Phá vỡ sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc hay tách khỏi Trung Quốc là một chủ đề đã được thảo luận nhiều giữa các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch, với thực trạng hầu hết các quốc gia đang phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc về nguồn cung y tế và các thành phần quan trọng khác.
Một trong những trường hợp đáng chú ý nhất là Hoa Kỳ. Thời chính quyền Donald Trump, nước này đã khởi xướng một cuộc chiến thương mại với ĐCSTQ nhằm cân bằng cán cân thương mại. Hoa Kỳ đã kết luận rằng nước này không thể phụ thuộc kinh tế vào một đối thủ ý thức hệ như Trung Quốc vì đối thủ đó có thể giữ lại nguồn cung y tế và các thành phần quan trọng khác như là một loại “vũ khí”.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu trước đại dịch đã mở ra những câu hỏi và tranh luận gay gắt về các tập quán thương mại của ĐCSTQ. Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tuy nhiên tất cả các quốc gia mà Trung Quốc có quan hệ thương mại đều phải chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Từ một quốc gia nghèo khó, Trung Quốc đã làm thế nào để trở thành một nền kinh tế lớn?
Năm 2001, với sự ủng hộ của Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Bill Clinton, Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ý định ban đầu của phương Tây khi để ĐCSTQ gia nhập WTO là cố gắng thay đổi Trung Quốc giống như những điều họ đã làm được với các nước phương Đông khác. Các chính quyền chuyên chế như Hàn Quốc và Đài Loan đã đồng hóa với các giá trị phương Tây như dân chủ, tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng. Họ thiết lập một luật chơi và họ sẽ chơi theo cùng quy tắc với những nước khác.
Tuy nhiên đây có lẽ là một trong những quyết định sai lầm nhất của phương Tây, bởi vì ĐCSTQ với lịch sử đàn áp và tàn sát của mình sẽ không bao giờ chấp nhận được các giá trị như tự do ngôn luận hay tự do tôn giáo của phương Tây, nó vẫn có hồ sơ vi phạm nhân quyền tồi tệ bậc nhất.
Sau khi gia nhập WTO, ĐCSTQ đã mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, với lợi thế thu hút đầu tư chính là lực lượng nhân công khổng lồ giá rẻ. Kết quả là, quá trình công nghiệp hóa đã biến Trung Quốc trở thành cường quốc trên thế giới chỉ trong vòng 20 năm.
Theo lời của Giám đốc điều hành Apple Tim Cook: “Trung Quốc đã chuyển sang nền sản xuất rất tiên tiến, bạn sẽ thấy Trung Quốc là nơi giao thoa giữa kỹ năng của nghệ nhân, kỹ thuật tinh vi của robot học và… khoa học máy tính… Hiếm nơi nào có được cái giao lộ như vậy”.
Kỹ năng kỹ thuật của lực lượng lao động Trung Quốc cũng là kết quả của sự giúp đỡ từ phương Tây. Với sự mở cửa kinh tế của Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo ĐCSTQ vào thời điểm đó, bắt đầu gửi sinh viên Trung Quốc đến Hoa Kỳ để học nghệ thuật kinh doanh, kinh tế và công nghiệp tại các trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ, sau đó mang kiến thức trở lại Trung Quốc.
Sự kết hợp của lao động giá rẻ, tay nghề cao và cơ sở vật chất quy mô công nghiệp đã khiến Trung Quốc trở thành địa điểm đầy cám dỗ đối với các doanh nhân luôn tìm cách cắt giảm chi phí sản xuất.
Mất cân bằng thương mại, cuộc chiến tranh thương mại diễn ra
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Donald Trump đã nói: “chúng ta không thể tiếp tục để Trung Quốc ức hiếp đất nước chúng ta, đó là những gì họ đang làm” và ông hứa sẽ cân bằng lại tình thế.
Trên thực tế, từ năm 2010 trở lại đây, cán cân thương mại giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc luôn nghiêng về phía Trung Quốc với mức xuất siêu hơn 300 tỷ USD. Đó là bởi vì gã khổng lồ châu Á luôn xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu, không chỉ với Hoa Kỳ mà với toàn thế giới.
Khi Trump nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ, ông đã phát động một chiến dịch gắt gao nhằm cân bằng thương mại với Trung Quốc.
