Dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) và chiến tranh Nga-Ukraine đã khiến vấn đề lương thực đang ngày càng trở nên cấp bách hơn, dường như điều này đang khiến chính quyền Trung Quốc khẩn cấp thúc đẩy phong trào khôi phục đất canh nông.
Bà Mari Elka Pangestu, Phó Chủ tịch Điều hành của Ngân hàng Thế giới, đã viết bài “Bốn con đường để giải quyết cuộc khủng hoảng giá lương thực”, theo đó chỉ ra rằng các nước và cộng đồng quốc tế có thể thực hiện 4 hành động ưu tiên sau:
Thứ nhất là cởi mở trong hoạt động thương mại lương thực: Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm, các nước và các tổ chức quốc tế phải đoàn kết và cùng nhau thực hiện các cam kết giữ cho lương thực được lưu thông;
Thứ hai là hỗ trợ người tiêu dùng và các hộ gia đình dễ bị tổn thương thông qua các mạng lưới an toàn: Khi nguồn lực bị trì trệ kéo dài, các chính phủ nên ưu tiên hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất;
Thứ ba là hỗ trợ nông dân và mở rộng nghiên cứu ứng dụng phân bón sinh học: So với phân bón tổng hợp, phân bón sinh học ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch hơn và cung cấp cho nông dân nhiều lựa chọn bền vững hơn;
Thứ tư và quan trọng nhất là đi cùng đáp ứng các nhu cầu cấp thiết, phải cam kết chuyển đổi hệ thống lương thực: Trước khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ, hệ thống lương thực đã bị ảnh hưởng bởi nhiều cuộc khủng hoảng; tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đang gia tăng ở nhiều nước là biểu hiện của những cú sốc kinh tế, nhiều cuộc xung đột, đợt hạn hán lịch sử ở Đông Phi và dịch châu chấu cực đoan.
Tình hình tại Trung Quốc
Cuối tháng Hai năm nay, Văn kiện số 1 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phát hành có đề cập: “Ổn định diện tích gieo và sản lượng lương thực cả năm. Bảo đảm chắc chắn chén cơm của người Trung Quốc được chắc chắn trong tay người Trung Quốc, đến từ nguồn tại Trung Quốc… thì cần đảm bảo diện tích gieo trồng ổn định và sản lượng đạt hơn 1.300 tỷ kg”.
Nhưng số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố cho thấy từ tháng 1 – 12/2021 Trung Quốc đã nhập khẩu 164,539 triệu tấn lương thực, so với cùng kỳ năm trước đó đã tăng 25,273 triệu tấn (18,1%).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã nhiều lần “chỉ thị” về vấn đề lương thực, chẳng hạn như ngày 7/3 đã tuyên bố: “An ninh lương thực là ‘vấn đề lớn nhất của đất nước’. Trong mọi thứ, chén cơm luôn là quan trọng hàng đầu”.
Trong bối cảnh đó, chính quyền Bắc Kinh đã ra sức thúc đẩy khôi phục nguồn đất canh nông, phong trào này càng mạnh mẽ sau khi bùng nổ chiến tranh Nga-Ukraine.
Ngày 28/3, Đài Á châu Tự do (RFA) dẫn nguồn tin từ Trung Quốc cho biết, số lượng lớn các cơ sở chăn nuôi có thu nhập tốt đã bị chính phủ cưỡng chế san bằng, ngay cả các cơ sở công đã được xây dựng từ lâu cũng bị buộc phải phủ đất để làm nông nghiệp, những nạn nhân chống lại phong trào này đã bị chính quyền đàn áp nghiêm trọng.
Một quan chức thuộc hệ thống tỉnh Hồ Bắc xác nhận với Đài RFA rằng chính quyền trung ương đã ra lệnh kiểm soát chặt chẽ việc khôi phục đất canh nông và hiện tất cả các khu vực đã nhận được thông báo. Lý do đằng sau phong trào này là vì khả năng tự cung tự cấp lương thực của Trung Quốc đang gặp vấn đề nghiêm trọng, cộng thêm hiện nay có thể có vấn đề trong nhập khẩu.
Vị quan chức này cho biết vì kế hoạch do ông Chủ tịch Tập Cận Bình thúc đẩy nên áp lực rất lớn, các chính quyền địa phương chỉ có thể kiên quyết thực thi. Trong phong trào khôi phục nguồn đất canh nông này, những nơi vốn phát triển nhất khu công nghiệp và bất động sản như đồng bằng sông Châu Giang, sông Dương Tử và bờ biển phía đông nam phải đối mặt với áp lực lớn nhất. Lấy Quảng Đông làm ví dụ, chính phủ yêu cầu họ trong vòng một năm phải trồng lại khoảng 800.000 mẫu. Người dân và chính quyền địa phương đều không có cách nào khác là phải tuân thủ, thậm chí có nơi ứng phó bằng cách đắp một lớp đất mỏng lên nền bê tông, trồng một số loại hoa màu để đối phó với đợt kiểm tra.
Quan chức này cũng ví dụ một số khu đất nhà máy bị bỏ hoang ở Vận Thành tỉnh Sơn Đông cũng được yêu cầu cải tạo lại, sau đó ngay cả khi cái gọi là “cải tạo” đã hoàn thành thì giới chức địa phương cũng còn phải cho phủ thêm một lớp đất lên mặt đất ô nhiễm nghiêm trọng bởi chất thải công nghiệp độc hại.
Đài RFA bình luận rằng từ việc ban đầu yêu cầu hoàn đất trồng rừng đến việc khuyến khích trồng trọt và chăn nuôi, du lịch nông nghiệp, và nay là khôi phục nông nghiệp, từng lần thay đổi đột ngột như vậy đều gây ra những thiệt hại nghiêm trọng.
Tại “Diễn đàn Tam nông Thanh Hoa 2022” được tổ chức vào ngày 8/1 năm nay, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc đã công bố kết quả nghiên cứu chỉ ra sự thay đổi của tỷ lệ tự cung cấp lương thực của Trung Quốc, theo đó trong 20 năm qua tỷ lệ đã giảm từ khoảng 100% xuống còn khoảng 76%. Nhóm nghiên cứu của Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc tính toán rằng tổng tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của Trung Quốc vào năm 2035 có thể tiếp tục giảm từ mức 76% hiện tại xuống còn khoảng 65%.
Tự túc lương thực là một chỉ số quan trọng của an ninh lương thực quốc gia.
Chính Hâm, Vision Times