Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dường như đang được hưởng lợi từ mối quan hệ căng thẳng giữa Nga-Ukraine và phương Tây, nhiều nhà quan sát lo ngại rằng Bắc Kinh và Moscow sẽ thắt chặt quan hệ để ĐCSTQ gia tăng ảnh hưởng ở châu Á và Kremlin đạt được mục đích ở châu Âu. Tuy nhiên Nga sẽ gặp nhiều rủi ro trong mối quan hệ với Trung Quốc.
Epcoch Times ngày 13/2 đã có bài phân tích về mối quan hệ Nga-Trung và thái độ của Mỹ trong diễn biến phức tạp của tình hình thế giới thời điểm hiện tại. Dưới đây là phần chuyển ngữ bài phân tích này.
Nếu Nga xâm lược Ukraine, Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt có thể có lợi cho Trung Quốc về mặt kinh tế và chính trị. Trong khi đó, Mỹ khai triển tàu ngầm hạt nhân tới đảo Guam để nhắc nhở Trung Quốc tránh xa Đài Loan.
Bắc Kinh liên tục lên án lập trường cứng rắn của Washington đối với Moscow. Với tư cách là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc đã đứng về phía Nga trong việc ngăn cản hành động bảo vệ Ukraine của Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, sự hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc dành cho Nga được cho là sẽ làm giảm tác động của bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Hoa Kỳ trong tương lai.
Cuối cùng, ĐCSTQ được hưởng lợi từ cuộc xung đột này theo hai cách: thứ nhất, nó đưa Nga đến gần ĐCSTQ hơn; thứ hai, nó khiến chính quyền Biden mất tập trung khỏi các hành động khiêu khích của Trung Quốc, chẳng hạn như xâm phạm vùng biển và không phận của Đài Loan.
Khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, Moscow đã quay sang Bắc Kinh và hai bên đạt được thỏa thuận khí đốt trị giá 400 tỷ USD. Kể từ đó, thương mại giữa hai nước phát triển ổn định. Trung Quốc hiện là một khách hàng lớn đối với vũ khí, cá và gỗ của Nga. Năm 2020, Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu chính dầu thô và khí đốt tự nhiên của Nga. Thương mại song phương hiện đạt 147 tỷ USD, cao hơn gấp đôi so với năm 2015.
Truyền thông nhà nước Nga-Trung đều lặp lại những lời chỉ trích của Moscow và Bắc Kinh đối với Hoa Kỳ. Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo của nhà nước Trung Quốc, cho biết Hoa Kỳ sẽ phát động một cuộc tấn công mạng vào Thế vận hội Mùa đông. Truyền thông nhà nước Nga cũng đưa tin tương tự. Tuy nhiên, sau đó, Thời báo Hoàn cầu báo cáo rằng cuộc tấn công của Hoa Kỳ vào Thế vận hội đã bị thất bại, cho thấy Hoa Kỳ kém năng lực như thế nào.
Ông Putin cho biết Nga và Trung Quốc sẽ làm việc cùng nhau để giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực “theo cách tiếp cận chặt chẽ và tương thích lẫn nhau”. Ông Putin cho biết, ông không loại trừ khả năng thành lập một liên minh quân sự, cũng như nỗ lực của hai nước trong việc khám phá không gian và thiết lập một trạm mặt trăng chung. Bắc Kinh cũng gọi vấn đề Ukraine là một “mối quan ngại an ninh chính đáng” đối với Moscow.
Mặt khác, liên minh Nga-Trung có thể không mạnh như hai nhà lãnh đạo cố gắng thể hiện. Mặc dù, ĐCSTQ ủng hộ Nga bằng lời nói và đô la, nhưng không rõ liệu Bắc Kinh có sẵn sàng đóng một vai trò kép cho Moscow hay không. Sau các lệnh trừng phạt của Mỹ, các nhà chức trách Mỹ có thể buộc các ngân hàng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm lệnh trừng phạt nếu Trung Quốc tham gia để thúc đẩy nền kinh tế Nga. Bắc Kinh không nhất thiết phải sẵn sàng chấp nhận một tác động như vậy đối với nền kinh tế, và thay vào đó, họ có thể tiếp tục lên án Hoa Kỳ bằng lời nói nhưng không tích cực tham gia vào cuộc xung đột Mỹ-Nga.
Nga và Trung Quốc đã thảo luận về việc tạo ra một cơ sở hạ tầng tài chính độc lập, cơ sở hạ tầng này sẽ bỏ qua hệ thống SWIFT (Society for Worldwide Interbank and Financial Telecommunication – Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế) của Mỹ và loại bỏ việc sử dụng đô la Mỹ cho thương mại song phương. Tuy nhiên, một hệ thống như vậy sẽ có vấn đề, vì không quốc gia nào muốn nắm giữ số lượng lớn tiền tệ của quốc gia kia. Quan trọng hơn, hệ thống này cũng sẽ phải được các thành viên Liên minh châu Âu thông qua để khôi phục thương mại của Nga. Và điều này rất khó xảy ra.
