Đại Văn Hào Victor Hugo
Victor Hugo là nhà thơ, nhà viết tiểu thuyết, nhà viết kịch danh tiếng nhất của nước Pháp, là nhân vật dẫn đầu phong trào Lãng Mạn (the romantic movement) của nền Văn Chương Pháp. Các tác phẩm của ông gồm 45 cuốn với hai cuốn tiểu thuyết được toàn Thế Giới biết đến, là cuốn “Anh Gù của Nhà Thờ Đức Bà” (The Hunchback of Notre Dame, 1831) và cuốn “Các Kẻ Khốn Cùng” (Les Misérables, 1862), với hai nhân vật trong truyện là anh gù Quasimodo trong cuốn tiểu thuyết trước và Jean Valjean trong cuốn sau.
Khả năng sáng tạo của Victor Hugo rất lớn lao, mỗi ngày ông có thể làm 100 câu thơ hay viết 20 trang tiểu thuyết và qua các tác phẩm của ông, đã phản ánh các phong trào chính trị và văn chương của thời đại, đã bộc lộ rõ niềm tin của ông nơi Khoa Học, nơi nền Dân Chủ và Tự Do. Victor Hugo đã chào đời vào năm 1802 và qua đời năm 1885, và do các tác phẩm đồ sộ, thế kỷ 19 với nền văn chương đặc sắc của nước Pháp, đã được gọi là “Thế Kỷ của Victor Hugo”.
1- Các năm thiếu thời (1802-1830).
Victor Hugo chào đời vào ngày 26 tháng 2 năm 1802 trong tỉnh Besancon, nước Pháp, là con trai thứ ba của ông Joseph Léopold Sigisbert Hugo, vốn là con của một người thợ mộc, nhưng ông Joseph đã phục vụ quân đội Pháp trong thời kỳ Cách Mạng và lên tới cấp bậc thiếu tá, rồi về sau do lòng dũng cảm và công trạng chiến trường, trở thành một vị tướng trong đội quân của Napoléon. Ông Joseph đã trung thành với chế độ mới, từ Hội Nghị Quốc Ước tới Đế Chế Thứ Nhất, đã phục vụ cho Joseph Bonaparte và quân vụ đã khiến cho Tướng Hugo này phải đi làm việc tại nhiều nơi.
Victor Hugo đã đi thăm cha tại nước Ý vào tuổi lên 5 và theo học trường tiểu học tại Madrid, nước Tây Ban Nha, vào tuổi lên 9. Ký ức về tuổi trẻ xa xứ đã được Victor Hugo ghi lại sau này qua các tập thơ và các vở kịch.
Trái ngược với người cha theo Cách Mạng Pháp, bà mẹ của Victor Hugo lại là một phụ nữ có tính độc lập, cương quyết, theo phe Bảo Hoàng và không ưa cuộc đời nay đây mai đó của vợ một quân nhân, vì thế vào năm 1812, bà Joseph Hugo đã định cư tại thành phố Paris và từ nay, ba người con trai của bà theo đuổi một nền giáo dục căn bản. Sự khác biệt vì tư tưởng chính trị, vì tính tình tương phản giữa hai ông bà Hugo đã dẫn đến việc ly dị chính thức vào năm 1818. Victor Hugo sống với mẹ, nên vào thời gian đầu, đã theo khuynh hướng bảo hoàng.
Victor Hugo là con trai nhỏ nhất, đã theo học tại trường trung học Louis-le-Grand (1816-18). Cậu Victor này từ nhỏ đã có thiên khiếu về văn thơ, vào tuổi 15 đã yêu thương cô bạn gái hàng xóm tên là Adèle Foucher và đã dự tính sau này theo ngành văn học để có thể kết hôn với người yêu. Tại trường trung học, Victor Hugo là một học sinh xuất sắc về Toán Học và Văn Chương. Năm 1817, Victor Hugo lãnh được bằng khen danh dự của Hàn Lâm Viện Pháp về một bài thơ dự thi rồi tới năm 1819, đã đoạt giải nhất trong một kỳ thi thơ phú toàn quốc.
