn giáo dục bắt buộc.

Tháng 9 năm ngoái, Tân Đông Phương đã đóng cửa công ty con, đồng thời bắt đầu hoàn tiền học phí cho học viên và bồi thường chi phí cho việc sa thải nhân viên.

Ông Du cho biết trong bài viết rằng, bắt đầu từ năm 2022, Tân Đông Phương quyết định tăng cường đầu tư vào thị trường sinh viên đại học và thị trường tiếng Trung ở nước ngoài. 

Ông Du còn nói rằng, công ty này đã quyết định dừng hoàn toàn đào tạo trực tiếp và trực tuyến đối với K9 (dịch vụ đào tạo ngoài trường dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở). Dữ liệu cho thấy, hoạt động kinh doanh của K9 chiếm khoảng 60% doanh thu của Tân Đông Phương.

Bài viết trên của ông Du Quý Mẫn nhanh chóng lọt vào top tìm kiếm nóng ngay sau khi đăng tải. Ông Du đã đăng một bài viết khác vào ngày 10/1, nói rằng Tân Đông Phương vẫn còn khoảng 50.000 nhân viên giáo viên.

Theo Qichacha App, kể từ tháng 7/2021 đến nay, Tân Đông Phương đã thành lập thêm 89 công ty, trung bình cứ 2 ngày lại có một công ty mới được thành lập. Phạm vi kinh doanh của các công ty mới bao gồm dịch vụ phát sóng trực tiếp trên Internet, bán văn phòng phẩm, bán nông sản, v.v.

Năm ngoái, Tân Đông Phương đã tuyên bố đóng cửa 1.500 trung tâm dạy thêm và quyên tặng 80.000 bộ bàn ghế cho các trường công lập vùng nông thôn Trung Quốc.

Chi phí giáo dục là một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ Trung Quốc không muốn đẻ nhiều con, ngay cả khi nước này đã cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ ba để đối phó tình trạng già hóa dân số.

Ông Du Mẫn Hồng, 59 tuổi, là gương mặt đại diện cho ngành công nghiệp dạy thêm phát triển mạnh ở Trung Quốc, lĩnh vực phục vụ các bậc cha mẹ và con cái muốn vươn lên dẫn đầu trong hệ thống giáo dục đầy cạnh tranh của nước này.

Minh Anh 

Related posts