‘Thuật giả kim’ hết thời, công chức viên chức Trung Quốc bị giảm 25% lương

Văn Sơn

Gần đây, một bài đăng trên mạng xã hội đã trở thành chủ đề bàn tán rộng rãi ở Trung Quốc. Bài viết do một nhân viên của chính quyền thành phố Hàng Châu đăng tải. “Hãy nghe này,” cô viết. “Lương hàng năm của tôi sẽ giảm 25%, khoảng 50.000 nhân dân tệ. Tôi sống sao được?”. 

Điều khiến mọi người chú ý không phải là lương bị giảm nhiều. Mà người ta ngạc nhiên khi biết rằng một nhân viên bình thường ở thủ phủ tỉnh Chiết Giang đang nhận mức thu nhập hàng năm là 200.000 nhân dân tệ. 

Rõ ràng cô được trả lương cao hơn những nhân viên bình thường tại các công ty tư nhân vừa và nhỏ ở Chiết Giang và những công chức bình thường ở các tỉnh khác.

Cuối cùng, nhà chức trách Trung Quốc đã phải xóa bài đăng cùng các bài liên quan. Nhưng có vẻ như mọi chuyện đã quá trễ, bài viết đã lan truyền rộng rãi. 

Trung Quốc là một đất nước kỳ lạ. Không có thông báo chính thức nào về việc cắt giảm lương của công chức. Nhưng việc cắt giảm lương mạnh mẽ tương tự ở các khu vực giàu có như Quảng Đông, Giang Tô, Thượng Hải và Thiên Tân cũng đã được đưa ra ánh sáng.

Việc cắt giảm lương ở Thiên Tân là khoảng 20%. Thượng Hải có trường hợp giảm hơn 30%. Các báo cáo chưa được xác nhận cho biết rằng, một cảnh sát trưởng ​​sẽ phải chấp nhận mức giảm đáng kể so với mức lương hiện tại là 350.000 nhân dân tệ (khoảng 55.000 USD). 

Việc cắt giảm 20% lương của công chức mà không có lời giải thích sẽ là một vấn đề lớn ở các quốc gia khác ngoài Trung Quốc. Nhưng điều đó không xảy ra ở Trung Quốc – một phần do sự kìm kẹp của chính quyền, và phần khác còn do hệ thống trả lương độc đáo của Trung Quốc.

Viya gần đây đã bị phạt số tiền cao kỷ lục 210 triệu đô la vì trốn thuế. Ảnh: Getty

Ở Trung Quốc, lương của công chức được chia thành hai phần. Một là trả lương cố định, có các tiêu chuẩn quốc gia thống nhất. Loại còn lại là lương dựa trên thành tích cộng với các khoản phúc lợi. 

Chế độ trả lương và phúc lợi dựa trên thành tích bao gồm: tiền thưởng, ưu đãi và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác nhau, kể cả những khoản liên quan đến đi lại và nhà ở. Chúng có sự khác biệt rất lớn giữa các khu vực tùy thuộc vào tình hình tài khóa của từng địa phương.

Ở những vùng có giá cả tương đối cao, tiền lương và trợ cấp phúc lợi hàng tháng chiếm 50% tổng lương, thậm chí ở một số nơi là hơn 60%. Việc trả lương dựa trên thành tích đã tăng lên song song với việc tăng lương trong khu vực tư nhân. 

Tuy nhiên, người ta nói rằng các khoản lương thưởng trị giá từ 440 đến 830 USD một tháng, sẽ bị cắt bỏ ở Hàng Châu. Lương cố định sẽ không bị cắt giảm. Đó là lý do tại sao sự bất mãn của công chúng đã bị dập tắt. Các công nhân dường như cũng kỳ vọng rằng nếu nền kinh tế khởi sắc, phần lương cố định của họ sẽ tăng lên. 

Trong khi đó ở Hàng Châu, một diễn biến khác đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Cơ quan thuế địa phương đã phạt “nữ hoàng livestream” Hoàng Vi, hay còn gọi là Viya, 210 triệu USD vì tội trốn thuế. Cô là một trong những người có ảnh hưởng hàng đầu Trung Quốc chuyên bán các sản phẩm như mỹ phẩm và hàng gia dụng, chủ yếu trên nền tảng thị trường Taobao của Alibaba.

Thoạt nhìn, vấn đề cắt giảm lương của công chức và phạt trốn thuế của một người nổi tiếng có vẻ không liên quan. Nhưng chúng có mối liên hệ. Tôn Lập Bình, giáo sư xã hội học tại Đại học Thanh Hoa, trường cũ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, gần đây đã trình bày một phân tích sắc nét về tình hình hiện nay.

Khu phức hợp nhà ở Evergrande Metropolis tại tỉnh Giang Tô. Ảnh: Getty

Ông Tôn đã viết một loạt bài báo liên quan đến việc phạt thuế Viya, cắt giảm lương công chức, vấn đề thuế tài sản và “thuế giả” của Ba Châu – một thành phố gặp khó khăn ở tỉnh Hà Bắc gần đây đã bắt đầu tính thuế các công ty bị cáo buộc về “phí tố tụng,” và vi phạm quy định.

