Tuyên truyền về Liên Xô quá mạnh khiến có người Việt Nam ủng hộ Nga xâm lược Ukraine

BBC

Một nhà hoạt động thuộc Đảng Cộng sản Nga giơ cao lá cờ có chân dung của hai nhà lãnh đạo quân sự và chính trị của Liên Xô là Joseph Stalin và Vladimir Ilʹich Lenin vào ngày 05 tháng 03 năm 2022
Một nhà hoạt động thuộc Đảng Cộng sản Nga giơ cao lá cờ có chân dung của hai nhà lãnh đạo quân sự và chính trị của Liên Xô là Joseph Stalin và Vladimir Ilʹich Lenin vào ngày 05 tháng 03 năm 2022

“Hoài niệm về Liên Xô đặc biệt đối với những thế hệ người lớn tuổi ở Việt Nam được tạo dựng từ việc thể hiện lịch sử Liên Xô được tô hồng cách trình bày (sanitized presentation) từ cỗ máy tuyên truyền của Việt Nam nói chung và các sách giáo khoa lịch sử của Việt Nam nói riêng, Phó Giáo sư Martin Grossheim từ Đại học Quốc gia Seoul nói với BBC News Tiếng Việt.

“Quan sát của tôi là một số người Việt Nam vẫn còn giữ sự hoài niệm về Liên Xô mà không dựa trên bất kỳ kiến thức lịch sử sâu rộng nào về điều gì đã xảy ra ở Liên Xô khi Joseph Stalin nắm quyền. Cảm giác này được nuôi dưỡng từ cách thể hiện lịch sử Liên Xô trong sách giáo khoa, phim tài liệu truyền hình…”

Phó Giáo sư Martin Grossheim cho biết các sách giáo khoa của Việt Nam trước và sau thời kỳ Đổi mới bắt đầu năm 1986 chỉ đề cập ngắn đến sự phát triển của Liên Xô trong hai thập kỷ, kể lại câu chuyện thành công về sự trỗi dậy của một quốc gia công nghiệp hiện đại và uy lực.

Cỗ máy tuyên truyền về Liên Xô

Trong một phân tích gửi đến BBC News Tiếng Việt, Phó Giáo sư Martin Grossheim đề cập những điểm chính sau về nội dung giảng dạy về Liên Xô trong sách giáo khoa ở Việt Nam.

Thay vì mô tả lại Nạn đói Diệt chủng ở Liên Xô năm 1932 và 1933 (Holodomor Genocide) là một phần kết quả của chính sách bỏ đói cho chết của Stalin, thì sách giáo khoa Việt Nam mô tả chương trình tập thể hóa nông nghiệp của Liên Xô là một câu chuyện thành công và đổ tội cho tiểu nông (kulak) cho bất kỳ vấn đề nào nảy sinh.

Ngoài ra sách giáo khoa Việt Nam không đề cập đến bao nhiêu người đã chết vì kế hoạch hiện đại hóa này, chương trình hợp tác xã nông nghiệp và trong suốt thời kỳ Đại Khủng bố (Great Terror).

Khi nói đến Thế chiến Lần 2 (1939-1945) thì sách giáo khoa Việt Nam ghi chép rằng tất cả các nỗ lực của Liên Xô nhằm thiết lập một mặt trận thống nhất chống Phát xít Đức bị Mỹ và các quốc gia tư bản ngăn cản vì muốn dồn Moscow vào cuộc chiến với phát xít Đức nhằm tiếp tục cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản của mình.

Liên Xô đã được mô tả như một nạn nhân và kẻ thù chính của Phát xít Đức cho đến năm 1944, trong khi cả Mỹ và Anh đều đã không “nghiêm túc tham chiến”.

Vyacheslav Molotov signs the Non-aggression Pact between Germany and the USSR
Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Vyacheslav Molotov ký Hiệp ước Bất Tương Xâm với phát-xít Đức trước sự chứng kiến của Stalin và Ngoại trưởng Đế chế của Hitler Joachim von Ribbentrop (bìa trái, cạnh Stalin) (TASS GETTY)

Sách giáo khoa lịch sử của Việt Nam cho rằng Hiệp ước Bất Tương Xâm Liên Xô-Đức (Molotov-Ribbentrop) ký vào tháng 08/1939 là một kế hoạch ngoại giao thông minh của Liên Xô nhằm giành lấy thời gian. Ngoài ra thì cuộc thảm sát Katyn năm 1940 do cảnh sát mật của Liên Xô thực hiện, khiến hơn 20.000 tù binh chiến tranh Ba Lan thiệt mạng thì không được đề cập, mặc dù báo chí Việt Nam đã nói đến gần đây.