Vào tháng 7/2018, ông Trump chính thức áp dụng gói thuế nhập khẩu 25% lên 34 tỷ USD hàng từ Trung Quốc, con số đã gia tăng tới 250 tỷ USD vào năm 2019.
Từ năm 2018 đến năm 2019, nhập khẩu của Trung Quốc vào Hoa Kỳ đã từ gần 540 tỷ USD giảm xuống còn 450 tỷ USD, dẫn đến giảm thâm hụt thương mại hơn 75 tỷ USD.
Chiến lược của Trump rất đơn giản: khiến Trung Quốc phải mua nhiều hàng hóa hơn từ Hoa Kỳ.
Đáp trả lại, ĐCSTQ đã áp thuế quan đối với các lĩnh vực nhập khẩu từ Hoa Kỳ như đậu nành, thịt lợn và ngành công nghiệp ô tô.
Các nhà phân tích cho rằng thuế quan của chính quyền Trung Quốc nhằm tấn công vào những người ủng hộ ông Trump – lực lượng dân nông thôn đã giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, bởi vì đa phần sản lượng đậu tương và thịt lợn của Hoa Kỳ được xuất sang Trung Quốc. Nói cách khác, ĐCSTQ đã không ngồi yên chịu trận.
Cuộc chiến chỉ tạm ngừng khi ông Trump và ông Tập gặp nhau tại Buenos Aires trong khuôn khổ G20, nơi cả hai đồng ý ký một thỏa thuận thương mại mới.
Vậy Trump có đúng khi bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại với ĐCSTQ? Cuộc chiến đã đem lại lợi ích gì và gây ra những tổn thất nào?
Cần phải phân tích về những tập quán thương mại không lành mạnh mà ĐCSTQ bị cáo buộc, phân tích viễn cảnh sẽ xảy ra đối với nền kinh tế Mỹ sau khi cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc cũng như ảnh hưởng của động thái này đối với phần còn lại của thế giới.
Các tập quán thương mại không lành mạnh của ĐCSTQ
Khi Trump lên nắm quyền, ông đã mở một cuộc điều tra về các hoạt động thương mại của Trung Quốc. Ông nhận thấy rằng ĐCSTQ thực sự đang theo đuổi các chiến lược không tuân thủ các quy định của WTO và được thiết kế để duy trì sức mạnh kinh tế Trung Quốc trong khi các bên tham gia khác gánh chịu thiệt hại.
Thị trường Trung Quốc không cho phép tiếp cận hoặc phải kèm điều kiện
Trung Quốc đạt được tăng trưởng nhờ các quốc gia khác cho phép nước này tự do thâm nhập thị trường của họ, song một báo cáo của The Economist đã tuyên bố rằng chính quyền Trung Quốc luôn ưu tiên các công ty nội địa hơn. Trung Quốc cung cấp cho các công ty này các khoản vay giá rẻ hoặc những khoản trợ cấp lớn, cung cấp đất miễn phí cho xây dựng hoặc ưu đãi thuế; đồng thời hạn chế khả năng tiếp cận của các công ty nước ngoài vào thị trường nội địa. Trong một số trường hợp, các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ của mình để thâm nhập thị trường Trung Quốc.
Thao túng tiền tệ
Vào năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã chỉ định chính quyền Trung Quốc thao túng tiền tệ sau khi đồng nhân dân tệ giảm 8% mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển. Hoa Kỳ cáo buộc ĐCSTQ đã phá giá đồng nội tệ của Trung Quốc để giữ giá xuất khẩu thấp trong khi tăng thêm chi phí nhập khẩu.
Thao túng tiền tệ là hiện tượng chính phủ hoặc ngân hàng trung ương mua hoặc bán đồng ngoại tệ để đổi lấy đồng nội tệ với mục đích làm thay đổi giá trị tỷ giá hối đoái và chính sách thương mại.
Bằng cách mua vào đồng đô-la, giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sụt giảm. Khi đó, là một nước xuất khẩu ròng, Trung Quốc có thể bán hàng hóa của mình với chi phí thấp hơn và trở nên cạnh tranh hơn.
Sau đó, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc lại tăng giá trị tương đối so với đồng đô-la.
