Hợp tác “lưng tựa lưng” Trung-Nga cuối cùng có thể tan vỡ?

An Liên

Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình và lãnh đạo Nga Vladimir Putin (ảnh: Youtube/Guardian News).

Theo các nhà phân tích, khi Trung Quốc không còn hài lòng với sự phân chia vai trò hiện tại giữa hai cường quốc Nga- Trung trong khu vực, một cuộc đụng độ giữa Nga và Trung Quốc sẽ là điều khó có thể tránh khỏi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông tại Bắc Kinh vào ngày 4/2. Theo truyền thông Trung Quốc, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc sẽ tiếp tục sâu sắc hơn vào năm 2022. Tuy nhiên, các nhà phân tích chỉ ra rằng việc Nga khai triển quân nhanh chóng để giúp dập tắt các cuộc biểu tình ở Kazakhstan và việc Trung Quốc không có khả năng can thiệp sẽ buộc Trung Quốc phải kiểm tra lại tình trạng dễ bị thương tổn của mình ở Trung Á. Về trung và dài hạn, khi một ngày nào đó Trung Quốc không còn hài lòng với sự phân chia vai trò hiện tại giữa hai nước trong khu vực – Nga chịu trách nhiệm về an ninh và Trung Quốc phát triển kinh tế – một cuộc đụng độ giữa Nga và Trung Quốc sẽ là điều không thể tránh khỏi.

Sự kiện ở Kazakhstan cho thấy lỗ hổng của Trung Quốc ở Trung Á

Cuộc khủng hoảng bắt đầu ở Kazakhstan vào năm mới dường như đã lắng xuống với sự rút lui hoàn toàn của lực lượng thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu vào ngày 19/1. Trong cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan, so với việc Nga khai triển quân nhanh chóng, Trung Quốc không giúp gì thiết thực hơn ngoài một tuyên bố.

Ban đầu, Trung Quốc nói rằng các cuộc biểu tình ở Kazakhstan là công việc nội bộ của họ và Trung Quốc sẽ không can thiệp. Sau đó, Trung Quốc bày tỏ sẵn sàng đóng một vai trò tích cực trong việc ổn định Kazakhstan và an ninh khu vực cùng với các thành viên khác của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Trung Quốc, Nga và Kazakhstan đều là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, nhưng cuối cùng Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể do Nga lãnh đạo đã bỏ qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, khiến Trung Quốc bất lực trong việc can thiệp.

Kadri Liik, nhà nghiên cứu chính sách tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR), một tổ chức tư vấn của châu Âu, nói với VOA rằng hành động của Nga cho thấy Nga vẫn là lực lượng an ninh thống trị ở Trung Á.

Bà nói: “Mọi chuyện luôn là như vậy”, “Ở Trung Á, Nga chiếm thế thượng phong trong các vấn đề quân sự và an ninh, trong khi Trung Quốc luôn là thế lực thống trị về kinh tế. Về mặt kinh tế, Nga đã nhường quyền kiểm soát Trung Á cho Trung Quốc. Về mặt quân sự, Trung Quốc chấp nhận và thậm chí có thể tôn trọng sự thống trị của Nga. Theo đó, tôi không nghĩ có nhiều thay đổi trong khoảng thời gian này”.

Mặc dù Trung Quốc đã hoạt động nhiều năm ở Trung Á, nhưng Temur Umarov, một chuyên gia tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (CEIP), cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bloomberg rằng ở Kazakhstan và ở Trung Á, khả năng can thiệp của Trung Quốc vào chính trị của nước sở tại vẫn còn hạn chế.

Ông nói: “Trong lĩnh vực này, Matxcơva vẫn có ưu thế trong các vấn đề đối nội, bất chấp mối quan hệ giữa Trung Quốc với giới tinh hoa của Kazakhstan (so với những người bình thường, Trung Quốc phổ biến hơn ở tầng lớp này). Ông Putin vẫn có nhiều điểm chung với những người nổi tiếng trong nước hơn so với ông Tập, giúp ông có sự tự tin để can thiệp và chọn bên. Trung Quốc sẽ chỉ có thể chờ xem”.

