Đông Phương
Để phục vụ cho sự kiện Olympic mùa đông, Bắc Kinh đã chuẩn bị biến hàng triệu gallon (1 gallon = 3,78 lít) nước thành tuyết nhân tạo. Họ cũng đã chuẩn bị xong công tác chế ngự thời tiết, bao gồm cả phân tán gió bão và thậm chí làm cho bầu trời xanh trở lại. Tuy chưa có bằng chứng rõ ràng nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nỗ lực làm mưa/tuyết nhân tạo có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Lâu nay, chính quyền Trung Quốc luôn cố gắng thay đổi thời tiết bằng công nghệ làm mưa/tuyết nhân tạo (Cloud-seeding). Họ phóng tên lửa đưa bạc iodide (Agl) lên các đám mây để tạo mưa hoặc tuyết.
Bắc Kinh có một cơ quan đặc biệt chịu trách nhiệm quản lý thời tiết, nhiệm vụ của họ là phóng tên lửa để loại bỏ bão cát, giảm mưa đá và giảm hạn hán. Trong 14 tháng qua, Bắc Kinh đã tăng cường quản lý thời tiết, và mức độ can thiệp này là rất hiếm thấy, kể cả ở Trung Quốc hay trên toàn thế giới.
Vào tháng 12/2021, chính quyền Bắc Kinh đã công bố một kế hoạch mở rộng lớn, đặt mục tiêu làm mưa nhân tạo trên hơn 2 triệu dặm vuông (1 dặm vuông bằng khoảng 2,59 triệu mét vuông). Kế hoạch này đã chính thức được khởi động vào tháng 12/2021.
Trước đó, vào cuối tháng 6/2021, ngày Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tổ chức buổi tiệc mừng 100 năm ngày thành lập, Bắc Kinh đã phóng tên lửa lên tầng mây để làm mưa nhân tạo. Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa (Tsinghua University), cơn mưa này giúp làm sạch không khí của buổi lễ ngày hôm sau trên Quảng trường Thiên An Môn.
Tương tự, trong thời gian diễn ra hai phiên họp (Lưỡng Hội) của ĐCSTQ, Bắc Kinh có nắng và xuất hiện cảnh tượng hiếm thấy với trời xanh mây trắng, điều này cũng có liên quan đến thời tiết nhân tạo.
Không khí Bắc Kinh ô nhiễm nặng, chỉ số bụi mịn PM2.5 cao gấp 6 lần
Hôm thứ Hai (ngày 24/1), chính quyền Trung Quốc cảnh báo rằng trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa đông và Thế vận hội Người khuyết tật Mùa đông Bắc Kinh, rất có khả năng sẽ xuất hiện ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nhưng họ sẽ thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo rằng các sự kiện sẽ không bị ảnh hưởng.
Theo chỉ số IQAir của Thụy Sĩ, ô nhiễm không khí vào ngày 24/1 của Bắc Kinh là 218 microgam / mét khối, thuộc mức độ ô nhiễm “rất không lành mạnh”.
Reuters đưa tin rằng, gần đầy Bắc Kinh bị bao trùm bởi làn sương mù dày đặc, chỉ số bụi mịn PM2.5 lên tới 205 microgam / mét khối, cao gấp 6 lần so với tiêu chuẩn 5 microgam / mét khối mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra.
Bắc Kinh hy vọng việc đăng cai Thế vận hội Mùa đông sẽ thể hiện những thành tựu của họ về năng lượng xanh. Chính quyền cũng đã xây dựng hàng chục trang trại năng lượng gió và năng lượng mặt trời để cung cấp năng lượng cho các cuộc thi đấu. Đồng thời, người dân và các cơ sở sản xuất công nghiệp quanh thủ đô của Trung Quốc cũng được yêu cầu tạm ngừng sử dụng than.
Trung Quốc phóng 250 tên lửa lên tầng mây, phi cơ sẵn sàng đợi lệnh
Hôm 24/1, The Washington Post nói rằng, mặc dù hiện tại vẫn không chắc Thế vận hội Mùa đông sẽ tạo ra bao nhiêu lượng mưa tuyết nhân tạo, nhưng trong ba tháng qua, có ít nhất 250 tên lửa đã được phóng lên tầng mây gần Trương Gia Khẩu, và có 12 máy bay chịu trách nhiệm làm mưa nhân tạo trong khu vực này đang trong trạng thái sẵn sàng nhận lệnh.
Trong Thế vận hội Mùa hè Bắc Kinh 2008, có 21 địa điểm phóng tên lửa lên tầng mây. Mục đích là để ngăn mưa rơi vào lễ khai mạc ở sân vận động Tổ chim và giữ cho không khí khô ráo.
