Tin thế giới trưa thứ Hai: TT Zelensky sa thải một chỉ huy quân sự hàng đầu của Ukraine mà không đưa ra lý do

TT Zelensky sa thải một chỉ huy quân sự hàng đầu của Ukraine mà không đưa ra lý do

Tướng Eduard Moskalyov (AP)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm Chủ nhật (26/2) đã sa thải một chỉ huy quân sự cấp cao giúp lãnh đạo cuộc chiến chống lại quân đội Nga ở miền đông đất nước đang giao tranh, nhưng không đưa ra lý do cho động thái này, Reuters đưa tin.

Trong sắc lệnh chỉ có một dòng, ông Zelensky tuyên bố cách chức ông Eduard Moskalyov với tư cách là chỉ huy lực lượng chung của Ukraine, lực lượng đang tham gia vào các trận chiến ở vùng Donbass.

Tổng thống Zelensky đã đề cập đến ông Moskalyov trong bài phát biểu hàng ngày vào thứ Sáu khi liệt kê các chỉ huy quân sự mà ông đã nói chuyện. Ông Moskalyov đảm nhiệm chức vụ này từ tháng 3 năm 2022, ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine.

Cả tài khoản Facebook và Twitter của lực lượng chung đều không đề cập đến việc sa thải này.

Các lực lượng Nga đang nỗ lực phối hợp để chiếm hai khu vực phía đông tạo nên vùng Donbass, và ông Zelensky trong những tuần gần đây đã mô tả tình hình quân sự ở phía đông là khó khăn và có nhiều tổn thất..

Các đơn vị ủng hộ Moscow đang tập trung nỗ lực vào thành phố Bakhmut, tiến hành các cuộc tấn công liên tục bất chấp những gì mà các quan chức Ukraine và phương Tây gọi là thương vong nặng nề.

Trong một bài đăng trên Facebook, Bộ Tổng tham mưu lực lượng vũ trang Ukraine cho biết quân đội Nga đã thực hiện một số cuộc tấn công bất thành ở khu vực Bakhmut vào Chủ nhật.

Lê Vy (theo Reuters)

Tổng thống Putin: Phương Tây muốn hủy diệt Nga

Theo Tổng thống Putin, Nga buộc phải lưu tâm đến năng lực hạt nhân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bởi liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu muốn hủy diệt nước này, theo hãng tin Reuters.

“Trong tình hình hiện tại, khi mọi quốc gia dẫn dắt NATO đều tuyên bố mục tiêu chính của họ là khiến chúng ta thất bại chiến lược và người dân chịu khổ, làm sao chúng ta có thể phớt lờ năng lực hạt nhân của họ?”, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong cuộc phỏng vấn với trên kênh Rossiya 1.

Theo ông Putin, phương Tây muốn hủy diệt Nga. “Họ chỉ có một mục đích: làm tan rã Liên Xô trước đây cùng nền tảng của khối hiện nay là Liên bang Nga”, người đứng đầu Điện Kremlin cho hay.

Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh cuộc tấn công của Nga nhắm vào Ukraine đã bước sang năm thứ hai và chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Ông cho rằng phương Tây đang gián tiếp đồng lõa với “các tội ác” mà chính phủ Ukraine gây ra.

Hôm 21/2 vừa qua, ông Putin cáo buộc phương Tây khơi mào xung đột, trong khi Nga sử dụng vũ lực để ngăn chặn chiến tranh, làm thất bại kế hoạch tấn công Donbass của Kyiv. Theo ông, Nga đang bảo vệ quê hương và cuộc sống của người dân, trong khi phương Tây muốn quyền lực không giới hạn.

Nga đã đình chỉ tham gia Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START), trong đó giải thích rằng thỏa thuận này là di sản của thời kỳ Nga – Mỹ không coi nhau là đối thủ. Moscow nói sẽ tiếp tục tuân thủ các hạn chế theo hiệp ước và có thể đảo ngược quyết định đình chỉ nhưng Washington phải thể hiện thiện chí.

New START có hiệu lực từ năm 2011 và được gia hạn thêm 5 năm vào năm 2021. Hiệp ước giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai, cũng như số tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm để mang chúng.

Phan Anh

TT Zelensky dự đoán ông Putin sẽ bị chính người của mình lật đổ

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ sự tin tưởng rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối cùng sẽ bị lật đổ bởi những người trong chế độ chính trị của Nga.

“Chắc chắn sẽ có lúc người ta cảm nhận được sự mong manh của chế độ Putin ở Nga,” ông Zelensky nói với nhà báo Ukraine Dmytro Komarov trong một bộ phim tài liệu mới.