Ông Tôn đã so sánh tình hình hiện tại ở Trung Quốc với sự sụp đổ của nền kinh tế bong bóng phân chim ở Peru vào thế kỷ 19. Vào thời điểm đó, phân chim, vốn đặc biệt dồi dào trên các đảo của Peru. Nó trở nên cực kỳ phổ biến ở châu Âu như một loại phân bón, trong thời đại trước khi các loại phân tổng hợp có chứa nitơ và phốt pho được phát triển.

Phân chim này được khai thác với số lượng lớn và xuất khẩu sang Châu Âu. Lợi nhuận khổng lồ do buôn bán phân chim đem lại trở thành động lực to lớn cho nền kinh tế Peru phát triển vượt bậc. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng xã hội cũng diễn ra nhanh chóng.

Trong nền kinh tế bong bóng này, chính phủ và quân đội Peru trở nên cồng kềnh và chi tiêu của họ tăng vọt. Cuối cùng, lượng phân chim bắt đầu cạn kiệt. Nhưng chính phủ Peru đã không thể nhanh chóng cắt giảm số lượng công chức, các dự án cơ sở hạ tầng lại cần thêm kinh phí. Cán bộ nhân viên cũng không thể phá bỏ thói quen xa hoa của họ. Kết quả là nền tài chính của Peru sụp đổ và chính phủ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đánh thuế nặng.

Tôn đã dừng so sánh trực tiếp mức tăng trưởng cao trong quá khứ của Trung Quốc với nền kinh tế bong bóng của Peru. Nhưng ông nói rằng những gì đang xảy ra ở Trung Quốc không khác với sự kiện lịch sử đó. Ông ám chỉ rằng nền kinh tế Trung Quốc ngày nay cũng có một “thuật giả kim” tương tự – đó là việc bán quyền sử dụng đất của các chính quyền địa phương.

Khi giá nhà đất tăng cao, chính quyền địa phương có thể kiếm được nguồn thu khổng lồ bất cứ lúc nào họ muốn bằng cách bán quyền sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước cho các nhà phát triển bất động sản.

Các chính quyền địa phương dựa vào nguồn thu từ đất đai để tăng số lượng lao động, tăng lương cho họ và phát triển cơ sở hạ tầng. Nhưng thuật giả kim quá tiện lợi này đang sụp đổ, vì nó đã hết thời hạn sử dụng.

Như biểu tượng của cuộc khủng hoảng nợ của nhà phát triển bất động sản China Evergrande Group, mô hình phát triển theo chủ nghĩa bành trướng phi thường đã kết thúc. Đó là lý do tại sao thành phố Bá Châu phải dùng đến “thuế giả”, lương công chức bị cắt ở Chiết Giang, Viya bị phạt nặng và Trung Quốc buộc phải xem xét áp dụng thuế tài sản.

Trong một loạt bài báo của mình, Tôn đã viết: “Thuế càng nặng thì nền kinh tế càng mất sức sống. Dưới sức nặng của thuế nặng, nền kinh tế và xã hội dần mất nguồn lực, cuối cùng dẫn đến khủng hoảng kinh tế.”

Trong khi vẽ một bức tranh lạc quan trong loạt bài báo của mình, ông kêu gọi tinh giản các tổ chức cồng kềnh liên quan đến chính phủ và nới lỏng các quy định. Chính sách của ông Tập về việc làm cho các công ty nhà nước lớn hơn không phù hợp với các khuyến nghị của Tôn.

Phát biểu tại một cuộc họp điều hành của Quốc vụ viện vào tháng 11, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm chi tiêu thông thường của chính phủ một cách hợp lý và sử dụng các khoản tiền tiết kiệm được để giải quyết các vấn đề khó khăn liên quan đến sinh kế của người dân.

Cả chính quyền trung ương và địa phương của Trung Quốc đều không có khả năng cắt giảm mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vì đây là một trụ cột trong các biện pháp kích thích kinh tế của họ.

Trong hoàn cảnh đó, họ không còn khả năng sử dụng tiền để cải thiện điều kiện làm việc của công chức dưới danh nghĩa trả công và trợ cấp phúc lợi dựa trên thành tích. 

Một nguồn thạo tin dự đoán rằng động thái cắt giảm lương của cả công chức lẫn người lao động trong khu vực công sẽ lan rộng khắp cả nước. Nhân viên tại các công ty nhà nước được trả lương cao cũng không phải là ngoại lệ.

Ở Trung Quốc, công chức, viên chức bán công và những người khác làm việc theo hệ thống trả lương tương tự là cốt lõi của xã hội. Nếu thu nhập của họ giảm đáng kể, họ tự nhiên trở nên ít sẵn sàng chi tiêu hơn. Và những thay đổi xoay quanh công chức sẽ là lực cản rất lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2022 khi đất nước này theo đuổi tăng trưởng ổn định. Liệu kinh tế Trung Quốc có rơi vào cảnh sụp đổ như Peru trong quá khứ hay không, chúng ta hãy cùng chờ đợi xem!

Theo Nikkei Asia
Văn Sơn biên dịch

Related posts