Năm 1818, Victor Hugo ghi danh vào Đại Học Luật Khoa Paris nhưng việc theo học này đã không đều và không có chủ đích. Các kỷ niệm về thời sinh viên nghèo này đã được phản ánh qua nhân vật Marius trong cuốn truyện “Các Kẻ Khốn Cùng”.
Luật Khoa không phải là tham vọng của Victor Hugo bởi vì trong các cuốn sổ của ông đã ghi đầy các bài dịch nhiều vở kịch, các bài thơ, đặc biệt là các thi phẩm của Virgil. Do sự khuyến khích của bà mẹ, Victor Hugo đã lập ra tạp chí văn học “Le Conservateur Littéraire” (Người bảo quản văn chương, 1819-21) qua đó, các bài của ông viết về hai nhà thơ Alphonse de Lamartine và André de Chénier, đã được nhiều người chú ý. Trong một cuốn sổ ghi, Victor Hugo đã viết: “Tôi sẽ trở nên một Chateaubriand hoặc chẳng ra gì”. Chateaubriand là nhà văn hàng đầu của nước Pháp vào đầu thế kỷ 19.
Khi bà mẹ qua đời vào năm 1821, Victor Hugo đã từ chối nhận trợ cấp của cha và chịu đựng cuộc sống thiếu thốn. Cũng vào năm này, ông cho xuất bản thi phẩm đầu tiên có tên là “Odes et poesies diverses” (Các bài thơ ngắn và thơ nhiều loại) qua đó các cảm tình bảo hoàng đã khiến cho ông nhận được món tiền trợ cấp 1,000 quan một năm của Vua Louis 18 rồi nhờ số tiền này, Victor Hugo đã kết hôn với người yêu Adèle Foucher và họ đã có với nhau 4 người con.
Năm 1823, Victor Hugo phổ biến cuốn truyện tiểu thuyết đầu tiên tên là Han d’Islande (Đại Hãn của Ái Nhĩ Lan), mô tả sự man rợ của một bộ lạc chặt đầu người bằng búa đá và uống máu kẻ địch. Cuốn truyện này được dịch sang tiếng Anh vào năm 1825 và được nhà báo Charles Nodier cho là có giá trị nên ông này đã mời Victor Hugo tham gia vào nhóm các nhà viết văn thuộc trường phái Lãng Mạn (Romanticism). Nhóm văn hữu này mang danh hiệu là Cénacle và cũng do mối liên lạc này mà Victor Hugo quen biết Saint-Beuve, một nhà phê bình văn chương Pháp độc đáo của thế kỷ 19.
Nhóm văn hữu Cénacle họp mặt thường xuyên tại thư viện Arsenal, họ đã đề cao tự do là nguyên tắc của nghệ thuật và đời sống. Vào thời kỳ này, Victor Hugo đã phổ biến một loại báo văn học có khuynh hướng ôn hòa với tên là Muse Francaise (Thi Thần nước Pháp, 1823-24).
Năm 1824, Victor Hugo cho xuất bản tập thơ ngắn Nouvelles Odes (Các bài thơ ngắn mới) rồi hai năm sau, xuất hiện cuốn tiểu thuyết Bug-Jargal (bản dịch tiếng Anh là The Slave King = nhà Vua nô lệ). Tập thơ “Odes et Ballades” (Thơ ngắn và thơ ba tiết ba-lát) là một ấn bản năm 1826, bao gồm nhiều bài thơ Victor Hugo đã làm ra trước kia và các bài thơ sau này mang tính lãng mạn, sau đó là tập thơ “Les Orientales” (Đông Phương, 1829) gợi lên các phong vị lãng mạn và màu sắc của phương đông. Bằng các tập thơ ngắn này và qua cách dùng các nhịp thơ, các hình ảnh rực rỡ, Victor Hugo dần dần trở nên một nhà thơ lãng mạn.
Thiên tài của Victor Hugo đã thể hiện qua trường phái Lãng Mạn như là một nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch qua kịch bản “Cromwell” xuất bản năm 1827. Kịch bản này nổi tiếng vì lời tựa dài, soạn công phu, qua đó Victor Hugo đã đề cập tới chủ thuyết của trường phái Lãng Mạn (a doctrine of Romanticism) trong một kỳ thi thơ phú toàn quốc.