Tại Brest, ngày 29/09, Hồng quân Liên Xô và quân Đức vui đùa, hút thuốc lá thân ái sau cuộc hợp đồng tác chiến cùng đánh và chia đôi lãnh thổ Ba Lan. Quân Liên Xô xâm lăng Ba Lan ngày 17/09 bằng một lực lượng áp đảo.
Liên minh Đỏ-Đen: tại Brest, ngày 29/09, Hồng quân Liên Xô và quân Đức phát-xít vui đùa, hút thuốc lá thân ái sau khi chia đôi Ba Lan. Quân Liên Xô xâm lăng Ba Lan 17/09/1939 bằng một lực lượng áp đảo. (TOPICAL PRESS AGENCY)

Sau khi Thế chiến Lần 2 kết thúc thì Liên Xô được mô tả là “thành trì hòa bình’ của lực lượng tiến bộ và dân chủ. Sách giáo khoa Việt Nam cũng không đề cập đến báo cáo mật của Bí thư thứ nhất Liên Xô là Nikita Khrushchev hay sự khởi đầu của quá trình phi Stalin hóa và chỉ đề cập một cách không rõ ràng về việc Đảng Cộng sản Liên Xô sau năm 1953 bắt đầu xem lại vụ việc một số người bị kết án sai vào những năm 1930.

“Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới vào năm 2017 đã long trọng tổ chức kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga” Phó Giáo sư Martin Grossheim nói.

Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã phát sóng bộ phim tài liệu “Ánh sáng tháng 10”. Theo VTV thì “Cuộc Cách mạng tháng Mười ở nước Nga do V.I.Lenin lãnh đạo đã đưa giai cấp vô sản lên nắm quyền, xây dựng một nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới và là nguồn cổ vũ cho các dân tộc bị áp bức giành độc lập tự do… Đây được đánh giá là một sự kiện làm rung chuyển thế giới trong thế kỷ 20, có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cách mạng Việt Nam.”

‘Không kỳ vọng sẽ có thay đổi’

“Tôi biết là Việt Nam đang soạn thảo sách giáo khoa lịch sử mới. Nếu các nhà biên tập làm theo đúng lời hứa thì cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ được đề cập chi tiết, nhưng tôi không trông đợi sẽ có bất kỳ thay đổi mang tính nền tảng nào trong việc thể hiện lịch sử Liên Xô. Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 2016 đã cảnh báo về bất kỳ biểu hiện ‘tự diễn biến’ nào và một trong số đó là ‘tiêu cực hóa các thành tựu của chủ nghĩa Marx-Lenin’, chắc chắn bao gồm lịch sử Liên Xô” – Phó Giáo sư Martin Grossheim nhận định.

“Cũng không phải là không trùng hợp khi vào năm 2017, thì Học viện Cảnh sát Nhân dân ở Hà Nội khánh thành tượng ông Felix Dzerzhinsky, người sáng lập Tscheka, tổ chức tiền thân đầy tai tiếng của Ủy ban An ninh Liên Xô (KGB). Đại diện Đại sứ quán Nga tại Việt Nam tại Hà Nội cũng đã tham dự buổi lễ”, Phó Giáo sư Martin Grossheim nói thêm.

Theo Bách khoa Toàn thư Anh (Britannica) thì Dzerzhinsky là người đầu tiên lập ra các trại tập trung ở Nga, và có tiếng là “một lãnh đạo cộng sản không khoan nhượng, không tham nhũng và cuồng tín”. Theo Stephen Dalziel, phóng viên chuyên về Nga của BBC News, trong giai đoạn ngay sau khi Lenin lên nắm quyền ở Nga, “ít nhất nửa triệu người đã bị xử tử”.

Biết ơn Liên Xô nên ủng hộ Nga xâm lược Ukraine?

“Tôi nghĩ một số người Việt Nam cũng tin rằng Việt Nam nên đứng cùng phe với Putin bởi vì Việt Nam nên biết ơn Nga về sự hỗ trợ quân sự… và rằng Moscow đã trợ giúp miền Bắc trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Việt Nam không nên vô ơn, một số người sử dụng câu nói là không nên ‘ăn cháo đá bát'”, Phó Giáo sư Martin Grossheim nói.

“Về lập luận này thì tôi nghĩ hiện Nga đang là đối tác cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam vì hai lý do chính sau đây: đó là căn bản vũ khí của Nga thì rẻ hơn vũ khí của Mỹ (về mặt lý thuyết thì Việt Nam có thể mua vũ khí từ Mỹ và về khía cạnh truyền thống thì Việt Nam thường xuyên mua vũ khí từ Nga.”

“Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam thì Liên Xô cũng hỗ trợ quân sự cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bắc Việt) bởi vì cùng phe với Hà Nội trong Chiến tranh Lạnh chống Mỹ. Và sau năm 1975 thì Việt Nam lại theo khối xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu, ký một hiệp ước hợp tác với Moscow vào năm 1978 và trở thành thành viên của Hội đồng Tương trợ Kinh tế (COMECON) cùng năm đó. Và những ngày đó thì mối quan hệ đôi bên được thúc đẩy nhiều vì chung ý thức hệ, còn hiện nay thì về khía cạnh thương mại nhiều hơn.”

