Eva Fu
Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach đã đưa ra lời phản bác hiếm hoi đối với các nhà tổ chức Bắc Kinh sau những bình luận về Đài Loan và Tân Cương, trong bối cảnh quốc tế theo dõi gắt gao các hành vi lạm dụng của chính quyền Trung Quốc khi Thế vận hội Mùa Đông diễn ra.
Bắc Kinh cần “giữ trung lập về chính trị,” ông Bach nói trong một cuộc họp báo hôm 18/02, một ngày sau khi người đại diện của Thế vận hội Bắc Kinh tuyên bố “chỉ có một Trung Quốc trên thế giới” khi nói về Đài Loan. Quan chức này cũng bác bỏ cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc ở Tân Cương — lý do chính đằng sau cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội do Hoa Kỳ và các nước khác tổ chức — như một “sự lừa dối” đơn thuần.
“Vâng, vấn đề này chúng tôi đã không bỏ qua,” ông Bach nói khi được hỏi về các tuyên bố của quan chức Trung Quốc này.
“Chúng tôi đã liên lạc với BOCOG ngay sau cuộc họp báo này,” ông nói, sử dụng tên viết tắt của Ban tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh. “Và sau đó, cả hai nhà tổ chức, BOCOG và IOC, đã tái khẳng định cam kết rõ ràng của họ là giữ trung lập về mặt chính trị như yêu cầu của Hiến chương Olympic.”
Ngay cả với giọng điệu chừng mực của cơ quan này, thì nhận xét của ông Bach là không bình thường do IOC nói chung là không muốn làm Bắc Kinh khó chịu.
Nhận xét của ông Bach được đưa ra trong bối cảnh bà Nghiêm Gia Dung (Yan Jiarong), phát ngôn viên của Thế vận hội Bắc Kinh, đã phá vỡ lập trường né tránh mà các quan chức Bắc Kinh đã duy trì trong hơn hai tuần về các chủ đề nhạy cảm chính trị mà họ cho là nằm ngoài phạm vi của Thế vận hội này.
“Chỉ có một Trung Quốc trên thế giới, và Đài Loan là một phần không thể xâm phạm của Trung Quốc,” bà Nghiêm cho biết hôm 17/02 trong cuộc họp báo thường kỳ cuối cùng trước lễ bế mạc Thế vận hội hôm Chủ Nhật (20/02). Các bình luận trên được đưa ra sau khi phát ngôn viên của IOC, ông Mark Adams, đưa ra câu trả lời không rõ ràng cho một câu hỏi về việc liệu Đài Loan có tham dự lễ bế mạc này hay không.
Bà Nghiêm nói, sự tham gia của Đài Loan là một vấn đề mà “chúng tôi thực sự phải giữ một thái độ rất nghiêm túc.”
Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn tuyên bố Đài Loan, một hòn đảo dân chủ tự trị, là một tỉnh của Trung Quốc. Chế độ này đang gia tăng đe dọa quân sự đối với lãnh thổ này, đồng thời thường xuyên gửi các chiến đấu cơ tới khu vực này trong những tháng gần đây, một hành động làm dấy lên cảnh báo về một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng trong khu vực này.
Đài Loan thi đấu tại Thế vận hội lần này và các sự kiện thể thao quốc tế khác với tên gọi “Đài Bắc Trung Hoa” dưới yêu cầu khăng khăng của Bắc Kinh. Mặc dù hòn đảo này không cử các quan chức chính phủ đến Thế vận hội lần này và không có kế hoạch để các vận động viên của mình đến dự lễ khai mạc Thế vận hội, nhưng họ đã thay đổi quyết định của mình vì sự kiên quyết của IOC.
Bà Nghiêm cũng đã chen ngang khi phát ngôn viên của IOC, ông Adams, bị chất vấn liệu ông có tự tin rằng đồng phục của các vận động viên không có nguồn gốc từ lao động cưỡng bức ở Tân Cương, nơi hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang bị bắt sống trong trại giam giữ hay không.
Bà nói: “Cái gọi là lao động cưỡng bức ở Tân Cương là một sự lừa dối được tạo ra bởi các nhóm có chủ đích,” và cho biết thêm rằng phía Trung Quốc “phản đối hành động chính trị hóa thể thao này.”
Ông Adams đã trả lời rằng các bộ đồng phục được cung cấp bởi nhà tài trợ Anta của Trung Quốc — vốn từng công khai tuyên bố sử dụng bông từ Tân Cương trong các sản phẩm của mình — không có chứa bông, sau đó né tránh một câu hỏi khác về việc liệu IOC có yên tâm khi đại diện cho thương hiệu có sản phẩm bị vấy bẩn [bởi lao động cưỡng bức] này trên các kệ hàng hay không.
“Thành thật mà nói, tôi không biết về những sản phẩm mà quý vị đang nói đến, nhưng tôi chắc chắn rằng tôi có thể xem chúng vào ngày mai,” ông Adams nói và cho biết thêm rằng IOC “rất tự hào về nhà tài trợ Anta của chúng tôi.”
Tương tự, ông cũng phản ứng lập lờ khi một phóng viên cho rằng chính bà Nghiêm đã “chính trị hóa” Thế vận hội khi tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan, nói rằng: “Có nhiều quan điểm về mọi thứ trên khắp thế giới này, nhưng công việc của chúng tôi là bảo đảm thế vận hội diễn ra và điều kỳ diệu của thế vận hội có thể diễn ra.”
Hôm thứ Sáu (18/02), Đài Loan đã chỉ trích Bắc Kinh vì “sử dụng địa điểm tổ chức Thế vận hội để tuyên truyền chính trị không chính đáng.”
Các bình luận của bà Nghiêm đã “phủ một màu đen tối lên tinh thần hòa bình được thể hiện bởi các vòng tròn Olympic,” Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết trong một tuyên bố.
Việc ông Adams không sẵn lòng thách thức những khẳng định của bà Nghiêm hôm thứ Năm (17/02) cũng khiến các nhóm nhân quyền chỉ trích.
“Tôi thực sự nghĩ rằng cuộc họp báo ngày hôm qua theo một cách nào đó đã cho chúng ta biết mọi thứ mà chúng ta cần biết về những vận động viên có liên quan,” bà Sophie Richardson, giám đốc về Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại New York, cho biết hôm thứ Sáu.
“Trước công chúng, IOC trông thật lố bịch và thảm hại như những người biết sự thật nhưng vẫn cố cực lực phủ nhận, còn chính quyền Trung Quốc thì trông giống như những kẻ bắt nạt.”
Bà đã đặc biệt lưu ý về việc Bắc Kinh chọn một vận động viên người Duy Ngô Nhĩ làm người cầm đuốc cuối cùng trong Lễ khai mạc, điều mà bà cho biết đã làm bà ngạc nhiên vì tất cả những vi phạm nhân quyền và hành động phủ nhận những việc làm sai trái “khủng khiếp” của chế độ này.
“Điều này giống như giơ một ngón giữa đối với phần còn lại của thế giới — chính quyền này nói rằng “Tôi không quan tâm đến những gì các vị nói, tôi thích làm gì thì làm.”
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại eva.fu@epochtimes.com.
Thanh Tâm biên dịch