Victor Hugo cho rằng các tương phản của đời người, thiện hay ác, đẹp hay xấu, vui hay buồn, phải được tự do thể hiện trong các cách diễn tả và bài tựa của vở kịch “Cromwell” của ông đã phá vỡ các luật lệ cổ điển chi phối cách viết kịch từ các thời kỳ trước. Victor Hugo đã cổ vũ việc chấp nhận Shakespeare là một nhà soạn kịch kiểu mẫu, ông ủng hộ lập trường tự do trong ba nguyên tắc viết kịch về thời gian, nơi chốn và hành động, và chủ trương rằng trong vở kịch phải có cả các sự việc bi-hài, có cả sự tầm thường lẫn sự cao cả và như vậy, trường phái Lãng Mạn đã lấn sang địa hạt sân khấu.
2- Giai đoạn thành công (1830-52).
Vào khoảng năm 1831, Victor Hugo đã ưa chuộng, tôn sùng Napoléon, ông đã cho xuất hiện tập thơ “À la Colonne” (Xếp Hàng) và “Lui” (Người), nhưng việc giới hạn tự do báo chí của Vua Charles X và các cách kiểm duyệt của chính quyền thời đó lại khiến cho Victor Hugo hướng về lý tưởng tự do, sự kiện này đã khiến ông gặp gỡ các nhà văn cấp tiến của tờ báo Le Globe (Địa Cầu). Vở kịch “Marion de Lorme” (1829) của ông đã bị cấm trình diễn trên sân khấu vì hình ảnh của nhà vua đã không được trình bày thuận lợi. Victor Hugo đã phản đối các cấm đoán, các giới hạn bằng vở kịch lịch sử “Trận chiến Hernani”, lần đầu tiên trình diễn vào ngày 25-2-1830. Ông viết vở kịch Hernani này, dùng tới miền đất Tây Ban Nha làm địa bàn với các đặc tính trung cổ, bí ẩn và độc đáo. Vở kịch “Hernani” hầu như đã vi phạm tất cả các quy luật cổ điển của Racine và Corneille.
Ngay từ đầu, vở kịch “Hernani” đã bị những người theo trường phái cổ điển la ó, phản đối, và Théophile Gautier là một nhà văn nổi danh thời đó đã phải ghi nhận rằng cả hai trường phái đã đối nghịch nhau trong các cuộc tranh luận văn chương. Vở kịch “Hernani” đã được trình diễn 45 lần, một thành công đáng kể đối với thời bấy giờ và cuối cùng, các nhà văn cổ điển đã phải chịu thua. Victor Hugo được ca ngợi là người đã giết chết con rồng cổ điển và trường phái Lãng Mạn đã toàn thắng về mọi mặt. Victor Hugo trở thành nhà lãnh đạo của phong trào Văn Chương Lãng Mạn của nước Pháp. Vở kịch “Hernani” về sau được Giuseppe Verdi, nhà soạn nhạc người Ý, dựa theo đó mà sáng tác ra nhạc kịch Ernani vào năm 1844.
Giai đoạn sáng tác phong phú nhất của Victor Hugo là các năm từ 1829 tới 1843. Năm 1831, cuốn truyện “Nhà Thờ Đức Bà” (Notre Dame de Paris, dịch sang tiếng Anh là The Hunchback of Notre Dame = Anh Gù của Nhà Thờ Đức Bà) là một tiểu thuyết lịch sử, đề cập tới đời sống dưới thời Vua Louis 11. Cuốn truyện đã lên án xã hội, đã chồng chất các đau khổ lên đầu các nạn nhân như anh gù Quasimodo và người con gái “gypsy” tên là Esmeralda. Cuốn tiểu thuyết này đã làm xúc động lương tâm của quần chúng hơn là cuốn truyện đã được xuất bản khi trước, với tên là “Ngày Cuối Cùng của một Tử Tội” (Le Dernier Jour d’un condamné, 1829) qua đó Victor Hugo đã phản kháng án tử hình.