Niva Yau, nhà nghiên cứu tại Học viện OSCE, chuyên nghiên cứu các mối quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với Trung Á, tin rằng hành động quân sự của Nga ở Kazakhstan sẽ giúp Nga có thêm sức mạnh thương lượng trong các giao dịch dầu khí với Trung Quốc trong tương lai.

Sau khi Nga đưa quân đến Kazakhstan vào ngày 6/1, Niva Yau đã tweet rằng: “Nếu Tokayev cuối cùng nhượng bộ, hành động quân sự của Nga ở Kazakhstan sẽ gây ra hậu quả bùng nổ cho thị trường dầu khí toàn cầu. Bởi vì trong vài năm qua, Nga đã cố gắng để kiểm soát việc mua dầu và khí đốt của Trung Quốc từ Trung Á”. “Đối với Nga, điều này có sức mạnh thương lượng to lớn, đòn bẩy rất lớn trong việc đàm phán các hợp đồng dầu khí với Trung Quốc”.

Nga đã và đang gây áp lực buộc Kazakhstan thông qua Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU, gồm 5 quốc gia: Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) phải đồng ý xây dựng các tiêu chuẩn dầu khí cân đối để Nga có thể định giá xuất khẩu dầu và khí đốt sang Trung Quốc.

Paddy Ryan, cộng sự chương trình tại Trung tâm Năng lượng Toàn cầu tại Hội đồng Hợp tác Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ cho rằng, thông qua Liên minh Kinh tế Á-Âu, Nga có thể kiểm soát giá khí đốt tự nhiên ở Kazakhstan giống như cách mà Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ kiểm soát giá dầu. Ông Ryan tin rằng, Nga đã giải cứu Tổng thống Kazakhstan Tokayev, người chắc chắn sẽ hồi báo. Ông nói rằng, cũng giống như châu Âu, Nga hiện có thể có các cuộc kiểm tra và cân đối về việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang phía đông, đây sẽ là phép thử cho sự chia rẽ giữa Trung Quốc và Nga ở Trung Á.

Một bài báo gần đây của tờ Bloomberg có tiêu đề “Trung Quốc và Nga có vấn đề ở Trung Á” cũng lưu ý rằng những rắc rối ở Kazakhstan có thể buộc Bắc Kinh phải đánh giá lại mức độ dễ bị thương tổn ở Trung Á, do Kazakhstan có dầu, khí đốt và các nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú như đồng và uranium.

Theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Kazakhstan, từ năm 2005 đến năm 2020, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Kazakhstan lên tới 19,2 tỷ USD; khoảng 56 dự án do Trung Quốc tài trợ dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào năm 2023. Trong đó, các khoản đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí và khoáng sản. Theo số liệu của hải quan Trung Quốc, từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2021, Trung Quốc đã nhập khẩu 4,02 triệu tấn khí đốt tự nhiên từ Kazakhstan. Truyền thông Trung Quốc cũng lưu ý rằng tình hình ở Kazakhstan liên quan trực tiếp đến hoà bình và an ninh năng lượng ở biên giới phía tây bắc của Trung Quốc.

Không chỉ ở Kazakhstan, thương mại và đầu tư của Trung Quốc vào các nước Trung Á khác cũng đang tăng lên. Theo tin tức mới nhất từ ​​Tân Hoa Xã của Trung Quốc, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và 5 nước Trung Á cách đây 30 năm, kim ngạch thương mại với 5 nước Trung Á đã tăng hơn 100 lần.

Nhiều người chỉ ra rằng các sự việc ở Kazakhstan thực sự là một lời cảnh báo đối với Trung Quốc. Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều tiền vào nền kinh tế Kazakhstan, nhưng số phận của các công ty Trung Quốc phụ thuộc vào mong muốn của Nga. Liệu Trung Quốc có thể tiếp tục thuê ngoài thương mại và an ninh năng lượng? Ở nhiều nơi trên thế giới, Trung Quốc đã bắt đầu tự cung cấp cho các doanh nghiệp và công dân của họ. Theo báo cáo, các công ty Trung Quốc không bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan. Không rõ Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào nếu lợi ích và các khoản đầu tư của họ bị ảnh hưởng.