“Rồi loài ăn thịt sẽ ăn loài ăn thịt. Điều đó rất quan trọng, và họ sẽ cần một lý do để biện minh cho điều này”, một “lý do” để “hạ gục sát thủ”. “Nó sẽ hoạt động chứ? Sẽ. Khi nào? Tôi không biết,” ông nói thêm.

Tổng thống Ukraine đã có cuộc phỏng vấn kéo dài cho bộ phim tài liệu nhằm đánh dấu một năm kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine.

Một năm sau khi chiến tranh bắt đầu, Nga đã không có được chiến thắng nhanh chóng như mong đợi và thay vào đó, họ phải đối mặt với nhiều tổn thất nặng nề trên chiến trường.

Moscow đã phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt của quốc tế đối với cuộc xâm lược và ngày càng trở nên bị cô lập trên trường thế giới.

Ông Putin được biết đến là người chủ yếu dựa vào nhóm cố vấn và thân tín thân cận của mình, nhưng The Washington Post đã đưa tin vào tháng 12 rằng ngày càng có một hố sâu ngăn cách giữa nhà lãnh đạo Nga và giới tinh hoa của đất nước.

“Những người xung quanh ông ấy rất thất vọng,” một tỷ phú người Nga có liên hệ với các quan chức cấp cao nói với tờ báo. “Ông ấy rõ ràng không biết phải làm gì.”

“Ông ấy đang bị cô lập, tất nhiên. Ông ấy không thích nói chuyện với mọi người. Ông ấy chỉ có một vòng tròn [các mối quan hệ] rất hẹp, và bây giờ nó còn hẹp hơn nữa,” ông nói thêm.

Tờ Washington Post đưa tin hồi tháng 10, theo thông tin thu được từ tình báo Mỹ, một thành viên trong nhóm thân cận của Putin thậm chí còn trực tiếp bày tỏ sự bất đồng với ông về cách ông xử lý cuộc chiến.

Ông Putin cũng đã phải đối mặt với sự bất mãn trong nước liên quan đến việc tuyển quân dự bị, với hàng nghìn người đàn ông trong độ tuổi chiến đấu đã chạy trốn khỏi đất nước và người dân xuống đường biểu tình tại nhiều thành phố.

Mặc dù tố cáo chiến tranh là bất hợp pháp ở Nga, các blogger quân sự đã bắt đầu công khai chỉ trích giới lãnh đạo quân sự của Moscow.

Tuần này, một nhà lập pháp Nga đã xuất hiện để chế giễu ông Putin bằng cách xem bài phát biểu của ông với sợi mỳ treo trên tai, liên quan đến một thành ngữ tiếng Nga có nghĩa là nói dối.

Bất chấp mọi lời xì xào bất đồng, các chuyên gia cho biết nhà lãnh đạo Nga đã khiến chế độ của ông trở nên “không thể đảo chính” thông qua văn hóa ngờ vực giữa các cơ quan tình báo Nga.

Lê Vy (theo Business Insider)

Giới chức và người dân bối rối trước quả cầu sắt bí ẩn xuất hiện trên bãi biển Nhật Bản

Giới chức trách Nhật Bản hiện đang tiến hành điều tra về quả cầu sắt bí ẩn. (Ảnh chụp màn hình video)

Một quả cầu sắt rỗng lớn với đường kính khoảng 1,5 mét đã xuất hiện đầy bí ẩn trên bãi biển ở bờ Thái Bình Dương của Nhật Bản, gây nên nhiều đồn đoán cho người dân địa phương và cư dân mạng. Câu trả lời hiện vẫn đang được giới chức trách Nhật Bản tiến hành điều tra.

Tờ ‘The Guardian’ của Anh dẫn thông tin từ truyền thông Nhật Bản cho biết, vào ngày 18/2, một người dân địa phương đã phát hiện ra quả cầu sắt khi đang đi dạo tại bãi biển ở thành phố Hamamatsu, tỉnh Shizuoka, Nhật Bản và nó chỉ cách bờ biển vài mét. Quả cầu có đường kính 1,5 mét màu nâu cam này được cho là làm bằng sắt vì trên bề mặt có một lớp rỉ sét.

Ngay sau khi được báo cáo, các quan chức và cảnh sát đã nhanh chóng mở một cuộc điều tra khẩn cấp. Họ tiến hành phong tỏa 200 mét xung quanh vật thể trong hầu hết thời gian trong ngày và đưa các chuyên gia xử lý bom mìn đến để tiến hành điều tra cẩn thận.

Nhà chức trách địa phương thừa nhận rằng họ không biết vật thể này là gì, từ đâu ra và khi nào nó sẽ phát nổ. Sự xuất hiện đầy bí ẩn của nó đã trở thành chủ đề bàn tán của người dân địa phương.