Cuốn truyện “Nhà Thờ Đức Bà” đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau. Qua tác phẩm này, Victor Hugo đã mô tả cuộc sống bi-hài của anh gù kéo chuông cũng như vẻ rực rỡ của ngôi giáo đường và thành phố Paris thời trước. Victor Hugo cũng xác định rằng một tác phẩm văn học phải là một công trình của trí tưởng tượng, của các biến đổi và những điều dị thường. Tác phẩm văn chương “Nhà Thờ Đức Bà” đã xác nhận Victor Hugo là nhà văn hàng đầu của nước Pháp.
Trong thời gian cuốn truyện “Nhà Thờ Đức Bà” đang được viết, Vua Louis Philippe đã trở thành vị vua của thể chế quân chủ lập hiến sau cuộc Cách Mạng Tháng 7 (the July Revolution). Nhân dịp này, Victor Hugo đã làm một tập thơ đề cao sự kiện kể trên với tên là “Dicté après Juillet 1830” (Lời thơ sau cuộc Cách Mạng Tháng 7- 1830) và đây là tập thơ đi trước của loại thơ mang tính chất chính trị của ông.
Cũng vào thời đại Quân Chủ tháng 7 này, Victor Hugo còn cho xuất hiện tập thơ “Lá Thu” (Le Feuilles d’automne, 1831) với các cảm hứng cá nhân và thân thương, “Các bài ca Hoàng Hôn” (Les Chants du Crépuscule, 1835) mang tính chính trị, “Các lời nội tâm” (Les Voix intérieures, 1837) chứa đựng các ý tưởng cá nhân và triết học, “Tia sáng và bóng tối” (Les Rayons et les Ombres, 1840) qua đó tác giả dùng tới nhiều chi tiết, màu sắc và hình ảnh.
Victor Hugo không chỉ biểu lộ các cảm tưởng cá nhân, các câu thơ của ông còn là tiếng nói đề cập tới các vấn đề chính trị và triết học, mang nhiều băn khoăn của thời đại. Các bài thơ của Victor Hugo gợi lên nỗi nghèo khó của người công nhân cùng các vấn đề của thế kỷ. Victor Hugo cũng dùng thơ phú để ca ngợi sự rực rỡ của Napoléon và hô hào trở lại các lý tưởng cộng hòa. Ông đã nói ra bằng các lời lẽ hùng hồn, làm xao động tâm hồn của mọi người.
Khả năng sáng tạo của Victor Hugo rất lớn lao và đã thể hiện qua các vở kịch. Có hai động lực thúc đẩy ông viết kịch: ông cần một diễn đàn để trình bày các tư tưởng chính trị và xã hội, và lý do nữa là vì cô Juliette Drouet, một diễn viên trẻ, đẹp, mà ông đã quen từ năm 1833. Juliette thực ra không có tài năng diễn xuất nên không lâu, đã từ bỏ sân khấu và trở thành người tình trung thành và kín miệng, một thư ký và một người bạn du lịch với nhà văn, cho tới năm 1883 khi cô ta qua đời.
Vở kịch đầu tiên của Victor Hugo là một kịch thơ có tên là “Le Roi s’amuse” (Nhà Vua tiêu khiển – 1832) mô tả các tình yêu nông nổi của Vua Francis I vào thời kỳ Phục Hưng Pháp. Cũng giống như cuốn truyện “Nhà Thờ Đức Bà”, kịch thơ kể trên đã chỉ trích các bất công chính trị và xã hội tại nước Pháp. Đầu tiên vở kịch “Nhà Vua tiêu khiển” đã bị chính quyền cấm đoán nhưng về sau được phép trình diễn và lại được nhà soạn nhạc Giuseppe Verdi dùng làm lời cho nhạc kịch Rigoletto. Bốn vở kịch thơ kế tiếp của Victor Hugo là “Lucrèce Borgia và Marie Tudor” (1833), “Angelo, bạo chúa của thành Padoue” (Angelo, tyran de Padoue, 1835), “Ruy Blas” (1838) và “Les Burgraves” (1843) (được dịch qua tiếng Anh là The Governors = các thống đốc) và vở kịch sau cùng này đã không thành công.
