Nhà phân tích: Giữa chiến tranh Ukraine, Nga và Trung Quốc tìm cách tạo ra ‘trật tự thế giới mới’

J.M. Phelps

Tổng thống Nga Vladimir Putin (ở giữa) duyệt vệ binh danh dự với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên trái) trong lễ tiếp đón bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 08/06/2018. (Ảnh: Greg Baker/Pool/AFP/Getty Images)

50 năm sau cái bắt tay lịch sử năm 1972 của ông Richard Nixon và ông Mao Trạch Đông, trật tự địa chính trị thế giới một lần nữa được định hình lại. Thế giới hiện đang theo dõi một liên minh đang phát triển giữa Bắc Kinh và Moscow.

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp nhau hồi đầu tháng Hai này trong ngày khai mạc Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh. Cuộc gặp đó lẽ ra đã có thể tạo cơ hội cho ông Tập thúc giục ông Putin theo đuổi con đường ngoại giao với Ukraine và giảm leo thang căng thẳng giữa hai nước. Thay vào đó, chính quyền Trung Quốc dường như đã nhắm mắt làm ngơ khi Nga lên kế hoạch cho những cuộc tiến công đối với nước láng giềng của mình.

Nhiều người đã mô tả cuộc gặp hôm 04/02 là một sự thể hiện tình đoàn kết giữa hai chính quyền. Sự kiện này được đánh dấu bằng một “tuyên bố chung” dài, trong đó hai nước công bố quan hệ đối tác không giới hạn “không có lĩnh vực hợp tác nào ‘bị cấm.’”

Thông cáo dài 5,000 từ này cũng bày tỏ sự phản đối “việc mở rộng hơn nữa NATO và [kêu gọi] Liên minh Bắc Đại Tây Dương từ bỏ các phương pháp tiếp cận chiến tranh lạnh được tư tưởng hóa thành ý thức hệ, tôn trọng chủ quyền, an ninh và lợi ích của các quốc gia khác… và có một thái độ công bằng và khách quan đối với sự phát triển hòa bình của các Quốc gia khác.”

Trung tá đã về hưu Robert Maginnis nói với The Epoch Times rằng một tuyên bố chi tiết như vậy đã xác định rõ bản chất của mối quan hệ đang nổi lên giữa Trung Quốc và Nga. Ông nói, đó là một mối quan hệ mà trong đó ông Tập và ông Putin đang cố gắng kiềm chế phương Tây, phá bỏ NATO, và tạo ra một trật tự thế giới mới.

Đơn vị pháo binh của Ukraine bắn vào vị trí của Nga gần Kyiv, Ukraine, hôm 06/03/2022. (Ảnh: Đài Âu Châu Tự Do/ Đài Tự Do/Ảnh chụp màn hình qua The Epoch Times)

‘Một thỏa thuận của các quý ông’

Chưa đầy ba tuần sau cuộc gặp Putin-Tập, Nga bắt đầu tấn công Ukraine. Ông Maginnis mô tả thông cáo chung nói trên là “một thỏa thuận của các quý ông” đằng sau cái mà nhiều người sẽ coi đây “chính là một liên minh.” Ông nói thêm, ông Putin hy vọng liên minh mới được củng cố này sẽ giúp đưa Nga thực hiện thành công cuộc xâm lược.

Đằng sau hậu trường, ông Maginnis nghi ngờ rằng cuộc gặp giữa hai ông Tập-Putin đã cấp “sự hỗ trợ về địa chính trị và bảo đảm tài chính” cho Nga để làm dịu bớt đòn kinh tế từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ông nói thêm rằng việc chế độ Trung Quốc không chỉ trích Moscow về cuộc tấn công vào Ukraine có thể là một dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ thầm lặng của Bắc Kinh.

Hơn nữa, ông Maginnis nói, “ông Tập rất có thể được khuyến khích bởi những gì phương Tây đang làm — hay nói đúng hơn là không làm.” Nga đã phải đối mặt với sự lên án từ toàn thể phương Tây, trong khi nhận được viện trợ từ một số quốc gia. Các biện pháp trừng phạt cũng được đưa ra từ nhiều hướng trong nỗ lực làm chậm cuộc tấn công vô cớ của chính phủ Nga.

Nhưng điều quan trọng nhất đối với chế độ Trung Quốc là việc Hoa Kỳ không gửi quân đến Ukraine, ông lưu ý.

‘Một trật tự thế giới mới’

Trước hàng loạt các lệnh trừng phạt của phương Tây, ông Maginnis cho biết ông nghi ngờ “ông Tập sẽ giúp rửa bất kỳ khoản tiền nào mà ông Putin, các nhà tài phiệt và chính phủ Nga nói chung cần để tiếp tục tiến lên.”

Khi xung đột ở Ukraine tiếp tục leo thang và chính quyền Trung Quốc tiếp tục tham vọng chiếm Đài Loan, ông nói rằng Hoa Kỳ và NATO đã nhận thấy mình đang ở trong một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Ông Maginnis nói, “Ông Tập đang tìm kiếm một trật tự thế giới mới, bằng chứng là nhiều bài viết và bài diễn văn của ông ấy.” Ông nói thêm, trật tự thế giới mới này là một trật tự “dễ chấp nhận một chế độ độc tài hơn là các giá trị tự do đã hình thành trật tự thế giới sau Đệ Nhị Thế Chiến.”

Theo ông Maginnis, sau cuộc rút lui hỗn loạn khỏi Afghanistan và cách giải quyết cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine của Hoa Kỳ, một số quốc gia đang bắt đầu coi Hoa Kỳ là cường quốc thế giới hạng hai. Một số quốc gia trong số này có thể sẽ sớm đặt câu hỏi, “Chúng ta muốn gắn kết mình với ai?” và “Ai sẽ thực sự điều hành mọi thứ trong tương lai?”

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) tại Bắc Kinh hôm 04/02/2022. (Ảnh: Alexei Druzhinin/Sputnik/Kremlin/Pool Photo/AP)

Đài loan

Ông Maginnis không coi hành vi của ông Putin là “điên rồ” khi xâm lược Ukraine, nhưng nói rằng “ông Putin thực dụng, không sợ bóp cò nếu làm thế có lợi cho ông ấy về lâu dài.”

Với việc Nga và Trung Quốc đang sát cánh cùng nhau để soán ngôi phương Tây, ông nói, “Đài Loan nên được quan tâm rất nhiều, bởi vì điều đó cũng đúng với Tập; ông ấy tương tự cũng sẽ bóp cò khi ông ấy cảm thấy làm thế có lợi nhất cho ông ấy.”

Bắc Kinh đang theo dõi những gì Hoa Kỳ đang làm ở Ukraine. Ông Maginnis nói, một điều cần theo dõi là liệu Hoa Kỳ có vận chuyển hoặc di dời các tài sản quan trọng ra khỏi vũ đài Thái Bình Dương đến Âu Châu hay không. Thứ hai, ông nói thêm rằng ông Tập cũng đang theo dõi tác động của các lệnh trừng phạt đối với khả năng của Nga để đánh hạ Ukraine.

Ông nói, sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, kết hợp với tác động của các đòn trừng phạt kinh tế trí mạng, vẫn là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền Trung Quốc khi họ dòm ngó Đài Loan.

Ông J.M. Phelps là một nhà văn và nhà nghiên cứu về các mối đe dọa từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và Trung Quốc.

Nhật Thăng biên dịch

Related posts