Bình luận trước thông tin một bộ phận người Việt Nam ủng hộ Nga xâm lược Ukraine để giải trừ lực lượng tân phát xít tại Ukraine, Giáo sư ngành Hoa Kỳ học Scott Lucas từ Đại học Birmingham nói với BBC News Tiếng Việt:

“Hệ thống tin giả của Nga thay đổi theo từng quốc gia, phụ thuộc theo cách tiếp cận của mỗi chính phủ, cơ chế mạng xã hội… Việc Putin nói đưa quân vào giải trừ tân phát xít tại Nga là tin giả và chỉ là cái cớ để biện minh cho cuộc xâm lược.”

“Vladimir Putin đã tiến hành một cuộc chiến tranh pha trộn (hybrid war) tại Ukraine từ năm 2014. Sau khi lãnh đạo thân Nga là Tổng thống Ukraine Yanukovych bị lật đổ thì Nga đã tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, tấn công mạng Ukraine, đe dọa kinh tế, thiết lập lực lượng ủy nhiệm tại miền Đông Ukraine. Nga đã cố gây tổn hại và chia rẽ Ukraine trong 8 năm qua. Putin đã đặt cược rằng Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ không ủng hộ Ukraine và sẽ đứng bên rìa.”

“Lực lượng tân phát xít không điều hành chính phủ Ukraine. Tổng thống Zelensky và các cố vấn cấp cao đều là người Do Thái. Tiểu đoàn Azov (Azov Battalion) tách biệt với các đảng phái chính trị tại Ukraine. Trong kỳ bầu cử Quốc hội Ukraine 2019 thì nhóm này không đạt được ghế nào do đó không phải là một lực lượng đáng kể trong nền chính trị Ukraine.”

Giáo sư Scott Lucas nói thêm rằng tại Nga hiện có lực lượng cực hữu và điều đáng chú ý là lực lượng cực hữu tại Nga lại có tầm ảnh hưởng hơn nhiều tại Ukraine.

“Nga thì sẽ không nói ra điều này, và sẽ đưa ra một loạt các thông tin sai lệch và nói rằng lực lượng tân phát xít đang tiến hành diệt chủng tại miền Đông Ukraine. Điều này là không đúng sự thật. Nga còn nói rằng phát xít mới đang được phía Mỹ huấn luyện và điều này cũng sai sự thật. Đây là một trò chơi và họ đã thành công tại Syria trong vài năm qua”, Giáo sư Scott Lucas nhận định.

Và Putin có muốn phục hồi Liên Xô?

Có nhiều nhận định về việc Tổng thống Nga thật sự muốn gì khi quyết định xâm lược toàn diện Ukraine. Một trong số đó, nhà sử học Niall Ferguson lập luận rằng Putin không muốn phục hồi ánh hào quang cũ cho Liên Xô mà thay vào đó muốn phục hồi đế quốc Nga của Sa Hoàng Peter.

Trong một phân tích đăng trên tạp chí The Spectator ngày 26/02 chỉ hai ngày sau khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine, Niall Ferguson viết “Vào năm 2005, Putin từng nói rằng Liên Xô sụp đổ là ‘một thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ’. Thế nhưng thật sự thì Peter Đại đế là người anh hùng của Putin, hơn Stalin rất nhiều.”

“Ông ta [Putin] nói khá rõ trong một cuộc phỏng vấn với Lionel Barber, vào thời điểm đó là biên tập tờ Financial Times vào 2019. Lionel Barber nói có một bức tượng đồng của Sa Hoàng Peter lấp lánh trong căn phòng họp nội các của Putin. Tổng thống Putin khi đó đã tuyên bố Sa Hoàng Peter vẫn sống mãi miễn là nguyên tắc của ông ấy còn đó. Và nguyên tắc đó chính là biến nước Nga trở thành một siêu cường ở châu Âu trên nền tảng kinh tế có sức mạnh quân sự ngang bằng với Áo, Anh, Pháp và Phổ…và không nhà sử học nào có thể tranh cãi rằng Sa Hoàng Peter đã không đạt được mục tiêu này.”

“Như trận chiến Poltava vào ngày 08/07/1709 thì Sa Hoàng Peter đã đánh bại quân đội của nhà vua Charles XII của Thụy Điển, một trong siêu cường trong suốt thế kỷ 17. Poltava nằm cách 200 dặm về phía đông Kyiv, không xa Luhansk và Donetsk.”

“Đây chính là lịch sử đã truyền cảm hứng cho ‘Sa Hoàng’ Vladimir Putin ngày nay, nhiều hơn hẳn so với các chương đen tối trong thời gian trị vì của Stalin, mãi mãi in sâu trong tâm trí người dân Ukraine về nạn đói diệt chủng Holodomor tại Ukraine nhân danh chính sách hợp tác xã nông nghiệp”, nhà sử học Niall Ferguson viết trên The Spectator.

Related posts