Tháng 9 năm 1843, người con gái của Victor Hugo tên là Léopoldine mới kết hôn, đã bị chết đuối cùng người chồng trong một tai nạn, sự việc này đã khiến cho Victor Hugo rất đau buồn. Ông đã ngưng sáng tác trong vài năm, một phần cũng vì các xáo trộn chính trị và xã hội của thời cuộc.
Xã hội của nước Pháp vào giai đoạn này gặp nhiều bất ổn chính trị và thay đổi. Các nhà văn lãng mạn thấy rằng nhiệm vụ của họ không phải là chỉ viết ra các tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp, điều hay, mà tài năng của họ còn phải được dùng vào công việc nói lên các điều bất công trong xã hội và công việc phải giúp đỡ các người nghèo, các người bị áp bức. Nhận định này đã chấm dứt thời kỳ văn chương lãng mạn và bắt đầu thời kỳ hiện thực và tự nhiên (realistic-naturalistic period).
Trong khi chính trị và xã hội của nước Pháp thay đổi, thì lập trường chính trị của Victor Hugo cũng biến đổi theo thời gian. Từ khuynh hướng bảo hoàng của người mẹ, Victor Hugo dần dần mở rộng quan điểm chính trị, dàn hòa với người cha vào năm 1822 để rồi trở nên một người cộng hòa ôn hòa. Sau cuộc cách mạng năm 1848, Victor Hugo được bầu làm đại biểu của thành phố Paris vào Hội Nghị Lập Hiến rồi về sau là Hội Nghị Lập Pháp. Ông đã ủng hộ ông hoàng Louis Napoléon lúc đầu, nhưng vào tháng 2 năm 1851 đã xẩy ra một cuộc đảo chính và Louis Napoléon đã hủy bỏ chế độ cộng hòa, thành lập Đế Chế Thứ Hai (the Second Empire) và trở nên Vua Napoléon III. Do thất bại trong cuộc tập hợp các công nhân của thành phố Paris biểu tình chống lại nhà vua mới, Victor Hugo phải cải trang thành một công nhân và trốn qua đất Bỉ.
3- Giai đoạn lưu vong (1851-70).
Ngày 17 tháng 7 năm 1851, Victor Hugo đã trình bày trước Quốc Hội Pháp một bài đả kích ông hoàng Louis Napoléon. Ông đã giận dữ tuyên bố rằng “Chúng ta đã có Napoléon Đại Đế, phải chăng chúng ta cần có Napoléon Bé Nhỏ ” (Napoléon le Petit). Lời nói “Napoléon Bé Nhỏ” đã là một câu hô hào chống lại Vua Napoléon III trong 19 năm. Sau khi nhà vua này đã dẹp tan được mọi chống đối, lệnh truy nã Victor Hugo được ký vào ngày 3 tháng 12 năm 1851 khiến cho ông phải chạy qua nước Bỉ, rồi các hoạt động chính trị của ông đã khiến cho chính quyền Bỉ đã phải yêu cầu ông ra đi. Victor Hugo chạy qua nước Anh, đầu tiên cư ngụ trên đảo Jersey thuộc vùng biển Channel từ năm 1852 tới năm 1855.
Victor Hugo đã dùng các bài viết đầu tiên của thời kỳ lưu vong vào việc châm biếm và kết tội Vua Napoléon Bé Nhỏ, mô tả nhà vua này là kẻ cắp, kẻ hèn nhát và bạo chúa. Khi nước Anh và nước Pháp trở nên đồng minh chống lại nước Nga trong trận chiến tranh Crimea, các chỉ trích của Victor Hugo đã làm cho chính quyền Anh bối rối và ông bị trục xuất khỏi đảo Jersey. Ông dời sang hòn đảo Guernsey, là nơi có thể nhìn thấy bờ biển của nước Pháp.
