Con nít & con giáp

Du Uyên

“Năm 5 tuổi, bắt được con ve sầu, cứ tưởng có cả mùa Hè trong tay. Bây chừ nhớ lại mới biết đó là con gián…”

Cọp lai heo, chó… lai luôn mèo kitty – (Ảnh: Facebook)

“Linh vật” con nít

Ðọc dòng ở trên sơ qua tưởng là một câu chuyện bịa cho vui, nhưng nó có thể là chuyện thiệt với nhiều đứa trẻ – từng là những «linh vật» của gia đình, xã hội. Tôi cũng đã từng lầm tưởng rất nhiều thứ trong suốt hành trình làm người của mình mà tôi không thể nhớ hết nổi, ví dụ như: Tưởng không giơ tay sẽ không bị gọi lên bảng trả bài. Tưởng ăn hiếp bạn học thì sẽ… học giỏi hơn bạn đó. Thấy cứ ai cười với mình là họ thích mình. Tin là cứ cá còn sống nhăn thì đều ăn được theo kiểu sashimi. Cứ rượu nào được làm từ nho đều là vang. Cứ thứ gì có giai điệu thì đều là nhạc. Cứ ai hay nói lời đạo lý thì là người tốt. Ai tốt với mình sẽ tốt với cả thế giới (và ngược lại)… Tôi cũng hay làm những điều ngu ngốc, như: Không đội nón khi ra nắng rồi nghĩ đó là ngầu. Học theo bạn bè nói tục vì tưởng vậy là hay. Dắt xe đi bộ dưới mưa xong tưởng mình lãng mạn, không ngờ bị bệnh mấy bữa… Tôi từng tin vào các «siêu anh hùng» vừa cầm đuốc vừa cầm xăng chạy vào kho đạn tự tử, «siêu anh hùng» núp trong mây lấy ná bắn hạ máy bay «địch», «siêu anh hùng» bị bắn lòi ruột rồi nhưng vẫn nhét ruột vào bắn trả địch và sống tới răng long đầu bạc, «siêu anh hùng» ra pháp trường vẫn hát líu lo… là có thật. Chắc cũng giống như cách các cô bé, cậu bé nước khác tin vào các «siêu anh hùng» được vẽ ra trên tivi, thông qua các bộ phim đề tài «giải cứu thế giới» thôi. Chỉ khác là các «siêu anh hùng» của tôi được dạy trong sách giáo khoa, phải học thuộc lòng và trả bài. Các «siêu anh hùng» của «thiên hạ» chỉ xuất hiện trên tivi, đôi khi trẻ em còn bị cấm không được học hỏi theo, vì rất nguy hiểm.

Ảnh: Facebook

Trên bước đường trưởng thành, ai cũng có những hành động và suy nghĩ khó hiểu. Vì con nít hay người lớn thời nào, nước nào cũng có những lầm tưởng về cuộc đời khi chưa đủ kinh nghiệm. Nhưng luôn tồn tại những sự khác biệt giữa lầm tưởng của con nít nước A và lầm tưởng của con nít nước B. Vì những lầm tưởng tựa như chẳng có gì quan trọng nhưng lại rất ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành của cả thế hệ. Việc này ngoài tùy thuộc vào trí thông minh, độ học hỏi bẩm sanh của những đứa trẻ, thì môi trường xung quanh như: trường học, gia đình, bạn bè, hàng xóm, họ hàng… Cách hành xử của người lớn với những lầm tưởng của các đứa trẻ của họ, cũng góp phần rất lớn cho sự trưởng thành đó.

Ảnh: Facebook

Cách đây vài năm, cậu bé Little Thomas (khi đó 7 tuổi) bị các bạn học trêu chọc vì đi rêu rao khắp trường về việc cậu là cháu ruột của Superman – siêu nhân hùng mạnh nhất thế giới. Cô  giáo còn cố gắng giải thích rằng Superman không hề tồn tại, thế nhưng, cậu bé vẫn luôn khẳng định là Superman tồn tại và nói đó là chú mình. Thế là mẹ Little Thomas đã được mời lên văn phòng giám hiệu, nhà trường đã cảnh báo bà rằng không khuyến khích để trẻ con nói dối. Mẹ Little Thomas cười và đáp lại rằng đó là sự thật. Ngày hôm sau, bà đã gọi điện cho em chồng và nhờ anh đến trường để “minh oan” cho cháu mình. Sự thật thì, chú của Little Thomas là Henry Cavill (nam tài tử đóng vai Superman). – Câu chuyện được chính miệng Henry Cavill kể trên một show truyền hình.