Chúng ta sẽ dẫn một ví dụ minh họa. Giả sử rằng tỷ giá của đồng đô-la so với đồng nhân dân tệ là 1:10 và giá đậu nành Trung Quốc trên thị trường quốc tế là 1 đô-la/1kg, tương đương với 10 nhân dân tệ/1kg. Nhưng nếu giá trị của đồng nhân dân tệ trở nên mạnh hơn, ví dụ tỷ giá của đồng đô-la so với đồng nhân dân tệ là 1:8. Như vậy, giá trị của đậu nành Trung Quốc tăng lên 1,25 đô-la/1kg trên thị trường quốc tế. Khi đó, đậu nành Trung Quốc bị giảm khả năng cạnh tranh và Trung Quốc sẽ mất doanh thu.
Để tình trạng này không xảy ra, ĐCSTQ – cơ quan quản lý các ngân hàng tư nhân và trung ương, đã mua đô-la để phá giá đồng nhân dân tệ và luôn giữ giá thấp hơn trên thị trường quốc tế.
Đồng thời, sự thao túng tiền tệ này khiến hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc đắt hơn nhiều so với các sản phẩm nội địa Trung Quốc.
Thao túng chi phí sản xuất
Chính quyền Trung Quốc cũng bị cáo buộc thao túng chi phí sản xuất bằng cách cưỡng bức lao động giá rẻ khiến các nước khác không thể cạnh tranh lại.
ĐCSTQ đã triển khai cái gọi là “lao động cải tạo”, với một mạng lưới rộng lớn các trại lao động cưỡng bức giam giữ các tù nhân lương tâm bị kết án mặc dù họ không hề phạm tội. Các tù nhân lương tâm này đã bị cưỡng ép tham gia sản xuất hàng trăm nghìn mặt hàng xuất khẩu.
Theo lời kể của những người trốn thoát khỏi các trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc, các tù nhân bị buộc phải sản xuất mọi thứ, từ những đôi đũa đến đồ trang trí Giáng sinh, đèn, gấu bông, đồ chơi, v.v. trong điều kiện mất vệ sinh và vô nhân đạo.
Họ không những phải lao động không công mà còn phải đáp ứng chỉ tiêu sản phẩm hằng ngày rất cao, thậm chí còn bị lính canh tra tấn nếu không chịu hoặc không thể tuân thủ.
Đa số tù nhân trong các trại lao động cưỡng bức này là học viên Pháp Luân Đại Pháp. Họ đã thuật lại sự việc các cụ ông, cụ bà trên 70 tuổi đã phải chịu đựng như thế nào trong các trại lao động đó. Nhiều người đã qua đời vì không thể chịu nổi áp lực quá lớn.
Hiện tại, nhiều tổ chức nhân quyền cũng đã đưa ra những cáo buộc tương tự về việc ĐCSTQ đối xử vô nhân đạo với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Việc sản xuất hàng hóa trong các trại lao động cưỡng bức bất chấp nhân quyền của ĐCSTQ đã phá hủy sự cạnh tranh công bằng trên các thị trường quốc tế mà nó đặt chân đến.
Đánh cắp tài sản trí tuệ
Có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất của sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là nhờ hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ. Trung Quốc đã làm thế nào để sở hữu các thương hiệu ô tô, điện thoại di động, chất bán dẫn và các công nghệ tiên tiến khác?
Theo Bill Evanina, cựu giám đốc phản gián Hoa Kỳ từng phục vụ dưới thời Trump, Hoa Kỳ đã mất từ 300 đến 600 tỷ USD mỗi năm bởi hoạt động gián điệp của Trung Quốc. Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết số vụ gián điệp kinh tế Trung Quốc đã tăng 1300% trong thập kỷ qua và cứ sau 12 giờ, cơ quan này lại phải mở một cuộc điều tra.
Vào tháng 7/2020, chính quyền Hoa Kỳ đã đóng cửa vĩnh viễn lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, Texas, cáo buộc rằng đây là một trung tâm gián điệp và hoạt động đánh cắp bí mật vắc xin COVID đã bắt nguồn từ nơi này.
