Huyền Anh
Tới nay, Mỹ đã cung cấp gần 782 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Afghanistan và người dân nước này kể từ tháng 10 năm ngoái. Động thái này được đưa ra sau khi Liên Hợp Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường ngân sách viện trợ cho quốc gia Tây Nam Á này nhằm tránh một cuộc thảm họa nhân đạo. Afghanistan hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng: kinh tế sụp đổ, nạn đói hoành hành, làn sóng di cư ồ ạt. Cuộc khủng hoảng này diễn ra 5 tháng sau khi Mỹ rút toàn bộ quân đội khỏi nước này.
Người phát ngôn của Nhà Trắng xác nhận rằng Hoa Kỳ đang viện trợ nhân đạo khoảng 308 triệu USD cho Afghanistan nhằm hỗ trợ về thực phẩm, nơi lưu trú và chăm sóc y tế, đồng thời cung cấp thêm vaccine ngừa COVID-19 cho nước này.
Mỹ là nhà viện trợ nhân đạo lớn nhất ở Afghanistan
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Emily Horne cho biết trong một tuyên bố của chính phủ rằng, Hoa Kỳ vẫn là “nhà tài trợ viện trợ nhân đạo lớn nhất và duy nhất ở Afghanistan”. Và khoản viện trợ mới nhất của Mỹ cho quốc gia nghèo khó và người tị nạn Afghanistan trong khu vực lên đến gần 782 triệu USD kể từ khi kết thúc cuộc chiến kéo dài 20 năm.
“Khoản viện trợ nhân đạo của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẽ trực tiếp thông qua các tổ chức nhân đạo độc lập nhằm cung cấp các dịch vụ bảo vệ và trú ẩn cứu sinh, chăm sóc sức khỏe thiết yếu, viện trợ thực phẩm khẩn cấp, nước và các dịch vụ vệ sinh đáp ứng các nhu cầu nhân đạo ngày càng gia tăng do COVID-19 và tình trạng thiếu y tế, hạn hán, suy dinh dưỡng và cái lạnh của mùa đông đang gia tăng”, bà Horne cho biết.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết, khoản viện trợ này sẽ nhằm giúp đỡ những nhóm người dễ bị tổn thương nhất ở Afghanistan bao gồm phụ nữ, trẻ em gái, những người thuộc dân tộc thiểu số và người tàn tật. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ cung cấp thêm 1 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 thông qua COVAX, nâng tổng số vaccine Mỹ hỗ trợ Afghanistan lên 4,3 triệu liều.
Xác nhận về các khoản quyên góp mới nhất của Hoa Kỳ được đưa ra khi Liên Hợp Quốc hôm thứ Ba đưa ra lời kêu gọi tài trợ hàng tỷ USD nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo và kinh tế ở nước này.
“Hôm nay, chúng tôi phát động lời kêu gọi 4,4 tỷ USD cho chính Afghanistan trong năm 2022”, Điều phối viên Cứu trợ Khẩn cấp của Liên hợp quốc Martin Griffiths cho biết trong một hội nghị ở Geneva, Thụy Sĩ, đồng thời cho biết đây được xem là khoản viện trợ lớn nhất dành riêng cho một quốc gia mà Liên Hợp Quốc từng kêu gọi.
Cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc cho biết, 22 triệu người dân sống tại Afghanistan và 5,7 triệu người Afghanistan tị nạn ở 5 nước láng giềng đang rất căng thẳng do hạn hán và xung đột liên tục xảy ra sau khi nhóm khủng bố Taliban tiếp quản vào tháng 8.
Ông Griffiths cảnh báo rằng nếu cộng đồng quốc tế không nhanh tay hành động để cứu trợ đất nước này thì cơ quan này sẽ yêu cầu “10 tỷ USD” vào năm tới.
Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế không công nhận chính phủ do Taliban lãnh đạo, là lực lượng Hồi giáo cực đoan và nắm quyền kiểm soát từ năm 1996 đến 2001. Lực lượng này đã gây ra không ít khó khăn cho các cường quốc phương Tây trong việc viện trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan mà không đặt tiền vào tay nước này.
Chế độ Taliban: Kinh tế sụp đổ, nạn đói hoành hành, làn sóng di cư ồ ạt
Taliban đã thất bại trong việc quản lý đất nước khiến nền kinh tế Afghanistan đang rơi tự do, đẩy hàng chục triệu người vào nguy cơ chết đói. Ngay cả khi có hàng trăm triệu USD sẵn sàng viện trợ, Liên Hợp Quốc không thể gửi tiền vì hệ thống ngân hàng của Taliban đã sụp đổ. Lý do ngân hàng tê liệt vì mất thanh khoản do thiếu viện trợ sau khi Taliban chiếm chính quyền và vì người dân rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng vì không tin vào Taliban.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang cảnh báo tình trạng hàng triệu trẻ em tại Afghanistan bị suy dinh dưỡng. Liên Hợp Quốc cho biết 97% người dân Afghanistan sẽ không lâu nữa phải sống dưới mức đói nghèo.
Gần 80% ngân sách của chính phủ tiền nhiệm tại Afghanistan đến từ viện trợ của cộng đồng quốc tế. Khoản tiền này được dùng để duy trì hoạt động của các bệnh viện, trường học, nhà máy và các cơ quan chính phủ. Nay đã không còn.
Nguồn viện trợ quốc tế đã bị gián đoạn nghiêm trọng và Mỹ đã đóng băng hàng tỷ USD tài sản của Afghanistan trong hệ thống ngân hàng của mình sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước.
Nhiều tháng trước, Cao Ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn đã cảnh báo về làn sóng di cư ồ ạt khỏi Afghanistan nếu nền kinh tế của nước này rơi tự do. Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường phòng thủ dọc biên giới phía đông với Iran để ngăn chặn những người Afghanistan và những người di cư khác.
Việc thiếu kinh phí đã dẫn đến tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng trong nước và các nhóm viện trợ đã cảnh báo về một thảm họa nhân đạo đang cận kề. Nhân viên nhà nước, từ bác sĩ đến giáo viên và công chức hành chính, đã không được trả lương trong nhiều tháng. Trong khi đó, các ngân hàng đã hạn chế số tiền mà chủ tài khoản có thể rút.
Thống kê của LHQ cho thấy gần 23 triệu người, tương đương 55% dân số Afghanistan, đang đối mặt với nạn đói nghiêm trọng, trong đó 9 triệu người có nguy cơ đói kém trong bối cảnh thời tiết mùa đông lạnh giá kéo dài.
Kể từ khi lực lượng Hồi giáo Taliban trở lại nắm chính quyền tại Afghanistan hồi giữa tháng 8/2021, nước này rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính với tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp gia tăng.Trong năm ngoái, nước này cũng bị mất mùa do hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã kêu gọi Taliban cho phép “tất cả nhân viên cứu trợ, đặc biệt là phụ nữ… hoạt động độc lập và an toàn” khi các nhóm nhân đạo tìm cách trợ giúp những người cần viện trợ.
Huyền Anh
Theo The Epoch Times