Ảnh: Facebook

Tuy cậu bé Little Thomas đã được một phen “nở mày nở mặt” với cả trường vì sự xuất hiện của ông chú nổi tiếng. Nhưng bây chừ, đã lớn hơn một chút, nghĩ lại chuyện trên chắc sự “nở mặt” cũng “vơi đi ít nhiều”. Thay vào đó là mắc cỡ cho sự ngây thơ của mình. Nhưng cậu bé đã có một kỷ niệm đẹp. Và chắc chắn là, không chỉ Little Thomas, tất cả chúng ta đều đã lưu những «kỷ niệm» tương tự, đẹp hay không thì tùy cảm nhận từng người.
Nhưng thử nghĩ xem, nếu Little Thomas là một Cu Tý, Cu Tèo nào đó ở Việt Nam, mọi chuyện sẽ tới đâu? Có lẽ, ở môi trường giáo dục lâu nay tại Việt Nam, sẽ không ai ngừng lại nghe một đứa trẻ nói gì, trừ bạn bè của nó. Cô giáo cũng không thèm để ý coi học sinh mình có nói dối hay sống trong ảo tưởng không? Ðối với phụ huynh ở Việt Nam, bị “mời” lên trường là một chuyện rất nghiêm trọng. Một là phải đóng tiền học phí, hai là bị mắng vốn về những sai trái của con/em mình. Chứ không phụ huynh nào được mời lên vì con mình ảo tưởng bản thân là cháu “siêu anh hùng” cả, nhiều khi còn bị đánh đòn nếu phụ huynh bị mời chỉ vì lý do đó (Ðây chỉ là giả thuyết, vì tôi biết rằng việc kiểm chứng coi các “siêu anh hùng” của Việt Nam là thiệt hay giả còn khó khăn, nói chi là tìm ra con/cháu của họ?) Vì vậy, đứa trẻ Little Thomas nếu ở Việt Nam, khả năng cao sẽ phải tự lớn một mình, tự rút kinh nghiệm một mình, tự thoát ra suy nghĩ “nhảm nhí” (trong mắt người lớn) một mình. Không ai bên cạnh và chỉnh sửa. Và trưởng thành như thế nào, đa số là chuyện của các bé. Có lẽ đây là lý do tỷ lệ trẻ em mắc tự kỷ ở Việt Nam ngày càng đông, tất cả đều bị nhận ra trễ. Nhiều em nhỏ đã tự tử vì những nguyên nhân có thể cứu vãn như: áp lực học tập, thi điểm thấp, buồn bạn bè, gia đình…

Ảnh: Facebook

 “Linh vật” con giáp

Hồi trưa, lúc ngồi hóng chuyện trên ban công. Tôi nghe mấy ông ngồi uống cà phê ở quán dưới đất nói chuyện với nhau:

Ông A: Sơ hở cái là Tết tới rồi ha!

Ông Ba: Ừ. Năm nay là năm con… dzợ.

“Linh vật” cọp biểu cảm (Ảnh: Facebook)

Ðúng là năm mới đã chạm gót chân người Việt, dấu hiệu cho việc này là những tranh cãi quen thuộc được lặp lại trên các diễn đàn, hội nhóm và các trang mạng xã hội. Ngoài tranh cãi những chuyện như có nên biếu quà sếp không? Có nên về quê ăn Tết không? Có nên bỏ Tết ta không? Có nên hỏi nhau là khi nào lấy chồng/lấy vợ khi gặp nhau ngày Tết không?… Thì «nhan sắc» của những bức tượng «linh vật» cũng là vấn đề bàn tán mỗi dịp Xuân về đất Việt. Lý do là, không năm nào mà không có những bức tượng «linh vật» quái đản được bày biện một cách nghiêm trang tại những nơi bắt mắt của các tỉnh/thành phố.

