Cao Dương
Các loại tiền điện tử quốc gia sẽ cho phép chính quyền hoàn toàn kiểm soát tiền của mọi công dân. Họ có thể xóa tiền khỏi tài khoản của bạn bất kỳ lúc nào, hay lập trình kiểm soát những gì bạn được mua và không được mua,…
Bắc Kinh đang dẫn đầu thế giới trong triển khai tiền điện tử của ngân hàng trung ương (CBDC), và trong việc mở ra kỷ nguyên mới của sự mở rộng kiểm soát đồng tiền và phương tiện để thanh toán hay xác định giá trị trên toàn thế giới.
Chúng ta cứ kệ cho chế độ nô lệ lớn nhất thế giới triển khai đồng tiền điện tử quốc gia đầu tiên đi. Lợi dụng sự chú ý của toàn cầu về Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đang chuẩn bị giới thiệu đồng Nhân dân tệ điện tử ra thế giới.
Đây có lẽ là thứ nguy hiểm nhất ra đời từ Trung Quốc kể từ khi có virus viêm phổi Vũ Hán.
Để hiểu được tại sao lại thế, chúng ta cần biết tiền điện tử là gì.
Một hình thức tiền mới
Bitcoin là đồng tiền tiên phong trên định dạng kỹ thuật số, chứ không phải dạng giấy, dạng xu, hay bất kỳ hình thức nào khác được kiểm soát bởi bất kỳ tổ chức tài chính nào. Tiền mã hóa (cryptocurrency) là tiền ẩn danh có thể được sử dụng trên khắp thế giới qua internet, nằm ngoài sự kiểm soát của các ngân hàng trung ương.
Đó là nói đến phần “mã hóa” trong tên gọi của hình thức tiền mới này, vì “mã hóa” (crypto) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp kryptós nghĩa là “ẩn”, “mật”.
Tất cả các loại tiền điện tử đều dựa trên một công nghệ blockchain nào đó. Blockchain, nói một cách đơn giản, là một hệ thống sổ cái phân tán, cung cấp một bản ghi bất biến nhưng ẩn danh của tất cả các giao dịch.
Nói tóm lại, tiền điện tử hoặc tiền mã hóa cho phép người dùng thực hiện các giao dịch không thể theo dõi trên toàn cầu, không được xác định và không bị đánh thuế bởi bất kỳ cơ quan tài chính nào.
Thuốc giải độc cho tình trạng lỏng lẻo của các ngân hàng trung ương?
Tất nhiên, thế giới tiền điện tử rất phức tạp, có quá nhiều khía cạnh để đi vào chi tiết ở đây. Nhưng sẽ hữu ích khi chúng ta xem xét lý do tại sao tiền tệ điện tử lại ra đời ngay từ đầu.
Bitcoin là tiền điện tử đầu tiên trên thế giới, được phát hành, như bạn có lẽ cũng nhớ, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-09.
Cuộc khủng hoảng ấy phần lớn bị gây ra bởi các chính sách đầy rủi ro, thiếu ràng buộc của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương và cơ quan tài chính khác trên thế giới.
Chính sách tiền tệ lỏng lẻo — chẳng hạn như in tiền, giảm ngưỡng tín dụng cho người đi vay và lãi suất cực thấp — đã bóp méo thị trường nhà đất ở Mỹ, khiến giá cổ phiếu và giá hàng hoá và dịch vụ bằng USD trên thế giới tăng vọt.
Diễn biến như thế là dễ hiểu. Trong một nền kinh tế toàn cầu dựa trên đồng USD, khi có nhiều đồng USD được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ in ra và bơm vào nền kinh tế, mỗi đồng USD trở nên ít giá trị hơn, do đó giá hàng hóa và dịch vụ tính bằng USD tăng lên.
Khi sự thao túng tiền tệ tiếp tục đến mức cực đoan, nó thường dẫn đến thảm họa kinh tế. Thị trường và nền kinh tế quá nóng và sau đó sụp đổ. Thật không may, hàng tỉ người bình thường phải trả giá khi các khoản đầu tư của họ mất giá gần như chỉ sau một đêm.
Mục đích tránh những cuộc khủng hoảng lặp đi lặp lại này chính là ý tưởng đằng sau sự xuất hiện của Bitcoin. Mô hình đồng xu phỏng theo đồng tiền điện tử Bitcoin, chụp tại Istanbul. (Ozan Kose / AFP, qua Getty Images)
Mối đe dọa đối với ngân hàng toàn cầu – Bao gồm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC)
Đương nhiên, khi không có thuế và bất kỳ cơ quan quản lý nào, tiền điện tử hấp dẫn toàn thế giới — cho cả giao dịch hợp pháp và bất hợp pháp. Nhưng chính sự tồn tại của tiền điện tử lại đe dọa sức mạnh của hệ thống ngân hàng toàn cầu.
