Andrew Thornebrooke
Theo một cựu quan chức Tòa Bạch Ốc, Hoa Kỳ phải dẫn đầu sự phát triển toàn cầu về cơ sở hạ tầng 5G để thiết lập các tiêu chuẩn sử dụng phù hợp với các giá trị dân chủ. Để làm được như vậy, họ sẽ cần phải cạnh tranh mạnh mẽ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông Robert O’Brien, cựu cố vấn an ninh quốc gia cho biết: “Bắc Kinh đã nhiều lần chứng minh họ sẵn sàng tận dụng năng lực sản xuất công nghệ vì lợi thế kinh tế và chiến lược.”
“Chúng ta đã chứng kiến đủ các hành động từ [nhà lãnh đạo Trung Quốc] Tập Cận Bình và ĐCSTQ trong những năm gần đây để hiểu rằng không thể tin tưởng vào Bắc Kinh để lãnh đạo ngành công nghiệp quan trọng này.”
Hôm 04/03, ông O’Brien, người từng là cố vấn an ninh quốc gia thứ tư và cuối cùng của chính phủ Tổng thống Trump, đã đưa ra nhận xét trên trong khuôn khổ của một cuộc trò chuyện trực tuyến về những thách thức của việc phát triển 5G do Viện Hudson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn tổ chức.
5G là tiêu chuẩn kỹ thuật mới nhất cho mạng di động. Các công nghệ liên quan của mạng 5G này sẽ hình thành cơ sở hạ tầng viễn thông cho tương lai gần và ảnh hưởng rộng rãi đến các sản phẩm và dịch vụ hướng tới internet.
Ông O’Brien cho biết mạng 5G sẽ đóng góp hơn 500 tỷ USD cho nền kinh tế Hoa Kỳ trong những năm tới, lưu ý rằng việc sử dụng tiềm năng của mạng này trong việc cung cấp năng lượng cho các thành phố thông minh, kích hoạt các công nghệ AI mới, và hiện đại hóa lưới điện đã biến nó trở thành trung tâm trong cuộc cạnh tranh quyền lực lớn đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Ông nói: “Khi chúng ta thừa nhận cuộc cạnh tranh quyền lực lớn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, thì chúng ta phải đổi mới trọng tâm của mình vào việc duy trì vị trí lãnh đạo toàn cầu, và công nghệ của Hoa Kỳ, đồng thời hỗ trợ sự đổi mới liên tục ở quốc gia này.”
“5G sẽ có các vấn đề về an ninh của riêng nó. Mạng và công nghệ toàn cầu [đang là] những lĩnh vực cạnh tranh chính giữa các quốc gia.”
Do đó, ông O’Brien coi việc Hoa Kỳ dẫn đầu sự phát triển 5G trên toàn cầu – trước Trung Quốc – là điều tối quan trọng để bảo đảm rằng mạng 5G được sử dụng theo các nguyên tắc của xã hội dân chủ và ngăn chặn các chế độ độc tài đánh cắp ý tưởng.
Ông cho biết, “Như trường hợp của việc áp dụng bất kỳ công nghệ mới nào, thì việc áp dụng sớm mạng 5G sẽ cho phép Hoa Kỳ thiết lập các hành vi chuẩn mực, có thể nói là luật đi đường, trên tất cả các lĩnh vực [từ] việc tái định vị, quy định, chuỗi cung ứng, và các chiến lược mạng rộng lớn hơn.”
“Cách Hoa Kỳ tiếp cận quyền truy cập vào dải tần cần thiết để vận hành thành công mạng 5G sẽ có vai trò lớn trong việc xác định kết quả của cuộc đua cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc, và đây là một cuộc cạnh tranh mà chúng ta không thể để thua.”
Đánh mất lợi thế
Mặc dù có thể không thua trong cuộc đua 5G, nhưng Hoa Kỳ chắc chắn đang đánh mất lợi thế của mình. Ông O’Brien nhấn mạnh rằng cách đây chưa đầy 10 năm, Trung Quốc chỉ có hai trong số 10 công ty công nghệ hàng đầu thế giới theo giá trị thị trường. Đến năm 2018, nước này đã kiểm soát chín công ty trong số đó.