Thời gian gần 20 năm sống lưu vong này là thời kỳ sáng tác phong phú nhất của Victor Hugo. Ông đã làm các lời thơ châm biếm trong các tập thơ “Napoléon Bé Nhỏ” (Napoléon le petit, 1852), “Trừng Phạt” (Les Chatiments, 1853) và đây là một trong các tập thơ chỉ trích mạnh mẽ nhất của ngôn ngữ Pháp. Trong thời gian sống lưu vong trên đảo Guernsey, Victor Hugo đã dùng văn chương mô tả các sự thật sâu xa nhất mà ông đã trải qua. Tập thơ “Suy Tưởng” (Les Comtemplations, 1856) là tập thơ được chia làm hai phần, là “Ngày Trước” (Autrefois) và “Ngày Nay” (Aujourd’hui) ngăn cách bằng ngày qua đời của cô con gái Leopoldine.
Victor Hugo đã đề cập tới thiên nhiên, tình yêu và sự chết. Bằng tập thơ anh hùng ca “Truyền thuyết của các thế kỷ” (La Légende des Siècles, 1859), Victor Hugo đã nói về các tiến bộ của nhân loại qua các thế kỷ. Ông đã bàn luận tới sự tranh đấu của con người giữa điều tốt và điều xấu, con người giải phóng chính mình ra khỏi mọi tôn giáo để đi tới sự thật toàn diện và ông cũng tiên liệu sự tiến bộ của Khoa Học và của Kiến Thức.
Khi Vua Napoléon III công bố lệnh ân xá cho mọi người lưu vong vì chống đối, Victor Hugo đã viết rằng: “Cam kết với lương tâm của tôi, tôi chia sẻ cuộc sống luu vong với Tự Do. Khi nào Tự Do trở về, tôi sẽ trở về”.
Trong thời gian sống lưu vong, Victor Hugo trở nên biểu tượng của Tự Do đối với nhân dân Pháp. Ông đã viết ra trong thời gian này các thi phẩm anh hùng ca bất hủ đồng thời hoàn thành cuốn tiểu thuyết dài nhất và danh tiếng nhất: “Các Kẻ Khốn Cùng” (Les Misérables, 1862), một cuốn truyện mô tả rõ ràng và kết án sự bất công của xã hội trong thế kỷ 19.
Vào năm 1848 trước khi tham gia vào các hoạt động chính trị, Victor Hugo đã phác thảo cuốn truyện “Các Đau Khổ” (Les Misères) nhưng tới khi phải sống lưu vong vào năm 1960, ông trở lại với bản thảo cũ. Victor Hugo đã viết: “Dante đã tạo ra một địa ngục từ thơ phú, tôi thử tạo ra một thứ địa ngục khác từ thực tế”. Cuốn truyện “Các Kẻ Khốn Cùng” với hơn 1,200 trang, ngay từ đầu đã được mọi người công nhận là tiểu thuyết của thế kỷ và được dịch sang nhiều ngôn ngữ. Cuốn truyện này đã lên án các loại địa ngục nhân tạo trên mặt đất với ba vấn đề của thời đại, đó là sự hạ giá nhân phẩm do nghèo khó, sự suy tàn của phụ nữ vì đói khổ và sự thu hẹp thời niên thiếu của trẻ em cả về tinh thần lẫn vật chất. Xã hội của con người còn ngột ngạt khi mà sự ngu dốt và nghèo khó còn tồn tại trên mặt đất.
Ngoài tác phẩm lừng danh “Các Kẻ Khốn Cùng”, Victor Hugo còn viết ra tác phẩm khảo luận có tên là “William Shakepeare” (1864) qua đó bộc lộ các tư tưởng của ông và hai tiểu thuyết khác với tên là “Les Travailleurs de la Mer” (Các người lao động trên biển, 1866) viết ra để tặng cho hòn đảo Guernsey và các thủy thủ của nơi này, và “L’homme qui rit” (Người hay cười, 1869), một cuốn tiểu thuyết về người dân nước Anh chống lại chế độ phong kiến của thế kỷ 17. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Victor Hugo là cuốn “Chín Mươi Ba” (Quatrevingt-treize, 1874), tập trung vào năm 1793 đầy chính biến tại nước Pháp, đề cập tới sự công bằng và bác ái chống lại hậu trường của cuộc Cách Mạng Pháp.