Trung Quốc sẽ không thách thức vị thế của Nga vào thời điểm hiện tại, và Nga không sợ Trung Quốc

Tuy nhiên, ít nhất trên bề mặt, Bắc Kinh ủng hộ sự can thiệp do Nga dẫn đầu. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết ngày 7/1, sau khi được hỏi ông nghĩ gì về việc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể gửi quân đến Kazakhstan, “Trung Quốc ủng hộ mọi nỗ lực sẽ giúp chính quyền Kazakhstan làm dịu tình hình càng sớm càng tốt và kiên quyết phản đối các thế lực bên ngoài cố tình gây bất ổn xã hội và kích động bạo lực ở Kazakhstan”.

Kadri Liik, nhà nghiên cứu chính sách tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, cho rằng sự việc ở Kazakhstan không phải là “thay đổi cục diện hình thế” đối với quan hệ Trung-Nga. Bà cho rằng trong ngắn hạn, Trung Quốc sẽ không “ngang nhiên” thách thức vị thế an ninh của Nga ở Trung Á.

Bà nói: “Tôi không nghĩ Trung Quốc quan tâm nhiều đến việc đóng vai trò quân sự và an ninh ở Trung Á. Trung Quốc hiện đang quan tâm nhiều hơn đến Biển Đông, Đài Loan, v.v., và Trung Á không nằm trong lợi ích trực tiếp của họ. Có thể, một vài thập niên tới (sự quan tâm như vậy) sẽ tăng lên”.

Bà cho biết, Điện Kremlin cũng hài lòng với tư cách là người bảo đảm an ninh cho khu vực Trung Á.

Ở Trung Á, lợi ích của hai nước hiện đang hội tụ, bà Liik nói. Nga lo ngại về các hoạt động khủng bố từ Syria và Afghanistan, trong khi Trung Quốc muốn các hoạt động kinh tế của nước này ở Trung Á không bị đe dọa bởi khủng bố. Theo bà Liik, từ quan điểm hiện tại, Trung Quốc và Nga đang có mối quan hệ khá hài hòa ở Trung Á. Cả hai nước hiện tôn trọng lợi ích của nhau ở Trung Á.

Ngày 11/1, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã có cuộc đối thoại về tình hình Kazakhstan. Hai bên có lập trường tương tự nhau, và cả hai đều cho rằng đó là một cuộc hỗn loạn do “thế lực bên ngoài” cố tình tạo ra, xúi giục “các cuộc cách mạng màu”, v.v. Cả hai bên đều hy vọng rằng sự ổn định sẽ được khôi phục ở Kazakhstan.

Temur Umarov, chuyên gia tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cũng đã viết trong một bài báo gần đây rằng mặc dù thực sự có một số cạnh tranh giữa Trung Quốc và Nga ở Trung Á, nhưng Matxcơva và Bắc Kinh vẫn coi việc phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là vào thời điểm mà cuộc đối đầu giữa hai nước và phương Tây đang gia tăng.

Sau khi Nga sáp nhập Crimea của Ukraine vào năm 2014 và bị phương Tây trừng phạt, các nhà hoạch định chính sách Nga đã thay đổi quan điểm về Trung Quốc, ngày càng coi Trung Quốc là đồng minh và nhà đầu tư thay vì chỉ là đối thủ cạnh tranh trong khu vực, người mua thiết bị quân sự của Nga, và thậm chí là sao chép công nghệ của Nga. Trung Quốc cũng trở nên thù địch với Hoa Kỳ và phương Tây trong những năm gần đây vì tình trạng vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương, sự đe dọa của họ đối với Đài Loan và sự cưỡng bức kinh tế của họ đối với các nước như Úc. Trong mắt Hoa Kỳ và phương Tây, Nga và Trung Quốc luôn được coi là những kẻ thách thức trật tự thế giới hiện nay.