Mặc dù Trung Quốc đã cố gắng giảm nhẹ đòn kinh tế có thể giáng vào Nga khi Moscow sáp nhập Crimea, nhưng Bắc Kinh chưa bao giờ chính thức thừa nhận việc sáp nhập này. Tương tự như vậy, Nga chưa bao giờ ủng hộ sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Ở Nam Á, tình hình còn cực đoan hơn. Nga không những không ủng hộ yêu sách biên giới của Trung Quốc với Ấn Độ mà Nga còn là nhà cung cấp khí tài quân sự số một của Ấn Độ.
Ngoài ra, trong khi Trung Quốc và Nga có một số thỏa thuận an ninh, huấn luyện và tuần tra chung, nhưng họ không có bất kỳ hiệp ước phòng thủ chung hay liên minh chính thức nào. Do đó, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc khó có thể hỗ trợ Nga về mặt quân sự trong một cuộc xung đột vũ trang tiềm tàng với Mỹ hoặc NATO.
Một vấn đề khác mà Nga phải đối mặt là việc chuyển hướng sang Trung Quốc sẽ làm trầm trọng thêm khoảng cách kinh tế giữa hai nước, cũng như sự phụ thuộc của Nga vào một quốc gia duy nhất. Hiện tại, Trung Quốc chiếm 18% thương mại của Nga. Nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt và Nga mất một phần thương mại với các nước khác, thương mại với Trung Quốc có thể tăng lên. Vì Nga chỉ chiếm 2% thương mại của Trung Quốc, nên đối với Trung Quốc Nga ít quan trọng hơn so với Trung Quốc đối với Nga. Các biện pháp trừng phạt sẽ giúp nâng cao vị thế của Trung Quốc.
Mối đe dọa trừng phạt kinh tế có thể ngăn cản Trung Quốc giúp Nga trong cuộc xâm lược Ukraine. Nhưng các lệnh trừng phạt sẽ không nhất thiết ngăn cản Nga xâm lược Ukraine hoặc Trung Quốc có hành động chống lại Đài Loan.
Tác động đến Châu Âu
Châu Âu lo ngại Nga có thể cắt nguồn cung cấp năng lượng khi ông Biden phải vật lộn để tạo sự đồng thuận giữa các đồng minh EU và NATO. Nếu điều đó xảy ra, Mỹ cho biết họ sẵn sàng tăng các chuyến hàng nhiên liệu đến châu Âu. Tuy nhiên, ẩn số trong liên minh EU-Mỹ là Đức.
Đức, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Nga, sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nếu Mỹ trừng phạt Nga, đặc biệt nếu Washington loại bỏ Moscow khỏi hệ thống SWIFT đối với các khoản thanh toán trong thương mại quốc tế. Các quốc gia thành viên khác của EU, đặc biệt là Vương quốc Anh, đã sẵn sàng đưa ra lập trường tương đối cứng rắn. Mặc dù vậy, Đức vẫn chưa đưa ra cam kết.
Vào tháng 12 năm 2021, Tổng thống Joe Biden dẫn đầu Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ với mục tiêu cụ thể là chống lại Trung Quốc, Nga và các chế độ độc tài khác. Các nhà lãnh đạo từ hơn 100 quốc gia đã tham dự sự kiện này. Nhiều nền dân chủ hiện đang tổ chức một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông. Tuy nhiên, ông Putin đã đích thân tham dự Thế vận hội.
Thế vận hội đặc biệt mang tính biểu tượng ở nhiều cấp độ. Bắc Kinh tuyên bố Thế vận hội được thiết kế để thúc đẩy hòa bình. Tuy nhiên, trong Thế vận hội Mùa hè 2008, Nga đã xâm lược Gruzia, một động thái mà ĐCSTQ không lên án. Cuộc xâm lược Gruzia và cuộc xâm lược tiềm tàng vào Ukraine đi ngược lại với lập trường chính thức của Bắc Kinh là không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.
Trong khi Mỹ và EU giải quyết vấn đề Ukraine, chính quyền Biden vẫn phải theo dõi sát sao ĐCSTQ. Vào giữa tháng 1, tàu ngầm hạt nhân USS Nevada nhận được lệnh từ Toà Bạch Ốc cập cảng Guam để nhắc nhở Trung Quốc rằng quân đội Mỹ đã áp sát bờ biển đảo Guam. USS Nevada là một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) lớp Ohio có thể được trang bị tới 20 tên lửa đạn đạo Trident.
Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã tweet về sự xuất hiện của USS Nevada ở Guam. Vì vị trí của SSBN thường là thông tin tuyệt mật, dòng tweet này rõ ràng là nhằm gửi một thông điệp rất có chủ ý tới Bắc Kinh.
Theo Epoch Times
An Liên biên dịch