Một giáo sư Đại học Harvard và hai nhà nghiên cứu Trung Quốc đã bị Bộ Tư pháp truy tố vì đánh cắp nghiên cứu công nghệ nano cho ĐCSTQ vào tháng 1/2020. Một số trường hợp bị truy tố khác là các phân khoa được ĐCSTQ tài trợ tại các trường đại học ưu tú đã chuyển giao tài sản trí tuệ cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Chính quyền Biden đã hành động thế nào?
Trên thực tế, Hoa Kỳ vẫn chưa cắt đứt quan hệ với Trung Quốc. Vào năm 2021, thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc đã tăng 19%. Chính quyền Biden và Quốc hội, với chủ trương ôn hòa hơn, cũng đang vạch ra một con đường để cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Vào tháng 2/2021, Biden đã ban hành một lệnh điều hành nhằm xác định các lĩnh vực mà chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ đang phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trong kế hoạch một năm kết thúc vào tháng 2/2022, ông Biden đã yêu cầu các cơ quan liên bang khác nhau xem xét các lĩnh vực sau và bố trí kế hoạch tách khỏi Trung Quốc:
- Khoáng chất quý hiếm
- Chất bán dẫn
- Ắc-quy hiệu suất cao (dành cho ô tô)
- Dược phẩm và các thành phần dược phẩm hoạt tính
- Thiết bị bảo vệ cá nhân
Tháng 1 năm nay, Biden đã công bố khoản đầu tư 20 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất chất bán dẫn Intel ở Columbus, Ohio trong nỗ lực trở lại vị thế thống trị về sản xuất chip của Hoa Kỳ. Khoản đầu tư này được cho là sẽ tạo ra 3.000 việc làm và là khoản đầu tư lớn nhất ở Ohio.
Vào ngày 9 tháng 2, chính phủ Hoa Kỳ cảnh báo rằng nếu ĐCSTQ không tuân thủ cam kết của mình được đặt ra trong Giai đoạn 1 của hiệp định thương mại mà họ đã ký với Trump, trong đó yêu cầu Trung Quốc tăng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ lên 200 tỷ USD, thì có khả năng Mỹ sẽ áp dụng các mức thuế cao hơn và việc này sẽ được tham vấn các đồng minh và cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sang năm nay, chính quyền Biden lại dỡ bỏ thuế quan đối với 549 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm xe đạp, hàng dệt may, vật tư y tế, linh kiện công nghiệp và bộ điều nhiệt.
Chính sách của Biden đối với Trung Quốc nhẹ tay hơn nhiều so với người tiền nhiệm, song ông cũng nhắc lại ý định củng cố ngành công nghiệp trong nước.
Thêm vào đó, vào tháng 6 năm ngoái, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật mới nhằm tăng cường sự hiện diện địa chính trị của Hoa Kỳ bằng cách phân bổ tổng ngân sách trị giá 250 tỷ USD.
Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới thiết lập các công cụ cụ thể để giám sát hoạt động của các học giả và mối quan hệ của họ với các cường quốc nước ngoài nhằm ngăn chặn hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ. Ngoài ra, đạo luật phân bổ 90 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển công nghệ để cải thiện chuỗi cung ứng, 52 tỷ USD để thúc đẩy nhiều công ty hơn nữa xây dựng nhà máy tại Hoa Kỳ.
Dự luật hiện vẫn cần được Hạ viện thông qua.
Phản ứng từ phía chính quyền Trung Quốc
Trong khi hầu hết các quốc gia phải gánh chịu hậu quả của đại dịch do đóng cửa nền kinh tế và các biện pháp giảm thiểu lây nhiễm khác, thì Trung Quốc lại đạt được tăng trưởng vào năm 2020 và 2021. Theo các nhà phân tích, nhu cầu về công nghệ được sản xuất ở Trung Quốc là rất lớn.
Tuy nhiên, vì số liệu thống kê và dữ liệu của Trung Quốc không được giám sát độc lập và do ĐCSTQ cung cấp, nên rất khó để nói liệu Trung Quốc có thật sự tăng trưởng trong thời kỳ đại dịch hay không, khi mà số lượng lớn video và hình ảnh rò rỉ từ Trung Quốc cho thấy các thị trấn và các thành phố vắng vẻ, thưa thớt vì người dân buộc phải ở nhà.