Các chuyên gia dự đoán rằng, Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh năm 2022 sẽ cần lượng mưa tuyết nhân tạo lớn hơn Thế vận hội Mùa hè 2008. Bởi vì Thế vận hội Mùa đông chủ yếu tổ chức ở vùng núi: Một mặt, thời tiết trên núi không thể đoán trước; mặt khác, các môn thi đấu mùa đông thường diễn ra ở ngoài trời, chứ không như các môn thi đấu trong nhà như Thế vận hội Mùa hè.
Diên Khánh và Trương Gia Khẩu – hai khu vực núi nằm gần Bắc Kinh – là nơi diễn ra các môn thi trượt tuyết nhưng lại hầu như không có tuyết. Do đó, gần như phải phụ thuộc hoàn toàn vào tuyết nhân tạo. Ước tính cần 49 triệu gallon nước để tạo ra lượng tuyết cần thiết. Các nhà bảo vệ môi trường lo ngại rằng, điều này có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp nước cho Bắc Kinh.
Một quốc gia có quyền quyết định thời tiết không?
The Washington Post đặt nghi vấn rằng, việc tạo mưa nhân tạo của Bắc Kinh có thể gây tác động đáng kể đến 1,4 tỷ dân của Trung Quốc và các nước xung quanh như Myanmar, Ấn Độ và Nepal. Nó cũng có thể dẫn đến mối quan hệ căng thẳng giữa chủ quyền quốc gia và trách nhiệm toàn cầu về luân lý trong khí tượng học.
“Hoặc là, nói đơn giản hơn thì: Một quốc gia có quyền quyết định thời tiết không?”, bài báo viết.
Bà Dhanasree Jayaram, Giáo sư Địa chính trị và Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Giáo dục của Đại học Manipal Ấn Độ, nói rằng ngoại giới đã nhìn thấy những điều Trung Quốc làm, và cũng sắp được chứng kiến Trung Quốc “dùng công nghệ thay đổi thời tiết với tần suất nhiều hơn, tích cực hơn và đơn phương hơn”.
Bà từng nghiên cứu những thay đổi thời tiết của Trung Quốc. “Sự thật là chúng tôi thực sự không biết, điều này sẽ gây ra điều gì cho các hệ sinh thái”, bà nói, “Chúng tôi chỉ biết một điều là, bầu không khí không được chia theo biên giới chính trị”.
“Tôi đang lo lắng về rất nhiều thứ”, bà Jayaram nói, “Trung Quốc có thể sử dụng điều này để làm rất nhiều thứ, chẳng hạn như tạo ra thách thức cho những người hàng xóm thù địch”.
Ông Giản Húc Thân (Jie Xushen), Giáo sư khoa Tài nguyên Địa lý và Môi trường của Đại học Quốc lập Đài Loan, nói rằng: “Ở Trung Quốc, mây không còn chỉ là một đặc điểm thời tiết nữa. Ngược lại, bây giờ mây được coi là một nguồn tài nguyên nước mà con người có thể sử dụng”.
Ông Giản đã trả lời The Washington Post qua email rằng, Liên minh Châu Âu đã thảo luận rộng rãi về vấn đề đạo đức và luân lý trong việc tạo mưa nhân tạo, nhưng “sự minh bạch và đối trọng như vậy ở Trung Quốc thì tương đối hạn chế”.
Nếu mây tập trung về một điểm và tạo mưa, liệu những nơi khác có thiếu nước?
Điều ngoại giới lo lắng hơn là, liệu lượng mưa nhân tạo quy mô lớn ở Bắc Kinh có gây ra những rủi ro lớn hơn cho môi trường hay không. Các nhà nghiên cứu nói rằng, hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy lượng mưa nhân tạo cục bộ sẽ có tác động đến các khu vực khác, nhưng trong xã hội hiện đại, hầu như không có quốc gia nào đang nỗ lực hoặc liên tục làm như chính quyền Trung Quốc.
Họ lo lắng rằng, người dân trong biên giới Trung Quốc, thậm chí cả những người hàng xóm xung quanh, có thể bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về lượng mưa, và có thể bị đoạt mất nguồn nước mưa quan trọng.
Giám đốc Hannele Korhonen của Viện nghiên cứu Khí tượng Phần Lan từng đặt câu hỏi rằng: “Thế giới có một lượng X nước. Nếu bạn để mây tụ về một điểm và gây mưa ở đó, thì liệu lượng nước mưa ở các nơi khác có bị mất không?”.
Dù có bao nhiêu tranh luận, việc chế ngự thời tiết đều sẽ mang lại cảm giác bất an. Có người cho rằng thay đổi thời tiết là hành động can thiệp vào công việc của thần linh; cũng có người cho rằng mưa nhân tạo ở nơi này sẽ đánh cắp mưa ở nơi khác; một số khác thì lo lắng rằng việc này sẽ gây ra lũ lụt.
Đông Phương