Ông Temur Umarov nói rằng, Matxcơva và Bắc Kinh hiện không có lợi ích trong việc tìm kiếm xung đột, và quan hệ song phương của họ quan trọng hơn lợi ích của họ ở Trung Á. Ông chỉ ra rằng tại Tajikistan, các hoạt động của Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh rất tích cực, nhưng nó chưa gây ra xung đột với Nga.

Vào tháng 10 năm 2021, có thông tin cho rằng Trung Quốc sẽ thiết lập một căn cứ cảnh sát ở Tajikistan gần biên giới Afghanistan. Trước đó, Trung Quốc cũng đã xây dựng một số đồn biên phòng cho Tajikistan trên biên giới với Afghanistan. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã giúp quân đội Tajikistan xây dựng doanh trại, cao ốc văn phòng và căn cứ huấn luyện, cũng như đào tạo các sĩ quan Tajikistan. Hai nước cũng đã tổ chức các cuộc tập trận chung ở Badakhshan và các khu vực khác.

Trong trung và dài hạn, Trung Quốc sẽ không còn hài lòng với sự phân chia vai trò hiện tại

Ở phương Tây, nhiều người cho rằng Trung Quốc cũng sẽ gia tăng sức mạnh của mình ở Trung Á khi nước này đòi hỏi một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Trong trung và dài hạn, Trung Quốc sẽ không hài lòng với việc chỉ phát triển vị thế kinh tế của mình ở Trung Á.

Steven Pifer, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine hiện đang tiến hành nghiên cứu kiểm soát vũ khí và an ninh tại Viện Brookings, nói với VOA: “Tôi nghĩ đến một lúc nào đó bạn sẽ thấy lợi ích của Nga và Trung Quốc đang va chạm nhau. Trung Quốc đã thực hiện nhiều khoản đầu tư kinh tế lớn ở Trung Á thông qua Sáng kiến ​​’Vành đai và Con đường’. Tôi nghĩ, đến một lúc nào đó, Trung Quốc sẽ cố gắng chuyển đầu tư kinh tế thành ảnh hưởng chính trị. Tôi tin rằng điều này sẽ tạo ra xích mích với Nga”.

Lo ngại về an ninh ở Nam Á và Trung Á, Bắc Kinh cũng bắt đầu can thiệp nhiều hơn vào lĩnh vực an ninh của Trung Á, ngoài việc thiết lập tiền lệ trong lĩnh vực an ninh Trung Á tại Tajikistan vào năm 2016, Trung Quốc còn dẫn đầu thành lập cơ chế an ninh tứ giác gồm Tajikistan, Afghanistan và Pakistan, đồng thời thành lập lực lượng chống khủng bố chung. Các chuyên gia nhận định, với việc quân đội Mỹ rời Afghanistan vào năm 2021, mối quan tâm của Trung Quốc sẽ ngày càng gia tăng. Mặc dù Nga cho đến nay không công khai bày tỏ sự bất bình và không hài lòng về điều này nhưng họ cho rằng không có hành động nào của Trung Quốc khiến Nga cảm thấy thoải mái.

Bà Liik cho rằng, các nhà hoạch định chính sách và xã hội Nga hiện không sợ hãi trước sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc như nhiều nước ở phương Tây và các nước láng giềng của Trung Quốc – bởi vì Nga vẫn có lợi thế quân sự đáng kể. Thứ hai, là do sự tồn tại của một số niềm tin còn sót lại từ thời Liên Xô, chẳng hạn như Trung Quốc là “em nhỏ” của Nga và “một nước kém phát triển”.

Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng lòng tin của Matxcơva đối với Bắc Kinh đã phần nào bị kiềm chế. Về các vấn đề chính sách nhạy cảm, Nga thận trọng giữ khoảng cách với Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà các dịch vụ an ninh của Nga hiếm khi sử dụng công nghệ của Trung Quốc. Khi Trung Quốc thể hiện sức mạnh của mình hơn nữa, Nga cũng sẽ học hỏi nhiều hơn về các nước láng giềng của mình, bà nói. Ở Nga, thế hệ chuyên gia trẻ về Trung Quốc cảnh giác với Bắc Kinh hơn các đồng nghiệp lớn tuổi của họ, bà nói.

Theo VOA

An Liên biên dịch

Related posts