ĐCSTQ cũng đưa ra một kế hoạch thúc đẩy nền kinh tế nội địa và không phụ thuộc quá nhiều vào hàng nhập khẩu, được gọi là Sản xuất tại Trung Quốc 2025 (Made in China 2025 hay MIC25).
Mô hình do ĐCSTQ đưa ra được gọi là “lưu thông kép”, được một số chuyên gia ở Trung Quốc cho rằng là một chiến lược để giúp Trung Quốc tự cung tự cấp trong khi khiến các nước khác phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc.
South China Morning Post đưa tin, theo cách nói của ông Tập Cận Bình, đó là kế hoạch “dần dần hình thành một mô hình phát triển mới trong đó lưu thông trong nước đóng vai trò chủ đạo”.
Một tuyên bố từ các nhà chức trách Trung Quốc mô tả mô hình lưu thông kép là phương tiện để xây dựng một thị trường nội địa vững mạnh nhằm “thúc đẩy toàn diện tiêu dùng và mở ra không gian đầu tư mới”.
Thông báo về kế hoạch này cũng có thể là một chiến lược của ĐCSTQ để xua tan nỗi lo của các nhà đầu tư trước sự sụp đổ của thị trường bất động sản (điển hình là trường hợp Evergrande). Cuộc tấn công của ĐCSTQ vào các công ty Trung Quốc lớn, như trường hợp của Alibaba, đã tạo ra những nghi ngờ và lo ngại về thị trường Trung Quốc trong tương lai.
Trong tập quán kinh doanh của mình, ĐCSTQ luôn ưu tiên các công ty nội địa hơn các công ty nước ngoài và lộ rõ ý định giảm nhập khẩu.
Theo phân tích của Tạp chí Kinh doanh Harvardnăm 2021, chính quyền Trung Quốc đã dành hơn 500 tỷ USD từ các quỹ khác nhau để hỗ trợ nghiên cứu và phát triển bản địa đối với các công nghệ và sản phẩm mà Trung Quốc hiện đang phụ thuộc vào các công ty nước ngoài.
Một phần của MIC25, như đã đề cập ở trên, là đánh cắp tài sản trí tuệ.
Theo giải thích của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ – Trung Quốc, “Các doanh nghiệp thương mại được yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm và quy trình của họ cho các cơ quan chính quyền Trung Quốc ở cấp địa phương và trung ương như một phần của thủ tục cấp phép ở Trung Quốc”.
Nói cách khác, để tiếp cận thị trường Trung Quốc, các công ty nước ngoài phải nhượng lại thiết kế của mình, sau đó các công ty bản địa sẽ nhân rộng. Đổi lại, các công ty nước ngoài sẽ nhận được trợ cấp từ nhà nước cho đến khi Trung Quốc có thể sản xuất cùng loại sản phẩm và loại bỏ công ty nước ngoài ra khỏi thị trường.
Trong các trường hợp khác, để “phát triển” công nghệ của mình, ĐCSTQ trực tiếp sử dụng các hoạt động gián điệp thương mại.
Năm 2010, American Superconductor (AMSC), một nhà cung cấp loại phần mềm quan trọng được sử dụng để điều khiển tuabin gió, đã phát hiện ra rằng đối tác Trung Quốc của họ là Sinovel đã trả 1,7 triệu USD cho Dejan Karabasevic – một kỹ sư người Serbia làm việc tại cơ sở của AMSC ở Áo – để lấy mã nguồn AMSC hoàn chỉnh.
Điều gì sẽ xảy ra khi Mỹ tách khỏi Trung Quốc?
Một báo cáo của Phòng Thương mại Hoa Kỳ đã phân tích kịch bản có thể xảy ra khi Hoa Kỳ cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Báo cáo đưa ra những con số ước tính về thiệt hại hàng tỷ USD trong các lĩnh vực khác nhau mà các công ty Hoa Kỳ hiện đang sản xuất một phần hoặc toàn bộ sản phẩm của họ ở Trung Quốc, một số sản phẩm được trở lại bán ở Hoa Kỳ.