Ảnh: Facebook

“Linh vật” năm nay – Tết Nhâm Dần 2022 – là con cọp, con vật được gọi là “chúa sơn lâm”, biểu tượng của sự mạnh mẽ. Và, không để bất kỳ cái miệng nhiều chuyện nào thất vọng, hầu hết các hình ảnh về tượng “linh vật” cọp năm nay ở từ Nam chí Bắc Việt Nam khi được đưa lên mạng xã hội đều khiến dân tình bàn luận rôm rả. Bởi thay vì các hình ảnh về những con mãnh hổ oai phong thì chúng ta có những con cọp khi thì “lai” với chó, lúc lại bị các “nghệ nhân” cho “phối giống” với… heo. Nhiều người còn cho rằng các địa phương đã dùng kinh phí đi mua kit test Cúm Vũ Hán của Việt Á hết, nên phải lấy các “linh vật” của những năm trước ra tô lại thành cọp cho năm Dần. Bên cạnh những tượng mang hơi hướng “biển thủ” ra, cũng có rất nhiều tượng “linh vật” cọp được “kỳ công chế tác» từ dáng người đến biểu cảm – bảo đảm chẳng giống con cọp nào trên thế giới. Con ốm nhom như ráng lắm mới sống sót qua đại dịch, con thì mập thù lù, dài thòn lòn như ăn hối lộ quá liều. Con thì mặt hung dữ, con thì mặt mang đầy tâm sự, con thì mang khuôn mặt hoài nghi với xã hội, với cuộc đời. Con lại có biểu cảm hờn cả thế giới…

Ảnh: Facebook

Nghĩ cũng thiệt lạ, con rồng thì hầu như không ai quen biết, nhiều nghiên cứu cho rằng nó không có thiệt. Nhưng khi tạo ra tượng của rồng, thì nhân loài lúc nào cũng làm thật tỉ mỉ từng cái móng vuốt, răng nanh. Chưa ai gặp rồng thiệt bao giờ nhưng hễ thấy hình hay tượng ở đâu là biết “tên” ngay. Trong khi con cọp là cái loài quá quen thuộc, trong tập học sinh cũng có, tivi cũng có, sở thú cũng có, hình nộm hay bao bì cũng thường in “dung nhan” loài này. Vậy mà, nếu không biết trước con cọp thiệt có hình dáng ra sao, tôi tin rằng sau khi nhìn loạt ảnh tượng “linh vật” cọp ở Việt Nam năm 2022 này, sẽ chẳng ai nhận ra con cọp thiệt khi vô tình “chạm trán” nó ngoài đường.

Ảnh: Facebook

Vì là một trong những biểu tượng quan trọng của ngày Tết, là bộ mặt của địa phương. Hầu hết kinh phí cho các loại tượng “linh vật” con giáp đều từ ngân sách hoặc kêu gọi tài trợ từ các doanh nghiệp địa phương. Mà có bàn tay của “nhà nước” nhúng vào, các tượng này chắc chắn giá sẽ không rẻ hơn các tượng người ta làm chưng chơi ở đâu đó. Quan trọng là, các linh vật không chỉ tốn số tiền lớn từ thuế dân (hoặc doanh nghiệp – cũng là dân), tốn nước bọt dư luận, tốn giấy bút các nhà văn/nhà báo/nhà viết, mà còn là thứ để trẻ con coi, để ghi vào ký ức hình ảnh Tết tuổi thơ của các “linh vật” con nít.

Ảnh: Facebook

Bởi các tượng con giáp thường được trưng tại các nơi bắt mắt ở địa phương, phần lớn con nít sẽ được cha mẹ dắt tới dưới các tượng này chụp ảnh lưu niệm. Vậy là các “linh vật” con giáp cũng là một dấu mộc trong hành trang trưởng thành của các “linh vật” con nít qua mỗi bức hình làm cột mốc của năm. Ðể sau này, chúng lớn lên rồi lỡ có ra ngoài thế giới được chứng kiến các loại tượng “linh vật” khác. Một là chúng có thể nở mày nở mặt khoe hình/tả lại hình ảnh các loài “linh vật” ở quê nhà. Hai là chúng sẽ ngậm ngùi tủi thân vì tới bây giờ mới biết “linh vật” có thể làm đẹp như vậy, giống thiệt như vậy hoặc đáng yêu như vậy… Chứ không phải luôn đáng sợ, xấu xí, bê bối một cách bền bỉ như các tượng “linh vật” ở quê nhà. Từ “vật linh thiêng”, nhiều ý nghĩa mà trở thành trò cười, chủ đề bàn tán của thiên hạ.

Cảm giác hụt hẫng đó có bao nhiêu người lớn hiểu được? Có lẽ không bao nhiêu người lớn hiểu nổi. Vì đối với đa số người lớn Việt Nam, “linh vật” con nít và “linh vật” con giáp đều vô tri như nhau. Muốn nhào nặn thế nào, là theo ý họ.

Cũng là chuột – (Ảnh: Facebook)

Related posts