4- Trở về nước Pháp.
Trong 19 năm, Victor Hugo đã báo trước sự sụp đổ của chế độ độc tài của Vua Napoléon III và cảnh cáo về những tai họa theo sau. Năm 1870, Vua Napoléon III đầu hàng tại Sédan vì nước Pháp thua trn trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ và từ nay tới lượt “Vua Napoléon Bé Nhỏ” bị đưa đi lưu vong.
Victor Hugo trở về thành phố Paris trong tiếng chào mừng trên đường phố, trước khách sạn mọi người đều hô to câu “Victor Hugo muôn năm”. Nhưng Văn Hào Hugo đã không an hưởng được hòa bình. Thành phố Paris còn bị quân đội Phổ vây hãm và Victor Hugo đã kêu gọi người Đức nên thiết lập lại hòa bình giữa hai nước Pháp và Đức bởi vì Đế Chế Thứ Hai đã sụp đổ. Ông viết: “Hãy xóa biên giới. Dòng sông Rhine nên được dùng cho mọi người. Chúng ta hãy ở trong một liên bang, Liên Bang của châu Âu…. Hãy duy trì hòa bình quốc tế. Bây giờ hãy bắt tay với nhau và hãy giúp đỡ lẫn nhau…”.
Nhưng mặc dù các lời kêu gọi thống thiết của Văn Hào, vẫn còn các hận thù giữa người Pháp và người Đức, vẫn còn sự chia rẽ giữa phái tả và phái hữu tại nước Pháp, một chính quyền ổn định chỉ là một ảo tưởng. Văn Hào Victor Hugo được bầu làm đại biểu của Quốc Hội Pháp vào năm 1871 nhưng sau một tháng, ông đã từ chức. Victor Hugo đã tình nguyện rời khỏi nước Pháp một cách cay đắng và trở về đảo Guernsey vào năm 1872 và từ đây, ông đã trải qua một năm hướng nhìn về Tổ Quốc.
Năm 1873, Victor Hugo trở lại thành phố Paris và được bầu vào Thượng Viện (the Senate). Ông luôn luôn chống lại các hình thức độc tài mới, chẳng hạn như ngăn trở các tham vọng của Thống Chế Mac Mahon.
Vào năm 1768 trước kia, bà vợ Adèle của Văn Hào Hugo qua đời, để lại cho ông nỗi buồn vô hạn, rồi sau đó là hai cái tang của hai người con trai, chết vào năm 1871 và 1873. Năm 1882 tới lượt cô Juliette Drouet qua đời, cô là thư ký và cũng là người tình, người bạn đồng hành trung thành của Văn Hào Hugo. Cùng vào năm 1882, lễ thượng thọ 80 của Văn Hào được nước Pháp tổ chức long trọng với Đại Lộ d’Eylau được đổi thành Đại Lộ Victor Hugo và Văn Hào được ca ngợi như một vị anh hùng quốc gia.
Sức khỏe của Victor Hugo suy yếu dần. Vào mùa hè năm 1883, Văn Hào Victor Hugo đã để lại những điều dặn dò, được coi như lời di chúc:
Tôi cho các kẻ nghèo 50,000 quan.
Tôi ước mong được mang tới nghĩa trang trong quan tài của người nghèo khó.
Tôi từ chối các lời cầu nguyện của tất cả nhà thờ.
Tôi tin tưởng nơi Thượng Đế.
Victor Hugo từ trần vào ngày 22 tháng 5 năm 1885. Mặc dù ước vọng của ông là được chôn cất trong hoàn cảnh của kẻ nghèo, chiếc quan tài của ông được đặt tại Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe) với 12 nhà thơ lớn đứng kế bên, có nhiều kỵ binh cầm đuốc xếp hàng chung quanh và tang lễ được cử hành rất long trọng như một quốc lễ để tôn kính nhà văn vĩ đại nhất của nước Pháp. Vào ngày tang lễ, dân chúng đứng xếp hàng dài từ Khải Hoàn Môn tới Công Trường Concorde. Văn Hào Victor Hugo được chôn cất trong Điện Panthéon, nơi an nghỉ của các vĩ nhân của nước Pháp.