Hơn nữa, sự gia tăng của các dịch vụ 5G của các công ty như đại công ty viễn thông Trung Quốc Huawei, vốn có liên hệ mật thiết với ĐCSTQ, đang làm dấy lên những lo ngại sâu sắc về an ninh đối với các quốc gia trên toàn thế giới, ông O’Brien cho biết, đồng thời lưu ý rằng tất cả cơ sở hạ tầng do các công ty Trung Quốc làm chủ đều có thể bị ĐCSTQ kiểm soát.
Ông nói: “Có rất nhiều bằng chứng cho thấy không có công ty Trung Quốc nào có thể độc lập khỏi chính quyền Trung Quốc và đảng cộng sản Trung Quốc.”
Nhận xét này dường như ám chỉ đến luật an ninh mạng và an ninh quốc gia của ĐCSTQ, luật này cho phép Đảng này có quyền yêu cầu dữ liệu của bất kỳ công ty nào cho các mục đích an ninh quốc gia.
Ông đã chỉ ra các hành động của các quốc gia khác nhằm kiềm chế sự thúc đẩy độc tài từ Bắc Kinh. Ấn Độ đã cấm 239 ứng dụng riêng biệt của Trung Quốc do lo ngại bị thu thập dữ liệu sau các cuộc đụng độ bạo lực ở biên giới với lực lượng Trung Quốc vào năm 2020. Tổng số ứng dụng Trung Quốc bị cấm ở Ấn Độ hiện là 321.
Theo ông O’Brien, việc Hoa Kỳ nỗ lực để ngăn chặn ĐCSTQ đạt được “sự thống trị toàn cầu” đối với các công nghệ như điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo, và hệ thống tự trị, là cấp bách.
“Chúng ta không thể cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc đảm nhận vai trò lãnh đạo đối với ngành công nghiệp công nghệ toàn cầu,” ông nói. “Điều đó không chỉ nguy hiểm cho Hoa Kỳ, mà còn nguy hiểm cho thế giới và đặc biệt nguy hiểm cho các đồng minh của chúng ta.”
“Trung Quốc không chỉ là cộng sản trên danh nghĩa. Đó là hệ tư tưởng cộng sản theo chủ nghĩa Mác-Lênin mà ông Tập Cận Bình và giới lãnh đạo Trung Quốc đang thực hành. Đó thực sự là tất cả mọi thứ đối với Bắc Kinh.”
Không giống như thách thức kinh tế mà Nhật Bản đã từng đặt ra cho Hoa Kỳ vào những năm 1980, ông O’Brien cho biết mối đe dọa của ĐCSTQ đã vượt xa khỏi các nền kinh tế và đi vào các vấn đề liên quan đến bản chất của lối sống Mỹ và sự kéo dài của quyền tự do cá nhân.
Do đó, ông kêu gọi việc thiết lập một chính sách 5G quốc gia để tạo ra cơ sở hạ tầng mới có sử dụng các dải phổ đa dạng của băng thông rộng 5G để bảo đảm khả năng sử dụng và khả năng phục hồi.
Nhìn chung, ông nhấn mạnh rằng mạng 5G chỉ là một trận chiến then chốt trong một cuộc đấu tranh lớn hơn nhiều giữa Hoa Kỳ và ĐCSTQ. Ông nói, đó là một cuộc đấu tranh để giành được sự thống trị của nền công nghiệp công nghệ và chi phối việc sử dụng thông tin trong tương lai.
“Chúng ta phải ngăn cản ĐCSTQ đạt được ngọn đuốc của sự đổi mới và khiến quốc gia của chúng ta, an ninh quốc gia của chúng ta, bị suy yếu,” ông O’Brien nói. “An ninh kinh tế của chúng ta sẽ hoàn toàn bị gián đoạn nếu mong muốn của Trung Quốc trong việc thay thế trật tự [dẫn đầu] của Hoa Kỳ được thực hiện.”
“Chúng ta không thể thua cuộc đua này.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Thanh Tâm biên dịch