Ukraine kêu gọi Liên Hiệp Quốc điều tra về tội ác chiến tranh của Nga

Dorothy Li

Đại sứ Ukraine Yevheniia Filipenko diễn thuyết tại lễ khai mạc phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, sau cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine, tại Geneva, Thụy Sĩ, hôm 28/02/2022. (Ảnh: Fabrice Coffrini/Pool/Reuters) Tây Dương

Hôm 28/02, chính quyền Trung Quốc đã về phe Nga để bỏ phiếu chống lại việc tổ chức một cuộc tranh luận khẩn cấp của cơ quan nhân quyền hàng đầu của Liên Hiệp Quốc bàn về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Hôm 24/02, phái viên của Kyiv đã yêu cầu tổ chức một cuộc tranh luận khẩn cấp, cáo buộc rằng một số hành động quân sự của Moscow “có thể cấu thành tội ác chiến tranh”.

[Dù bị Trung Quốc bỏ phiếu chống,] nhưng yêu cầu của Ukraine đã được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chấp nhận, sau một cuộc bỏ phiếu gồm 29 phiếu thuận, 5 phiếu chống, và 13 phiếu trắng. Tính đến nay, hội đồng chỉ tổ chức sáu cuộc tranh luận khẩn cấp kiểu này.

“Các lực lượng Nga cố gắng gây hoảng sợ trong dân chúng bằng cách nhắm mục tiêu cụ thể vào các trường mẫu giáo và trại trẻ mồ côi, bệnh viện, và các lữ đoàn hỗ trợ y tế di động, do đó thực hiện các hành vi có thể cấu thành tội ác chiến tranh,” bà Yevheniia Filipenko, đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc, ở  Geneva, Thụy Sĩ, cho biết. “Đó không chỉ là một cuộc tấn công vào Ukraine, nó còn là một cuộc tấn công vào tất cả các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc, tấn công vào Liên Hiệp Quốc, và tấn công vào các nguyên tắc mà tổ chức này được tạo ra để bảo vệ.”

Trung Quốc, nước từ chối gọi cuộc tấn công của Moscow ở Ukraine là một cuộc xâm lược, đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết này cùng với Nga, Cuba, Eritrea, và Venezuela.

Sự phản đối của Bắc Kinh theo sau hành động bỏ phiếu trắng tại một cuộc bỏ phiếu ngày 25/02 về nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm lên án cuộc xâm lược của Moscow đối với Ukraine. Dự thảo nghị quyết này đã bị Nga phủ quyết.

Mặc dù Tòa Bạch Ốc đã kêu gọi Bắc Kinh công khai lên án hành động xâm lược của Nga, nhưng chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần từ chối chỉ trích hành động của Moscow.

Khi được hỏi liệu Bắc Kinh có duy trì lập trường trung lập trong cuộc xung đột Nga-Ukraine hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết hôm 28/02 rằng chính quyền nước này và Nga là “đối tác hợp tác chiến lược” và lập trường của họ đối với Ukraine tùy thuộc vào “sự đúng sai phải trái của bản thân vấn đề đó”.

Kể từ khi Nga tuyên bố “chiến dịch quân sự đặc biệt” cách đây năm ngày (24/02), ít nhất 102 thường dân, trong đó có 7 trẻ em, đã thiệt mạng ở Ukraine, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet cho biết hôm 28/02, lưu ý rằng con số này có thể thấp hơn so với thực tế.

Bà cho biết hơn 420,000 người đã chạy khỏi đất nước này, trích dẫn các số liệu chính thức từ cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc.

Một bản dự thảo nghị quyết của Ukraine sẽ được xem xét tại cuộc tranh luận khẩn cấp này.

Nếu được thông qua, một ủy ban gồm ba chuyên gia độc lập sẽ điều tra tất cả các cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế ở Crimea và hai vùng Donetsk và Luhansk kể từ năm 2014, cũng như ở các khu vực khác của Ukraine kể từ khi nước này bị Nga xâm lược hồi tuần trước.

Cuộc họp này dự kiến ​​sẽ được tổ chức vào ngày 03/03, sau khi các quan chức từ hơn 140 quốc gia có bài diễn thuyết trong vòng ba ngày, bao gồm cả Trung Quốc và Nga. Cơ quan nhân quyền hàng đầu của Liên Hiệp Quốc này đã bắt đầu phiên họp thường niên kéo dài năm tuần hôm 28/02.

Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.

Hồng Ân biên dịch

Related posts