Đức Duy
Trung Quốc hiện phải đối mặt với một loạt rắc rối kinh tế. Chúng đang tạo ra ngày càng nhiều bất đồng đối với nghị trình kinh tế tập trung của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Mỹ và Trung Quốc, dù có rất nhiều khác biệt, đều có một điểm chung lớn. Vấn đề quan trọng trong việc đảm bảo quyền lực chính trị, theo như cách nói của cố vấn và nhà bình luận chính trị một thời của ông Clinton, James Carville, chính là “nền kinh tế”.
Tất nhiên, các vận động chính trị ở Trung Quốc luôn diễn ra trong bóng tối. Không ai nghi ngờ về điều đó. Ở bất kỳ quốc gia nào dưới bất kỳ hệ thống nào, trong bất kỳ thể chế nào, khi có từ 2 người trở lên – những người giàu tham vọng và năng lực – tham gia, khi ấy sẽ xuất hiện các vận động chính trị.
Các phương tiện truyền thông cánh tả của Mỹ thường nói về Trung Quốc với sự lãnh đạo hướng tới một mục tiêu thống nhất. Giả định được đưa ra một cách dễ dàng nhưng ngây thơ này không phù hợp với bản chất của con người và các kinh nghiệm thực tế. Sự thiếu thống nhất đó đã bắt đầu bộc lộ ra khi Trung Quốc phải đối mặt với các khó khăn kinh tế và tài chính.
Bất ổn kinh tế – tài chính làm suy yếu vị thế của ông Tập
Đứng đầu danh sách các vấn đề của ông Tập là nhà phát triển bất động sản vĩ đại một thời Evergrande. Với khoản nợ tương đương 300 tỷ USD, gần đây công ty này đã tuyên bố vỡ nợ, điều mà từ nhiều tháng trước, mọi người đều đã biết là không thể tránh khỏi. Evergrande không phải là công ty duy nhất có các khoản nợ khó thanh toán. Hiện tại, có nhiều vụ vỡ nợ đang được đồn đoán hoặc đã được công bố. Theo các ước tính của tổ chức Xã hội châu Á, các khoản nợ khó thanh toán này chiếm tới khoảng 29% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Vấn đề này đe dọa sự ổn định của nền tài chính và thậm chí cả nền kinh tế Trung Quốc.
Nhiều người đổ lỗi cho sự điều hành yếu kém của các nhà phát triển bất động sản này. Nhưng thực tế là, những vấn đề này lại xảy ra dưới thời nắm quyền của ông Tập. Những người hiểu biết, ngay cả trong chính quyền Trung Quốc, đều hiểu rằng phần lớn vấn đề bắt nguồn từ chính sách thúc đẩy phát triển bất động sản trong một thời gian dài của Bắc Kinh, trong khi không quan tâm tới việc người dân Trung Quốc muốn gì và muốn mua nhà ở đâu. Các vấn đề này tạo nên những nghi ngờ về nghị trình kinh tế tập trung của ông Tập.
Ngoài những vấn đề tài chính nghiêm trọng, triển vọng kinh tế của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi làn sóng COVID-19. Điều này nếu không đổ lỗi cho ông Tập, thì cũng làm suy yếu vị thế của ông. Thêm nữa, tình trạng thiếu điện đã thể hiện rõ chính sách yếu kém của chính quyền trung ương.
Nhiều người đã bày tỏ sự hoài nghi về tuyên bố gần đây rằng nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 8% (sau khi điều chỉnh theo lạm phát) trong năm ngoái. Và như để củng cố cho hoài nghi đó, Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc gần đây đã công bố mức tăng trưởng thực (sau khi điều chỉnh theo lạm phát) chỉ là 5,3% trong năm nay. Thêm nữa, việc Bắc Kinh tiến hành các kích thích tài chính và tiền tệ thể hiện rằng ngay cả việc đạt được tốc độ tăng trưởng khiêm tốn đó cũng sẽ cần đến sự trợ giúp của chính quyền. Khi so sánh với kỷ lục tăng trưởng ngoạn mục trong quá khứ của Trung Quốc, con số nhỏ bé này cho thấy các chính sách đã đi sai hướng.
Xuất hiện nhiều đánh giá bất đồng về chính sách tập trung hóa của ông Tập
Những nghi ngờ đối với các chính sách cơ bản đã xuất hiện trong Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương vào tháng 12 năm ngoái. Tại cuộc họp thường niên quan trọng đó đã có nhiều cuộc tranh luận về việc Bắc Kinh nên kiểm soát các quyết định kinh tế và tài chính ở mức độ nào, và các thành phần kinh tế độc lập hơn là công ty tư nhân, hay thậm chí công ty nhà nước nên kiểm soát ở mức độ nào. Chỉ thị của Hội nghị cho thấy quyền lực không phải hoàn toàn nằm trong tay các nhà quản lý tập trung. Chỉ thị tháng 12/2020 cho năm 2021 ghi nhận “8 nhiệm vụ chính”. Một trong số đó rõ ràng hướng đến tập trung hóa. Nó thể hiện sự cần thiết của việc “mang lại trật tự” cho phân bổ vốn. Chỉ thị vào tháng 12/2021 cho năm 2022 đã bỏ qua vấn đề này và chỉ nói về “7 chính sách lớn”.
Sự bất đồng quan điểm thậm chí còn xuất hiện trên các cơ quan truyền thông lớn của chính quyền Bắc Kinh. Chủ tịch tổ chức Xã hội châu Á Kevin Rudd gần đây nói với Wall Street Journal rằng, Ủy viên Ủy ban Trung ương Qu Qingshan trên tờ Nhân dân Nhật báo đã đưa ra một so sánh tiêu cực giữa xu hướng tập trung hóa ngày nay và việc mở cửa nền kinh tế được đưa ra bởi ông Đặng Tiểu Bình. Ông Qu Qingshan kết luận rằng “quá trình hiện đại hóa và chủ nghĩa xã hội của chúng ta sẽ bị hủy hoại”. Ông Qu Qingshan không đề cập đến các chính sách của ông Tập, nhưng ẩn ý là rất rõ ràng. Tương tự, ông Hu Wei, một trong những thành viên đứng đầu Trường Đảng ở Thượng Hải, đã viết bài trên tờ Liberation Daily, qua đó chỉ ra mối liên hệ giữa sự “thành công” của ông Đặng với việc chấm dứt quản lý “tập trung quá mức”.
Sẽ là quá lời khi kết luận rằng đã xuất hiện một phong trào chống lại ông Tập hoặc ông ấy sẽ thất bại trong nỗ lực vào năm nay nhằm giữ vững quyền lực của mình cho nhiệm kỳ thứ 3 hoặc thậm chí là suốt đời. Nhưng rõ ràng là những khó khăn gần đây trong hoạt động kinh tế của Trung Quốc làm dấy lên những nghi ngờ về cách tiếp cận tập trung hóa của ông Tập và có thể hạn chế sự phát triển của cách tiếp cận này.
Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest – một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested – một công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông cũng thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề là: Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live (Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sinh sống).
Đức Duy
Theo The Epoch Times