Theo báo cáo từ một nhóm báo chí hôm 31/1, các nhà báo nước ngoài ở Trung Quốc đang phải đối mặt với những trở ngại chưa từng có nhằm làm mất uy tín của họ, bao gồm các mối đe dọa về pháp lý từ nhà cầm quyền, các chiến dịch sỉ nhục trực tuyến và số lượng nhà báo độc lập giảm dần.
Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài của Trung Quốc (FCCC) cho biết trong bản báo cáo thường niên rằng Bắc Kinh dường như đang “khuyến khích nhiều vụ kiện”, hoặc đe dọa hành động pháp lý đối với các nhà báo nước ngoài. Điểm đặc biệt là những vụ kiện này thường được đệ trình rất lâu sau khi các nguồn tin đồng ý phỏng vấn.
David Rennie, giám đốc văn phòng Bắc Kinh của Economist, cho biết trong báo cáo: “Các rủi ro đang thay đổi vào lúc này theo những cách thức không giống trước đây.”
“Đặc biệt, các tổ chức tin tức phải đối mặt với cảnh báo rằng những bài báo của họ có thể khiến họ phải chịu các lệnh trừng phạt qua con đường pháp lý hoặc các vụ kiện dân sự, hoặc, đáng ngại nhất là các cuộc điều tra an ninh quốc gia”, ông nói thêm.
Ông nói, điều này đánh dấu một sự thay đổi “đáng lo ngại” so với các công cụ trước đây để kiểm soát phương tiện truyền thông, chẳng hạn như đưa họ vào danh sách đen để cấm tham gia một số sự kiện hoặc các vấn đề với thẻ báo chí và thị thực.
Sự gia tăng về hành động pháp lý xảy ra sau vụ bắt giữ năm 2020 đối với người dẫn chương trình truyền hình Úc Cheng Lei, người từng làm việc cho đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN và Haze Fan của Bloomberg News.
Các nhà chức trách Trung Quốc cho biết họ đang bị tạm giữ vì tình nghi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Trong khi đó, các nhà báo nước ngoài và các tổ chức của họ đã phải phát triển các kế hoạch ‘thoát hiểm khẩn cấp’ trước nguy cơ rủi ro cao và “các cuộc tấn công do nhà nước hậu thuẫn … đặc biệt là các chiến dịch sỉ nhục trực tuyến” đã khiến những người còn lại gặp khó khăn trong hoạt động, báo cáo của FCCC cho biết.
Báo cáo cho biết thêm, những động thái như vậy làm gia tăng cảm giác rằng truyền thông nước ngoài là kẻ thù, lưu ý rằng “việc đưa tin về Trung Quốc đang phải hứng chịu hậu quả”.
Báo cáo của FCCC đưa thông tin về 18 nhà báo làm việc cho truyền thông Mỹ đã bị trục xuất vào năm 2020.
Các phát hiện của FCCC dựa trên cuộc khảo sát 127 trong số 192 thành viên của tổ chức.
Lê Vy (theo AFP)