Victor Hugo là nhà văn, nhà thơ lớn của nước Pháp. Sự rộng lượng trong các tư tưởng của ông, sự ân cần trong cách diễn tả đã làm rung động tâm hồn người đọc bởi vì ông là nhà thơ của người bình dân, đã viết ra văn, làm ra thơ với đặc tính giản dị nhưng bao hàm bên trong sức mạnh, đề cập cả về niềm vui lẫn nỗi buồn của nhiều người. Khi được hỏi Ai là nhà thơ lớn nhất của nước Pháp, Văn Hào André Gide đã trả lời: “Vẫn là Victor Hugo”. Victor Hugo có thể bị chỉ trích về sự nông cạn của tâm hồn tác giả và sự tầm thường của các nhân vật trong truyện, nhưng tầm vóc tài năng của ông về văn chương, bao gồm cả kịch nghệ và thơ phú, thật là bao la, không có ai sánh kịp trong lịch sử văn học kể từ thời Shakespeare và Goethe. Mặc dù không phải là nhà tư tưởng sâu sắc, Victor Hugo vẫn là nhà văn chân thành, hiến mình cho “Chân, Thiện, Mỹ” và ông là Văn Hào được dân chúng Pháp yêu chuộng nhất.
Về Kịch Nghệ, Victor Hugo là người phát ngôn của trường phái Lãng Mạn, ông đã lên án sự cứng rắn về ngôn ngữ và hình thức của trường phái Cổ Điển, chỉ quen dùng đề tài là các vua chúa Hy Lạp hay các anh hùng La Mã. Victor Hugo đề nghị dùng lịch sử cận đại với nhân vật trong các vở kịch có thể là một người tư sản, một tên cướp… nhưng vẫn mang vẻ cao thượng trên kịch trường và như vậy đã chuyển hướng Kịch Nghệ về đường lối Hiện Thực.
Về phương diện tiểu thuyết, Victor Hugo đã đề cập tới các vấn đề luân lý với các nhân vật trong truyện làm các hành động đơn giản nhưng không thể quên được. Cuốn truyện “Nhà Thờ Đức Bà” là một tiểu thuyết lịch sử, với thời điểm là các năm 1400 tại thành phố Paris. Cuốn tiểu thuyết “Chín Mươi Ba” nói về các biến cố của cuộc Cách Mạng Pháp, còn cuốn “Các Kẻ Khốn Cùng” được đặt vào trong khung cảnh của nước Pháp cùng thời đại với nhà văn, với nhân vật Jean Valjean phấn đấu để có thể thực hiện một đời sống hữu ích mặc dù các thành kiến của một xã hội tàn ác.
Như vậy cuốn truyện đã phản ảnh niềm tin của tác giả vào khả năng tự quyết của cá nhân đối với các thói đời. Cuốn truyện đã mô tả bản chất của xã hội và bản chất của con người. Victor Hugo cho rằng các điều kiện xã hội phải thay đổi để cho các trẻ em được nuôi dưỡng đầy đủ, đàn ông có công việc làm ăn, đàn bà được che chở, nền giáo dục nên dành cho mọi người, cơ hội phải công bằng và giữa con người với nhau phải có tình huynh đệ. Cuốn tiểu thuyết “Các Kẻ Khốn Cùng” đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới chính trị, xã hội, văn chương, lý tưởng nhân đạo và hướng thiện. Ngoài ra, nhiều tác phẩm của Victor Hugo còn được coi là xuất sắc vì cách canh tân về ngôn ngữ và hình thức văn chương, vì cách vận dụng chủ đề theo trừu tượng.
Đại Văn Hào Victor Hugo xứng đáng được kể là nhà văn đại diện cho Tinh Thần của nước Pháp vào Thế Kỷ 19.
Nguồn: Nghiên Cứu Lịch Sử