Một số người lo lắng rằng quả cầu này có thể là một quả mìn bị trôi dạt vào bờ. Tuy nhiên các chuyên gia sau khi đã kiểm tra bên trong vật thể bằng công nghệ tia X và phát hiện ra rằng nó rỗng, sẽ không phát nổ nên không gây ra mối đe dọa nào.

Cũng không có bằng chứng nào cho thấy quả cầu sắt có liên quan đến hoạt động gián điệp của Triều Tiên hay Trung Quốc. Chính phủ Nhật Bản trước đây cho biết họ “nghi ngờ mạnh mẽ” rằng một số khinh khí cầu do thám Trung Quốc đã bay vào không phận nước này trong vài năm qua.

Cư dân mạng cũng sôi nổi không kém, một số phỏng đoán đây là một thực thể UFO, số khác lại cho rằng nó giống với viên ngọc rồng trong truyện tranh “Bảy viên ngọc rồng”.

Hình ảnh về quả cầu sắt đã được gửi tới Bộ Quốc phòng và Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản để điều tra thêm.

Tuy nhiên một người đàn ông địa phương thường chạy bộ trên bãi biển lại nói rằng: “Không hiểu tại sao quả bóng sắt đột nhiên trở thành tâm điểm chú ý. Vì nó đã ở đó được một tháng rồi. Tôi đã cố đẩy nó ra nhưng nó không nhúc nhích.”

Qua quan sát, thấy rằng có hai tay nắm trên bề mặt khối cầu chứng tỏ nó có thể gắn vào vật nào đó. Văn phòng kỹ thuật dân dụng của thành phố Hamamatsu thuộc tỉnh Shizuoka, nơi quản lý bờ biển nhận định sơ bộ rằng quả bóng sắt có thể là một chiếc phao kim loại. Họ dự định cẩu nó bằng thiết bị hạng nặng vào ngày 23/2. Phương án dự tính là rắc cát lên bệ chất hàng của một chiếc xe tải lớn để giữ cho nó không lăn xuống.

Ông Matsukawa Masaki, giám đốc bộ phận chuẩn bị ven biển cũng cho biết thêm, họ chưa thể xác định quả bóng sắt là gì, nhưng họ biết rằng nó an toàn nên sẽ áp dụng theo phương pháp xử lý vật trôi dạt.

Thanh Mộc

Thụy Điển phát triển loại camera laser nhanh nhất thế giới

Loại camera laser mới. (Ảnh: Đại học Gothenburg)

Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Gothenburg (Thụy Điển) đã phát triển loại camera laser tự động lấy nét nhanh hơn gấp 1.000 lần phần lớn thiết bị laser hiện nay, theo tờ Sci Tech Daily.

Cụ thể, các nhà vật lý ở Đại học Gothenburg cùng với cộng sự ở Mỹ và Đức phát triển camera laser siêu nhanh có thể tạo ra video với tốc độ kỷ lục 12,5 tỷ hình mỗi giây, trong đó cho phép nhóm nghiên cứu ghi lại quá trình đốt cháy với độ phân giải chưa từng có trước đây. Họ mô tả kết quả thử nghiệm thiết bị trên tạp chí Light: Science & Applications hôm 21/2 vừa qua.

Để tìm hiểu điều gì xảy ra với vật liệu bốc cháy trong những điều kiện khác nhau, nhóm nghiên cứu đã sử dụng camera laser chụp ảnh vật liệu theo 2 chiều, gọi là công nghệ LS CUP (chụp ảnh nén hình siêu nhanh laser chụp một lần). Thông qua quan sát mẫu vật từ một phía, họ có thể theo dõi những phản ứng và khí thải nào xảy ra theo thời gian và không gian.

Các nhà nghiên cứu sử dụng LS-CUP để nghiên cứu quá trình cháy của nhiều hydrocarbon khác nhau. Quá trình này tạo ra bụi than cỡ nano và hợp chất hydrocarbon thơm đa vòng (PAH) có hại cho môi trường, theo Yogeshwar Nath Mishra, nhà nghiên cứu ở Đại học Gothenburg.

Bụi than từ hydrocarbon chiếm 70% vật chất trong không gian liên sao và là vật liệu nano thú vị với nhiều ứng dụng trong điện tử và năng lượng. Bụi than và hydrocarbon thơm tồn tại trong thời gian cực ngắn, chỉ vài nano giây khi bốc cháy. Việc nghiên cứu quá trình cháy đòi hỏi phương pháp cực nhanh để chụp ảnh.

Trước đây, vấn đề phát sinh do camera bị hạn chế ở tốc độ vài triệu hình mỗi giây. Camera laser mới cung cấp hình ảnh độc đáo chỉ với một xung laser. Tốc độ chụp ảnh tăng lên hơn chục tỷ hình mỗi giây và có thể dễ dàng điều chỉnh để quan sát mọi loại tín hiệu trong thời gian tồn tại của mẫu vật.

Phan Anh

Related posts