Bryan Jung
Hôm 19/01, hai hãng hàng không Japan Airlines (JAL) và All Nippon Airways (ANA) cho biết họ sẽ nối lại chặng bay đến Hoa Kỳ sau khi việc khai triển thiết bị phát sóng 5G ở một số phi trường của Hoa Kỳ khiến hai hãng này cùng các hãng vận tải hàng không chở khách ngoại quốc khác phải hủy nhiều chuyến bay đến Hoa Kỳ.
Hai hãng hàng không Nhật Bản này cho biết họ đã được Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang (FAA) cam kết rằng sẽ không có vấn đề an toàn nào phát sinh sau khi họ ra thông báo giảm triển khai mạng không dây.
Cả hai hãng hàng không sẽ nối lại dịch vụ của phi cơ Boeing 777 đến Hoa Kỳ từ ngày 20/01 sau thông báo trước đó về việc hủy chuyến theo hướng dẫn của Boeing.
Ông Yuji Hirako, Chủ tịch ANA cho biết, “Do việc khai triển dịch vụ 5G ở Hoa Kỳ hiện đã phần nào bị trì hoãn, nên các chuyến bay của ANA từ ngày 20/01 sẽ vận hành theo lịch trình như thường lệ căn cứ theo thông báo của FAA rằng không có vấn đề an toàn đối với hoạt động của phi cơ Boeing 777 đến các phi trường của Hoa Kỳ mà chúng tôi đang phụ trách.”
Nhà mạng AT&T và Verizon Communications đã quyết định trì hoãn kế hoạch kích hoạt tháp sóng viễn thông 5G của họ vào ngày 19/01 gần các phi trường chủ đạo của Hoa Kỳ một ngày trước đó, sau phản đối của các hãng hàng không về khả năng gây nhiễu điện tử.
Tòa Bạch Ốc, vốn đã thương thảo với cả ngành hàng không lẫn ngành viễn thông, ca ngợi hành động này, nhưng đã quá muộn để tránh được một cơ số vụ hủy chuyến vào hôm 19/01.
Các hãng hàng không khắp thế giới cho biết họ đang hủy một số chuyến bay hoặc chuyển đổi phi cơ, với phần lớn sự gián đoạn ban đầu tác động lên phi cơ Boeing 777, một phi cơ chở khách chủ đạo có thiết bị điện tử trên chuyến bay nhạy cảm với 5G.
Emirates, có trụ sở tại Dubai và là hãng sử dụng nhiều nhất mẫu Boeing, đã tuyên bố hôm 18/01 rằng họ sẽ tạm dừng các chuyến bay đến 9 phi trường của Hoa Kỳ. Chủ tịch của hãng gọi việc đề xướng khai triển này là “một trong những sự kiện không hiệu quả nhất, hoàn toàn vô trách nhiệm” mà ông từng chứng kiến trong đời.
Tuy nhiên, Emirates cho biết họ sẽ tiếp tục sử dụng phi cơ Boeing 777 cho chặng đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn (Washington D.C.), nơi vẫn chưa khai triển các tháp 5G.
Hãng hàng không Air India nói rằng bốn chuyến bay đến Hoa Kỳ của họ sẽ bị hủy hoặc sẽ chuyển sang loại phi cơ khác Boeing 777 cho đến khi khắc phục được vấn đề này.
Tại Âu Châu, hai hãng British Airways và Lufthansa đã chuyển các chuyến bay với Boeing 777 hàng ngày đến Hoa Kỳ của họ sang phi cơ Airbus A380 đồng thời hủy bỏ hoặc điều chỉnh một số chuyến bay đến Hoa Kỳ.
Tại Đông Á, hai hãng Singapore Airlines và Korean Air Lines cho biết họ đã chuyển loại phi cơ được sử dụng cho các chuyến bay chở khách và hàng hóa đến Hoa Kỳ.