Báo cáo dựa trên các số liệu cụ thể về trao đổi thương mại hiện tại giữa hai quốc gia và việc nhiều công ty lớn của Mỹ như Intel, Nike và Apple coi Trung Quốc là khách hàng tốt nhất của họ. Như vậy tác động của việc ngừng phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ là rất đáng kể. Cách tiếp cận của Phòng Thương mại không coi việc tách khỏi Trung Quốc là một quá trình chuyển đổi dần dần với sự hỗ trợ của chính phủ liên bang. Chính quyền Biden đã cho biết họ sẵn sàng cam kết để nhiều nhà máy trong số này có thể quay trở lại Hoa Kỳ và giảm chi phí sản xuất.
Chắc chắn, việc phá vỡ sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc sẽ đi kèm một số tổn thất, ít nhất là trong vài thập kỷ đầu, nhưng mục tiêu dài hạn đáng để theo đuổi hơn, với triển vọng tạo ra hàng triệu việc làm trong nước.
Kết luận
Một phân tích dữ liệu thẳng thắn cho thấy việc phá vỡ sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc sẽ gây tốn kém cho Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển, ĐCSTQ đã bắt đầu kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc vào các công ty nước ngoài trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng nhất và củng cố ngành công nghiệp nội địa, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa.
Mặt khác, để đối phó với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng và khan hiếm nguồn nước uống ở Trung Quốc, ĐCSTQ đã thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường để đảm bảo rằng các quốc gia giàu tài nguyên sẽ cho phép Trung Quốc tiếp cận các nguồn tài nguyên này để đổi lấy các khoản vay.
Nói cách khác, ĐCSTQ đã bắt đầu quá trình tách khỏi Hoa Kỳ, vậy tại sao Hoa Kỳ không làm như vậy?
Những lý do thuyết phục cho việc tách khỏi Trung Quốc
ĐCSTQ đã tự làm cho mình trở nên giàu kếch xù:
- Thứ nhất, với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ trong việc cung cấp giáo dục cho người Hoa và giúp Trung Quốc gia nhập WTO, tiền đề để nước này trở thành một nền kinh tế lớn.
- Thứ hai, bằng cách đánh cắp tài sản trí tuệ thông qua gián điệp và buộc các công ty thâm nhập thị trường Trung Quốc phải chuyển giao các thiết kế công nghệ của họ cho nhà nước. Kết quả là Trung Quốc ngày nay đã có ô tô, điện thoại di động, chất bán dẫn, thiết bị gia dụng và máy tính của riêng mình.
- Thứ ba, thông qua các tập quán thương mại không lành mạnh, không tuân thủ các nguyên tắc của WTO mà ĐCSTQ đã ký kết, Trung Quốc đã cạnh tranh không công bằng với các thị trường còn lại. Ở nhiều nước đang phát triển, do tham nhũng, chính quyền địa phương đã liên tục ký kết các hiệp định thương mại và tuyên bố Trung Quốc là “nền kinh tế thị trường”, cho phép nước này tiếp cận thị trường không hạn chế, có thể tùy ý bán hàng. Kết quả là các nước này lâm vào khủng hoảng kinh tế vì phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc.
Các quốc gia ở châu Phi và Nam Mỹ đang trong tình trạng khủng hoảng tài chính liên tục do thị trường địa phương tràn ngập hàng hóa Trung Quốc. Kết quả là ngành công nghiệp nội địa của họ gần như bị đè bẹp. Để giải quyết siêu lạm phát, thay vì ngừng phụ thuộc vào Trung Quốc và tiến hành sản xuất tại chỗ, các chính phủ này lại tăng thuế và tiếp tục vay nợ, tạo ra một vòng luẩn quẩn nợ nần không có hồi kết.
Ngoài ra, sự tăng trưởng kinh tế của ĐCSTQ đã mang lại cho nó các nguồn lực tài chính để tiếp tục đàn áp những người vô tội. Trên thực tế, hàng trăm nghìn sinh mệnh đã bị giết bởi bộ máy đàn áp của ĐCSTQ.
Từ những quan điểm này, Hoa Kỳ, với tư cách là nhà lãnh đạo của thế giới tự do, nên đứng ra gánh vác trách nhiệm đạo đức đối với thế giới, chính là nhanh chóng tách khỏi Trung Quốc, cũng là ngừng nuôi dưỡng con rồng đỏ đã và đang nuốt chửng nhân loại.
Tác giả: Alvaro Colombres Garmendia – The BL
Thanh Tâm biên dịch