Cập nhật tình hình chiến sự Nga-Ukraine

TT Putin đưa ra hai yêu cầu ‘khó khăn nhất’ đối với Ukraine trong đàm phán ngừng bắn

Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài diễn văn tại buổi hòa nhạc đánh dấu kỷ niệm tám năm cuộc trưng cầu dân ý về quy chế nhà nước của Crimea và Sevastopol cũng như sự thống nhất của họ với Nga, tại Moscow, hôm 18/03/2022. (Ảnh: Sergei Guneyev/Sputnik Pool Photo/AP)

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra một số yêu cầu đối với Ukraine trong đó có hai “vấn đề khó khăn nhất” trong cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin nói với một số hãng thông tấn rằng các yêu cầu có thể được chia thành hai phần.

Bốn điều khoản đầu tiên dường như có thể là điểm chung cho cả hai bên.

“Về căn bản, có sáu chủ đề được thảo luận. Đầu tiên là tính trung lập của Ukraine, tức là nước này rút khỏi tư cách thành viên NATO. Thứ hai, giải trừ quân bị và bảo đảm an ninh lẫn nhau trong hoàn cảnh theo mô hình của Áo. Thứ ba, quá trình mà phía Nga gọi là ‘phi phát xít hóa’. Thứ tư, loại bỏ những trở ngại đối với việc sử dụng rộng rãi tiếng Nga ở Ukraine,” ông nói với tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ Hurriyet trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Bảy (19/03).

Một số tiến triển đã đạt được trong bốn chủ đề trên; tuy nhiên, còn quá sớm để nói rằng có thể đạt được một thỏa thuận đầy đủ vì có hai “vấn đề khó khăn nhất” khác.

Ông Putin đã đưa ra hai yêu cầu liên quan đến lãnh thổ.

Ông Putin sẽ yêu cầu Ukraine công nhận việc Nga sáp nhập Crimea, và thừa nhận sự độc lập của Donbas, một khu vực tranh chấp ở đông nam Ukraine.

Ông Putin đã công nhận nền độc lập của cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk, hai lãnh thổ ly khai ở Donbas, vài ngày trước khi ông ra lệnh xâm lược toàn bộ Ukraine.

Ông Putin được cho là đã nói với Tổng thống Erdogan rằng ông sẽ hội đàm với đích thân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về các vấn đề liên quan đến lãnh thổ nếu hai bên đạt được điểm chung trong bốn lĩnh vực đầu tiên.

The Epoch Times đã liên lạc với chính phủ Ukraine và chính phủ Nga để yêu cầu bình luận.

Tổng thống Zelensky đã đề nghị Tổng thống Putin nói chuyện trực tiếp với ông sau khi chiến tranh nổ ra. Một lần nữa ông đã đề nghị hôm thứ Bảy (19/03) rằng các tranh chấp giữa Nga và Ukraine cần được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán “có ý nghĩa”.

Ông nói trong một tuyên bố: “Các cuộc đàm phán về hòa bình, về an ninh cho chúng tôi, cho Ukraine — có ý nghĩa, công bằng, và không chậm trễ — là cơ hội duy nhất để Nga giảm bớt thiệt hại do những sai lầm của chính mình.”

Ông cũng cảnh báo rằng cuộc chiến sẽ gây ra những tổn thất to lớn cho Nga nếu hai bên không kịp thời kết thúc chiến tranh.

Ông nói: “Nếu không, tổn thất của Nga sẽ lớn đến mức vài thế hệ cũng sẽ không đủ để phục hồi.”

Ông Putin đã ra lệnh một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine hôm 24/02 sau khi các nỗ lực ngăn chặn chiến tranh thất bại.

Liên Hiệp Quốc cho biết, tính đến ngày 19/03, họ đã ghi nhận 847 người tử vong và 1,399 người bị thương ở Ukraine vì hành động quân sự của Nga chống lại Ukraine, phần lớn là do pháo kích và không kích.

Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc tin rằng số liệu thực tế “cao hơn đáng kể”.

Dữ liệu của Liên Hiệp Quốc cho thấy hơn 3.3 triệu người đã chạy khỏi Ukraine kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Ông Allen Zhong là một nhà văn và phóng viên lâu năm của The Epoch Times. Ông gia nhập Epoch Media Group vào năm 2012. Ông chuyên đưa tin về chính trị Hoa Kỳ.

Việt Phương biên dịch


Bộ Quốc phòng: Ukraine ‘tạm thời’ mất quyền tiếp cận Biển Azov 

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết vào cuối ngày thứ Sáu (18/03) rằng họ “tạm thời” mất quyền tiếp cận Biển Azov khi các lực lượng xâm lược của Nga đang siết chặt vòng vây xung quanh cảng lớn Mariupol của Biển này.

“Những người chiếm đóng đã thành công một phần trong khu vực hoạt động Donetsk, tạm thời tước quyền tiếp cận Biển Azov của Ukraine,” Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết trong một tuyên bố.

Bộ không nêu rõ trong tuyên bố của mình liệu các lực lượng của Ukraine có lấy lại được quyền tiếp cận Biển này hay không.

Hôm thứ Sáu, Nga cho biết quân đội của họ đang “thắt chặt thòng lọng” xung quanh Mariupol, nơi ước tính 80% nhà cửa của thành phố đã bị hư hại. Khoảng 1,000 người vẫn có thể bị mắc kẹt trong những hầm trú bom tạm bợ bên dưới một nhà hát bị phá hủy.

Mariupol, với vị trí chiến lược trên bờ Biển Azov, đã trở thành mục tiêu kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào ngày 24/02 khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thực hiện cái mà ông gọi là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Thành phố nằm trên tuyến đường giữa bán đảo Crimea do Nga sáp nhập ở phía tây và vùng Donetsk ở phía đông, do lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát một phần.

Nga tuyên bố ngay từ ngày 01/03 rằng các lực lượng của họ đã cắt đứt quân đội Ukraine khỏi Biển Azov.


Giám đốc NASA Bill Nelson gạt bỏ lo ngại về hợp tác vũ trụ Mỹ-Nga

Gạt bỏ lo ngại rằng căng thẳng địa chính trị Mỹ-Nga có thể ảnh hưởng đến sự hợp tác chung trong không gian, ông Bill Nelson, Giám đốc NASA, cho biết hôm thứ Sáu (18/03) rằng ông rất vui mừng về tên lửa mặt trăng mới được công bố gần đây, Artemis 1, mà ông hy vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về khám phá không gian, bao gồm việc thiết lập căn cứ trên mặt trăng và cuối cùng là đưa con người lên Hỏa tinh.

“Vâng, đúng là chúng ta có vấn đề với Tổng thống Putin trên mặt đất. Và cũng đúng là thế giới tự do đã thực sự xích lại gần nhau như quý vị chưa từng thấy trong vài thập niên qua, NATO và Hoa Kỳ đoàn kết cùng nhau. Nhưng đó là mặt đất. Một khi quý vị tiến vào không gian, chương trình không gian dân dụng, giữa các phi hành gia của Nga và Hoa Kỳ là chuyên nghiệp nhất có thể và tôi hy vọng điều đó sẽ tiếp tục,” ông Nelson nói.

Sức bền của mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa Mỹ và Nga trong không gian đang được thử thách bởi sự đối kháng ngày càng cao giữa hai địch thủ cũ của thời Chiến Tranh Lạnh sau khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng trước.

Related posts