Cũng dễ đoán được rằng, các ngân hàng trung ương, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, đã và đang tìm cách để chống lại tiền điện tử.
Do đó, đồng Nhân dân tệ điện tử là lời đáp trả của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với tiền điện tử. Mục đích cuối cùng của các loại tiền điện tử quốc gia, không chỉ là thay thế tiền giấy và tiền xu bằng các loại tiền tệ do ngân hàng trung ương kiểm soát, mà chính xác là để loại bỏ hoàn toàn tiền điện tử.
Trên một số khía cạnh, các đồng tiền điện tử như đồng Nhân dân tệ điện tử, là giống với các đồng tiền điện tử có uy tín như Bitcoin và một số đồng khác. Nhưng trong các mặt quan trọng, các đồng tiền điện tử được quốc gia hóa mới nổi thực sự hoàn toàn trái ngược với tiền điện tử.
Ví dụ, trong trường hợp của Trung Quốc, khi đồng Nhân dân tệ điện tử được đưa vào sử dụng, nền kinh tế tiền mặt, có lẽ sẽ nhanh chóng ngừng tồn tại thôi. Khi điều đó xảy ra, ĐCSTQ sẽ có quyền kiểm soát thậm chí còn lớn hơn nữa đối với người dân.
Lý do thì rất đơn giản và mạnh mẽ.
Trong khi tiền điện tử cung cấp tính ẩn danh, thì đồng Nhân dân tệ điện tử sẽ hoàn toàn do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phát hành và kiểm soát. Thay vì một sổ cái phân tán phi tập trung, sổ cái điện tử Nhân dân tệ sẽ được tập trung tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Do đó, ĐCSTQ sẽ thấy được thông tin mọi tài khoản và tất cả hoạt động của tài khoản.
Ví dụ, hãy tưởng tượng trường hợp tăng thuế thu nhập, hoặc tăng thuế một hàng hóa dịch vụ nào đó. Sẽ không cần phải thu thuế theo cách truyền thống nữa, vì Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc chỉ cần tự xóa tiền khỏi tài khoản điện tử của bạn là xong. Ví dụ: nếu bạn là một người bất đồng chính kiến với chính quyền, thì chỉ cần bấm nút một cái, là tài khoản ngân hàng của bạn có thể bị đóng băng, hoặc tài sản của bạn bị tịch thu ngay.
Ngoài ra, một đồng tiền điện tử có thể kiểm soát những gì bạn mua – hoặc không thể mua. Bạn có thể không mua được thuốc lá, rượu, hoặc bất kỳ chất nào khác mà tài khoản ngân hàng điện tử của bạn không cho phép bạn mua — tất cả đều được định đoạt từ xa và bằng kỹ thuật số — vượt xa tầm kiểm soát của bạn.
Về cơ bản, khi tiền bị kiểm soát, hầu hết mọi hoạt động đều có thể bị kiểm soát. Đối với một chế độ toàn trị như chính quyền Trung Quốc, đó là một lợi thế to lớn.
Các đồng tiền điện tử của ngân hàng trung ương đang đến với chúng ta
Nhưng Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có kế hoạch triển khai tiền điện tử của ngân hàng trung ương. Mỹ đang theo ngay đằng sau với đồng USD điện tử, Liên minh Châu Âu và nhiều nước khác cũng thế.
Viễn cảnh cũng không sáng sủa gì cho cam.
Hãy xem xem nước Mỹ bị chia rẽ như thế nào trong những ngày này, chỉ vì trạng thái đã tiêm chủng hay chưa tiêm chủng của người dân. Nỗ lực của chính phủ liên bang nhằm kiểm soát hành vi — dựa trên việc một người có được tiêm chủng đầy đủ hay không (dù tiêm chủng đầy đủ được định nghĩa thế nào đi nữa, vào bất kỳ thời điểm nào) — có thể thành công hơn nhiều, nếu Washington kiểm soát được việc bạn tiếp cận tiền của chính bạn.
Giống như Trung Quốc và đồng Nhân dân tệ điện tử ấy, đồng USD điện tử cũng đang đến, nhanh thôi.
Điểm mấu chốt là rất rõ ràng: khi tiền của công dân bị nhà cầm quyền kiểm soát hoặc giữ lại mà không cần có sự đồng ý của công dân, và công dân gần như không thể truy đòi, thì những công dân đó không còn tự do nữa.
Ai đó có thể tự hỏi một câu rất hợp lý rằng, liệu đất nước Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ có phải là bức tranh về tương lai của chính chúng ta hay không?
Tác giả bài bình luận James R. Gorrie là tác giả của quyển sách “Cuộc khủng hoảng Trung Quốc” (Nhà xuất bản Wiley, 2013). Ông cũng viết bài trên blog của ông là TheBananaRepublican.com. Ông sống ở Nam California, Mỹ.
Cao Dương
Theo The Epoch Times