Hãng China Airlines của Đài Loan và Cathay Pacific của Hồng Kông cũng cho biết họ sẽ đổi mẫu phi cơ nếu cần thiết và rằng họ sẽ lên lịch lại một số chuyến bay nhất định đến Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyến bay với Boeing 777 đều bị ảnh hưởng, vì Qatar Airways và Air France cho biết đường bay đến Hoa Kỳ của họ vẫn hoạt động theo lịch trình.
El Al của Israel và Etihad Airways của Abu Dhabi cho biết các dịch vụ của họ không bị ảnh hưởng, trong khi Kenya Airways cho biết họ đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa mà Boeing và FAA đã đề ra.
Trong khi đó, United Airlines cho biết họ tiên liệu chỉ có “những gián đoạn nhỏ tại một vài phi trường do các hạn chế 5G còn sót lại,” đồng thời ca ngợi sự thỏa hiệp giữa nhà mạng viễn thông và các hãng hàng không đã ngăn chặn “việc hủy chuyến hàng loạt trong ngành hàng không.”
Sự cố gián đoạn chuyến bay này là đỉnh điểm của cuộc tranh cãi kéo dài nhiều tuần giữa ngành hàng không với hai đại công ty viễn thông Verizon và AT&T về việc khai triển dịch vụ di động 5G ở các phi trường của Hoa Kỳ.
Một số hãng hàng không lớn và FAA đã cảnh báo rằng tần số và cường độ truyền dẫn của sóng 5G có thể ảnh hưởng đến việc đọc độ cao chính xác trên máy đo độ cao vô tuyến được sử dụng cho những cuộc hạ cánh trong thời tiết xấu của một số loại phản lực nhất định.
Máy đo độ cao vô tuyến cho phép đọc chính xác độ cao so với mặt đất khi tiếp đất và giúp hạ cánh tự động, cũng như xác minh rằng phi cơ đã hạ cánh trước khi cho phép đảo ngược lực đẩy.
Mặc dù các cơ quan quản lý của Âu Châu cho biết không có rủi ro nào được tìm thấy ở những nơi khác, nhưng hàng chục chuyến bay đã bị hủy hoặc điều chỉnh, đẩy cổ phiếu của các hãng vận tải đường dài của Âu Châu giảm khoảng 2%.
Nhật Bản, quốc gia đã chuẩn bị tốt hơn cho việc ra mắt mạng 5G này, đã tuyên bố vào năm ngoái, “Để tránh việc các máy đo độ cao vô tuyến bị chặn, nên tránh đặt vị trí của trạm thu phát cơ sở 5G công suất cao trong vòng 200m tính từ đường bay của phi cơ.”
Boeing cho biết họ đang làm việc với tất cả các bên để có một “giải pháp dựa trên dữ liệu trong dài hạn nhằm bảo đảm tất cả các mẫu phi cơ thương mại có thể hoạt động an toàn khi lắp đặt 5G.”
FAA đang cập nhật hướng dẫn về việc phi trường nào và mô hình phi cơ nào bị ảnh hưởng để giảm thiểu được phần lớn tác động của gần 1,500 thông báo về các hạn chế của 5G mà cơ quan này đã ban hành trước đó.
Cơ quan này cho biết họ đã chấp thuận 62% đội bay thương mại của Hoa Kỳ thực hiện các cuộc hạ cánh tầm nhìn thấp ở các phi trường khai triển 5G, nhưng “ngay cả khi có những chấp thuận này, các chuyến bay tại một số phi trường vẫn có thể bị ảnh hưởng.”
“FAA cũng tiếp tục làm việc với các nhà sản xuất để nắm rõ hơn về cách dữ liệu đo độ cao của radar được sử dụng trong các hệ thống điều khiển bay khác. Hành khách nên hỏi lại hãng hàng không của họ để biết lịch trình chuyến bay mới nhất.”
Anh Bryan S. Jung là một người bản địa cư trú tại Thành phố New York với kiến thức chuyên sâu về chính trị và pháp luật. Anh tốt nghiệp Đại học Binghamton.
Hồng Ân biên dịch